Chuyện làng - Chuyện phố: “Hạ cánh” hưu gần 10 năm vẫn không thoát khỏi lao lý ? Kỳ 5: Nhục như TS ?

TS là viết tắt của học vị Tiến Sĩ. Giữa miền quê có nhiều ngọn đồi hình bát úp nối tiếp nhau, được phủ những thảm cây xanh mướt ôm lấy dòng sông Cà Bé hiền hòa, một câu chuyện đau lòng đã xảy ra, làm dậy sóng những người dân nơi đây. Đó là những “quan tham” có học vị TS nhưng lại đánh mất tất cả vì tha hoá và lòng tham không đáy.

dt1-lo-ap-ts-hoa-si-ly-truc-dung-conganvn-1731426283.jpg

Tranh biếm hoạ: Lò ấp tiến sĩ. Nguồn: congan.vn

Mấy vị cao niên ở làng quê này than thở, điểm danh mấy vị lãnh đạo tỉnh đều có học vị TS vừa bị (Knocout) nốc ao: Không như thời cải cách ruộng đất do trình độ văn hoá thấp, vì ít được học hành dễ vướng vào sai phạm mà thời buổi bây giờ cán bộ được học hành bài bản, có bằng cấp trên cả đại học như cựu Bí thư tỉnh Thuỳ Lê là thạc sĩ và nghe nói cũng đã tranh thủ nâng cấp có bằng tiến sĩ Luật nhưng chưa kịp khoe với bàn dân thiên hạ thì đã dính vào lao lý. Chủ tịch tỉnh Lý Tân là tiến sĩ kinh tế cũng bị Cơ quan chức năng bắt tạm giam, khám xét nơi làm việc và nhà ở cùng một ngày với Bí thư Tỉnh uỷ về tội “nhận hối lộ”. Tiến sĩ kinh tế Trương Tồn từng là Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ khoá trước có nhiều tai tiếng, đã nghỉ hưu mấy năm, cũng vừa bị truy cứu kỷ luật khiển trách. TS Đậu Hoán cũng nguyên lãnh đạo một Sở, được mệnh danh là trùm “cát tặc” sông Lờ, luân chuyển về trên cũng đã bị buộc phải nghỉ hưu sớm, chờ xem xét kỷ luật. Một Thạc sĩ Luật khác với biệt danh là “quan mượn” từ Phó chủ tịch tỉnh cũng vừa bị kỷ luật Cảnh cáo phải giáng chức xuống làm Giám đốc Sở Xây dựng.... bị dân làng phỉ nhổ, chỉ còn thiếu đeo mo cau vào mặt mỗi khi đến cơ quan hoặc tiếp xúc với dân chúng... “Nhục ơi là nhục!”

Dân làng nơi đây đang truyền khẩu bài thơ châm biếm “Tiến sĩ giấy” của cụ Nguyễn Khuyến sáng tác từ thế kỷ XIX lại trở nên hợp thời hơn bao giờ hết:

“Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai

Cũng gọi ông Nghè có kém ai

Mảnh áo làm nên thân giáp bảng

Nét son điểm rõ mặt văn khôi

Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ

Cái giá công danh ấy mới hời

Ghế chéo lọng xanh ngồi bảnh chọe

Tưởng rằng đồ thật hoá đồ chơi”.

Có một vị là nhà giáo giỏi về hưu bật mí cho biết chuyên nhận viết những bài thi được giao về nhà làm, kể cả viết thuê luận văn cho quan chức địa phương. Ngày hẹn nhận bài viết là các đệ tử, có khi là chủ doanh nghiệp xăng xái đến, rồi trả tiền thuê viết bài đem về cho “sếp”. Sếp chả mất gì mà có khi còn được lãi từ những đệ tử muốn lập công dâng sếp.

Không vơ đũa cả nắm nhưng thực tế những thạc sĩ, tiến sĩ làm lãnh đạo ở địa phương này đều “mù” ngoại ngữ. Quan chức lãnh đạo tỉnh họp hành suốt ngày, hết ngành nọ, ngành kia; địa phương nọ, địa phương kia; doanh nghiệp nọ đến doanh nghiệp kia… đến xin ý kiến chỉ đạo “quý báu”, làm gì có thời gian mà học.

