Gỡ thẻ vàng thủy sản: ‘Chạy nước rút’ trước giờ G

Việc Ủy ban châu Âu (EC) tới Việt Nam vào cuối tháng 10/2022 để kiểm tra tình hình thực hiện các khuyến nghị về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là cơ hội để Việt Nam gỡ thẻ vàng, cũng như khẳng định những cam kết trong việc phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế.
Gỡ thẻ vàng không chỉ giúp hàng thủy sản Việt Nam gia tăng xuất khẩu mà còn góp phần phát triển bền vững nghề cá địa phương. (Nguồn: VIR)
Gỡ thẻ vàng không chỉ giúp hàng thủy sản Việt Nam gia tăng xuất khẩu mà còn góp phần phát triển bền vững nghề cá địa phương. (Nguồn: VIR)

Thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, việc quản lý nguồn lợi và khai thác thủy sản của nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, phát triển thiếu bền vững, chưa đáp ứng đầy đủ các quy định pháp lý về quản lý nghề cá.

Do vậy, ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu, vì chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về chống khai thác IUU.

Nỗ lực tháo gỡ

Từ khi EC cảnh báo thẻ vàng, hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã bị tác động rõ rệt và liên tục giảm sút qua các năm.

Trong giai đoạn 2017-2019, sau hai năm chịu tác động từ thẻ vàng, xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hải sản giảm trên 10%, tương đương giảm 43 triệu USD. Năm 2020, xuất khẩu sang EU sụt giảm sâu nhất vì tác động kép của thẻ vàng IUU và dịch Covid-19.

Thông tin tại Hội nghị “Bàn giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế về chống khai thác IUU” cuối tháng Chín tại TP. Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, theo kế hoạch vào cuối tháng Mười, Đoàn kiểm tra của EC sẽ đến Việt Nam trực tiếp kiểm tra việc chống khai thác IUU, dự kiến việc kiểm tra rất gắt gao.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, chỉ còn rất ít thời gian và Bộ vẫn đang trực tiếp nỗ lực xử lý vấn đề này. “Nếu bị thẻ đỏ thì sẽ không xuất khẩu được hải sản, lúc đó ngư dân đánh được cá cũng không bán được. Tất cả các địa phương nếu không cùng quyết liệt đồng hành thì đừng mong gỡ thẻ vàng IUU”, ông Tiến cảnh báo.

Chủ trì cuộc họp lần thứ sáu của Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác IUU ngày 20/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Tổng cục Thủy sản và các địa phương phải tổ chức, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở thu mua, tiêu thụ sản phẩm thủy sản tham gia tích cực, phát huy vai trò, nâng cao trách nhiệm xã hội, cùng chia sẻ lợi ích với ngư dân trong chuỗi giá trị sản xuất khai thác thủy sản để nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản khai thác.

Đồng thời cần xây dựng, phát triển các mô hình liên kết, liên doanh, gắn kết các khâu trong quá trình sản xuất, từ khai thác, bảo quản đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm phù hợp với từng nghề, từng địa phương.

“Phải tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm đối với các tàu cá ‘ba không’: không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm. Xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực khai thác thủy sản nhất là đối với các tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU), đánh bắt sai vùng, sai tuyến”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường hơn nữa công tác giám sát, quản lý đối với hoạt động sửa chữa, đóng mới, cải hoán tàu cá, nhất là các doanh nghiệp sửa chữa, đóng mới cải hoán tàu cá liên vùng. Phải tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định về cấm khai thác, tạm ngừng khai thác có thời hạn, vùng cấm khai thác, cấm theo nghề tại một số vùng biển, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, nơi cư trú của các loài thủy sản.

“Chúng ta cần phải nhắc nhau rằng gỡ thẻ vàng IUU trước hết chính là vì đời sống của bà con. Nếu làm được, Việt Nam sẽ có thêm sức hút với đầu tư quốc tế, giúp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”. (Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành)

Địa phương tích cực vào cuộc

Xác định tháo gỡ thẻ vàng không chỉ giúp hàng thủy sản Việt Nam rộng đường xuất khẩu sang các nước mà còn góp phần quan trọng để hoạt động nghề cá của các địa phương phát triển bền vững, từ nhiều tháng nay, các địa phương đã nỗ lực triển khai các biện pháp tháo gỡ vướng mắc trong công tác khai thác IUU.

Là một trong những địa phương được đánh giá là triển khai tích cực các biện pháp chống khai thác IUU, Khánh Hòa hiện có gần 3.200 tàu cá, trong đó, tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên khai thác xa bờ gần 700 chiếc. Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh không ghi nhận tình trạng tàu cá vi phạm khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài. Hầu hết ngư dân trong tỉnh nhận thức được khai thác IUU là hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản.

Các chủ tàu, thuyền trưởng tuân thủ nghiêm việc khai báo khi tàu rời cảng, cập cảng lên cá, mang đầy đủ giấy tờ đăng ký, đăng kiểm, chứng chỉ, trang thiết bị an toàn hàng hải, thiết bị khai thác khi cho tàu vươn khơi. Việc kiểm tra, kiểm soát, quản lý hoạt động tàu cá đã có hiệu quả, hồ sơ xác nhận, chứng nhận được lưu trữ khoa học, đảm bảo việc truy xuất nhanh chóng, chính xác.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang cho biết, trong tháng 9/2022, không có tàu cá của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài. Các lực lượng chức năng tăng cường giải pháp phòng, chống khai thác IUU trên địa bàn.

Bộ đội Biên phòng Kiên Giang cũng chỉ đạo các đồn, trạm kiểm soát Biên phòng thực hiện nghiêm công tác kiểm tra 24/24 giờ, kiểm soát chặt chẽ tàu cá ngư dân ra, vào các cửa biển, cửa sông lớn, kiên quyết không cho ra khơi những trường hợp tàu cá mà thủ tục giấy tờ không đầy đủ, không hợp lệ, thiếu trang thiết bị hàng hải, không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu…