Tuyên Quang ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi không để lây lan rộng

PV
Theo TTXVN: Tình hình dịch tả lợn châu Phi tại Tuyên Quang đang diễn biến rất phức tạp. Để ngăn chặn dịch bệnh, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, xã, phường tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nhằm hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi và không để dịch lan rộng.
Chú thích ảnh Xã Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang tiến hành tiêu hủy đàn lợn của gia đình ông Lăng Văn Tính, thôn Cây Thị, bị mắc dịch tả lợn châu Phi.

Nhiều năm trở lại đây, nhờ chăn nuôi lợn mà gia đình ông Lăng Văn Tính, thôn Cây Thị, xã Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang không chỉ thoát nghèo mà còn có cuộc sống khá giả. Ngày 22/7, trong lúc chăm sóc đàn lợn của gia đình, ông Tính phát hiện một con lợn nái của gia đình ông bị chết. Ngay sau đó, ông Tính đã báo cáo chính quyền địa phương và đề nghị được lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm đàn lợn của gia đình ông dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Gia đình ông Tính đã quyết định tiêu hủy toàn bộ đàn lợn bao gồm 80 con lợn thịt, 16 con lợn nái, 1 con lợn đực giống và nhiều lợn con, tổng giá trị đàn lợn bị tiêu hủy ước tính gần 2 tỷ đồng.
 
Ông Lăng Văn Tính chia sẻ, từ khi đàn lợn của gia đình mắc dịch tả lợn châu Phi có rất nhiều người tới hỏi thăm nhưng ông tránh không tiếp xúc vì hàng ngày ông là người trực tiếp chăm sóc đàn lợn, rất có thể virus tả lợn châu Phi đang trú ngụ trong người ông và sẽ phát tán sang người tiếp xúc với mình. Đối với gia đình ông Tính, việc tiêu hủy đàn lợn đồng nghĩa với việc cắt đi nguồn thu nhập chính của gia đình, tuy nhiên gia đình ông đã quyết định tiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh có thể lây lan sang các hộ chăn nuôi khác ở trong thôn.
 
Ông Hồ Mạnh Tiến, Trưởng phòng Kinh tế, xã Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang cho biết, UBND xã đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch, thành lập các tổ công tác phản ứng nhanh để thực hiện rà soát, thống kê các hộ có hiện tượng dịch bệnh trên đàn lợn và phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tổ chức lấy mẫu xét nghiệm. Sau khi có kết quả xét nghiệm, UBND xã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tiêu hủy lợn mắc bệnh tại chỗ  nhằm ngăn ngừa sự lây lan và đảm bảo vệ sinh môi trường. Đồng thời tuyên truyền, vận động người dân không mua bán, vận chuyển, không vứt xác lợn chết ra môi trường. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
 
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tuyên Quang, đến ngày 25/7, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã có 53 xã công bố dịch tả lợn châu Phi, tổng số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy bắt buộc từ ngày 5/7 đến ngày 25/7 là 9.864 con, khối lượng trên 544,3 tấn.
 
Nhằm kịp thời khoanh vùng, khống chế không để dịch lan rộng và giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi, vừa qua Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo các xã, phường chưa có dịch tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý dứt điểm các ổ dịch nhỏ lẻ. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chủ động tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn. Đặc biệt, các xã khu vực biên giới phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kịp thời ngăn chặn các hoạt động vận chuyển, buôn bán trái phép động vật và sản phẩm từ lợn qua biên giới.
 
Ông Trịnh Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tuyên Quang cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh đã thành lập 21 chốt kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn vào địa bàn và thực hiện phun tiêu độc khử trùng tất cả các phương tiện ra, vào vùng dịch. Tổng số hóa chất sử dụng là trên 2.000 lít hóa chất và gần 20 tấn vôi bột để xử lý tiêu hủy và phun tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi tại hộ có dịch và các hộ xung quanh. Từ đầu năm đến nay, các xã vận động tuyên truyền người chăn nuôi tự bỏ kinh phí mua vaccine triển khai tiêm phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi được 2.640 liều. Trong thời gian qua, cơ quan chức năng của tỉnh đã xử lý 3 vụ vi phạm hành chính, phạt số tiền hơn 12 triệu đồng vi phạm chủ yếu liên quan đến việc vận chuyển, vứt xác lợn ra môi trường.
 
Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tuyên Quang nhận định, bệnh tả lợn châu Phi vẫn có diễn biến phức tạp, tiếp tục lây lan nhanh, mạnh và phát tán trên phạm vi rộng; với đặc điểm của virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp và thực tế chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh thì khả năng bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lây lan ra các xã khác trên địa bàn tỉnh là rất lớn.
 
Thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và người dân về cách phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, theo nguyên tắc đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch theo đúng hướng dẫn, vừa bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, đồng thời có giải pháp phát triển đàn ở những nơi không có dịch và những cơ sở chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp phòng chống và áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học.
 
Tỉnh cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc mua, bán, vận chuyển, giết mổ lợn và các sản phẩm từ lợn; thực hiện chặt chẽ, nghiêm ngặt, đúng quy định công tác kiểm dịch, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra ngoài tỉnh. Thực hiện giám sát chặt chẽ đàn lợn tại thôn, xóm, bản, hộ chăn nuôi, đảm bảo phát hiện kịp thời dịch bệnh ngay khi mới phát sinh, tổ chức xử lý triệt để không để dịch bệnh lây lan.