Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2025): Ấn tượng Phú Quốc - Đảo Ngọc (Bài 8)  

Không đi bằng đường không, chúng tôi thuê ô tô 50 chỗ ngồi hạng sang của SADACO TOURIST từ TP Hồ Chí Minh  đi về Hà Tiên (Kiên Giang) - từ đó đi tàu Super Dong hơn một giờ ra tới Phú Quốc- Đảo Ngọc.
2015a1-1745336386.jpgTàu cao tốc Super Dong đưa đoàn cựu phóng viên GP10 TTXVN từ Hà Tiên ra đảo Phú Quốc

 
Hành trình đường bộ về Hà Tiên nay có cầu Vàm Cống nằm trong trục giao thông xuyên vùng Đồng Tháp Mười, kết nối từ Thành phố Hồ Chí Minh qua Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang đi lại nhanh chóng thuận tiện, không còn cảnh xếp hàng chờ phà qua sông như trước.

Chúng tôi được bố trí nghỉ tại khách sạn La Vita trên đường Trần Hưng Đạo, nằm giữa thị trấn Dương Đông là trung tâm du lịch của đảo Phú Quốc. Vào dịp kỷ niệm giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, du khách đến với Phú Quốc đông nườm nượp, phải đặt phòng nghỉ trước hơn một tháng mới được nơi nghỉ ưng ý.
 

2015b2-1745336470.jpgHướng dẫn viên của SADACO TOURIST  Hồ Thị Cẩm Loan (quàng khăn rằn) hướng dẫn đoàn cựu phóng viên GP10 tham quan cơ sở chế biến, kinh doanh nước mắm nổi tiềng Khải Hoàn (Phú Quốc)


Hướng dẫn viên của SADACO TOURIST là Hồ Thị Cẩm Loan, rất vui tính và hoạt ngôn, mang tính chuyên nghiệp cao, có giọng ca cổ mùi mẫn, tự giới thiệu là người đẹp xứ Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang từng nhiều lần đưa du khách ra thăm đảo, tỏ ra am tường về Phú Quốc, đã cung cấp cho chúng tôi những thông tin cần thiết:

Đảo Phú Quốc của tỉnh Kiên Giang nằm ở vị trí trung tâm khu vực Đông Nam Á, có lợi thế quan trọng trong mối liên kết giao thông hàng hải, hàng không với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, cách thị xã Rạch Giá 157 km, thị xã Hà Tiên 65 km, cách đường biên giới lãnh hải Việt Nam- Campuchia 12 km. Phú Quốc là đảo lớn nhất của Việt Nam, tương đương Singapore , còn gọi là Đảo Ngọc, có diện tích hơn 589 km2, dài 50km, nơi hẹp chỉ 3 km, nơi rộng nhất 25km.

Dân số Phú Quốc  trước giải phóng (1975) chỉ hơn 5000 người, nay khoảng 150.000 người. Khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình, ít biến động, quanh năm ấm áp. Tháng 9/2014, Phú Quốc đã được công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Kiên Giang, hướng sắp tới sẽ trở thành đặc khu biển.

2015c3-1745336527.jpgBản đồ đảo Phú Quốc (bên trái)

 
Ấn tượng đầu tiên dễ nhận thấy khi đặt chân tới Phú Quốc, cả đảo này đang là công trường xây dựng. Điện lưới quốc gia đã vượt biển bằng cáp ngầm 110 KV từ Hà Tiên đến với người dân Phú Quốc từ Tết Nhâm Ngọ (2014) đến nay, góp phần làm thay đổi diện mạo  Đảo Ngoc. Các dự án, công trình hạ tầng cơ sở quan trọng như: trục chính giao thông Nam - Bắc đảo và hệ thống đường vòng quanh đảo; cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc vừa được đầu tư rất hiện đại, có thể tiếp nhận những loại máy bay lớn như Boeing 777, 747-400 và tương đương, công suất 2,5-3 triệu lượt khách/năm; cảng biển quốc tế An Thới; quần thể du lịch, nghỉ dưỡng Vinpearl Phú Quốc và nâng cấp, chỉnh trang đô thị... với tổng vốn đầu tư xây dựng hàng trăm ngàn tỷ đồng. 