Bằng thạc sĩ, tiến sĩ của các vị lãnh đạo tỉnh lẻ này là bằng thật, nhưng học thì giả dối, đi học thì chỉ “đánh trống ghi tên”, thuê người làm bài thi, viết đăng dăm ba bài trên báo hoặc tạp chí chuyên ngành và đủ các chiêu trò thuê làm luận văn thạc sĩ, tiến sĩ. Bởi thế, dân nơi đây vận ca dao phản ánh thực trang: “ Giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ cùng tuỳ/ Phần nhiều do bọn phong bì làm ra”.

Trong số họ, từng có lúc được vinh danh có bằng cấp, học vị hơn người, được truyền thông tung hô bởi tài năng và học thức, từng là niềm tự hào của quê hương, nhưng rồi, khi quyền lực đập vào mắt, họ đã để cho những cám dỗ bởi cái bả vật chất và lợi ích cá nhân che lấp lý trí và lương tri. Họ không chỉ là những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, mà còn là những Bí thư, Chủ tịch, Phó chủ tịch tỉnh, giám đốc sở, những người mà lẽ ra phải gương mẫu, đi đầu trong việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Nhưng họ đã không làm vậy. Sự tha hóa, biến chất về đạo đức, lối sống của họ khiến tất cả những giá trị cao quý từng theo đuổi dần phai nhạt, nhường chỗ cho tham vọng tột cùng và những món lợi bất chính. Những chiếc ghế quyền lực trở thành nơi ẩn nấp cho những cuộc giao dịch đen tối, nhận hối lộ khủng từ Tập đoàn Tiền Nổ, một cái tên giờ đã gắn liền với những vụ án tai tiếng đang trong giai đoạn điều tra, chuẩn bị đưa ra xét xử.

Chỉ sau một thời gian ngắn, vùng quê này vốn thanh bình bỗng bất an do “giặc nội xâm” khi mà cặp đôi quyền lực đứng đầu tỉnh bị phơi bày về tội “nhận hối lộ”, bị doanh nghiệp tư nhân lũng đoạn bằng tiền bạc, điều khiển mọi thứ. Từ những dự án xây dựng lớn, đến những hợp đồng kinh tế, hầu như đều có dấu ấn của tiêu cực, tham nhũng. Tiền từ doanh nghiệp tư nhân này rút từ các dự án, công trình đầu tư bằng ngân sách Nhà nước do họ ký duyệt đã đổ vào tay không ít quan tham, làm bẩn đi những giá trị liêm, chính mà Đảng và Nhà nước luôn coi trọng.

Thế nhưng, công lý không bao giờ ngủ yên. Sau một thời gian điều tra, các cơ quan chức năng đã đưa ra ánh sáng những hành vi sai trái của quan tham tỉnh này. Những kẻ tưởng như quyền lực sẽ vô tận ở tỉnh này đã vướng vào lao lý. Họ bị kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng, bị bắt tạm giam, và nhà cửa, nơi làm việc đều bị khám xét. Sự tham lam, những bức màn tối mà họ giăng ra bao lâu nay, cuối cùng cũng bị xé toạc, để lại một vùng quê đầy tiếc nuối.

Cảnh tượng những người từng đứng trên đỉnh cao quyền lực cấp tỉnh giờ bị dẫn đi, đầu cúi thấp, khuôn mặt lộ rõ sự hối hận muộn màng, khiến cho mọi người không khỏi xót xa. Những cái tên một thời vang bóng giờ đây chỉ còn là nỗi ám ảnh cho những ai đã từng đặt niềm tin vào họ. Đoạn kết bi thảm của những con người ấy là lời cảnh tỉnh cho tất cả: Quyền lực nếu không được kiểm soát, nếu không được dẫn dắt bằng lương tâm và đạo đức, sẽ trở thành con dao hai lưỡi, hủy hoại chính những người cầm nó.

Từ vùng quê trung du với ngọn đồi xanh ngút ngàn, vào những tháng cuối năm Giáp Thìn, một bài học đau đớn được gửi gắm đến mọi người: Cái giá của quyền lực không chỉ là những thứ xa xỉ mà nó mang lại, mà là cái giá của sự thanh thản trong tâm hồn, của niềm tin trong mỗi người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng về cuộc chiến chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí là “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” để tập trung nguồn lực xã hội phát triển đất nước trước những thách thức và vận hội mới bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

(HẾT)

Q.Y