Đổi thay trên quê hương Đệ tứ chiến khu
Đông Triều là vùng đất có bề dày truyền thống yêu nước với những trang sử vẻ vang, hào hùng gắn liền với chiều dài lịch sử dân tộc. Thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám, Đông Triều là một trong những cái nôi của phong trào cách mạng với nhiều sự kiện lịch sử được ghi lại, như: Nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Khu mỏ (23-2-1930), nơi đánh dấu sự ra đời của Đệ tứ chiến khu (hay Chiến khu Đông Triều), góp phần cùng các địa phương tổng khởi nghĩa đập tan chính quyền thực dân phong kiến tay sai, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Từ một huyện kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, năm 2015, Đông Triều được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới, rồi trở thành thị xã. Năm 2020, thị xã Đông Triều “chạm đích” đô thị loại 3. Những năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt của cấp ủy, chính quyền, sự chung sức đồng lòng của người dân đã giúp Đông Triều hoàn thành mục tiêu kép là vừa phát triển kinh tế-xã hội, vừa chống dịch hiệu quả. Tổng giá trị sản xuất năm 2021 trên địa bàn thị xã đạt hơn 25.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 13,6%. Năm 2022, thị xã Đông Triều đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt từ 13,5% trở lên. Đến thời điểm này, các chỉ tiêu trên đang được Đông Triều triển khai thực hiện theo đúng lộ trình, kế hoạch xác định. Đây là cơ sở để Đông Triều hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố vào năm 2022 và là đơn vị cấp huyện đầu tiên trong cả nước hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2023.
NGUYỄN TRƯỜNG (ghi)
-------------
Trung úy QNCN NÔNG VĂN LỢI, Đội Phòng chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Ia R’vê (BĐBP tỉnh Đắc Lắc):
Góp sức giữ gìn biên cương Tổ quốc
Là một chiến sĩ biên phòng, trong những năm qua, tôi và các đồng đội luôn hiểu rằng, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội là trách nhiệm của mọi người dân Việt Nam, trong đó lực lượng biên phòng là nòng cốt. Để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới, tôi không ngừng học tập, nỗ lực phấn đấu, rèn luyện ý chí, tinh thần trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn, chấp hành nghiêm quy định, kỷ luật. Bên cạnh đó, tôi cùng các đồng đội không ngừng củng cố mối quan hệ máu thịt với nhân dân, tích cực tham gia giúp bà con xóa đói, giảm nghèo, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Các hộ gia đình ở Thủ đô Hà Nội treo cờ Tổ quốc chào mừng Quốc khánh 2-9. Ảnh: TUẤN HUY |
Trong điều kiện thực hiện nhiệm vụ dài ngày nơi biên giới còn nhiều khó khăn, khí hậu khắc nghiệt nhưng chúng tôi luôn nghĩ rằng đã là người chiến sĩ thì phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao, dù gian lao, vất vả thế nào cũng luôn giữ vững quyết tâm, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt. Tuy công tác xa gia đình nhưng thời nay phương tiện, công nghệ liên lạc cũng thuận tiện hơn, giờ nghỉ, ngày nghỉ tôi thường gọi điện thoại về động viên vợ, con cùng chia sẻ công việc, từ đó giúp tôi luôn yên tâm công tác, góp sức canh giữ biên cương Tổ quốc.
NGUYỄN LÂN (ghi)
---------------
Ông HỒ VĂN VỪA, Trưởng bản Còi Đá, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình:
Vinh dự được mang họ Bác
Chúng tôi được nghe thế hệ các già làng kể lại, tháng 6-1957, Bác Hồ về thăm Quảng Bình, các đại biểu dân tộc Bru-Vân Kiều đã xin phép được gặp Bác, đề đạt mong muốn được mang họ Hồ và Người đồng ý. Từ đó, đồng bào Bru-Vân Kiều hết thế hệ này đến thế hệ khác mang họ Hồ. Đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều ở bản Còi Đá chúng tôi cũng lấy họ Hồ của Bác làm họ của mình.
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chính quyền thực dân phong kiến không ngó ngàng đến đồng bào Bru-Vân Kiều nên cái đói, cái nghèo, lạc hậu, bệnh tật đã đẩy cộng đồng dân tộc chúng tôi đến cùng cực. Cách mạng Tháng Tám thành công mới thực sự đưa đồng bào Bru-Vân Kiều trở thành những người chủ của bản làng. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bản Còi Đá là vùng đất hoang vu, chưa có người sinh sống, sau này đi theo bộ đội, đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều ở các bản làng khác đến đây sinh sống. Từ mảnh đất này, bà con bắt đầu khai hoang, làm rẫy, sản xuất lương thực để đùm bọc, nuôi bộ đội, rồi lập bản ở đến tận bây giờ.
Được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, đời sống đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều đã có nhiều đổi thay, người Bru-Vân Kiều giờ đây ai cũng có cơm ăn, áo mặc, có điện, đường, trường, trạm, con cháu được học hành.
HOÀNG THÁI (ghi)
------------
Đồng chí VŨ VIỆT DƯƠNG, Phó bí thư Huyện đoàn Hải Hậu, tỉnh Nam Định:
Quan tâm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác giáo dục truyền thống cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ, những năm qua, Huyện đoàn Hải Hậu bằng những việc làm cụ thể, các hình thức giáo dục tại các buổi sinh hoạt, các hoạt động, hành trình về nguồn, các địa danh lịch sử, dâng hương, thắp nến tri ân... đã góp phần giáo dục, bồi dưỡng lòng yêu nước, phát huy truyền thống cách mạng và lòng tự tôn dân tộc cho cán bộ, đoàn viên, thanh, thiếu nhi.
Khắc sâu lời dạy của Bác: “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, Huyện đoàn Hải Hậu luôn chú trọng thực hiện các phong trào thanh niên xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng với nhiều hoạt động, phần việc cụ thể, thiết thực. Tiêu biểu như Phong trào “Tuổi trẻ Hải Hậu với các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”. Theo đó, đoàn thanh niên đã thành lập 34 đội với nhiệm vụ tuyên truyền, kiểm tra việc chấp hành vệ sinh môi trường của các hộ dân; duy trì các đội thanh niên hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai; phối hợp tổ chức hơn 400 đợt ra quân tham gia thu gom về khu xử lý rác thải tập trung. Hay Phong trào "Hiến máu tình nguyện" đã thu hút hơn 4.200 đoàn viên, thanh niên tham gia, đóng góp được hơn 3.400 đơn vị máu...