Mẹ Thứ - Biểu tượng vĩnh hằng của Mẹ Việt Nam Anh hùng

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Quảng Nam là một trong những địa phương có nhiều Thương binh, Liệt sĩ và Mẹ Việt Nam Anh Hùng nhất cả nước. Đó cũng chính là lý do, năm 2004, ý tưởng về xây dựng tượng đài Mẹ Việt Nam Anh Hùng lấy nguyên mẫu mẹ Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam được đề xuất. Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023), xin giới thiệu bài viết dưới đây của Nhà báo Vương Xuân Nguyên về đất và người nơi đây.

Vùng đất địa linh nhân kiệt

Gò Nổi được các tư liệu khẳng định có quá trình hình thành từ cuối thế kỷ XIV do người Việt từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An vào khai cơ, lập nghiệp. Họ theo lệnh triều đình trong quá trình Nam tiến đã vào nam bằng đường biển. Khi đến Cửa Đại (Hội An) họ nhận thấy đây là một cửa biển rộng lớn, nhìn về hướng tây là dòng sông Thu Bồn hiền hòa trải dài trên vùng đồng bằng phì nhiêu vào loại bậc nhất của miền Trung. Những cư dân này đã ngược chèo dòng Thu Bồn thì bắt gặp vùng Gò Nổi vùng đất được bao bọc bởi 3 con sông Thu Bồn, Chiêm Sơn và Bến Giá; cũng là nơi bắt đầu của sông Vĩnh Điện và sông Bà Rén với tứ bề sông nước bao quanh một cù lao phù sa màu mỡ. Do vậy, họ quyết định dừng lại ở đây để khai cơ lập nghiệp. Từ vùng đất này đã sinh ra nhiều bậc hiền tài cho đất nước.

me1-1627371163.jpg

Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng tại Quảng Nam

Từ Hoàng Diệu, vị phó bảng học rộng tài cao, vị Tổng đốc thành Hà Nội nêu gương trung liệt thề quyết sống chết giữ thành; Phạm Phú Thứ thông minh hiếu học, mới 23 tuổi đã đỗ Tiến sỹ; Chí sĩ Trần Cao Vân (1866 – 1916), một là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc ngay từ những năm đầu kháng Pháp. Cùng với thuyết Trung Thiên Dịch nổi tiếng, Chí sĩ Trền Cao Vân một trong những lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Duy Tân vang động trong cả nước đã đi vào sử sách, là niềm tự hào của quê hương Điện Bàn về một bậc tiền nhân làm rạng rỡ cho non sông đất nước. Danh thần triều Nguyễn - Lê Đình Đỉnh, nhà ngoại giao tài ba và là thân sinh của y sỹ, liệt sỹ Lê Đình Dương cùng bác sỹ, cư sỹ Lê Đình Thám; Lê Đình Dương (1884 - 1916) là đảng viên Việt Nam Quang phục hội. Ông bị thực dân Pháp bắt, lưu đày ở Khánh Hòa rồi Buôn Mê Thuột và mất tại đây.

Phạm Thâm là người đã nhen nhóm ngọn lửa cách mạng ở Điện Quang vào những năm trước 1930, Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam năm 1930; Trần Công Chương là người học cao, hiểu rộng, người có tinh thần yêu nước, yêu dân, được nhân dân kính trọng; Phan Thành Tài là một trong những nhân vật quan trọng của phong trào cải cách Duy Tân vào những năm đầu thế kỷ XX, đồng thời là một nhân vật trọng yếu trong cuộc khởi nghĩa Duy Tân ở Huế năm 1916…

Nhà giáo, nhà báo, nhà truyền bá quốc ngữ, nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc Phan Thanh. Ông là đại biểu lỗi lạc của Mặt trận Dân chủ Đông Dương ở Viện Dân biểu Trung kỳ khóa III (1938-1939); Phan Bôi (Hoàng Hữu Nam) - Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công An) đầu tiên của Việt Nam; Nguyễn Thị Bình - nữ Phó Chủ tịch nước đầu tiên của Việt Nam (1992 - 2002); Nữ Anh hùng Trần Thị Lý - người con gái Việt Nam; Anh hùng Lực lượng Vũ Trang Nhân dân; Nguyễn Trọng Nghĩa - một Phan Đình Giót của miền Nam; Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi (1940 - 1964) tấm gương cách mạng sáng ngời; Hay Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, nhà phê bình văn học nổi tiếng Lê Đình Kỵ; Giáo sư ngôn ngữ học Hoàng Phê; các nhà toán học Hoàng Tụy, Hoàng Chúng suốt đời tận tụy vì sự nghiệp trồng người; Huyền thoại Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ cũng sinh ra từ quê hương Gò Nổi anh hùng.

