Theo Thông tư 79/2024/TT-BCA của Bộ Công an, hệ thống biển số xe ở Việt Nam được cấp từ số hiệu 10 đến 99, tương ứng với 63 tỉnh, thành phố.
Ví dụ, tỉnh Hà Tây trước khi sáp nhập vào Hà Nội năm 2008 mang biển số 33, và đến nay, biển số này vẫn tiếp tục được sử dụng bình thường dù không còn là đơn vị hành chính độc lập.
Tương tự, với các đợt sáp nhập sắp tới, nhiều khả năng các địa phương vẫn giữ nguyên biển số xe cũ, không có sự thay đổi ngay lập tức.

Theo Điều 10, Nghị quyết 190/2025/QH15 của Quốc hội, người dân không bắt buộc phải đổi đăng ký xe hoặc biển số xe sau khi địa phương thực hiện sáp nhập trừ khi pháp luật có quy định khác.
Cụ thể, các loại giấy tờ, văn bản, chứng nhận – trong đó có đăng ký xe và biển số vẫn có giá trị sử dụng cho đến khi hết thời hạn hoặc có sự thay đổi thông tin mà không yêu cầu phải đổi mới do lý do hành chính.
Bên cạnh đó, Điều 18 Thông tư 79/2024/TT-BCA cũng không liệt kê "sáp nhập tỉnh, thành phố" là lý do bắt buộc phải đổi biển số hoặc giấy đăng ký xe.

Việc đổi biển số xe hoặc giấy đăng ký chỉ áp dụng trong các trường hợp cụ thể sau:
-
Biển số hoặc giấy đăng ký bị mờ, hỏng.
-
Xe thay đổi màu sơn, cải tạo kỹ thuật.
-
Xe chuyển đổi mục đích sử dụng (ví dụ từ cá nhân sang kinh doanh vận tải).
-
Chủ xe thay đổi thông tin cá nhân như tên, số định danh, địa chỉ...
-
Giấy đăng ký hết thời hạn sử dụng.
-
Chủ xe có nhu cầu chuyển từ biển ngắn sang biển dài (hoặc ngược lại).
Như vậy, người dân sinh sống tại các tỉnh, thành sắp sáp nhập không cần lo lắng về việc phải đổi biển số xe, miễn là xe vẫn đang sử dụng hợp pháp và không thuộc những trường hợp bắt buộc phải đổi theo quy định của pháp luật.

Việc giữ nguyên biển số sẽ giúp giảm tải thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình chuyển đổi địa giới hành chính mà không làm phát sinh chi phí hoặc phiền hà không cần thiết.