Chuyện làng - Chuyện phố: “Hạ cánh” hưu gần 10 năm vẫn không thoát khỏi lao lý ? Kỳ 3: Ám ảnh vụ “quan tài diễu phố”

Hoạ vô đơn chí! Hẳn mọi người còn nhớ, trước đó, cựu Chủ tịch Ngọc Hồn cũng bị tai tiếng về vụ “quan tài diễu phố” cũng từng gây chấn động dư luận... Đây là hành xử theo kiểu “xã hội đen”.

Gia đình nạn nhân quá bức xúc cho rằng sự thật của vụ án chưa được làm sáng tỏ đã kéo theo hàng nghìn người mang quan tài diễu qua nhiều tuyến phố ở tỉnh lỵ và dừng trước cổng Uỷ ban nhân dân tỉnh, gây sức ép để chính quyền vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm minh. Các phương tiện truyền thông khi đó đồng loạt gọi đó là vụ “quan tài diễu phố”.

dt1-biem-hoa-1-1731256942.webp

Tranh biếm hoạ chống tiêu cự, tham nhũng. Nguồn: Internet.

Sở dĩ dư luận xã hội quan tâm vụ “quan tài diễu phố” vì những hung thủ trong vụ việc này có thời gian ở trong căn nhà 4 tầng của con rể Ngọc Hồn. Căn nhà này chỉ cách nơi xảy ra cãi vã dẫn đến vụ án giết người vài chục mét. Cơ quan chức năng buộc phải vào cuộc điều tra làm rõ vì sao các đối tượng gây án lại tá túc trong căn nhà trên. Mối quan hệ của các bị can này với con rể Ngọc Hồn ra sao, liên quan gì tới sự việc xảy ra không?

Qua điều tra của cơ quan chức năng, được biết trước đây con rể của Ngọc Hồn từng có tiền án, phải đi tù một thời gian. Trong thời gian đó, hắn đã quen biết với một số bị can trong vụ án mạng từng có tiền án, tiền sự.

Khi ra tù, con rể Ngọc Hồn khai thác cát trên sông Cà Bé đã thu nhận một số bạn tù về làm việc cho công ty mình. Căn nhà các bị cáo ở chính là căn nhà của con gái, con rể Ngọc Hồn để cho nhân viên ở. Hai vợ chồng con rể Ngọc Hồn ở tại một căn nhà khác cũng trên địa bàn phường gần đó.

Ngoài ra, con rể Ngọc Hồn còn có liên quan đến một vụ thanh toán nhau tại địa bàn tỉnh liền kề cũng do hoạt động khai thác vật liệu xây dựng. Cơ quan chức năng điều tra đã hai lần triệu tập con rể Ngọc Hồn, là giám đốc một doanh nghiệp tư nhân để điều tra xem có liên quan đến vụ án “quan tài diễu phố”?

Dư luận xã hội càng chú ý vụ án “quan tài diễu phố” khi Ngọc Hồn bị dư luận săm soi, cực chẳng đã, bức xúc phải lên tiếng trả lời báo giới đã khẳng định con rể không liên quan gì tới vụ trọng án này.

Ngọc Hồn lại chạy vạy, cầu cứu đến Phụng Tiên tìm cách cứu con rể thoát án vụ này. Phụng Tiên chỉ là Giám đốc một sở, là cấp dưới nhưng từ lâu đã chỉ đạo thuộc cấp lập hồ sơ đưa vào “sổ đen” những “tỳ vết” liên quan cặp đôi quyền lực Bí thư Phạm Vấn, Chủ tịch tỉnh Ngọc Hồn để khống chế, “trấn lột” với giá “khủng”. Một cuộc ra giá “tiền tấn”, mặc cả giữa Phụng Tiên và Ngọc Hồn diễn ra chóng vánh. Lúc này Ngọc Hồn đứng trước nguy cơ không chỉ “mất trắng sự nghiệp” mà còn ảnh hưởng đến danh dự gia đình nên phải “nôn” ra “cống nạp” khủng cho Phụng Tiên thì mới được yên thân. Chính vì thế, Phụng Tiên đắc chí khoe rằng “trấn lột” đúng đối tượng, chứ không phải “bòn nơi khố rách”...

