Chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, trước diễn biến phức tạp khó lường của thời tiết, những năm qua, việc sản xuất nông nghiệp của người dân bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan. Điều này đặt ra yêu cầu cho ngành nông nghiệp phải thích ứng và thay đổi để có thể phát triển bền vững trước thách thức từ biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt.

 

Thiên tai cực đoan và biến đổi khí hậu (BÐKH) đã và đang tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Vì vậy, các giải pháp nhằm bảo đảm an ninh lương thực, xóa đói, giảm nghèo... trong bối cảnh BÐKH đang là những vấn đề cấp bách đặt ra đối với ngành nông nghiệp.

Ảnh hưởng của BĐKH đến kinh tế nông nghiệp

Tổng cục Thống kê cho biết, tính riêng 9 tháng đầu năm 2021, GDP của ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng 2,74%, đóng góp 23,52% vào tăng trưởng của toàn nền kinh tế và hiện chiếm tỷ trọng 12,79% trong cơ cấu của toàn nền kinh tế nước ta. Trong đó, GDP lĩnh vực nông nghiệp tăng 3,32%, lâm nghiệp tăng 3,3%; thủy sản tăng 0,66%

Có vai trò quan trọng như vậy, nhưng ngành nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tác động từ BĐKH. Những đợt hạn hán và nóng kéo dài liên tiếp xảy ra ở khắp các vùng trong cả nước những năm gần đây cho thấy, mức độ ảnh hưởng của BĐKH đến kinh tế nông nghiệp Việt Nam. Cụ thể:

Thứ nhất, lũ lụt và nước biển dâng sẽ làm mất đất canh tác trong nông nghiệp. Nếu mực nước biển dâng cao thêm 1m mà không có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu, thì khoảng 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), 11% diện tích Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập. Lũ lụt sẽ khiến gần 50% diện tích đất nông nghiệp vùng ĐBSCL bị ngập chìm không còn khả năng canh tác.

Theo phân tích của Viện Tài nguyên thế giới về ảnh hưởng của lũ lụt đến GDP, Việt Nam đứng thứ 4 trong số 164 quốc gia được khảo sát về tác hại nghiêm trọng của lũ lụt đến toàn nền kinh tế; làm thiệt hại 2,3% GDP của Việt Nam mỗi năm…

Nông nghiệp là lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Thứ hai, tình trạng xâm nhập mặn ở khu vực ven biển cũng sẽ làm thu hẹp diện tích đất nông nghiệp. Một phần diện tích đáng kể đất trồng trọt ở vùng ĐBSH và ĐBSCL sẽ bị nhiễm mặn vì 2 đồng bằng này đều là những vùng đất thấp so với mực nước biển.

Xâm nhập mặn làm cho diện tích đất canh tác giảm, từ đó hệ số sử dụng đất có thể giảm từ 3-4 lần/năm xuống còn 1-1,5 lần/năm. Ngập mặn sẽ đặc biệt nghiêm trọng ở vùng ĐBSCL. Nếu nước biển dâng cao thêm 1m thì khoảng 1,77 triệu ha đất sẽ bị nhiễm mặn, chiếm 45% diện tích đất ở ĐBSCL và ước tính rằng, có khoảng 85% người dân ở vùng ĐBSCL cần được hỗ trợ về nông nghiệp.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Môi trường nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), BÐKH làm giảm năng suất một số loại cây trồng chủ lực. Cụ thể, năng suất lúa vụ xuân sẽ giảm 0,41 tấn/héc-ta vào năm 2030 và 0,72 tấn vào năm 2050. Năng suất cây ngô có nguy cơ giảm 0,44 tấn/héc-ta vào năm 2030 và 0,78 tấn vào năm 2050… dự báo đến năm 2100, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị ngập 89.473 héc-ta, tương ứng khu vực này sẽ mất khoảng 7,6 triệu tấn lúa/năm nếu nước biển dâng 100 cm. Khi đó, Việt Nam có nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng, gia tăng tỷ lệ đói nghèo...

Thứ ba, nhiệt độ tăng, hạn hán sẽ ảnh hưởng đến sự phân bố của cây trồng, đặc biệt làm giảm năng suất. Cụ thể là năng suất lúa của vụ xuân có xu hướng giảm mạnh hơn so với năng suất lúa của vụ mùa; năng suất ngô vụ đông có xu hướng tăng ở Đồng bằng Bắc Bộ và giảm ở Trung Bộ và Nam Bộ.

