Cháy xe ô tô gia tăng mùa nắng nóng: 5 biện pháp phòng tránh bạn nên biết

Nắng nóng gay gắt trong mùa hè khiến nguy cơ cháy xe ô tô tăng cao. Để phòng tránh cháy nổ, chủ xe cần chú ý đến các yếu tố như hệ thống nhiên liệu, điện và các vật dụng trong xe.

Gần đây, tại Việt Nam liên tục ghi nhận các vụ cháy xe ô tô, gây lo ngại trong cộng đồng. Các vụ cháy không chỉ xảy ra khi phương tiện đang di chuyển trên đường mà còn được ghi nhận tại các khu vực như bãi đỗ xe hay hầm chung cư.

Theo các chuyên gia kỹ thuật ô tô, nguyên nhân dẫn đến cháy xe rất đa dạng, nhưng phổ biến nhất vẫn là do rò rỉ hệ thống nhiên liệu, dầu máy hoặc chập cháy hệ thống điện.

Những yếu tố này đặc biệt dễ phát sinh trong điều kiện thời tiết nắng nóng, khi nhiệt độ bề mặt xe và bên trong khoang động cơ có thể lên đến hơn 60 độ C.

chay-oto
 

Để phòng tránh nguy cơ cháy xe ô tô trong mùa hè, người dùng cần đặc biệt lưu tâm đến một số biện pháp an toàn sau:

1. Tuyệt đối không để vật dụng dễ cháy nổ trong xe

Nhiệt độ trong khoang nội thất ô tô khi đỗ dưới trời nắng có thể tăng cao vượt ngưỡng chịu đựng của nhiều vật dụng thông thường. Việc để lại các thiết bị như bật lửa, pin sạc dự phòng, điện thoại, dung dịch rửa tay chứa cồn,... trong xe hoàn toàn có thể gây ra cháy nổ nếu tiếp xúc lâu với nhiệt độ cao.

Ngoài ra, ánh nắng trực tiếp cũng khiến các bộ phận nội thất như bảng táp-lô, ghế ngồi, vô-lăng bị làm nóng nhanh chóng, góp phần làm tăng nguy cơ phát sinh hỏa hoạn nếu có yếu tố gây cháy.

1-STN4E2eRfF
 

2. Kiểm tra hệ thống nhiên liệu và dầu máy định kỳ

Hệ thống nhiên liệu là một trong những khu vực nhạy cảm và dễ bắt lửa nhất trên xe. Do đó, việc thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng khu vực này là điều hết sức cần thiết. 

Nếu phát hiện mùi xăng dầu bất thường trong cabin hoặc tại vị trí đỗ xe, người dùng nên kiểm tra kỹ khu vực gầm xe, khoang động cơ để xác định có dấu hiệu rò rỉ hay không. Việc rò rỉ nhiên liệu, dù là nhỏ nhất, cũng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nếu gặp nguồn lửa.

Trong trường hợp phát hiện vết dầu loang, vết chảy dưới gầm xe hoặc tiếng xì nhẹ từ các đường ống dẫn nhiên liệu, cần lập tức đưa xe đến các trung tâm bảo dưỡng để kiểm tra và khắc phục.

3. Thường xuyên vệ sinh khoang máy và kiểm tra hệ thống điện

Khoang máy là khu vực dễ bị bỏ qua, đặc biệt với những chiếc xe không sử dụng thường xuyên. Tuy nhiên, đây lại là nơi chuột, gián thường xuyên xâm nhập và cắn phá dây dẫn, dẫn tới nguy cơ chập cháy cao.

nap-capo-oto
 

Người dùng cần định kỳ vệ sinh khoang máy, sử dụng dung dịch xịt đuổi chuột chuyên dụng và kiểm tra kỹ các dây điện, thiết bị như ắc-quy, hộp cầu chì.

Nếu phát hiện dây dẫn bị hở, oxy hóa hoặc có dấu hiệu bị gặm nhấm, cần thay thế kịp thời để đảm bảo an toàn cho hệ thống điện. Việc để dây điện lỏng lẻo hoặc sử dụng dây dẫn kém chất lượng có thể dẫn đến hiện tượng đoản mạch, gây phát lửa trong khoang máy.

4. Hạn chế độ chế hệ thống điện, thiết bị giải trí không cần thiết

Thói quen "độ xe", gắn thêm các thiết bị như đèn LED, màn hình giải trí, âm thanh công suất lớn,... có thể gây quá tải hệ thống điện nếu không được đấu nối đúng cách. Rất nhiều vụ cháy xe xuất phát từ việc đấu điện không đúng kỹ thuật, sử dụng chung nguồn điện với hệ thống quan trọng của xe. 

Các chuyên gia khuyến cáo, nếu có nhu cầu nâng cấp, chủ xe cần thực hiện tại các cơ sở uy tín, đảm bảo mỗi thiết bị có nguồn điện độc lập và không gây ảnh hưởng đến hệ thống chính.

bao-duong-oto
 

5. Vệ sinh gầm xe, loại bỏ vật liệu dễ cháy sau mỗi hành trình

Khi xe lưu thông qua các tuyến đường quê, vùng đồi núi, cánh đồng,... rơm rạ, lá khô dễ mắc kẹt dưới gầm xe mà người lái không để ý. Nếu các vật liệu này kết hợp với nhiên liệu rò rỉ hoặc tia lửa sinh ra từ động cơ, ống xả, khả năng phát hỏa là rất lớn. 

Do đó, sau mỗi chuyến đi, đặc biệt là các hành trình dài, người dùng nên kiểm tra và xịt rửa gầm xe kỹ lưỡng để loại bỏ những nguy cơ tiềm ẩn.