Sáng 15-4, tại trụ sở Huyện ủy Kon Plông, tỉnh Kon Tum, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã có buổi làm việc để triển khai một số nội dung liên quan đến việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh theo chỉ đạo của Trung ương.

Tham dự hội nghị có bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi; ông Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum; ông Đặng Ngọc Huy, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi; ông U Huấn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Kon Tum; ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi; ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum… và các Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ngành hai tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân cho biết, theo lộ trình của Trung ương thì trước ngày 1/5, phải hoàn thành Đề án sáp nhập, hợp nhất 2 tỉnh Kon Tum - Quảng Ngãi, báo cáo Trung ương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện chỉ đạo trên, Quảng Ngãi đã chủ động chuẩn bị các nội dung; dự thảo đề án, kế hoạch…
Bên cạnh đó Quảng Ngãi cũng cơ bản chuẩn bị phương án phương tiện đi lại, bố trí nhà công vụ, đảm bảo phục vụ cán bộ, công chức của tỉnh Kon Tum có nhu cầu sau sáp nhập 2 tỉnh.

Tỉnh Quảng Ngãi hiện có diện tích hơn 5.000 km², gồm 13 huyện với 170 xã, dân số khoảng 1,5 triệu người. Đây là một trong những địa phương dẫn đầu về thu ngân sách ở khu vực miền Trung, với hạt nhân là Nhà máy lọc dầu Dung Quất và các khu công nghiệp thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, Quảng Ngãi còn có thế mạnh về du lịch biển đảo, đặc biệt là huyện đảo Lý Sơn. Tỉnh hiện có 31 cầu cảng và dự kiến nâng lên 41 trong thời gian tới.
Tỉnh Kon Tum có diện tích gần 10.000 km², gồm 9 huyện và 102 xã, dân số khoảng 700.000 người. Tỉnh có lợi thế về rừng và nông - lâm nghiệp. Khu du lịch Măng Đen được ví như phiên bản của Đà Lạt nhờ khí hậu mát mẻ, có rừng thông và rừng hoa anh đào gắn với văn hóa đặc sắc. Kon Tum cũng sở hữu cửa khẩu Bờ Y giáp với Lào.
Hiện hai tỉnh được kết nối bằng tuyến quốc lộ 24, đi qua đèo Vi Ô Lắc. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh đã giao Ban Quản lý Dự án 85 chuẩn bị đầu tư dự án cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum dài 136 km, với tổng mức đầu tư hơn 35.000 tỉ đồng, dự kiến triển khai trong giai đoạn 2025 - 2028. Khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai tỉnh, đồng thời tạo sự kết nối nhanh chóng, đồng bộ giữa hai tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và phía Tây.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum Dương Văn Trang cho biết việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi chuẩn bị các nội dung cho việc sáp nhập là rất kịp thời, đúng quy định, nguyên tắc.

Trong thời gian tới còn rất nhiều việc phải làm, vì vậy 2 bên sớm thống nhất thời gian, hình thức trao đổi, phối hợp thực hiện để tạo sự thống nhất cao nhất khi thực hiện Đề án sáp nhập tỉnh. Trong đó cử cán bộ làm đầu mối phối hợp giữa các cơ quan tương ứng của 2 tỉnh để thuận tiện trao đổi, giải quyết công việc liên quan 2 tỉnh để sáp nhập chung; dự thảo lần 1 về Đề án và Kế hoạch thực hiện sáp nhập 2 tỉnh; thống nhất lịch trình, nơi gặp gỡ giải quyết công việc của 2 Ban Thường vụ Tỉnh ủy từ nay đến ngày 1/9/2025.
Trước đó, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đã thông qua danh sách dự kiến của 34 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh sau sáp nhập, trong đó hợp nhất tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Ngãi, lấy tên là tỉnh Quảng Ngãi, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Quảng Ngãi.