2015d-1745336602.jpgNgọc Trai Phú Quốc


Nhờ đó, kinh tế của huyện Phát triển ổn định, năm 2024, đón hơn 5,9 triệu lượt du khách đến tham quan, du lịch, tăng 7,1% so với năm 2023. Trong đó, khách quốc tế 962.449 lượt; tổng thu du lịch hơn 21.170 tỷ đồng, chiếm trên 84% tổng thu du lịch tỉnh Kiên Giang. Phú Quốc đang tập trung đầu tư phát triển mạnh du lịch theo định hướng của Chính phủ, xây dựng Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chất lượng cao, trung tâm giao thương quốc gia và quốc tế.

Đến nay, Phú Quốc có 274 dự án đầu tư du lịch, chiếm 86% dự án đầu tư du lịch toàn tỉnh, tổng quy mô hơn 9.485 ha và vốn đầu tư trên 388.410 tỷ đồng. Trong số này, 50 dự án được khai thác, hoạt động tổng vốn đầu tư 16.339 tỷ đồng; 76 dự án đang triển khai xây dựng, tổng vốn đầu tư 212.250 tỷ đồng; số dự án còn lại có chủ trương và đang thực hiện các thủ tục đầu tư. Phú Quốc đang nhộn nhịp đón khách du lịch hè 2025, dự báo sẽ tăng mạnh, nhất là du khách quốc tế. Phú Quốc hiện có hệ thống lưu trú hơn 700 cơ sở với trên 24.000 phòng, trong đó có 29 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 - 5 sao với hơn 13.000 phòng phục vụ tốt nhu cầu nghỉ dưỡng, sinh hoạt của khách du lịch...

Có thể nói, Phú Quốc hiện nay đã hội đủ các lợi thế về địa lý, tự nhiên, kinh tế, văn hóa - xã hội để phát triển nền kinh tế mở cửa. Đây là điểm sáng về kinh tế - xã hội, tạo sự lan tỏa, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung phát triển, trở thành “điểm nhấn” của khu vực biển trời Tây Nam Tổ quốc.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đảo Phú Quốc đang nỗ lực phấn đấu, không ngừng đổi mới, vận dụng và phát huy sức mạnh tổng hợp toàn diện trong xây dựng, phát triển Phú Quốc trở thành đặc khu biển thân thiện, văn minh và hiện đại, xứng với tên gọi “đảo ngọc Phú Quốc”, tạo đà phát triển kinh tế năng động.

2015h-1745339125.jpg


Điều thú vị nhất khi đến với Đảo Ngọc là được tắm biển ở Bãi Sao (ảnh trên) phía nam đảo, thuộc thị trấn An Thới. Đây là một bãi biển được ví như đệ nhất bãi biển ở Phú Quốc, luôn đông khách  đến tắm biển, nghỉ ngơi.  Bãi Sao chạy dài khoảng 3km theo hình cánh cung với bãi cát trắng mịn và nước biển trong xanh. Ở đây có các loại hình vui chơi phục vụ khách du lịch như môtô nước, chèo thuyền kayak hay đi thuyền cùng ngư dân khám phá cảnh quan biển... Các địa chỉ chùa Hộ Quốc, Bảo tàng cội nguồn, cơ sở chế biến nước mắm Khải Hoàn, chợ đêm Dinh Cậu, Công ty ngọc trai Phú Quốc,... đều hấp dẫn du khách.

2015h5-1745336333.jpgĐoàn cựu phóng viên GP10 TTXVN chụp ảnh kỷ niệm trước cổng chùa Hộ Quốc (Phú Quốc)


Đến Phú Quốc không thể không ghé thăm di tích lịch sử nhà lao Cây Dừa để thấy được sự man rợ của chế độ thực dân, đế quốc, qua đó thấy được sự anh hùng của các chiến sĩ tù binh đã đấu tranh hết mình cho sự độc lập, tự do, thống nhất  đất nước. Di tích lịch sử nhà lao Cây Dừa, là di tích Quốc gia đặc biệt, tức  “Nhà tù Phú Quốc” – “Địa ngục trần gian”- dưới thời Mỹ - ngụy, tọa lạc tại thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc.  Chúng tôi đứng lặng người nghe hướng dẫn của khu di tích Phạm Thị Kim Sương thuyết minh:

Đây là trại giam tù binh lớn nhất ở miền Nam Việt Nam, đặt dưới quyền cai quản của bộ quốc phòng ngụy quyền Sài Gòn và bắt đầu đưa tù binh từ đất liền ra vào ngày 6/07/1967.  Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam Phú Quốc tồn tại không đầy 6 năm từ tháng 6 năm 1967 đến tháng 3 năm 1973.  Nhưng sự tàn khốc của quân thù đã khiến hơn 4.000 tù binh chết, hàng chục ngàn người bị thương tật. Ở trại giam này các nhục hình: treo cổ, đổ nước xà bông, tra điện, đóng đinh vào bàn tay, bàn chân hay vào đầu là chuyện thường ngày. Thế nhưng trước những đòn tra tấn man rợ, các chiến sĩ cách mạng vẫn chiến đấu và ngã xuống ở ngay ngục tù tàn bạo này, làm cho kẻ thù phải khiếp sợ.

