Sau những ngày học tập khẩn trương, thế rồi ba lô trên vai, các phóng viên GP.10 và các điện báo viên, kỹ thuật viên ảnh hành quân vượt Trường Sơn với những ngày đói cơm, thiếu rau, nhạt muối, trên đầu máy bay kẻ thù ngày đêm quần đảo dội bom, nhưng không một ai nản chí, vẫn tiến ra mặt trận với khí thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Trang sử vẻ vang của Thông tấn xã Việt Nam chắc chắn còn ghi đậm mãi mãi dấu chân của anh chị em phóng viên GP.10 trên đường mòn Hồ Chí Minh trong những ngày cả nước náo nức hành quân đi đánh giặc, hoàn thành xuất sắc sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Phóng viên lớp GP10 của TTX VN trên đường hành quân vào chiến trường miền Nam năm 1973 chi viện cho TTXGP. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Nhắc lại những ngày làm việc ở Thông tấn xã Giải phóng trong chiến khu rừng Tây Ninh giáp Campuchia, khi mà chúng tôi vừa phải làm rẫy vừa làm phóng viên biên tập tin ảnh, sốt rét run người, nhiều lúc bụng đói cồn cào. Rồi những tháng ngày, chúng ta làm phóng viên chiến trường ở địa bàn Bình Trị Thiên khói lửa, Tây Nguyên và Trung Trung Bộ đói cơm, khốc liệt, miền Đông Nam Bộ gian lao mà anh dũng, sốt rét triền miên, Đồng bằng sông Cửu Long- Rừng U Minh cực nam của Tổ quốc quanh năm sống cùng cây đước, cây tràm trong vùng ngập nước, và đặc biệt là tham gia năm mũi tiến công vào Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Phóng viên GP.10 đã có mặt kịp thời phản ánh những tin tức, hình ảnh chiến đấu và chiến thắng của quân và dân miền Nam “Thành đồng Tổ quốc” làm náo nức lòng người, cùng cả nước một thời hào hùng, một thời đi vào lịch sử của dân tộc.
Cố phóng viên lớp GP10 Liệt sĩ Phạm Thị Kim Oanh quê Thái Nguyên.
Trong cuộc chiến đấu gian khổ, ác liệt đó đã có những đồng chí, đồng đội lớp phóng viên GP.10 ngã xuống, một số đồng chí là thương binh đã để lại một phần máu xương của mình tại chiến trường miền Nam. Chúng ta kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ tới các liệt sỹ đã hy sinh trên đường hành quân tại ngã 3 Đông Dương thuộc tỉnh Atôpơ của nước bạn Lào, bỏ lại phía sau hoài bão lớn. Đó là các liệt sĩ Trần Viết Thuyên quê Hà Tĩnh, Phạm Thị Kim Oanh quê Thái Nguyên. Một số anh chị em những năm gần đây bị bệnh tật hiểm nghèo, ung thư quái ác cũng đã sớm qua đời như: Nguyễn Thị Thanh quê Hà Nội, Hà Việt quê Hưng Yên, Lâm Văn Quý quê Vĩnh Phúc, Vũ Tiến Thục quê Ninh Bình, Hoàng Đức Quỳnh quê Hưng Yên. Đặc biệt cặp đôi: Hoàng Khắc Điện quê Phú Thọ và Hồ Thị Bạch Yến quê Thái Nguyên, cùng đi chiến trường, sống gian khổ trong căn cứ ở rừng là những vùng từng bị rải chất độc da cam/dioxin, sau ngày đất nước thống nhất nên duyên vợ chồng, cùng làm phóng viên thường trú TTXVN ở nhiều địa phương, chưa đến tuổi 60 thì cả hai đều bị bệnh ung thư, đã vĩnh biệt chúng ta. Nhiều anh chị em bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, bị di chứng sốt rét ác tính trong chiến khu, bưng biền trước đây vẫn bám đuổi dai dẳng, tái phát hành hạ, đang phải chống chọi với những bệnh tật quái ác, làm tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe của nhiều phóng viên GP.10 khi chiến tranh đã lùi xa. Trong số 149 thành viên của lớp GP.10, nay đã 10 người là liệt sĩ và chết vì bệnh tật, khi tuổi còn rất trẻ; hàng chục người đang bị bệnh hiểm nghèo, nhiều lần vào bệnh viện điều trị... Nhưng đến nay cũng chỉ một vài phóng viên làm được thủ tục để hưởng chế độ là nạn nhân của chất độc da cam/dioxin.
Cố phóng viên lớp GP10 Liệt sĩ Trần Viết Thuyên quê Hà Tĩnh.
Đất nước thống nhất chưa được bao lâu, chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc lại nổ ra. Phóng viên tin ảnh GP.10 lại có mặt. Tin tức và hình ảnh đầu tiên về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới ở hai đầu đất nước đều do phóng viên lớp GP.10 tại Tây Ninh và Hoàng Liên Sơn (nay là Lào Cai và Yên Bái) lúc đó điện về sớm nhất báo hiệu cả nước bước vào cuộc chiến đấu mới. Nhiều anh chị em chúng ta lại một lần nữa hành quân ra trận, trong đó có nhiều đồng chí được cử đi làm phóng viên mặt trận biên giới Tây Nam, cùng bộ đội hành quân giúp nước bạn Campuchia giải phóng Phnom Pênh, lật đổ chế độ diệt chủng Pôn- pốt. Sau đó, nhiều anh em phóng viên GP.10 tiếp tục tham gia Đoàn chuyên gia giúp Thông tấn xã Campuchia.
Cựu phóng viên GP10 gặp mặt kỷ niệm 40 năm ngày rời miền Bắc hành quân vào chiến trường miền Nam chi viện cho TTXGP (16/3/1973 - 16/3/2013).