Thứ tư, đối với ngành Thủy sản: Việt Nam hiện có khoảng 480.000 người trực tiếp tham gia vào đánh bắt hải sản; 100.000 người làm việc ở ngành chế biến thủy sản và khoảng 2.140.000 người tham gia vào các dịch vụ nghề cá. Các sinh kế thủy sản, bao gồm đánh bắt và nuôi trồng, là những sinh kế phụ thuộc vào nguồn nước và sự phong phú của nguồn lợi ven biển, là một trong những lĩnh vực nhạy cảm nhất và dễ bị tổn thương nhất trước tác động của BĐKH.

Thứ năm, đối với tài nguyên rừng và hệ sinh thái: Thời gian qua, do những nguyên nhân khác nhau, đa dạng sinh học, các hệ sinh thái, đặc biệt là các hệ sinh thái rừng bị suy thoái trầm trọng: Nước biển dâng lên làm giảm diện tích rừng ngập mặt ven biển tác động xấu đến hệ sinh thái rừng tràm và rừng trồng trên đất bị nhiễm phèn ở ĐBSCL; Nhiệt độ và lượng nước bốc hơi tăng làm hạn hán kéo dài sẽ làm ảnh hưởng tới khả năng sinh trưởng của các loài thực vật và động vật rừng.

Tuy có nhiều giải pháp được xây dựng nhằm giúp lĩnh vực nông nghiệp có thể thích ứng với những thay đổi về khí hậu, ứng phó với thiên tai ngày một gia tăng và khó lường, nhưng để các giải pháp này thật sự phát huy tác động, cần nhận diện sâu hơn về đối tượng cũng như xu hướng của BÐKH.

Đẩy mạnh tái cơ cấu, phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới

Theo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 5 năm 2016-2020 tại Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, NNCNC, thông minh, thích ứng với BĐKH”.

Cùng với đó, chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030 chỉ rõ: “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại…; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường; nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng của nông nghiệp, nông dân với BĐKH từng vùng, miền”; “Chủ động thích ứng với BĐKH, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh”.

Nguyên nhân, thứ nhất, trong bối cảnh CMCN 4.0, việc tận dụng cơ hội là hết sức quan trọng để áp dụng những công nghệ mới nhất có tính đột phá trong phát triển nông nghiệp, tạo ra sự phát triển nhanh và bền vững đất nước; thứ hai, nền kinh tế nước ta phát triển theo chiều rộng đã tới hạn, cần đẩy mạnh phát triển theo chiều sâu; thứ ba, BĐKH vừa là vấn đề cấp bách toàn cầu, vừa là vấn đề cấp bách của mỗi quốc gia.

Để triển khai Nghị quyết Đại hội XIII về phát triển NNCNC, thích ứng với BĐKH, trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ một số định hướng giải pháp cơ bản sau:

Một là, tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách phát triển CNC trong nông nghiệp, thích ứng với BĐKH. Xem xét thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù cho các vùng chuyên canh; thúc đẩy hợp tác quốc tế để hỗ trợ ngành nông nghiệp thích ứng với BĐKH và phát triển sinh kế bền vững. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; bảo vệ và phát triển rừng gắn với xóa đói giảm nghèo…

Hai là, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch sản xuất. Kết hợp giữa cơ cấu lại theo nhóm sản phẩm chủ lực với cơ cấu lại theo lĩnh vực và cơ cấu lại theo vùng. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp. Kiểm soát chặt chẽ quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp. Xây dựng quy trình canh tác cho các cây trồng chủ lực tại mỗi vùng, bảo đảm năng suất, bảo vệ đất, có khả năng thích ứng với BĐKH.