2015k6-1745336707.jpgHướng dẫn viên Khu di tích Nhà tù Phú Quốc Phạm Thị Kim Sương (đội nón cầm Micrô) giới thiệu về Mỹ - ngụy tra tấn dã man tù binh cộng sản


Cảm phục nhất là tù binh phân khu A5 đã trường kỳ bí mật đào đường hầm chỉ bằng dụng cụ rất thô sơ từ ngày 2/2/1971 đến tối ngày 11/5/1971 là hoàn thành . Đêm 12/5/1971, 27 tù binh phân khu A5 đã vượt ngục bằng đường hầm bí mật an toàn về với cách mạng.

Trại tù binh Phú Quốc lúc đầu chỉ có 4 khu sau xây dựng thêm 12 khu chiếm hơn 4 hecta và có lúc giam gầm 40.000 tù binh nhiều hơn rất nhiều lần số dân cư sống trên đảo Phú Quốc lúc bấy giờ chỉ khoảng 5000 người. Trại giam tù binh này có đủ các thành phần và ở gần đủ các địa phương trong cả nước từ bộ đội chủ lực, dân quân, du kích cán bộ chính trị đến học sinh, sinh viên giáo viên, nhà văn nhà báo, công nhân, nông dân,…v.v…

2015e7-1745336867.jpgDu khách nghe thuyết minh, xem những hình ảnh Mỹ -ngụy tra tấn dã man tù binh cộng sản tại Trại tù Phú Quốc.


Khi xem lại những hình ảnh tra tấn tại nhà tù Phú Quốc, chúng tôi vô cùng xúc động, nhiều người đã không cầm được nước mắt, rưng lệ, không thể hình dung ra được là vì sao con người với con người mà lại hành xử với nhau như vậy. Và chắc rằng sức chịu đựng bởi những hành động cuồn tính này đã đưa nỗi đớn đau của con người lên đến cực đỉnh. Tính nhân đạo trong việc bảo vệ tù binh chiến tranh đã được thể hiện rõ trong công ước Viên năm 1949. Ấy vậy mà chúng bất chấp, lại hành xử bạo tàn như vậy tại nhà tù Phú Quốc trong  thập niên 60 – 70 của thế kỷ 20.

 

2015f8-1745336991.jpgTái hiện cảnh tù binh khu Ạ Nhà tù Phú Quốc đào hầm bí mật vượt ngục đêm 12/5/1971


cuộc sống đang có được của chúng ta ngày hôm nay đã phải đánh đổi bằng xương máu của bao nhiêu người, trong đó có sự hy sinh vô giá của những người cộng sản kiên trung ở nhà tù Phú Quốc.

Cho đến tận những ngày này, chúng ta mới tìm thấy hơn 1000 hài cốt của những chiến sĩ cách mạng kiên cường -  những “tù nhân cộng sản” bị địch bắt, đày đoạ, đánh đập, tra tấn và giết hại vô cùng tàn độc tại nhà tù Phú Quốc hơn 40 năm về trước, được an táng tại nghĩa trang huyện đảo Phú Quốc. Và cuộc tìm kiếm khoảng  3.000 hài cốt liệt sĩ còn lại ở hòn đảo này vẫn đang tiếp tục, vẫn đau đáu, day dứt tâm can chúng ta đối với những đồng chí, đồng bào đã ngã xuống.  

2015l9-1745337051.jpgNhà tù Phú Quốc thời Mỹ -ngụy. Ảnh: Tư liệu


Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, giang sơn liền một dải lại ùa về. Những trang sử tù đày đen tối, một lần nữa, lại làm chúng ta buốt lòng. Những dòng nước mắt xót cay. Những tiếng nấc tắc nghẹn… phải sống ra sao để xứng đáng với sự hy sinh của biết bao cán bộ, chiến sĩ, đồng bào đã ngã xuống vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước, nguyện bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. 

(HẾT)

V.X.B