qn11-1627371306.jpg

Người viết bài (ngoài cùng bên phải) cùng vợ chồng Doanh nhân Trần Công Cảnh hậu duệ của nhà Chí sĩ cách mạng yêu nước Trần Cao Vân lưu niệm trong những ngày ở Gò Nổi, Điện Bàn, Quảng Nam

Là chiến trường xưa, Gò Nổi còn ghi bao chiến công của quân và dân Quảng Nam thắng giặc xâm lăng; là hành lang và là chiếc nôi của cách mạng Khu V, nơi in bao dấu tích bi hùng của những vụ thảm sát: Kho Muối, Lò Gạch Trừng Giang mà giờ đây đã được công nhận di tích lịch sử - văn hóa. Người dân đất Quảng vẫn truyền tụng câu ca: “Nhất Củ Chi - Nhì Gò Nổi” để nói lên mức độ ác liệt của chiến tranh và phẩm chất anh hùng của những người con quyết “một tấc không đi, một li không rời”.

Sáng mãi huyền thoại Mẹ Việt Nam Anh hùng

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ nhưng sự khốc liệt của nó vẫn còn hằn trên khắp những nghĩa trang và vẫn còn là nổi ám ảnh của bao người ở lại. Vào những dịp kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ hàng năm, dòng người từ các địa phương đổ về các nghĩa trang tại Thị xã Điện Bàn để thành kính tri ân thắp nén nhang tưởng nhớ người đã khuất hy sinh xương máu cho Tổ quốc trường tồn.

Qua những tư liệu lịch sử và chia sẻ của chính quyền địa phương cho biết, trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc Việt Nam, cả nước có hơn 41 vạn người con ưu tú đã anh dũng hy sinh, thì mảnh đất Điện Bàn có 18.773 con em anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường, có khoảng 8.000 bộ đội còn sống, nhưng vẫn mang trên mình những vết thương trên thịt da. Và hơn 1.600 người mẹ, người vợ đã mãi mãi không bao giờ gặp lại chồng, con thân yêu. Họ đã trở thành Mẹ Việt Nam Anh Hùng.

Tiêu biểu cho những người Mẹ Việt Nam Anh hùng như thế trên khắp dải đất hình chữ S thiêng liêng này phải kể đến Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ. Mẹ là hình tượng tiêu biểu của Bà mẹ Việt Nam anh hùng với sự cống hiến, hy sinh vô bờ bến; là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam "Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang".

Mẹ Nguyễn Thị Thứ sinh năm 1904 tại xóm Rừng, thôn Thanh Quýt, xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, Quảng Nam.

Người dân xã Điện Thắng, nhiều người cao tuổi vẫn nhớ về truyền thống cách mạng của gia đình mẹ Thứ. Vợ chồng mẹ cùng con gái đầu bám trụ xóm làng, vừa sản xuất, vừa đào hầm nuôi giấu cán bộ. Hằng đêm, mẹ để ngọn đèn sáng bên bàn thờ làm ám hiệu an toàn cho cán bộ, du kích đi về hoạt động.

Vườn nhà mẹ rộng, có 5 căn hầm bí mật. Quanh vườn có nhiều cây xanh và cỏ, nuôi nhiều bò để ngụy trang. Lúc an toàn, mẹ Thứ và các con mở hé cửa hầm để mọi người dễ thở và khi có động thì lại giả vờ trông coi bò để chỉnh sửa, ngụy trang lại miệng hầm. Hàng trăm cán bộ, bộ đội, du kích được gia đình mẹ Thứ chở che, chăm sóc...

