Đăng ảnh "bị phạt" do AI tạo ra: Trò đùa dễ biến thành hành vi vi phạm

Dựng ảnh vi phạm bằng AI để “sống ảo”. Tưởng vui nhưng có thể… mất tiền thật.

Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) Phát triển như vũ bão, các công cụ tạo nội dung như Gemini, ChatGPT hay Midjourney ngày càng trở nên phổ biến và dễ sử dụng.

Chỉ cần vài thao tác đơn giản, người dùng có thể tạo ra những hình ảnh sống động đến mức đánh lừa thị giác – từ chân dung nghệ thuật đến những “bối cảnh viễn tưởng” đầy hào nhoáng.

15
 

Tuy nhiên, phía sau sự tiện lợi đó là những rủi ro tiềm tàng, đặc biệt khi AI bị lạm dụng vào mục đích gây hiểu nhầm hoặc xuyên tạc sự thật.

Hình ảnh giả, hậu quả thật

Trên nhiều nền tảng mạng xã hội, thời gian gần đây xuất hiện tràn lan những bức ảnh được tạo bằng AI, mô tả cảnh một cá nhân đứng bên siêu xe, mặc đồ hàng hiệu, bị lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) lập biên bản ngay giữa phố.

Điều đáng nói, các hình ảnh này được dàn dựng tinh vi tại những địa điểm quen thuộc trong đô thị, với mức độ chi tiết cao khiến người xem dễ lầm tưởng đây là sự kiện có thật.

16
 

Nhiều người trong số đó thừa nhận họ chỉ "tạo ảnh cho vui", "thử công nghệ" hay đơn giản là để "câu like".

Tuy nhiên, việc ghép hình CSGT vào một tình huống giả mạo, thậm chí tạo ra bối cảnh vi phạm giao thông không có thật đã chạm tới một ranh giới pháp lý nghiêm trọng.

Những hình ảnh này không chỉ gây hiểu lầm trong dư luận mà còn vô tình làm xói mòn niềm tin của cộng đồng vào lực lượng thực thi pháp luật.

Hành vi vi phạm pháp luật

Theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP, hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, đặc biệt liên quan đến các cơ quan, tổ chức nhà nước như lực lượng Công an nhân dân, có thể bị xử phạt hành chính lên tới 50 triệu đồng.

Trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

17
 

Đây không còn là chuyện “đùa cho vui” trên mạng xã hội. Mỗi hành vi, dù diễn ra ở không gian ảo, đều chịu sự điều chỉnh của pháp luật thực tế.

Việc sử dụng AI để tạo nội dung giả mạo, đặc biệt liên quan đến các cơ quan chức năng, là điều người dùng cần hết sức tránh.

Cẩn trọng trong thời đại AI

AI đang mở ra vô vàn cơ hội sáng tạo, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức về đạo đức và pháp lý. Trong môi trường số, mỗi cá nhân đều là một “nhà phát hành nội dung”.

Vì vậy, sự tỉnh táo, cẩn trọng và ý thức trách nhiệm khi sử dụng AI là điều bắt buộc, nếu không muốn rơi vào vòng lao lý vì một bức ảnh “sống ảo”.