Ngành Nông nghiệp đang tập trung vận động, hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa)

Ba là, thúc đẩy ứng dụng CNC trong nông nghiệp; ưu tiên phát triển giống cây trồng, vật nuôi mới cho năng suất cao, khả năng chống chịu tốt, thích ứng với điều kiện các vùng sinh thái. Đổi mới tổ chức sản xuất và thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị; Nghiên cứu và ứng dụng CNC trong sản xuất, chế biến, triển khai các chương trình nghiên cứu trọng điểm. Thực hiện chuyển giao công nghệ, lựa chọn nhập khẩu CNC thuộc danh mục ưu tiên, nghiên cứu, thử nghiệm, làm chủ và thích ứng với điều kiện thực tế của từng vùng, miền.

Bốn là, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào NNCNC; Nhân rộng mô hình trung tâm/vườn ươm tạo doanh nghiệp NNCNC. Khuyến khích nông hộ làm NNCNC. Đẩy mạnh xúc tiến, tìm kiếm thị trường, thực hiện chuỗi liên kết - tiêu thụ. Khai thác hiệu quả cơ hội từ các hiệp định tự do thương mại; Nâng cao năng lực phân tích, nghiên cứu, dự báo thị trường.

Năm là, xây dựng hệ thống và cơ chế giám sát tài nguyên, môi trường và BĐKH; dự báo, cảnh báo thiên tai, ô nhiễm và thảm họa môi trường, dịch bệnh. Nâng cao năng lực nghiên cứu, giám sát BĐKH, dự báo khí tượng, thủy văn và cảnh báo thiên tai; năng lực chủ động phòng tránh, giảm nhẹ, năng lực chống chịu và thích ứng với BĐKH. Chủ động, tích cực hợp tác quốc tế trong quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH.

Sáu là, đổi mới phương pháp đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp, tài nguyên, môi trường, phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với BĐKH. Gắn đào tạo với thị trường, đào tạo với nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh. Thực hiện chỉ tiêu đến năm 2025, tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt trên 55%. Có chính sách thu hút các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, cán bộ trẻ làm việc trong ngành nông nghiệp.

Phát triển NNCNC, thích ứng với BĐKH là một chủ trương hoàn toán đúng đắn, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, giúp thay đổi bức tranh nông nghiệp nước nhà, đưa nền nông nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển trong thời đại CMCN4.0.

Những mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu

Trà Vinh là tỉnh ven biển cuối nguồn sông Cửu Long, thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH). Mùa khô nắng nóng đến sớm hơn những địa phương khác ở vùng thượng và vùng giữa ĐBSCL. Nhất là những huyện ven biển như Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú và thị xã Duyên Hải. Theo Sở NN-PTNT Trà Vinh, giai đoạn 2014-2020, toàn tỉnh đã chuyển đổi trên 19.800ha, đất lúa kém hiệu quả. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, nông dân Trà Vinh đã chuyển đổi gần 1.880ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm và lâu năm khác hoặc kết hợp với nuôi trồng thủy sản.

Trong đó, người dân chuyển trên 987ha đất lúa sang trồng bắp, trồng cỏ và một số cây ngắn ngày khác. Trên 547ha sang trồng cây ăn trái, chuyển sang trồng dừa 282ha, kết hợp nuôi thủy sản trên 23ha và chuyên nuôi thủy sản trên 39ha. Xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang là một trong những địa phương thực hiện chuyển đổi mạnh diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng màu vụ hè thu năm 2021 và thực hiện tốt theo quy hoạch từng tiểu vùng.

Ông Kim Sô Phan, cán bộ nông nghiệp xã Long Sơn cho biết: Tiểu vùng I diện tích 1.250 ha chuyên sản suất 1 đến 2 vụ lúa cộng thêm 1 vụ màu. Tiểu vùng II diện tích 390 ha chuyên sản suất màu từ 2 đến 3 vụ/năm, chủ yếu là cây dưa hấu và đậu phộng. Riêng tiểu vùng III diện tích 950 ha nằm dọc theo sông Hiệp Mỹ thuộc Dự án đồng Trà Côn diện tích 410 ha và dự án đồng năng 440 ha chuyên nuôi thủy sản tiếp tục được chuyển đổi từ đất lúa sang nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh và siêu thâm canh.

Mô hình sản xuất kết hợp lúa - tôm - cua - màu ở ấp Lộ Sỏi A, xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải.

