Hòa Vang ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn

Thời gian gần đây, hàng trăm hộ dân tại xã Hòa Tiến, Hòa Phong và Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) lao đao vì nước nhiễm mặn, khiến cho cây lúa chết khô. Trước tình hình đó, UBND huyện Hòa Vang đã kiểm tra thực tế, tổ chức họp với các ngành chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các xã, các hợp tác xã (HTX) để bàn, đề ra các giải pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, tinh thần là hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân.

Theo kế hoạch vụ Hè Thu năm 2024, toàn huyện gieo sạ 2.061 ha, đến nay, đã gieo sạ đạt 99,8%. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Elnino, các khu vực bơm tưới từ nguồn nước sông Yên, sông Cầu Đỏ, Túy Loan bị nhiễm mặn, gây ngộ độc cho cây lúa.

Hiện nay, toàn huyện đã có khoảng 56,35 ha lúa bị thiệt hại, tập trung tại xã Hoà Tiến, Hoà Phong và Hoà Nhơn.

Theo bà Lê Thị Năm (nông dân thôn Cẩm Toại Đông, xã Hoà Phong), vụ Hè Thu năm nay gia đình bà xuống giống hơn 3 sào lúa, nhưng do ảnh hưởng của nước nhiễm mặn nên lúa chết hầu như hoàn toàn trong đợt gieo sạ đầu tiên. Để khắc phục tình trạng gia đình cũng đã gieo sạ lại lần hai kết hợp với việc giữ nước, cung cấp nguồn nước tưới không bị nhiễm mặn từ khe suối.


Người dân khắc phục tình trạng nhiễm mặn bằng cách dẫn nguồn nước từ khe suối vào các cánh đồng

Bên cạnh đó, các cấp lãnh đạo UBND huyện Hoà Vang cũng đã quan tâm, chỉ đạo, cử người túc trực để đo độ mặn của nước để kịp thời tìm cách khắc phục cho người nông dân. Đến nay tình trạng xâm nhập mặn trên đồng ruộng cũng đã đỡ đi được phần nào.

Xã Hòa Nhơn là địa phương có diện tích lúa bị hư hại cao nhất. Hiện nay biện pháp cấp thiết là phải có nguồn nước để tưới nhưng nguồn nước từ trạm bơm Tuý Loan không đảm bảo, qua phối hợp đánh giá của các ngành chuyên môn, trong vòng 5-6 ngày đến, nếu không có nguồn nước, diện tích lúa nơi đây sẽ chết dần.

Ông Nguyễn Sỹ, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hòa Phong 1, xã Hòa Phong cho biết, năm nay do tình trạng nắng nóng kéo dài, lượng mưa thấp nên dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn, không đảm bảo nguồn nước tưới cho nên rơi vào tình thế bị động gây khó khăn cho bà con nông dân trong việc khắc phục. Tính riêng xã Hoà Phong có khoảng 43ha vừa bị nhiễm mặn vừa bị khô hạn, trước tình hình đó HTX nông nghiệp 1 cũng đã tiến hành đặt một máy bơm nước tại khu vực Cầu Mùn, đồng thời đắp đập ngăn mặn hỗ trợ kịp thời nước cho người dân, đặt thêm 02 máy bơm tận dụng nguồn nước từ Bàu Thị bơm nước hỗ trợ nhân dân.


 Lãnh đạo huyện Hoà Vang cùng các cơ quan chức năng đo độ mặn của nước tại các vùng bị nhiễm mặn

Qua buổi kiểm tra thực tế tại các cánh đồng, lãnh đạo huyện Hòa Vang đã yêu cầu các phòng ban của huyện và địa phương huy động nhân lực, vật lực, triển khai đồng bộ các giải pháp hạn chế thấp nhất thiệt hại do nhiễm mặn gây ra.

“Trước mắt, đề xuất thành phố xây dựng công trình ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ kết hợp mở rộng cầu Hòa Xuân ở hạ lưu cửa thu Nhà máy nước Cầu Đỏ; đắp đập tạm trên sông Quảng Huế để tạo nguồn nước cấp cho hạ lưu sông Vu Gia; tăng cường hướng dẫn chuyển đổi giống cây trồng phù hợp với khả năng chịu mặn…” Bà Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoà Vang nói.