Khi nào có thể coi Covid-19 là bệnh đặc hữu?

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh với khoảng 100.000 ca F0 mỗi ngày, các chuyên gia cho rằng việc coi Covid-19 là bệnh đặc hữu sẽ cần thêm nhiều thời gian.

Chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2022, ngày 3-3 vừa qua Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu, đánh giá tình trạng kháng thể bảo vệ trước SARS-CoV-2 trên phạm vi cả nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả; tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu.

Giải thích về khái niệm "bệnh đặc hữu là gì?", một chuyên gia y tế cho biết hiện nay dịch SARS-CoV-2 được xếp vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A (nhóm đặc biệt nguy hiểm). Ngoài việc huy động mọi nguồn lực và cả hệ thống chính trị vào cuộc chiến phòng, chống đại dịch; trưng dụng các nguồn lực cho hoạt động chống dịch, thì việc khám chữa bệnh hoàn toàn Nhà nước phải chi trả, người dân chữa bệnh Covid-19 không mất tiền...

images-1-1646390859.jfif

 

Các chuyên gia cho rằng cần thêm thời gian để xem Covid-19 là bệnh đặc hữu-

 

Khi coi Covid-19 là bệnh đặc hữu tức là sẽ không xem Covid-19 là đại dịch nữa mà coi như một bệnh lý chuyên khoa truyền nhiễm, bệnh chuyên khoa thông thường. Tại các cơ sở y tế sẽ tập trung chẩn đoán chính xác, điều trị hiệu quả, giảm biến chứng, giảm tử vong.

 

Theo PGS-TS Hoàng Bùi Hải, Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19, Đại học Y Hà Nội khi tiến tới việc thay đổi từ đại dịch sang bệnh đặc hữu thì việc thanh toán, chi trả tiền khám, chữa bệnh Covid-19 cũng cần ứng xử như với các bệnh lý khác, nghĩa là có thể do BHYT chi trả hoặc khám dịch vụ do người dân tự chi trả.

Cùng quan điểm rằng sẽ đến lúc Covid-19 cũng được coi bệnh đặc hữu, tuy nhiên, theo một chuyên gia dịch tễ trước làn sóng dịch mới, biến thể mới với số ca mắc tăng nhanh như thời gian qua thì việc coi Covid-19 là bệnh đặc hữu sẽ cần thêm nhiều thời gian.

"Với số ca mắc và tử vong như hiện nay, sự đáp ứng của hệ thống y tế còn hạn chế, cùng với việc biến thể liên tục của chủng virus SARS-CoV-2 và hiệu quả của vắc-xin phòng bệnh chưa được chưa mong muốn, cuộc sống chưa trở lại bình thường thì chưa thể coi Covid-19 là bệnh đặc hữu" - chuyên gia này phân tích.

Nhận định về tình hình dịch bệnh, nhiều chuyên gia dịch tễ cho rằng dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp với số ca mắc tăng nhanh, số ca tử vong cũng bắt đầu tăng. Những ngày qua, khi số lượng F0 trên địa bàn cả nước trên 100.000 ca mỗi ngày, nhiều người đã suy nghĩ “rồi ai cũng thành F0”. Đây là điều rất đáng lo ngại.

"Chúng ta chỉ có thể thả lỏng hoàn toàn khi có được một hệ thống y tế tốt, có khả năng chống đỡ, còn ở điều kiện hiện tại, nếu để dịch bùng phát mạnh sẽ dẫn tới việc y tế bị quá tải. Bên cạnh đó, nếu không thực hiện quy định cách ly nghiêm túc, các F0 sẽ trở thành nguồn lây cho nhiều người khác, nguy hiểm hơn là lây cho người già, người có bệnh nền và trẻ em, khiến dịch lây lan theo cấp số nhân” - PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, cảnh báo.

Các chuyên gia y tế cũng lưu ý trong bối cảnh hiện nay, cả mọi người cần nâng cao cảnh giác, kể cả những người đã là F0, hoặc đang là F1, người chưa chưa mắc Covid-19 cần chủ động phòng, chống dịch, hạn chế đi lại, tiếp xúc nhiều, không tụ tập, không đến nơi đông người khi không cần thiết… "Đừng buông xuôi, thả lỏng, nghĩ "ai rồi cũng thành F0" thì rất nguy hiểm, kéo theo vô số những hệ lụy, trong đó có quá tải hệ thống y tế, khiến số ca bệnh nặng, tử vong tăng vọt" - một chuyên gia khuyến cáo.