Đoàn thí sinh Hoa hậu Doanh nhân Toàn cầu 2023 tổ chức lễ viếng, dân hoa Tượng đài anh hùng dân tộc N’Trang Lơng tại TP. Gia Nghĩa

Sáng ngày 16-3 tại TP. Gia Nghĩa, Đoàn thí sinh Hoa hậu Doanh nhân Toàn cầu 2023 lần I Tổ chức lễ viếng Tượng đài anh hùng dân tộc N’Trang Lơng tại Đồi Đắk Nur, TP.Gia Nghĩa. Đây cũng là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của Đoàn thí sinh Hoa hậu Doanh nhân Toàn cầu 2023 tranh tài sắc tới đây.

22 thí sinh cùng BTC cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Toàn cầu chụp ảnh lưu niệm ngay sau lễ viếng, dâng hoa Tượng đài Người anh hùng dân tộc N’Trang Lơng

Dẫn đầu Đoàn thí sinh viếng, dâng hoa Tượng đài có ông Lê Thanh Long, Tổng giám đốc Công ty TNHH giải trí LDđại diện tổ chức Miss Business Global 2023 (Hoa hậu Doanh nhân Toàn cầu), Nhà báo Hồ Minh Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC); Phó CVP Viện IMRIC Trương Hữu Phước – TC Nhiếp ảnh và Đời sống; nghệ nhân kim hoàn quốc gia Hồ Thị Thanh Hương – Trưởng BGK Cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Toàn cầu lần I 2023, Nhà báo Hồ Phú Quốc – Trưởng ĐD Tc Doanh nhân pháp lý – Trương Ban Truyền thông của cuộc thi; cùng 22 thí sinh…

Được biết, Người anh hùng dân tộc N’Trang Lơng tên thật là Lơng, sinh năm 1870, tại làng Bu par, dưới chân núi Drônh, thuộc khu vực suối Đăk nha phía tây bắc cao nguyên M’nông, lớn lên ông cư trú và là tù trưởng của làng Bu N’Trang, nay thuộc địa bàn xã Đắk R’tíh, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk nông.

Sau khi hoàn thành việc đặt ách đô hộ lên Việt nam, năm 1890 những đoàn quân của thực dân Pháp kéo lên Tây nguyên nhằm hoàn thành ý đồ xâm lược của chúng. Nhiều tù trưởng nhanh chóng đầu hàng, nhưng N’Trang Lơng không chịu khuất phục sự thống trị bạo tàn của thực dân Pháp; ông đã kêu gọi, lãnh đạo các bộ tộc M’nông, Xtiêng cũng như người dân trong vùng nổi dậy chống lại giặc Pháp; căn cứ địa kháng chiến được xây dựng tại thung lũng rừng già Bu Siết giáp ranh với Bu N’Drung thượng nguồn suối Bu Ksô thuộc núi Nâm nung.
Cuộc khởi nghĩa do N’Trang Lơng lãnh đạo kéo dài từ 1912 đến 1936, đã đánh bại nhiều cuộc tấn công, quét sạch các đồn bốt, phản công bất ngờ hệ thống đồn địch, giải phóng một vùng rộng lớn cao nguyên M Nông. Chiến công mang tính lịch sử và thành công cao là trận nghi binh tiêu diệt chỉ huy Henri Maitre tại đồn Bu Nôrp diễn ra vào tháng 7 năm 1914. Năm 1935, do sự chỉ điểm của kẻ phản bội M’Pông Phê, giặc Pháp đã bao vây, tấn công bất ngờ vào Bu Par, ông bị bắt và bị chúng giết hại vào ngày 23-5-1935.

Đắk Nông tự hào và mong muốn giới thiệu bản sắc văn hóa đến đông đảo bạn bè trong và ngoài nước.

Cuộc kháng chiến của cộng đồng người dân tộc ở Nam Tây Nguyên dưới sự lãnh đạo của N’Trang Lơng là một trang sử chói lọi về lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết đấu tranh giành độc lập của các dân tộc trên đất nước Việt Nam. Năm 1964, Đảng, Nhà nước ta đã trọng thể tổ chức kỷ niệm 50 năm chiến thắng Bu Mêra (7/1914 – 7/1964) để tôn vinh ý nghĩa lớn lao của cuộc khởi nghĩa N’Trang Lơng. Tại Đắk Nông, nơi quê hương người anh hùng, năm 2012, tỉnh Đắk Nông tổ chức trọng thể kỷ niệm 100 năm Khởi nghĩa N’Trang Lơng với nhiều hoạt động phong phú, trong đó có việc xúc tiến xây dựng Tượng đài Anh hùng N’Trang Lơng tại thị xã Gia Nghĩa.

Năm 2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về việc xây dựng Tượng đài Anh hùng N’Trang Lơng và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc 1912-1936  tại TP. Gia Nghĩa. Với tinh thần đó, nhân kỷ niệm 100 năm Phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng, tỉnh Đắk Nông đã tổ chức khởi công xây dựng tượng đài ở ngọn đồi Đắk Nur, TP Gia Nghĩa. Tổng diện tích xây dựng tượng đài là 5,9 ha, kinh phí hơn 167 tỷ đồng, được chia làm hai giai đoạn. Trong đó, một phần kinh phí có được từ nguồn đóng góp của Nhân dân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Việc xây dựng Tượng đài Anh hùng N’Trang Lơng và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc 1912-1936 mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đối với người con ưu tú đã có nhiều đóng góp trong công cuộc đấu tranh chống thực dân xâm lược, cũng như tôn vinh giá trị cao đẹp của lòng yêu nước.

Công trình Tượng đài Anh hùng N’Trang Lơng và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc 1912-1936  là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh. Do đó, Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã quyết liệt đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thành công trình. Hiện nay cơ bản các hạng mục đã hoàn tất, sẵn sàng cho Lễ kỷ niệm 110 năm phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng và khánh thành tượng đài dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 12/2022.

Việc xây dựng Tượng đài N’Trang Lơng thể hiện sâu sắc sự quan tâm, nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đắk Nông đối với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, tinh thần cao đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số; là sự chung tay, góp sức của người dân, doanh nghiệp trong thực hiện công trình giá trị kiến trúc, mỹ thuật này. Thật phấn khởi là, từ nửa năm về trước, khi chưa khánh thành, nhưng địa điểm Tượng đài N’Trang Lơng đã thu hút rất đông đảo người dân, du khách, bạn bè gần xa trong và ngoài nước tới tham quan, chụp hình lưu niệm.

Tượng đài anh hùng dân tộc N’Trang Lơng được xây dựng trên đồi Đắk Nur, trung tâm TP.Gia Nghĩa. Tượng đài có chiều cao 18,5m, dài 27m, tổng khối lượng hơn 450 tấn. Công trình có tổng vốn đầu tư gần 78 tỷ đồng.

Công trình Tượng đài Anh hùng N’Trang Lơng và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc 1912-1936 là dấu ấn nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc, một thành tựu trên lĩnh vực văn hóa của tỉnh Đắk Nông trong chặng đường xây dựng và phát triển. Về tổng thể, công trình đã thể hiện được sự hùng dũng, uy nghi, mạnh mẽ như chính người anh hùng N’Trang Lơng và phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào M’nông.