
Quang cảnh buổi làm việc giữa Đoàn học viên Lớp Cao cấp lý luận chính trị K75.A20 với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng. Buổi làm việc diễn ra trong không khí nghiêm túc, cởi mở với nhiều nội dung trao đổi thực tiễn sâu sắc, góp phần tăng cường mối liên hệ giữa lý luận và thực tiễn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý
Chương trình đi nghiên cứu thực tế của lớp K75.A20 do TS. Đậu Tuấn Nam – Vụ trưởng Vụ Quản lý Đào tạo làm Trưởng đoàn; TS. Nguyễn Thị Ưng – Giáo viên chủ nhiệm lớp làm Phó Trưởng đoàn, cùng 49 học viên của lớp K75.A20 tham gia.

Chiều 7/7, tại buổi làm việc với đoàn công tác, đồng chí Trần Trung Sơn ( ảnh trên) – Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng – đã thông tin về công tác sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền địa phương sau khi thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 1659/NQ-UBTVQH15 ngày 16/6/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, UBND thành phố đã trình HĐND thành lập 5 sở mới gồm: Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Môi trường, trên cơ sở hợp nhất 10 sở hiện có. Đồng thời, Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng được thành lập trên cơ sở hợp nhất Sở Văn hóa và Thể thao với Sở Du lịch.
UBND thành phố đã ban hành các quyết định điều chuyển chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước giữa các sở, ngành để tinh gọn bộ máy, tránh chồng chéo. Nhiều chức năng của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội được chuyển về các sở chuyên ngành như Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công an thành phố… Cùng với đó, các nhiệm vụ quản lý nhà nước về dân tộc, báo chí, thông tin, quảng cáo, an toàn thông tin mạng… cũng được phân công lại phù hợp với chức năng từng đơn vị. Sau khi sắp xếp, số lượng cơ quan chuyên môn cấp sở giảm 6 sở và 29 phòng; cấp quận, huyện giảm 14 phòng chuyên môn. Các ban quản lý dự án giảm từ 6 còn 3 ban; đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố giảm từ 11 còn 4 đơn vị. Một số đơn vị được chuyển chủ quản hoặc hợp nhất, như việc sáp nhập Trường Cao đẳng Văn hóa – Nghệ thuật vào Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng, hợp nhất Đài Phát thanh và Truyền hình với Báo Đà Nẵng thành đơn vị trực thuộc Thành ủy.

Đoàn tham quan Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh thành phố Đà Nẵng. Tại đây, đoàn đã nghe giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ, mô hình hoạt động và những ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác quản lý, điều hành đô thị, phục vụ người dân và doanh nghiệp theo hướng chính quyền số, đô thị thông minh.
Về tổ chức bộ máy sau sáp nhập tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, thực hiện Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết số 202/2025/QH15 của Quốc hội ngày 12/6/2025, UBND thành phố đã xây dựng Đề án thành lập 14 sở ngành mới trên cơ sở hợp nhất các cơ quan chuyên môn tương đồng của hai địa phương. Việc tiếp nhận các đơn vị hành chính, sự nghiệp, chi cục chuyên môn cũng được thực hiện đồng bộ, đảm bảo không gián đoạn hoạt động. Đến ngày 1/7/2025, toàn bộ bộ máy hành chính cấp tỉnh mới chính thức vận hành. Công tác tổ chức được triển khai khẩn trương, tiết kiệm, hiệu quả, chú trọng chuyển đổi số, số hóa dữ liệu và đảm bảo phục vụ liên tục người dân, tổ chức sau sắp xếp.
Về triển khai đồng bộ sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết 1659/NQ-UBTVQH15, thành phố Đà Nẵng đã triển khai quyết liệt việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Theo đó, thành phố đã tổ chức lại 47 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã thành 16 ĐVHC mới, giảm 65,96% so với trước. Sau sắp xếp, toàn thành phố có 94 đơn vị cấp xã (gồm 70 xã, 23 phường và 1 đặc khu Hoàng Sa).