 Ngọc Hồn thở phào nhẹ nhõm vì được Phụng Tiên xác nhận, các bị can trong vụ án “quan tài diễu phố” khai không liên quan tới con rể của ông ta. Do đó, trong xét xử sơ thẩm cũng như phúc thẩm, con rể Ngọc Hồn bị triệu tập đến toà chỉ với tư cách là nhân chứng nhưng đã trốn biệt tăm, không đến dự.

Sau gần 2 năm, Toà án cấp cao xét xử phúc thẩm lần 2 vụ án “quan tài diễu phố” đã tuyên hai án tù chung thân, 5 án tù từ hai năm rưỡi đến 20 năm tù giam về các tội giết người, che giấu, không tố giác tội phạm. Bản án cũng tăng mức bồi thường trợ cấp hàng tháng cho hai con của nạn nhân đến khi đủ 18 tuổi. Phiên xử phúc thẩm lần 2 khép lại vụ án “quan tài diễu phố”, gia đình nạn nhân và luật sư bào chữa cho bị hại vẫn ấm ức cho rằng mức hình phạt cho kẻ cầm đầu vụ án còn nhẹ và còn bỏ lọt tội phạm liên quan đến con rể Ngọc Hồn.

Ở tỉnh này, vài nhiệm kỳ gần đây, các cặp Bí thư, Chủ tịch tỉnh đều dính líu không chuyện nọ thì chuyện kia. Nhiệm kỳ trước, Bí thư Phạm Vấn bị kỷ luật cách chức Bí thư Tỉnh uỷ; Chủ tịch tỉnh Ngọc Hồn bị cảnh cáo. Về nghỉ hưu gần 10 năm, đến nay Ngọc Hồn mới bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, vì đã có hành vi vụ lợi, làm trái các quy định pháp luật, chờ ngày đưa ra xét xử.

Dưới con mắt người dân, những “quan tham” này không còn là “đầy tớ” mà là tham sân si, xa rời dân, là những “con sâu làm rầu nồi canh”. Như Thạch Phí, Chủ tịch tỉnh nhiệm kỳ trước từng núp dưới danh nghĩa mẹ vợ để “nuốt” gần chục ha đất làm trang trại... Đến Ngọc Hồn làm Chủ tịch tỉnh kế nhiệm không chỉ vướng vào vụ “quan tài trước ngõ” liên quan đến “quý tử”, mà con rể cũng bị nghi dính líu đến vụ “quan tài diễu phố”, bia miệng để đời...

Các vị lão thành cách mạng tình này cho rằng: Lòng tham đã làm tha hoá con người khi được giao chức quyền mà tham nhũng bắt nguồn từ quyền lực. Quyền lực lại được giao cho cán bộ biến chất, thoái hoá thì vô cùng nguy hại. Quyền lực đó lại thiếu tính ràng buộc, thiếu quy định trách nhiệm tương ứng. Quyền lực quá tập trung làm cho cán bộ dễ lạm quyền, không giữ được phẩm chất, bị cám dỗ, dễ vướng vào vòng xoáy vượt quyền, lạm quyền. Quyền lực thiếu sự giám sát, trong khi chế độ quản lý ràng buộc từ trên xuống bị giảm sút, còn giám sát từ dưới lên chưa phát huy tác dụng và giám sát cùng cấp không chân thực. Có chức quyền trong tay, coi trời bằng vung, trục lợi, tự tung tực tác, bất chấp những quy định của pháp luật, tụt dốc không phanh. Điều này thể hiện rất rõ ở nhiệm kỳ do Phạm Vấn làm Bí thư và Ngọc Hồn làm Chủ tịch tỉnh, rồi đến nhiệm kỳ này (2021 – 2026) cặp đôi Bí thư và Chủ tịch tỉnh cũng đã bị khởi tố từ đầu tháng 3/2024 về tội “nhận hối lộ”, cũng đang chờ ngày đưa ra xét xử. 

Trớ trêu thay, khi còn đương chức, những “quan tham” này thường xuyên rao giảng về đạo đức, kêu gọi mọi người làm theo gương sáng, dạy bảo cán bộ cấp dưới phải thế nọ, phải thế kia..., nhưng lại tự thoái hoá, biến chất trước khi rời chốn quan trường. Họ quên mất rằng “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!".

(Còn nữa)
Q.Y

Đón đọc Kỳ 4: Tai bay vạ gió vẫn đeo bám Hà Hoá ?