Được đồng nghiệp Cơ quan đại điện TTXVN thường trú tại Thái Bình nhiệt tình giúp đỡ, cuộc mặt truyền thống năm nay của Lớp Sử 13 gặp nhiều thuận lợi để lại những kỷ niệm lưu luyến, đáng nhớ về quê lúa Thái Bình.
Mấy năm nay, lớp Sử 13 cố gắng duy trì gặp mặt truyền thống mỗi năm một lần để hàn huyên nhân tình thế thái, cầu chúc nhau cùng người thân, gia đình, đồng môn, đồng nghiệp, bạn bè khoẻ mạnh, an lành, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống, động viên nhau giữ gìn sức khoẻ, an vui tuổi già.
Lớp có hai thành viên quê Thái Bình là Đoàn Việt (Đông Hưng), Sỹ Chân (Thái Thuỵ) nhưng cuộc gặp này chỉ có Sỹ Chân là tham dự, còn Đoàn Việt U80 định cư ở TP Vũng Tàu, đã đăng ký về dự gặp mặt lớp trên quê hương của mình nhưng sức khoẻ yếu đành phải chịu không ra gặp mặt được, gửi lời thăm, chúc sức khoẻ các thành viên của lớp.
Lớp Sử khoá 13 có 102 cựu sinh viên nhập trường năm 1968 cách nay 56 năm, ra trường năm 1972 cách nay 52 năm, là khoá học trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân Mỹ, phải đi sơ tán tại Đại Từ (Thái Nguyên) cùng các địa phương khác (Thanh Oai, Ba Vì – Hà Tây cũ, nay là Hà Nội), Yên Phong (Bắc Ninh) vô cùng gian khổ đến nay đều đã U80, U90 về nghỉ hưu nhiều năm. Đến mùa Thu năm 2024, lớp đã có 23 thành viên về với tiên tổ, trong đó có một liệt sĩ chống Mỹ cứu nước. Nhân dịp này xin thắp nén tâm hương tưởng nhớ những đồng nghiệp lớp sử khoá 13 đã rời cõi tạm về với tổ tiên.
Tốt nghiệp ra trường, các cựu sinh viên lớp Sử 13 đã trải qua nhiều lĩnh vực công tác, trong đó không ít thành viên đã gia nhập quân đội, Công an, làm phóng viên chiến trường tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Khơ me đỏ; bảo vệ biên giới phía Bắc và chủ quyền lãnh hải của đất nước. Nhiều thành viên của lớp đã thành danh, trở thành Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Nhà báo, Nhà văn, Thẩm phán, Kiểm sát viên, Chuyên viên nghiên cứu, Sĩ quan Công an, Quân đội… từng công tác trên khắp mọi miền đất nước, có những thành viên từng đảm nhiệm vị trí công tác trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các viện nghiên cứu, giảng viên các trường đại học cùng nhiều cơ quan báo chí Trung ương, địa phương. Sau khi về nghỉ hưu, một số thành viên của lớp vẫn tiếp tục nghiên cứu, giảng dạy, tham gia hội thảo khoa hoc liên quan đến lịch sử, viết báo, viết sách đóng góp cho xã hội.
Trong thời gian ở Thái Bình, các cựu sinh viên Lớp Sử 13 đã được Nhà Sử học Đặng Hùng quê Thái Bình hướng dẫn, giới thiệu đi tham Chùa Keo là một trong các ngôi chùa cổ có lịch sử lâu đời của Việt Nam tọa lạc tại xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, là một trong 10 công trình kiến trúc cổ tiêu biểu của Việt Nam và Đền thờ vua Trần - Di tích văn hóa tâm linh đặc sắc của Thái Bình tại làng Tam Đường, xã Tiến Đức; Hành cung Lỗ Giang nằm ở khu vực đền Trần (đền Thái Lăng) thuộc thôn Thâm Động, xã Hồng Minh ( Hưng Hà) .
Theo các văn bia và cứ liệu cổ còn lưu, chùa Keo còn có tên gọi khác là “Thần Quang Tự". Ngôi chùa được xây dựng từ năm 1632 dưới thời vua Lê Trung Hưng. Trong chùa thờ Phật và Đức Thánh Dương Không Lộ - người có công xây dựng chùa. Ngôi chùa nổi tiếng bởi lối kiến trúc “Nội công ngoại quốc”.
Diện tích toàn khu chùa rộng 28 mẫu (tương đương 108.000m2), công trình gồm 21 dãy, 154 gian lớn nhỏ. Hiện tại chùa Keo còn tồn nguyên 16 tòa, 126 gian, tổng diện tích gần 58.000m2. Chùa được đánh giá là công trình nghệ thuật kiến trúc cổ có quy mô rộng lớn bậc nhất trong các kiến trúc chùa chiền cổ ở Việt Nam được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ lim với kỹ thuật cao, chạm trổ tinh tế. Kết cấu và cách bố trí cũng khác biệt bởi có cao thấp, lớn nhỏ, lên xuống “bồng bềnh như trong cõi Phật” song chặt chẽ, chắc chắn, tạo sự hấp dẫn, cuốn hút người thưởng thức, nghiên cứu, khám phá nghệ thuật.
Trải qua gần 400 năm với bao thăng trầm biến động của lịch sử, thiên tai, địch họa và nhiều lần tu bổ, song chùa Keo hiện nay vẫn tồn tại khá nguyên vẹn so với kiến trúc thuở ban đầu. Với những giá trị đặc biệt về văn hóa lịch sử, năm 2012, quần thể chùa Keo được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, điểm đến du lịch quốc gia từ năm 2013.
