Chuyện làng Mè: Về hưu… mới thấm thía “mình là ai ?”  (Kỳ 12)

Cấn Vân Đại liền vớ chiếc điện thoại, bấm gọi cho lái xe, cho chánh văn phòng, một vài trưởng phòng đều không thấy đứa nào nghe máy. Đã cài cắm con cháu, trong đó có đứa con rể và đệ tử trước khi về nghỉ hưu mà sao gọi điện chúng nó đều không nghe máy. Thế mà chúng từng thề thốt trung thành “suốt đời chỉ phụng sự anh”. Chúng dùng tiền để mua chức quyền, mua xong là chúng giở mặt ngay, qua cầu rút ván.

Về hưu rồi, Cấn Vân Đại dần dần mới thấm thía “mình là ai ?”. Ngày lễ tết không còn cảnh đám đệ tử và những chủ doanh nghiệp “thân hữu” xếp hàng đến uý lạo, cảm ơn sếp. Khi bị tai nạn giao thông cũng như bị ốm đau, Cấn Vân Đại không còn cảnh nhiều người đến thăm hỏi. Biệt thự sang trọng của vị này vắng như chùa Bà Đanh. Cấn Vân Đại cảm thấy cô đơn, như người thừa, sống cũng như chết.

dt1ads-1720573452.jpg

Tranh biếm họa. Nguồn: dantri.com.vn

 

Cuối đời gặp nhiều vận đen, Cấn Vân Đại tự nhiên thấy thèm về quê cha đất tổ - nơi chôn rau cắt rốn. Cấn Vân Đại sinh ra ở làng quê  trong một căn nhà cổ được lát bằng ngói âm dương nằm nghiêng nghiêng bên tả ngạn sông Cà Bé, gần núi Tam Sơn thơ mộng.

Ngôi nhà cổ đó gồm 5 gian, trong đó có một gian bếp và một gian trên dùng tiếp khách. Cạnh nhà là một con đê tả ngạn sông Cà Bé đã có từ lâu đời. Đối với Cấn Vân Đại, đó là con đê đẹp nhất trong tất cả các con đê mà đã từng đặt chân đến.

Xưa kia, dòng họ Cấn là dòng họ bần cố nông theo cách gọi sau khi đánh đổ chế độ thực dân phong kiến. Ông cố nội của Cấn Vân Đại từng đi đắp đê cho làng. Nhờ cần cù và siêng năng nên sau khi đắp đê xong, ông cố nội đã được một khoản tiền lớn, làm chưởng bạ, mua được nhiều đất và trở thành địa chủ làng. Có lần, ông cố nội hắn đã mở tiệc đãi cả làng ăn uống linh đình. Tuy nhiên, do hách dịch, nhiều hộ trong làng tỏ ra ghét gia đình ông cố nội Cấn Vân Đại, lúc đãi tiệc đã đi ngang qua nói chõ vào "Đồ trọc phú học đòi ". Ý họ muốn nói nhà giàu lắm đất nhưng không có học thức.

Vì tức tối với câu nói đó mà ông cố nội Cấn Vân Đại đã mời thầy địa lí đến xem phong thuỷ. Sau đó gia tộc họ Cấn này di dời và xây lại mộ tổ tiên và quyết tâm đầu tư cho con cái ăn học. Tuy vậy, từ thời ông bố Cấn Vân Đại trở về sau học hành của con cháu tuy không được hanh thông vẫn gặp nhiều trắc trở. Bố Cấn Vân Đại học hết cấp 2 (trung học cơ sở) nhưng đi thi năm lần bảy lượt không đỗ đành phải đi mượn bằng của ông Văn Đinh cùng làng về thêm dấu sắc thành tên mình để xin đi làm giáo học. Nhờ làm trót lọt nên sau này bố Đại đã đem tiền lo lót để mấy chức dịch trong xã lấy người khác thế chỗ của Cấn Vân Đại nhập ngũ chống Tàu . Người này mãi đến khi biên chế xong quân lực đọc kiểm tra trích ngang mới biết bố mình lại là bố đẻ của Cấn Vân Đại

Dòng đời cứ thế dần trôi trên dòng sông Cà Bé. Những áng mây hồng vẫn cứ trôi về phía chân trời. Cuộc sống sẽ là một mặt sông phẳng lặng nếu không có những cơn dông lốc, sóng dữ. Có thể nói, Cấn Vân Đại là một trong những người thành đạt nhưng khi có quyền cao chức trọng trở nên hư hỏng, được mệnh danh là “ông vua con” của huyện. Hắn luôn coi mọi người ở vùng này dưới tầm mắt, từng gây ra tai hoạ cho không biết bao nhiêu người, trong đó có việc dung túng tranh chấp, vi phạm Luật Đất đai, tài chính tại xã Yên Quảng không biết đến bao giờ mới giải quyết được. Nhờ có Phụng Tiên và đàn em che chở nên Cấn Văn Đại mới thoát hiểm nhưng gần đây Ban nội chính tỉnh ủy lại phải vào cuộc vì những hậu quả  do Cấn Vân Đại để lại đã phải làm văn bản kiến nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật tiếp tục điều tra xử lý dứt điểm.

(Còn nữa)

Q.Y