Để đèn báo nhiên liệu sáng mới đổ: Tiết kiệm xăng hay đang làm hại xe?

Nhiều tài xế có thói quen chờ đèn nhiên liệu bật sáng mới đổ xăng mà không biết điều này có thể khiến xe dễ chết máy giữa đường, đồng thời có nguy cơ gây hại nghiêm trọng đến hệ thống nhiên liệu và động cơ.

Trong quá trình vận hành ô tô, không ít tài xế - đặc biệt là những người mới lái - từng trải qua cảm giác hoang mang khi thấy đèn cảnh báo nhiên liệu trên bảng điều khiển bất ngờ phát sáng. 

Biểu tượng chiếc bình xăng nhỏ kèm chữ "E" hoặc vạch đỏ là lời nhắc xe sắp cạn nhiên liệu, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc xe lập tức chết máy như nhiều người lầm tưởng.

Xe còn chạy được bao xa khi đèn báo nhiên liệu sáng?

Thực tế, khi đèn báo nhiên liệu phát sáng, xe vẫn có thể tiếp tục di chuyển từ 30 - 80 km, tùy thuộc vào mức tiêu thụ nhiên liệu và dung tích bình xăng của từng dòng xe. Đây là khoảng dự trữ được các nhà sản xuất tính toán để tài xế kịp tìm đến trạm xăng gần nhất.

fuel-9312
 

Thông thường, khi kim nhiên liệu chạm mốc "E" hoặc đèn báo chuyển sang màu đỏ, lượng nhiên liệu trong bình chỉ còn khoảng 10 - 15% so với tổng dung tích.

Các dòng ô tô đời mới hiện nay còn được tích hợp tính năng hiển thị chính xác quãng đường có thể đi thêm, dựa trên mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình thời gian gần nhất. Điều này giúp người lái dễ dàng chủ động hơn trong các tình huống sắp cạn nhiên liệu.

Rủi ro khi lái xe trong tình trạng nhiên liệu thấp

Việc để xe vận hành trong tình trạng nhiên liệu cạn kiệt không chỉ tiềm ẩn nguy cơ xe dừng giữa đường, mà còn có thể gây hư hỏng nghiêm trọng đến các bộ phận cơ khí bên trong.

1. Bơm nhiên liệu quá nhiệt và hỏng hóc

Bơm nhiên liệu (hoạt động như một mô-tơ điện) được thiết kế để làm việc trong môi trường có nhiên liệu nhằm tự làm mát. Khi bình xăng gần cạn, lượng nhiên liệu không đủ để tản nhiệt, khiến mô-tơ dễ bị quá nhiệt, thậm chí hỏng hoàn toàn, dẫn đến chi phí sửa chữa đắt đỏ.

o-to-het-xang-giua-duong-1
 

2. Cặn bẩn lọt vào hệ thống phun nhiên liệu

Càng gần mức cạn, nguy cơ bơm hút cặn bẩn từ đáy bình càng cao. Những cặn bẩn này có thể đi vào hệ thống phun nhiên liệu, gây tắc nghẽn vòi phun và làm hư hại các bộ phận như lọc xăng, kim phun, buồng đốt. Khi hệ thống này gặp sự cố, xe sẽ rất khó khởi động, thậm chí không nổ máy được.

3. Tăng nguy cơ tai nạn giao thông

Một chiếc xe chết máy đột ngột giữa cao tốc hoặc đoạn đèo dốc không chỉ gây bất tiện mà còn đe dọa đến an toàn giao thông. Xe có thể trở thành chướng ngại vật bất ngờ, khiến các phương tiện phía sau phản ứng không kịp, dẫn đến va chạm.

kim-xang-ve-mo1-1679301243272942
 

Làm gì khi đèn nhiên liệu bật sáng?

Nếu thấy đèn báo bật sáng, điều đầu tiên cần làm là giữ bình tĩnh, tra cứu bản đồ hoặc sử dụng ứng dụng để tìm trạm xăng gần nhất. Trong lúc chờ tiếp cận trạm đổ, người lái nên áp dụng các biện pháp lái xe tiết kiệm nhiên liệu như:

  • Tắt các thiết bị không cần thiết như điều hòa, radio, sưởi ghế.
  • Giữ tốc độ ổn định, hạn chế tăng tốc đột ngột và phanh gấp.
  • Tránh di chuyển vào đường kẹt xe nếu có thể, để giảm thời gian động cơ tiêu hao nhiên liệu không cần thiết.
bao-hiem-quan-doi-mic-1-950
 

Có nên chờ đến khi đèn sáng mới đổ xăng?

Câu trả lời là không nên. Việc chờ đến khi đèn cảnh báo nhiên liệu bật sáng mới đi đổ xăng là thói quen nguy hiểm và gây hại cho xe. Thay vào đó, hãy chủ động kiểm tra đồng hồ nhiên liệu thường xuyên. Khi mức xăng xuống dưới 1/4 bình, đây là thời điểm lý tưởng để bạn tìm trạm đổ xăng gần nhất và nạp đầy bình.

Bên cạnh yếu tố an toàn, đổ xăng sớm còn giúp bảo vệ tuổi thọ của bơm nhiên liệu và đảm bảo hệ thống phun xăng luôn vận hành ổn định. Ngày nay, khi các ứng dụng bản đồ, tìm trạm xăng và thiết bị đo nhiên liệu hiện đại đã phổ biến, người dùng có nhiều công cụ hỗ trợ để tránh rơi vào tình huống cạn xăng giữa đường.