UBND thành phố đã ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn tổ chức bộ máy, phân bổ biên chế, bàn giao con dấu, ổn định nhân sự và đưa các phường, xã mới vào hoạt động chính thức từ ngày 1/7/2025. Hệ thống tổ chức hiện có 279 cơ quan chuyên môn và 988 đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND cấp xã. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức cấp xã được bố trí là hơn 36.400 người. Trong đó, thành phố giao 37.864 chỉ tiêu biên chế, gồm 4.997 công chức, 32.867 viên chức và 1.377 hợp đồng lao động chuyên môn, nghiệp vụ.
Về hạ tầng số, Sở Khoa học và Công nghệ đã hoàn thiện trung tâm dữ liệu, nâng cấp đường truyền, đảm bảo an toàn thông tin, tích hợp hệ thống họp trực tuyến và quản lý văn bản giữa các xã, phường. Tổng đài 1022 được kích hoạt 24/7 hỗ trợ cả người dân và cán bộ, cùng với đội ngũ ứng cứu công nghệ tại cơ sở.
Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính được triển khai đồng bộ. Đến nay, Đà Nẵng đã công khai 2.296 thủ tục hành chính, trong đó 1.881 dịch vụ công trực tuyến đã tích hợp lên cổng dịch vụ công quốc gia. Hệ thống phần mềm điều hành, quản lý văn bản và quy trình tiếp nhận hồ sơ được chuẩn hóa tại 94 phường, xã, với hơn 71.000 tài khoản được cấp cho cán bộ, công chức. Lực lượng hỗ trợ kỹ thuật tại cơ sở gồm gần 600 người, đảm bảo xử lý nhanh các sự cố kỹ thuật.
Trong công tác chính sách, thành phố đã phê duyệt 2.101 trường hợp nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ việc theo các nghị định mới; riêng Đà Nẵng có 617 trường hợp. Đối với lực lượng không chuyên trách, đã có 498 người nghỉ theo Nghị định 154/2025/NĐ-CP.
Từ ngày 1/7/2025, toàn bộ Trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã chính thức đi vào hoạt động, đảm bảo thông suốt ngay từ những ngày đầu. Tính đến 2/7/2025, toàn thành phố đã tiếp nhận 1.238 hồ sơ, trong đó 97,98% được xử lý đúng hạn, hệ thống vận hành ổn định, đạt hiệu quả cao và không xảy ra tình trạng ùn ứ.

