Nắng đã tắt trên những ngọn đồi bát úp trải dài từ Quốc lộ 279 dẫn vào xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo (Điện Biên). Dưới những tầng mắc ca cao hơn đầu người chuẩn bị cho thu hoạch vào độ tháng 10, anh Nguyễn Mạnh Yến (xã Quài Cang) vẫn cặm cụi tỉa cành tạo tán và quan sát tỉ mỉ chân đất để phát hiện chuột.
"Cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn kỹ, chuột rất thích ăn quả mắc ca, chúng có thể làm giảm tới 30% năng suất hạt mắc ca. Do đó, tôi hàng ngày đều thăm vườn, kịp thời phá bỏ nơi ẩn náu của chuột bằng cách dọn sạch khu vực hàng rào, bụi cây trong khu vực trồng mắc ca", anh Yến chia sẻ.
Mắc ca là cây khó tính, nhưng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại Tây Bắc. Để có một cây mắc ca khỏe, sạch bệnh, cho chất lượng quả như kỳ vọng, anh Yến được lưu ý từ khâu chọn giống, đến mật độ gieo trồng. Cụ thể, mật độ phù hợp từ 205 đến 280 cây/ha đối với trồng thuần. Nếu trồng xen, người dân cần giữ mật độ khoảng 124 cây/ha (cự ly 9 x 9m) khi trồng cùng cà phê, hoặc 138 cây/ha (cự ly 12 x 6m); trồng xen với hồ tiêu mật độ khoảng 124 cây/ha (cự ly 9 x 9m), với chè là 111 cây/ha.
Anh Yến "nằm lòng" những kỹ thuật trồng mắc ca như một chuyên gia: "Tại phía Bắc, mắc ca tốt nhất nên trồng vào mùa xuân. Trước khi trồng, cần lưu ý xử lý thực bì, làm đất, phát dọn toàn diện để giảm cỏ dại, sâu bệnh và tránh cạnh tranh dinh dưỡng. Ngoài ra, phải cuốc lật đất hoặc xới đất, rẫy cỏ cục bộ 1,5 - 2m2 xung quanh vị trí đào hố, nhặt sạch rễ cây lớn (trên 2cm). Đối với những nơi đất dốc (khoảng 20 độ), nên làm bậc thang theo đường đồng mức có mặt băng rộng từ 2 - 4m".
Mấy năm trồng mắc ca, anh Yến nghiệm ra rằng sau khi đào hố, cần phơi ải ít nhất một tháng, kết hợp với trộn phân lót khi lấp hố. Đường lên đồi mắc ca có những đoạn dựng đứng, nhưng những người dân như anh Yến vẫn đảm bảo bón đủ mỗi hố 50kg phân chuồng ủ hoai hoặc phân vi sinh, trước khi tạo hình mai rùa cao hơn mặt đất tự nhiên 2 - 3cm...
Lối đi riêng của mắc ca Tây Bắc
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Điện Biên, trong khoảng 4.000ha mắc ca hiện có trên địa bàn, diện tích trồng thuần lên tới gần 90%. Các diện tích đã trồng tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện Tuần Giáo, Điện Biên, Mường Nhé, Điện Biên Đông, Mường Ảng và TP Điện Biên Phủ.
Khác với các tỉnh Tây Nguyên, nơi mắc ca được phát triển dần từ trồng xen thành cây trồng chủ lực, người dân có thể đảm bảo sinh kế khi mắc ca chưa khép tán, Điện Biên nói riêng và các tỉnh Tây Bắc nói chung cần một hướng đi mới.
Tại Tuần Giáo, nơi trồng khoảng 1.400ha mắc ca, bà Phạm Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, địa bàn có nhiều hình thức liên kết giữa doanh nghiệp và người dân.
Theo đó, sau khi ký hợp đồng, phía công ty trả cho người dân (bên góp đất) một khoản tiền hỗ trợ việc chuyển đổi ngành nghề cho bà con khi chưa có sản phẩm trong 5 năm đầu. Ngoài ra, doanh nghiệp cam kết tuyển dụng lao động thường xuyên và ưu tiên các hộ góp đất cho công ty với thu nhập từ 4 - 7 triệu đồng/người/tháng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 150 người và hơn 500 lao động thời vụ.
"Đối tượng hưởng lợi chủ yếu là đồng bào thiểu số trong vùng dự án. Đặc biệt, từ năm thứ 6 trở đi, người dân sẽ được hưởng 15% sản lượng quả mắc ca tươi theo hợp đồng góp đất với công ty", bà Tuyên chia sẻ.