Cũng theo ông Kim Sô Phan, trong công tác chuyển đổi tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp năm 2021, xã Long Sơn đã và đang thực hiện chuyển đổi 13 ha bằng 25 hộ làm lúa kém hiệu quả sang trồng màu. Nâng tổng số chuyển đổi đến nay 182,5 ha chủ yếu ở các ấp Huyền Đức, Bào Mốt, Sóc Giụp, Sóc Mới, Ô Răng… Trong thực hiện hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp năm 2021 xã đã hỗ trợ nhà lưới trồng rau an toàn cho 3 hộ diện tích 0,6ha với số tiền 270 triệu đồng và 13 hộ chuyển đổi lúa sang trồng màu, cỏ diện tích 6,3 ha với số tiền 23,5 triệu đồng của ấp Huyền Đức.

Ấp Huyền Đức xã Long Sơn là khu vực đất giồng cát, mùa khô thường xảy ra tình trạng thiếu nước sản xuất. Nông dân phải khoan giếng để lấy nước sản xuất. Những năm qua, Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh đã đầu tư công trình hồ nước ngọt dự trữ nước mưa có khả năng phục vụ sản xuất cho hơn 10 hộ dân vào mùa khô. Nhờ có hồ nước ngọt này, tưới tiêu được đảm bảo, năng suất cây trồng cũng tăng lên. Từ đó, đời sống của bà con xung quanh hồ dần khấm khá hơn.

Ông Lê Quốc Hùng có 6.500 đất giồng ở đây nhờ thụ hưởng nguồn nước từ dự án hồ chứa nước ngọt và hỗ trợ pin năng lượng mặt trời từ dự án AMD (dự án thích ứng biến đổi khí hậu ĐBSCL) nên đời sống của gia đình ông cải thiện nhiều hơn.

Ông Hùng phấn khởi nói: “Ở đây, chủ yếu trồng cây dưa hấu, bí, đậu phộng. Riêng cây đậu phộng cần nhiều nước trong mùa khô. Chưa có sử dụng nguồn nước trồng đậu 1 vụ khoảng 1 tấn, bây giờ có thể lên đến 1,2-1,3 tấn. Riêng cây bí 1ha đạt 15 tấn/ha, nói chung có lợi nhuận hơn so với trước”.

“Nhờ được Dự án thích ứng biến đổi khí hậu ĐBSCL hỗ trợ 5 tấm pin năng lượng mặt trời, công suất khoảng 4 Kw/h. Nếu không có dự án hỗ trợ mỗi tháng chi phí xài điện khoảng 600.000 đồng. Từ khi có dự án này chi phí điện chỉ còn khoảng 300.000 đồng”, ông Lê Quốc Hùng bày tỏ.

Ông Nguyễn Công Thình, ấp Đa Hậu, xã Phước Hảo, huyện Châu Thành (Trà Vinh) cho biết: gia đình có 0,55ha đất ruộng, sản xuất lúa năng suất bấp bênh. Những năm qua, nhờ xã phát động phong trào chuyển đổi cơ cấu sản xuất đưa cây màu luân canh xuống chân ruộng, gia đình tôi mạnh dạn chuyển đổi 100% đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng 02 vụ màu - 01 vụ lúa. Màu tôi chọn trồng chủ yếu họ cải, rau cần tàu… trong quá trình trồng màu, được tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật áp dụng vào sản xuất cây màu cho năng suất cao, mỗi năm lợi nhuận từ trồng màu trên 50 triệu đồng.

Ông Trương Kính Hoa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết: để thay đổi cách nghĩ, cách làm nhằm có những mô hình kinh tế mới đạt hiệu quả, những năm qua, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực  chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn cây, con giống phù hợp để phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Thường xuyên phối hợp với ngành chuyên môn tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đưa các cây, con giống mới vào sản xuất. Huyện xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể theo từng năm phù hợp với địa phương để tổ chức thực hiện.

Mặt khác, thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án của ngành chuyên môn để hỗ trợ cây, con giống, vật tư phục vụ sản xuất. Tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển đối với các hộ nông dân. Nhờ vậy, nhiều hộ đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi; xây dựng các mô hình kinh tế theo hướng đa canh, đa con; ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào trồng trọt, chăn nuôi, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Hiệu quả từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thời gian qua trên địa bàn huyện đã khẳng định hướng đi đúng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, nguồn thu nhập của người dân được cải thiện đáng kể.