Trung tâm Phục vụ Hành chính công thành phố Đà Nẵng – đầu mối hiện đại phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trung tâm là nơi tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính tập trung theo cơ chế “một cửa, một cửa liên thông”, ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ và hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong những ngày đầu vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, Đà Nẵng vẫn gặp một số khó khăn nhất định. Hạ tầng công nghệ thông tin tại một số Trung tâm Phục vụ hành chính công còn thiếu đồng bộ, cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu. Biên chế cán bộ, công chức, viên chức phân bổ chưa đều giữa các vị trí việc làm, ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi nhiệm vụ. Sau sáp nhập, việc phân công, bố trí lại nhân sự khiến nhiều cán bộ rơi vào tình trạng “người cũ – việc mới”, cần thời gian thích nghi. Cùng với đó, việc tiếp cận đồng thời nhiều văn bản mới và quy định mới cũng gây lúng túng trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện ở cơ sở.
Trong thời gian tới, thành phố Đà Nẵng sẽ tập trung rà soát, ổn định tổ chức bộ máy chính quyền cấp xã hình thành sau sắp xếp. UBND thành phố sẽ hướng dẫn, theo dõi việc ban hành các quyết định thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ và quy chế làm việc của các cơ quan, đơn vị thuộc UBND phường, xã. Đồng thời, quản lý chặt chẽ biên chế, số lượng người làm việc; xây dựng đề án vị trí việc làm, khung năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVCNLĐ) theo hướng dẫn của Trung ương.
Thành phố cũng sẽ ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp xã, tập trung vào 14 ngành, lĩnh vực. Trong đó, ưu tiên nội dung liên quan đến phân quyền, phân cấp và giải quyết thủ tục hành chính, triển khai trong quý III năm 2025.
Song song với đó, UBND thành phố tiếp tục giải quyết chế độ, chính sách theo các Nghị định 178/2024/NĐ-CP và 67/2025/NĐ-CP đối với CBCCVC có nguyện vọng nghỉ công tác từ ngày 1/7/2025, cũng như thực hiện đầy đủ chính sách theo Nghị định 154/2025/NĐ-CP đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã nghỉ việc.
Về hạ tầng số, thành phố sẽ tiếp tục cấu hình, mở rộng và hiệu chỉnh các nền tảng chính quyền điện tử, phần mềm dữ liệu dùng chung, đảm bảo hệ thống vận hành ổn định, thông suốt, đáp ứng yêu cầu quản lý của chính quyền hai cấp. Việc cập nhật người dùng mới, bổ sung, tạo lập các đơn vị trực thuộc cho sở, ban, ngành và UBND các phường, xã sẽ được triển khai đồng bộ trên toàn địa bàn.
Trong không khí cởi mở, buổi làm việc giữa Đoàn nghiên cứu thực tế và lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã diễn ra với nhiều ý kiến trao đổi thẳng thắn, sâu sắc. Các đại biểu đã cùng làm rõ tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, đồng thời chỉ ra những khó khăn, thách thức cũng như đề xuất nhiều giải pháp thiết thực cần tiếp tục triển khai.
Thông qua chương trình, các học viên Lớp cao cấp lý luận chính trị K75.A20 – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có điều kiện trực tiếp đối chiếu, so sánh lý luận với thực tiễn quản lý nhà nước tại địa phương. Đây là cơ sở để mỗi học viên chọn lọc bài học kinh nghiệm, vận dụng hiệu quả vào công tác tại cơ quan, đơn vị, địa phương sau này.

Phát biểu tại buổi làm việc, TS. Đậu Tuấn Nam ( ảnh trên đứng) khẳng định, trong quá trình triển khai nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao, Học viện luôn chú trọng gắn chặt giữa lý luận và thực tiễn. Việc học đi đôi với hành không chỉ là nguyên tắc đào tạo mà còn là phương châm xuyên suốt trong nghiên cứu, giảng dạy và bồi dưỡng cán bộ. Hoạt động nghiên cứu thực tiễn của đội ngũ học viên, đặc biệt ở hệ đào tạo Cao cấp lý luận chính trị, luôn được Học viện quan tâm, chỉ đạo sát sao và tạo điều kiện thuận lợi.

Đoàn trao tặng gạo cho Làng trẻ em SOS Đà Nẵng. Chuyến thăm và trao tặng 500 kg gạo nhằm góp phần sẻ chia, hỗ trợ đời sống cho các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt, thể hiện tinh thần nhân văn và trách nhiệm xã hội của cán bộ, học viên đối với cộng đồng.
Trong chương trình nghiên cứu thực tế tại thành phố Đà Nẵng, Đoàn nghiên cứu đã tổ chức một số hoạt động ý nghĩa. Ngày 6/7, đoàn đến thăm và trao tặng 500 kg gạo cho Làng trẻ em SOS Đà Nẵng, góp phần hỗ trợ chăm lo đời sống cho các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt.

Đoàn đến dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Đà Nẵng
Sáng 7/7, đoàn đến dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Đà Nẵng. Nghĩa trang hiện có hơn 1.000 phần mộ liệt sĩ, trong đó có hàng trăm phần mộ chưa xác định được danh tính. Qua tìm hiểu, hầu hết các liệt sĩ an nghỉ tại đây đều hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, để lại niềm tiếc thương vô hạn và lòng biết ơn sâu sắc trong lòng thế hệ hôm nay.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm cùng các cụ tại Trung tâm Phụng dưỡng Người có công thành phố Đà Nẵng
Cùng ngày, đoàn cũng đến thăm, trao tặng một số nhu yếu phẩm và tiền mặt cho Trung tâm Phụng dưỡng Người có công thành phố Đà Nẵng, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân những đóng góp to lớn của các thế hệ đi trước.