Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2025): Phóng viên GP 10 góp phần làm rạng danh truyền thống vẻ vang của TTXVN: Rời Tổng xã 5 Lý Thường Kiệt…đi B (Bài 1)

Nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025), lãnh đạo TTXVN đương nhiệm tổ chức cuộc gặp mặt trực tiếp vào chiều 24/4 với cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên, nhân viên của ngành từng tham gia cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế ở Lào và Campuchia tại Hà Nội và trực tuyến với 2 đầu cầu Cơ quan đại diện tại Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.

Bài 1: Rời Tổng xã 5 Lý Thường Kiệt…đi B

Dù trong tình hình chung đang gặp nhiều khó khăn nhưng Ban lãnh đạo cơ quan TTXVN đương nhiệm rất quan tâm, tạo thuận lợi cho cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên, nhân viên của ngành để có điều kiện hội ngộ sau 50 năm từng có cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, gắn bó trọn đời với TTXVN. Điều đó, chứng tỏ Ban lãnh đạo của TTXVN trân trọng, tri ân đội ngũ cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên lớp trước từng đã trải qua những năm tháng gian khổ “vào sinh ra tử” trong chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước để có được một Thông tấn xã như ngày hôm nay.

Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và làm nghĩa vụ quốc tế với các nước bạn Lào và Campuchia, TTXVN có hơn 260 liệt sĩ, chiếm 2/3 liệt sĩ của báo chí cả nước. Sự hy sinh của TTXVN thật lớn lao cho sự nghiệp giải phóng đất nước, thống nhất non sông. Nhân dịp này, xin thắp nén tâm hương tưởng nhớ các liệt sĩ của TTXVN và báo chí cả nước.

anh-gp10-di-b-1744731358.jpgĐoàn tàu chở phóng viên GP10 rời Hà Nội đi chiến trường miền Nam qua vùng Thanh Hóa còn đầy hố bom (tháng 3/1973). Ảnh: Tư liệu TTXVN.

Gặp nhau vào ngày cuối Xuân Ất Tỵ - 2025, những cán bộ từng tham gia kháng chiến tay bắt mặt mừng, vui ngày hội ngộ. Rất nhiều anh chị em do hoàn cảnh công tác, xa nhau nhiều năm, giờ mới có dịp gặp lại. Những mái đầu pha sương lẫn bạc trắng đều đã U80, U90 những ông, bà gặp lại nhau môi cười mà mắt nhòa lệ, cầu chúc cho nhau những điều tốt lành, sống vui sống khỏe, sống có ích trong những năm tháng còn lại của cuộc đời. 50 năm không phải là ngắn. Đó là một đoạn lớn của Đời Người gắn liền với gian lao cùng nhiều thăng trầm, đổi mới và Phát triển của đất nước. Đây cũng là dịp để chúng ta ôn lại kỷ niệm xưa, nhớ lại một chặng đường lịch sử gian khổ, hào hùng, của những người gắn bó trọn đời với Thông tấn xã. 

Trong cuộc gặp mặt hôm nay có đội ngũ phóng viên lớp GP10. Mới hôm nào, các “cử nhân” mấy trường Đại học danh tiếng ở Hà Nội được tuyển về cơ quan TTXVN, bước đến cổng 5-Lý Thường Kiệt, Hà Nội, tuổi mới đôi mươi, mái tóc còn xanh. Đến nay, các phóng viên lớp GP.10 đều đã cao tuổi, đã bước sang dốc bên kia của cuộc đời, tóc đã ngả màu trắng bạc “muối” nhiều hơn ”tiêu”, và chúng ta đều đã “lên chức” ông, bà nội, ngoại nhưng lúc nào cũng trẻ trung, vui vẻ.