Cá biệt, năm 2021, hộ ông Lò Văn Chanh, xã Quài Nưa bán quả mắc ca tươi với diện tích khoảng 0,6ha đã thu được 70 triệu đồng.
"Xanh hóa" đất dốc, thay đổi tập quán sản xuất
Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Điện Biên cho biết, để cụ thể hóa các nội dung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, năm 2021, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành một số đề án, kế hoạch nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó có Đề án phát triển cây ăn quả lợi thế, đặc sản; Đề án phát triển gia súc ăn cỏ; Đề án phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Sau gần 10 năm thực hiện tái cơ cấu, Điện Biên bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung, sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật, phát triển thành hàng hóa như: Sản xuất lúa gạo tại huyện Điện Biên, Tuần Giáo; trồng cây ăn quả tại huyện Tuần Giáo, Điện Biên, Mường Ảng; chăn nuôi đại gia súc tại các huyện Điện Biên Đông, Điện Biên, Mường Nhé, Tủa Chùa.
Song song đó, Sở NN-PTNT tham mưu cho UBND tỉnh về việc tích cực mời gọi thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Từ năm 2018 đến nay, Điện Biên đã thu hút được 14 dự án đầu tư vào nông lâm nghiệp với tổng mức đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.
Bên cạnh mắc ca, cây cao su đã góp phần quan trọng trong việc phát triển tế xã hội, cũng như đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn Điện Biên. Ông Hải bộc bạch: "Cao su và mắc ca là 2 cây lâm nghiệp giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp bằng việc tận dụng được quỹ đất hoang hóa, đồng thời tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống cho bà con".
Tính toàn bộ tỉnh Điện Biên, các công ty trồng mắc ca đang sử dụng trên 300 lao động thường xuyên và gần 600 lao động thời vụ; các công ty cao su sử dụng trên 500 lao động thường xuyên và khoảng 350 lao động thời vụ. Với lao động thường xuyên, người dân được trả mức lương bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/tháng); lao động thời vụ được trả công từ 200 - 300 nghìn đồng/ngày.
Ông Hải đánh giá, những cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao như mắc ca, cao su không những giúp duy trì, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh mà còn thay đổi đáng kể tập quán, phương thức canh tác của bà con đồng bào thiểu số, hình thành tư duy, tác phong công nghiệp trong lao động, sản xuất. Cùng với đó, quá trình thực hiện các dự án đã góp phần phát triển cơ sở hạ tầng (đường điện, đường dân sinh, nước sinh hoạt...) tại các địa phương.
Thời gian tới, Điện Biên sẽ tạo điều kiện hơn nữa để thúc đẩy quá trình thực hiện mô hình liên kết 3 bên giữa nhà nước – doanh nghiệp – người dân. Một trong số đó là đẩy nhanh việc giao đất lâm nghiệp chưa có rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Kế hoạch số 2783/KH-UBND ngày 20/9/2019 của UBND tỉnh để tạo cơ sở pháp lý cho việc liên kết.
Ngoài ra, Sở NN-PTNT sẽ xây dựng các chính sách ưu tiên, hỗ trợ hoạt động thành lập các HTX trong vùng dự án để làm cầu nối liên kết giữa người dân và doanh nghiệp. Đây sẽ là điểm đầu mối thông tin, giúp các nhà đầu tư thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện dự án và giải quyết các khó khăn vướng mắc về đất đai trong quá trình thực hiện.
Ghi nhận những nỗ lực của một số tỉnh như Điện Biên, Lai Châu, Sơn La trong việc phát triển cây mắc ca, trong chuyến công tác tại khu vực miền núi phía Bắc hồi đầu tháng 11/2021, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh lưu ý: "Các địa phương nên có định hướng rõ ràng trong việc phổ biến trên diện rộng cây mắc ca, đồng thời gắn phát triển với quy hoạch một cách chặt chẽ, hạn chế việc thử nghiệm tràn lan".
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đề nghị các địa phương nên tạo "quy hoạch mở" cho cây mắc ca. Ngoài thực hiện quy trình một cách bài bản, căn cơ, các tỉnh cần có phương án tính toán, phân bổ hợp lý quỹ đất hiện có, tạo hành lang thông thoáng, thu hút vốn đầu tư, dây chuyền công nghệ, chế biến từ khối doanh nghiệp trong việc phát triển mắc ca sao cho tương xứng với tiềm năng của cây nghìn tỷ này.