Hồi sinh rừng xanh từ “vùng đất cháy”
Đầu năm 2025, khi mùa khô bước vào cao điểm, một đám cháy lớn bất ngờ xảy ra tại khu vực Săn Lộc Cốc ( thuộc bản Mầu Thái, xã Phổng Lập). Ngọn lửa bùng lên rất nhanh, thiêu rụi toàn bộ 6,05ha rừng đang được khoanh nuôi tái sinh khiến nhiều người dân địa phương không khỏi bàng hoàng, xót xa. Nơi từng được kỳ vọng sẽ phủ xanh lại những ngọn đồi trọc, giờ chỉ còn tro tàn và những gốc cây trơ trụi.

Với địa hình đồi núi bị chia cắt mạnh, độ dốc trung bình lên tới 35%, khu vực này vốn đã rất khó tiếp cận, đường vào điểm cháy dài 2km, lầy lội và trơn trượt, nên công tác chữa cháy và sau đó là phục hồi rừng càng gặp thêm nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đây lại là nơi cộng đồng người dân bản Mầu Thái gắn bó sâu sắc với rừng - không chỉ vì sinh kế, mà còn vì sự an toàn và ổn định đời sống lâu dài, nên công tác khôi phục rừng là vô cùng cấp thiết và quan trọng.

Trên cơ sở khảo sát, đánh giá tình hình rừng, cán bộ của Trung tâm phát triển nông thôn bền vững (SRD), kiểm lâm phụ trách địa bàn và chính quyền xã Phổng Lập đã thống nhất, phối hợp chặt chẽ với Công ty Cổ phần Mỹ phẩm Thiên nhiên Cỏ Mềm, chính thức khởi động dự án Rừng An Lành 2025. Với sứ mệnh: Sớm rút ngắn thời gian phục hồi rừng sau cháy, hạn chế việc rừng bị lấn chiếm sử dụng sai mục đích, đồng thời thúc đẩy nhận thức của nhân dân địa phương trong việc trồng và bảo vệ rừng cho tương lai.
6000 cây xanh và một mô hình bền vững
Rừng An Lành là dự án trồng rừng cộng đồng, được khởi xướng lần đầu tiên vào năm 2022 trong chiến lược phát triển bền vững của Cỏ Mềm, nhằm góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, phục hồi hệ sinh thái và góp phần chống biến đổi khí hậu.
Theo phương án được phê duyệt, năm nay, dự án sẽ triển khai trồng hỗn giao hai loài cây bản địa là dổi và lát hoa với tổng số 6000 cây trên diện tích 6ha - mật độ 1000 cây/ha. Trong đó, cây giống sẽ được lựa chọn kỹ lưỡng dựa trên các tiêu chuẩn như cây có thân cao trên 80cm, đường kính gốc đạt 0,8-1cm, cây đã hóa gỗ 2/3 chiều cao từ gốc lên,... để đảm bảo sức sống tốt, vươn mình mạnh mẽ, mang lại khả năng che phủ đất, giữ nước, chống xói mòn và thích ứng tốt với điều kiện tự nhiên đặc thù của vùng núi Tây Bắc.

Trước ngày trồng, ngay tại nhà văn hóa bản, người dân Mầu Thái đã có một buổi tập huấn kỹ thuật trồng rừng sôi nổi và hiệu quả. Bà con được trực tiếp tham gia phát biểu xây dựng kiến thức, học hỏi từ những khái niệm cơ bản nhất như rừng là gì, có mấy loại rừng, vai trò của rừng đối với đời sống con người… Bà con được hướng dẫn thực hành kỹ thuật trồng cây ngay sau khi học lý thuyết, đây chính là nền móng vững chắc cho một cánh rừng xanh tốt trong tương lai.
Cũng trước ngày trồng rừng, người dân bản Mầu Thái đã chủ động chuẩn bị bãi tập kết cây giống, san phẳng nền đất làm vườn lưu tạm, che lưới chắn nắng, vận chuyển phân bón và thực hiện đào hố theo đúng kỹ thuật đã được tập huấn. Mỗi hố cây cách nhau 2,5m, mỗi hàng cách nhau 4m, áp dụng quy tắc trồng theo kiểu hình nanh sấu - vừa giữ cây thẳng đứng, vừa tận dụng tối đa ánh sáng và độ ẩm tự nhiên.

Sau khi trồng, dự án tiếp tục triển khai công tác chăm sóc và bảo vệ rừng trong vòng 3–5 năm tùy theo từng loài cây. Từ 15–20 ngày sau trồng, cây sẽ được kiểm tra để trồng dặm, cố định lại những cây bị nghiêng, theo dõi sâu bệnh, côn trùng hại rễ. Sau 45 ngày, tiến hành làm cỏ, vun gốc. Từ năm thứ 2 trở đi sẽ phát luống, cắt tỉa và theo dõi sinh trưởng cây. Cộng đồng bản Mầu Thái, đặc biệt là tổ tự quản bảo vệ rừng cộng đồng gồm 20 thành viên, sẽ là lực lượng nòng cốt, trực tiếp tham gia vào quá trình gìn giữ, bảo vệ cánh rừng này.

Chia sẻ về dự án Rừng An Lành, đại diện Cỏ Mềm cho biết: “Đây là dự án đã được Cỏ Mềm thực hiện từ 2022. Tới nay, dự án đã phủ xanh hơn 10ha, với hơn 10.000 cây xanh trên khắp các cánh rừng của Việt Nam. Với dự án này, Cỏ Mềm chọn đồng hành bằng trách nhiệm, sự tử tế và niềm tin vào những điều tốt đẹp, như một hành động thiết thực, một cam kết lâu dài về giá trị cốt lõi “yêu thương con người - yêu thương Trái Đất” mà thương hiệu đã duy trì và kiên định theo đuổi trong suốt một thập kỷ qua”.