Trên mặt trận xây dựng, Phát triển kinh tế xã hội ở khắp nẻo đường đất nước, đều có mặt phóng viên lớp GP.10 thường trú. Nhiều bạn còn đảm trách nhiệm vụ Trưởng Phân xã (nay là cơ quan đại diện TTXVN tại các tỉnh,thành phố) từ rất sớm, trong thời gian dài. Không chỉ thạo đưa tin, chụp ảnh về một thời chiến tranh, anh chị em phóng viên GP.10 cũng đã tỏ ra nhạy bén trong việc đưa tin, chụp ảnh tuyên truyền về phát triển kinh tế xã hội, về công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhiều gương người tốt, việc tốt và nhiều điển hình về xây dựng, phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ Tổ quốc, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, góp phần làm lành mạnh, giữ vững kỷ cương xã hội đã được phóng viên lớp GP.10 góp phần thể hiện trên Bản tin thời sự trong nước, cung cấp cho các ấn phẩm đối nội, đối ngoại của TTXVN và các phương tiện thông tin đại chúng khác chuyển tải đến công chúng, gây được tiếng vang, được bạn đọc gần xa chú ý và dư luận xã hội quan tâm. Nhất là từ khi thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đất nước chuyển sang cơ chế thị trường, định hướng XHCN, phóng viên lớp GP.10 vẫn luôn luôn là một trong những đội quân chủ lực của TTXVN trong việc đưa tin, chụp ảnh chuyển tải đến bạn đọc những thông tin thời sự sốt dẻo nhất trong nhiều thập nên.

Cựu phóng viên GP10 họp mặt tại TP Hồ Chính Minh ngày 12/10/2020 nhân kỷ niệm 60 năm thành lập TTXGP đón nhận danh hiệu anh hùng thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
Được tôi luyện trong chiến đấu gian khổ gắn liền với lịch sử hào hùng của đất nước, anh chị em phóng viên lớp GP.10 không ngừng trưởng thành và ngày càng phát huy tác dụng. Lớp phóng viên GP.10, sau một chặng đường lịch sử, chỉ còn lại ở Thông tấn xã 106 anh chị em; 43 anh chị em đã chuyển sang công tác ở các cơ quan khác cũng đều đã trưởng thành, phát huy được năng lực của mình. Nhiều anh chị em đã giữ những cương vị trọng yếu ở các cơ quan khác nhau. Số anh chị em vẫn một lòng thủy chung với Thông tấn xã tập trung nhiều nhất ở hai Ban Biên tập Tin Trong nước và Ban Biên tập Ảnh. Một số khác công tác tại các Ban biên tập, các tòa soạn, đơn vị, đoàn thể chuyên trách trong cơ quan. Dù ở vị trí công tác nào, anh chị em phóng viên lớp GP.10 đều cần mẫn, hăng hái làm việc, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều anh chị em phóng viên lớp GP10 đã được giao các trọng trách lãnh đạo các Ban, Phòng, Đoàn thể ở Tổng xã và Cơ quan đại diện tại TP. Hồ chí Minh và Đà Nẵng cũng như Trưởng Phân xã thường trú ở trong nước và nước ngoài. Nhiều người là cây viết chủ lực tại các Ban biên tập, các tòa soạn, các phân xã. Có phóng viên GP.10 giành được giải A Giải thưởng Quốc gia về báo chí như “Chùm tin bài về sự kiện Tây Nguyên” năm 2004 của Vũ Xuân Bân chấp bút cùng một phóng viên miền Trung - Tây Nguyên. Nhiều phóng viên nhiếp ảnh lớp GP10 giành được giải thưởng ảnh báo chí ở trong nước và quốc tế, trở thành hội viên Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và quốc tế.
Để không ngừng nâng cao nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu thông tin nhanh, nhạy và tin cậy trong thời kỳ công hiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhiều anh chị em phóng viên GP.10 vừa công tác, vừa chịu khó học tập. Có bạn đạt học vị Tiến sĩ. Nhiều người tốt nghiệp hai, ba bằng đại học cùng bằng lý luận chính trị cao cấp, Học viện Quốc phòng... Một số đồng chí sử dụng thành thạo ngoại ngữ được cử đi thường trú và làm Trưởng cơ quan đại diện TTXVN ở ngoài nước... Nhìn chung, các anh chị em phóng viên lớp GP.10 được rèn luyện, thử thách trong những năm tháng chiến tranh gian khổ đều đã trưởng thành, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều anh chị em nay về nghỉ hưu vẫn tham gia sinh hoạt ở các Hội Nhà báo, Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh, Hội Nhà văn, Hội Luật sư, là cây viết chủ lực của một số Tạp chí chuyên ngành … ở trung ương và địa phương, giúp đỡ lẫn nhau, tham gia công tác xã hội ở nơi cư trú, làm thêm bằng trí tuệ của mình, là chỗ dựa tinh thần cho các cháu con.
Điểm lại chặng đường 50 năm qua, chúng ta tự hào với truyền thống lớp phóng viên GP.10, đã góp phần làm rạng danh truyền thống vẻ vang của TTXVN. Những gì thế hệ phóng viên GP.10 cũng như các lớp liền anh, liền chị chưa làm được, chúng ta đều kỳ vọng vào sức trẻ và lớp trẻ hôm nay sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang đó, tạo bước đột phá, xây dựng TTXVN trở thành Hãng thông tấn quốc gia mạnh, tiếp tục giữ vững là dòng thông tin chủ lưu, chính thống trong thời đại “bùng nổ” thông tin, công nghệ số, đáp ứng sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
(Còn nữa)
Đón đọc Bài 3: Bây giờ mới hiểu vì sao các ông chiến thắng