Chuyện làng - Chuyện phố: Quả báo cay đắng!

Mặc dù giấu kín nhưng dân làng Lạc Y mấy ngày nay chộn rộn rỉ tai nhau về nhân vật Phạm Vấn vừa bị khởi tố bị can cấm đi khỏi nơi cư trú về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Mấy vị cao niên trong làng cứ tưởng hắn thoát án, chỉ bị kỷ luật cách chức Bí thư Tỉnh uỷ, về hưu “ha cánh an toàn” gần 10 năm nay, không ngờ quả báo lại giáng xuống đầu “quan tham” này!

dt1asg-1731813983.webp

Tranh biếm hoạ chống tiêu cực, tham nhũng. Nguồn: Internet.

 

Hẳn mọi người còn nhớ, Phạm Vấn từng là cựu Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010 -2015, là một trong những trường hợp điển hình của sự suy thoái đạo đức và lối sống, phải chịu trách nhiệm về những hệ quả bi thảm do chính các quyết định của mình gây ra. Ông ta bắt đầu sự nghiệp từ một giáo viên Trung học cơ sở, từng làm "lái buôn" chuối ở vùng biên giới phía Bắc trong những năm khó khăn. Nhờ có sự "chống lưng”, từ một giáo viên trở thành Trưởng phòng Giáo dục, Chủ tịch huyện, Bí thư huyện, ngoi lên làm Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Tỉnh uỷ, rồi Bí thư Tỉnh ủy.

Các cựu chiến binh cùng quê với Phạm Vấn bàn luận sôi nổi, nhất trí cho rằng: Có quyền lực trong tay, ông ta với tư duy "lái buôn", coi lợi ích cá nhân là tối thượng, bỏ qua những giá trị đạo đức trong công tác lãnh đạo. Trong thời gian làm Bí thư, ông phải chịu trách nhiệm người đứng đầu về các quyết định bổ nhiệm cán bộ thiếu tiêu chuẩn, thiếu quan tâm đến công tác giám sát, dẫn đến hàng loạt sai phạm. Buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra để Ủy ban nhân dân tỉnh vi phạm trong công tác quản lý Nhà nước đối với một số dự án, công trình trọng điểm, gây hậu quả nghiêm trọng.

Những sai phạm này đã tích tụ, đến khi Phạm Vấn bị kỷ luật, dư luận không khỏi đặt câu hỏi về trách nhiệm của ông là người lãnh đạo đứng đầu tỉnh gây ra những hậu quả nghiêm trọng kéo dài, dù tìm mọi ngón đòn bưng bít nhưng vẫn không lọt được lưới pháp luật. Tuy xử lý chậm nhưng thêm một dẫn chứng là cuộc chiến tiêu cực, tham nhũng do Đảng ta lãnh đạo “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, gây dựng lại niềm tin của nhân dân.

Không ít quan chức tỉnh do ông tiến cử và bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng đều rơi vào vòng lao lý. Bí thư tỉnh kế nhiệm, một người mà Phạm Vấn "gửi gắm niềm tin"  đã dính vào vòng lao lý. Đặc biệt, Lý Tân mà ông ta nhận là "con nuôi" leo lên chức Chủ tịch tỉnh, cũng bị bắt giam cùng với Bí thư Tỉnh uỷ, đang chờ ngày xét xử về tội nhận hối lộ. Đối với Phạm Vấn bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại khoản 3 Điều 356 Bộ luật hình sự, gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm. Hãy đợi Cơ quan chức năng điều tra làm rõ, đưa ông ta ra xét xử sẽ biết kết quả cụ thể.

Cay đắng, con trai của Phạm Vấn, một thanh niên nghiện ngập, đã thể hiện sự hư hỏng, vô trách nhiệm, đi ngược lại những giá trị đạo đức mà ông ta từng rao giảng. Nếu không có tài sản kết xù do ông ta tích cóp được từ những năm đương nhiệm, có lẽ con trai ông đã phải sống một cuộc sống khó khăn, bần hàn. Đây là minh chứng rõ ràng “hỏng từ cha cho đến con” về sự buông lỏng trong việc giáo dục con cái và trách nhiệm của cha mẹ trong việc xây dựng nền tảng đạo đức cho con cái, đặc biệt là những người có vai trò quan trọng trong xã hội.

Những người cùng thời với Phạm Vấn cho rằng nguyên nhân lớn nhất nằm ở cái tôi mù quáng và lòng tham vô đáy. Dù trước khi có quyền lực, Phạm Vấn từng tỏ ra là người "gương mẫu", với những phát ngôn mạnh mẽ về đạo đức và tư cách lãnh đạo, nhưng thực tế, ông lại đặt lợi ích cá nhân lên trên hết. Những quyết định bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, việc phê duyệt các dự án sai quy định, và sự thờ ơ với công tác giám sát là những minh chứng rõ ràng cho việc ông đã tha hoá về đạo đức, lối sống, “nói không đi đôi với làm”

Dưới thời Phạm Vấn đứng đầu tỉnh, tình trạng "mua quan bán tước" diễn ra sôi động, nơi mà các quan chức và cán bộ chỉ được thăng tiến dựa trên mối quan hệ và "tiền tệ" như bổ nhiệm Đậu Bá Dơ làm Giám đốc Sơ Y tế. Điều này đã tạo ra một hệ thống cán bộ yếu kém, thiếu phẩm hạnh, và không có khả năng phục vụ lợi ích chung của người dân. Khi các cán bộ này rơi vào tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, Phạm Vấn cũng không thể tránh khỏi việc bị lôi vào trách nhiệm vì chính những quyết định sai lầm mà ông là người đứng đầu tỉnh.

Quả báo đến với Phạm Vấn chính là lời cảnh tỉnh cho toàn xã hội về sự tàn phá mà lòng tham và sự suy đồi đạo đức có thể gây ra. Tuy vậy hai vị "con rể" của Phạm Vấn vẫn được thăng tiến nhờ "quan hệ" là minh chứng về công tác cán bộ mà dân làng nơi đây không thể không dị nghị mỗi khi những cán bộ này kêu gọi mọi người học tập, làm theo đạo đức trong sáng...

Câu chuyện của Phạm Vấn cho chúng ta thấy rằng, sự hư hỏng không chỉ là vấn đề của cá nhân mà là một bài học lớn cho toàn xã hội. Chỉ khi nào chúng ta có thể kiên quyết ngăn chặn sự lạm dụng quyền lực, kiên trì xây dựng một hệ thống công quyền trong sạch, và đặc biệt là nâng cao đạo đức trong mỗi cá nhân, đặc biệt là người lãnh đạo, xã hội mới có thể tránh khỏi những bi kịch cay đắng như Phạm Vấn.

Q.Y