Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho rằng, muốn tiến xa, nông sản Việt Nam phải xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn với điều kiện địa lý xa, tiêu chuẩn chất lượng cao… Do vậy, các doanh nghiệp phải tập trung phát triển công nghệ bảo quản, công nghệ chế biến hiện đại, hiệu quả theo đúng tiêu chuẩn từ phía các thị trường nhập khẩu lớn, tiềm năng; đồng thời, hình thành khối thị trường bền vững tại nhiều quốc gia, tránh tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào các thị trường truyền thống.
Đồng quan điểm chế biến là vấn đề then chốt trong việc nâng cao giá trị nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Intimex Đỗ Hà Nam thông tin, Intimex đã xây dựng nhà máy cà phê hòa tan và tập trung vào chế biến cà phê để nâng cao giá trị. Nhà máy đang hoạt động với 70% công suất, bình quân sản xuất 200 tấn thành phẩm mỗi tháng. Với công nghệ sản xuất có kết nối bằng công nghệ thông tin hiện đại, các đối tác nhập khẩu có thể giám sát chất lượng từ xa mà không cần phải đến trực tiếp Việt Nam.
Cùng với việc tập trung ứng dụng công nghệ, đầu tư chế biến sâu, bảo quản sản phẩm, nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, trong bối cảnh kinh tế hội nhập hiện nay, các doanh nghiệp, người sản xuất cũng cần chủ động tiếp cận các thông tin, yêu cầu tiêu chuẩn từ các thị trường, tận dụng các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để mở rộng thị trường.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T Nguyễn Ðình Tùng kiến nghị, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xúc tiến thương mại, xây dựng những quy chuẩn chất lượng theo nhóm tiêu chí của thị trường nhập khẩu, đặc biệt là hỗ trợ việc xuất khẩu theo các đơn hàng nằm trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đối với sản xuất, quy hoạch vùng và xây dựng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn là vấn đề mang tính cốt lõi cho xuất khẩu nông sản Việt Nam.
Để nông sản Việt Nam phát huy tối đa nguồn lợi kinh tế xứng với tiềm năng xuất khẩu; đồng thời, triển khai có hiệu quả Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp các bộ, ngành rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, đơn giản hóa thủ tục liên quan đến xuất khẩu nông sản như các quy định về kiểm dịch, an toàn thực phẩm, thủ tục hải quan...
Trước mắt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ ưu tiên hỗ trợ phát triển các chuỗi giá trị hàng nông lâm, thủy sản xuất khẩu; triển khai các giải pháp khuyến khích đầu tư vào chế biến, bảo quản gắn với thị trường tiêu thụ; hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trong việc xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp tại các thị trường xuất khẩu cũng như xây dựng, triển khai các hoạt động quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và quốc tế...
Thực tế cho thấy, sản xuất vẫn là khâu then chốt quyết định. Do vậy, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang Dương Thanh Tùng, thời gian tới, địa phương sẽ tổ chức lại sản xuất dựa trên tiềm năng và lợi thế so sánh; tập trung phát triển các sản phẩm có chất lượng; phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; đồng thời, tăng cường liên kết 6 nhà: Nhà nông - nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà băng - nhà khoa học - nhà phân phối với nòng cốt là liên kết nhà nông - nhà doanh nghiệp.
Cùng với đó là việc hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt (GAP), truy xuất nguồn gốc cũng như hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong chế biến nhằm tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm từ nuôi trồng đến thu hoạch, vận chuyển, chế biến, xuất khẩu...
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch đàm phán mở cửa thị trường, tháo gỡ các rào cản thương mại, giải quyết tranh chấp quốc tế; đồng thời sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp liên quan thực hiện các hoạt động nghiên cứu, dự báo thị trường, đánh giá khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông lâm, thủy sản chủ lực của Việt Nam trên thị trường thế giới.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ tính trong quý I-2021, giá trị xuất khẩu nông sản đã đạt 10,61 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước. Đáng ghi nhận, lượng nông sản xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng của Việt Nam đều tăng mạnh. Cụ thể, thị trường Mỹ tăng 45,8%, Trung Quốc tăng 39,5%, Hàn Quốc tăng 9,5%, Nhật Bản tăng 3,4%. Xuất khẩu nông sản Việt Nam đang đi đúng hướng khi tập trung nâng cao chất lượng và tìm vào những phân khúc thị trường tiềm năng để nâng cao giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, nông sản Việt Nam cần có những bước đi bài bản, lộ trình cụ thể hơn nữa để phát huy tối đa nguồn lợi kinh tế xứng với tiềm năng vốn có. Để đạt mục tiêu xuất khẩu nông sản năm 2021 trên 42 tỷ USD, hướng tới mục tiêu đến năm 2025, giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông lâm, thủy sản của Việt Nam đạt 50-51 tỷ USD và năm 2030 đạt 60-62 tỷ USD (theo Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 - Chính phủ vừa phê duyệt), rõ ràng còn nhiều việc phải làm. |