Lớp sử 13 cũng đã đến thăm Đền thờ vua Trần - Di tích văn hóa tâm linh đặc sắc của Thái Bình. Nếu quần thể đền Trần (Nam Định) là nơi vị họ Tổ nhà Trần định cư ban đầu thì vùng đất Hưng Hà (Thái Bình) được xác định là quê hương, là nơi khởi nghiệp của gia tộc họ Trần cách đây hơn 700 năm.
Đền thờ các vua Trần trên đất phát tích Thái Bình – còn gọi là Thái Đường Lăng, đây là một tổng thể kiến trúc rộng lớn, là nơi thờ tự các vua Trần.
Đây là nơi phát tích, dựng nghiệp vương triều Trần, nơi chứa đựng những dấu ấn lịch sử gắn chặt với triều đại nhà Trần, các vua khai sáng nhà Trần đều được sinh ra tại đây, gia tộc nhà Trần dựa vào đây dấy nghiệp, chính nơi này cũng là nơi yên nghỉ của các liệt tổ nhà Trần, của Thái Tổ Trần Thừa và ba vị vua đầu triều Trần là Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và một phần ngọc cốt của Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Khi đã thành vương triều Trần, vùng đất này được chọn làm nơi xây dựng các đền thờ, lăng tẩm của Hoàng tộc nhà Trần. Nơi đây có di chỉ khảo cổ mộ các vua Trần (xã Tiến Đức), khu lăng mộ thái sư Trần Thủ Độ, đình Khuốc, đình Ngừ thờ thái sư, mộ và đền thờ Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung (xã Liên Hiệp); Tam đường – là nơi lưu giữ hài cốt của các tổ tiên triều Trần như thủy tổ Trần Kinh, Thái tổ Trần Hấp, Nguyên tổ Trần Lý, Thái Thượng Hoàng Trần Thừa.
Khu Lăng mộ và Đền thờ các vị vua triều Trần đã được nhà nước xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ công nhận theo Quyết định số 2408- QĐ/TTg ngày 31/12/2014, không chỉ thu hút các nhà nghiên cứu sử học, các nhà văn hóa, mà còn là một điểm du lịch có giá trị đặc biệt, là nơi liên quan đến cội nguồn dân tộc, luôn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến với Thái Bình.
Các hoàng đế nhà Trần như Trần Thánh Tông, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông cùng các hoàng hậu sau khi qua đời đều được quy về hợp táng tại các lăng mộ có tên Thọ lăng, Chiêu lăng, Dự lăng, Quy Đức lăng…
Ngày 27/01/2014,theo Quyết định số 231/BVHTTDL lễ hội Đền Trần Thái Bình được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia với nhiều nghi lễ, phong tục độc đáo đậm nét văn hóa thời Trần như lễ rước nước, lễ giao chạ, thi cỗ cá thời Trần, các trò chơi dân gian, các điệu dân ca, dân vũ… Lễ hội Đền Trần - Thái Bình được tổ chức tại khu di tích Đền thờ và lăng mộ các vua Trần diễn ra từ ngày 13 đến ngày 18 tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Lễ hội luôn có rất nhiều trò vui như chọi gà, đấu võ, thi thả diều, thi nấu cơm, rước kiệu…
Hành cung Lỗ Giang nằm ở khu vực đền Trần (đền Thái Lăng) thuộc thôn Thâm Động, xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Gọi là cung Lỗ Giang vì được xây trên khu vực sông Lỗ Giang, khi phủ Kiến Xương được thành lập thì lấy tên phủ để gọi tên cung. Hành cung Lỗ Giang, tỉnh Thái Bình được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử văn hoá quốc gia theo Quyết định số 3085/QĐ-BVHTTDL ngày 03/12/2021.
Qua các nguồn tư liệu nói trên cho thấy, Thái Lăng nay gọi là đền Trần Thái Lăng được xây dựng trên khu vực vốn là Hành cung Lỗ Giang dưới thời vua Trần Anh Tông, cung Kiến Xương dưới thời vua Trần Hiến Tông. Trải qua thời gian, những biến thiên của lịch sử, cung Lỗ Giang - Kiến Xương của nhà Trần bị đổ nát, nhân dân đến đây xây làng lập ấp.
Để ghi nhận vùng đất vốn là Hành cung của nhà Trần và tưởng nhớ công đức của các vua Trần, nhân dân đã xây dựng ngôi đền nhỏ tại đây để thờ phụng các vua Trần như là Thành hoàng làng. Cũng vì cung Lỗ Giang được sử sách nhắc đến từ thời Trần Anh Tông trở về sau nên đền chỉ thờ 7 vị vua Trần từ vua Trần Anh Tông trở đi mà không thờ 3 vị vua đầu triều Trần, là: Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Hiến Tông, Trần Dụ Tông, Trần Nghệ Tông, Trần Duệ Tông và Trần Thuận Tông. Ngoài thờ 7 vị vua nhà Trần, nơi đây còn tưởng niệm Khâm Từ Bảo Thánh Thái Hậu (mẹ vua Trần Anh Tông) Bảo Từ Thuận Thánh Thái Hậu (là hoàng hậu của Trần Anh Tông) là những vị quốc mẫu nổi tiêng thời Trần đã mất tại đây.
Di tích khảo cổ Hành cung Lỗ Giang (ảnh trên) được khai quật ở 3 vị trí là đền Trần (Khu A), lăng Ngói (Khu B), lăng Sa ngoài (khu C) và lăng Sa trong (Khu D). Ảnh: Mai Đăng Đức.