Cố Tổng Giám đốc TTXVN Đỗ Phượng trong Lời Tựa cuốn sách "GP10 Bốn mươi năm một danh hiệu" do NXB Thông tấn ấn hành năm 2013 đã nhận xét "GP10 là lớp đặc biệt, xứng đáng là một danh hiệu trong lịch sử xây dựng và phát triển của TTXVN, đào tạo phóng viên cho trận đánh cuối cùng (giải phóng miền Nam). Khi nói tới GP10 mọi người nhận diện được ngay. Những năm qua, cả TTXVN đều biết lớp phóng viên GP10 đã trở thành thương hiệu, là một danh hiệu". 

Nhớ lại những ngày giữa mùa Thu năm 1972, anh chị em lớp GP10 vừa tốt nghiệp các khoa của Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Ngoại giao, Đại học Ngoại ngữ đã được tuyển chọn về TTXVN học thêm nghiệp vụ phóng viên để đi chiến trường. Rời ghế nhà trường chưa được một ngày nghỉ ngơi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, với tuổi đời ngoài hai mươi tràn đầy sức sống, có tri thức, không hề so đo tính toán cá nhân, biết là gian khổ hy sinh, nhưng các anh chị em phóng viên GP.10 đều với tinh thần tự nguyện, sẵn sàng đi làm nhiệm vu mới. Đây là lớp phóng viên chiến trường của TTXVN với quy mô lớn nhất, chất lượng nhất, chi viện cho miền Nam đang trong giai đoạn quyết liệt nhất và quyết định nhất- trận đánh cuối cùng. Trong số 149 người, có 108 nam, nữ phóng viên và số còn lại là điện báo viên, kỹ thuật viên ảnh chính thức lên đường tham gia các mặt trận. Những anh chị em ở lại miền Bắc cũng sẵn sàng nhận nhiệm vụ đi thường trú ở các địa phương xa, khó khăn; giúp nước bạn Lào, làm nhiệm vụ trong Ban liên hợp quân sự 4 bên ở trại ĐaVít Sân bay Tân Sơn Nhất (Sài Gòn), bổ sung vào các đoàn phóng viên từ Hà Nội tiếp tục tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử…Ngày 16 tháng 3 (năm Quý Sửu - 1973), đánh dấu bước ngoặt không bao giờ quên của các phóng viên GP.10- một vinh dự không phải ai cũng có được. Đó là ngày chúng tôi rời miền Bắc thân yêu với cây bút, quyển sổ và máy ảnh trên tay lên đường ra mặt trận, đối mặt với sự hy sinh, gian khổ, nhưng rất đỗi tự hào.

Lớp phóng viên GP10 không bao giờ quên những ngày học nghiệp vụ báo chí tại địa điểm sơ tán ở xã Hạ Hiệp, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ (nay là ngoại thành Hà Nội) do TTXVN tổ chức. Rồi chúng tôi đi luyện tập lội suối, trèo đèo tại vùng núi Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, chuẩn bị hành trang tiếp bước cha anh vào cuộc chiến đấu mới. Chúng ta không quên sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo TTXVN cũng như của các bậc liền anh, liền chị trong cơ quan đối với lớp phóng viên GP.10. Hình ảnh các anh Đào Tùng, Đỗ Phượng, Trần Thanh Xuân, Lê Chân, Hoàng Tư Trai, Nguyễn Mạnh Hào, Châu Quỳ, chị Hoàng Yến... thường xuyên đến giảng bài, ân cần chỉ bảo, căn dặn lớp phóng viên GP.10 trước khi rời miền Bắc thân yêu chi viện cho chiến trường miền Nam ruột thịt như vẫn còn vang vọng đâu đây. Hầu hết các liền anh, liền chị đó đã về cõi vĩnh hằng. Riêng lớp phóng viên GP10 cũng đã có gần 30 anh chị em cũng đã về cõi vĩnh hằng, trong đó có 2 hai liệt sĩ. Do đó, cuộc gặp mặt nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng 30/4, thống nhất đất nước thật vô cùng ý nghĩa.

(Còn nữa)

Đón đọc kỳ 2:  Góp phần Giải phóng miền Nam, bảo vệ  biên giới Tây Nam và phía Bắc