Đắk Lắk đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại nông sản

Đắk Lắk có rất nhiều tiềm năng về sản phẩm nông sản, trong đó có những sản phẩm có giá trị kinh tế rất cao và đã khẳng định được vị thế trên các thị trường trong và ngoài nước. Trong chuỗi giá trị nông sản, công tác xúc tiến thương mại được xem là một trong những khâu quan trọng nhất.

bf1de87ba63602685b27-20240807074003-1723017405.jpg

Doanh nghiệp Đắk Lắk tham gia giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị kết nối giao thương TP. Đà Nẵng và các tỉnh Tây Nguyên năm 2022. Ảnh: Đỗ Lan

Hiện nay, ngoài tiêu thụ trên thị trường của cả 63 tỉnh thành trong cả nước thì nhiều sản phẩm nông sản Đắk Lắk đã thâm nhập được vào thị trường của trên 72 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó có nhiều thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản. Hằng năm, kim ngạch xuất khẩu của Đắk Lắk trên dưới 1,6 tỷ USD, trong đó chủ yếu đến từ giá trị của sản phẩm nông sản.

Đồng thời, trong chuỗi giá trị nông sản thì giá trị gia tăng tập trung ở khâu chế biến và khâu tiêu thụ. Chính vì thế mà ngoài đầu tư chế biến sâu, việc tăng cường công tác xúc tiến thương mại để tìm “lời giải” cho “bài toán” đầu ra của sản phẩm nông sản cũng hết sức quan trọng.

Thời gian qua, với mục tiêu hỗ trợ thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, phát triển thị trường nông sản, ngành Công Thương Đắk Lắk đã có nhiều nỗ lực trong công tác xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản. Ngoài kinh phí của tỉnh bố trí, chúng tôi cũng tranh thủ các nguồn lực từ kinh phí xúc tiến thương mại quốc gia để tổ chức các hoạt động quảng bá xúc tiến thương mại trên thị trường trong nước và các thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tỉnh đã giới thiệu được các sản phẩm nông sản đến các thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời đưa các đơn vị sản xuất đi kết nối giao thương với doanh nghiệp tiêu thụ, hệ thống phân phối ở các tỉnh thành trong cả nước. Từ đó tạo ra sự kết nối giữa người sản xuất và người tiêu thụ, đưa sản phẩm nông sản của tỉnh đến với nhiều người tiêu dùng hơn.

Ngoài ra, thông qua những đoàn giao thương ở các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… đã giúp các doanh nghiệp của chúng ta đưa sản phẩm nông sản thâm nhập vào nhiều hệ thống phân phối của thị trường thế giới. Thông qua các hoạt động trên, hàng loạt biên bản ghi nhớ hợp tác, hợp đồng tiêu thụ đã được ký kết thành công, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh. Khi kiểm tra lại, nhận thấy các mối quan hệ hợp tác đó hiện đang phát triển rất tốt và bền vững.

Trước hết, phải củng cố và giữ vững được những thị trường truyền thống, đồng thời tăng cường thâm nhập các thị trường mới cả trong và ngoài nước. Thứ hai, phải kết hợp hình thức quảng bá, xúc tiến thương mại truyền thống như tổ chức hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối giao thương với những hình thức xúc tiến thương mại hiện đại hiện nay như việc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, livestream bán hàng trên các nền tảng số như TikTok, Facebook… ngoài ra, xác định phải làm sao cung cấp thông tin thị trường cho người sản xuất được đầy đủ, kịp thời; thường xuyên thông qua các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nhằm có được những thông tin chính thống về thị trường các nước để triển khai đến người sản xuất. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là các sản phẩm nông sản Đắk Lắk phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường về các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, về xã hội, môi trường…

Bên cạnh đó, để công tác quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản được thực hiện tốt hơn, tỉnh cũng như các bộ, ngành Trung ương cần tăng cường hơn nữa nguồn lực cho công tác này.