Nuôi con cháu trong cảnh lận đận, đói nghèo nhưng khi Tổ quốc cần, mẹ Thứ động viên, tiễn tất cả các con ra chiến trường. Mẹ có 12 người con (11 trai và 1 gái) thì 9 con trai hy sinh. Con đầu và cũng là con gái duy nhất - bà Lê Thị Trị là thương binh, cũng được trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng khi có chồng và 2 con gái là liệt sĩ. Tổng cộng gia đình mẹ Thứ có 12 liệt sĩ anh dũng hy sinh ngoài mặt trận. Thử hỏi trên thế gian này, làm gì có người mẹ thứ hai phải trải qua những nỗi đau tột cùng khi phải tiễn biệt tất cả những đưa con thân yêu nhất của mình ra đi và không có ngày trở lại.

lethan1-1627371427.jpg

Đồng chí Lê Thân, Bí thư Thị ủy Điện Bàn chia sẻ với PV về truyền thống của quê hương

Đồng chí Lê Thân, Bí thư Thị ủy Điện Bàn cho biết, trong ký ức của người dân Điện Bàn và trong những trang sử của quê hương vẫn còn ghi mãi những dòng bi hùng không thể nào quên của quê hương và gia đình Mẹ Thứ. Ngày 18-6-1948, anh Lê Tự Xuyến - chiến sĩ giao liên bị Pháp bắn tại đầu làng. Nửa tháng sau, ngày 5-10-1948, con trai Lê Tự Hàn Anh hy sinh khi làm nhiệm vụ tải thương. 10 ngày sau, con trai Lê Tự Hàn Em ngã xuống trong trận chống càn. Con trai Lê Tự Lem tròn 20 tuổi hy sinh trong lúc chiến đấu ở huyện nhà vào tháng 4-1954. Trong vòng 6 năm, mẹ Thứ mất 5 người con, đau thương dồn dập nhưng cứ khi con trưởng thành, mẹ lại động viên, tiễn con ra chiến trường.

Tháng 9-1966, con trai Lê Tự Nự hy sinh. Năm 1972, anh Lê Tự Mười và anh Lê Tự Trịnh hy sinh. Năm 1974, anh Lê Tự Thịnh - Ðại đội trưởng bộ đội ở huyện Duy Xuyên hy sinh trong lần chỉ huy đơn vị đánh đồn giặc. Con trai cả Lê Tự Chuyển - chiến sĩ biệt động Sài Gòn hy sinh vào 9 giờ ngày 30-4-1975 ngay trên cầu Rạch Chiếc ở cửa ngõ vào Sài Gòn, chỉ trước vài giờ đất nước thống nhất.

Con rể của mẹ là Ngô Tường (chồng của mẹ VNAH Lê Thị Trị) tham cách mạng từ thời chống Pháp, bị giặc Mỹ bắt năm 1956, bị tra tấn cho đến lúc tử vong, được công nhận là liệt sĩ. Mẹ Thứ còn 2 cháu ngoại (con gái của mẹ Trị) là Ngô Thị Điểu bị giặc Mỹ bắt tra hỏi, hy sinh tháng 8-1970 và Ngô Thị Cúc hy sinh trong lần công tác vào vùng địch hậu năm 1973.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ sau 12 lần tiễn các con đi mà không có ngày trở lại, mẹ mỏi mòn chờ mong, nước mặt khô cạn dần và đôi mắt mờ không nhìn thầy gì ở tuổi 80. Những năm cuối đời mẹ chuyển ra Đà Nẵng sống cùng con út Lê Tự Tân cho đến ngày 10/12/2010, mẹ đã về với các con thân yêu của mẹ, hưởng thọ 106 tuổi.

Nam 1998 khi một đoàn khách nước ngoài về thăm mẹ Thứ, một nhà báo, cựu chiến binh người Hàn Quốc đã hỏi mẹ: “Thưa bà, với quan niệm người Á Đông, con cái là phúc lộc, là tài sản. Khi người con thứ tư, thứ năm tử trận, tại sao bà vẫn tiếp tục động viên những người con khác ra mặt trận”?

Mẹ Thứ điềm tĩnh trả lời: “Ở nước tôi, Cụ Hồ đã dạy là “Không có gì quý hơn độc lập tự do” nên cứ là người Việt Nam, trong đó có các con, các cháu tôi đều sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để giành lấy độc lập, tự do. Nếu còn chiến tranh, các con tôi, rồi cháu tôi vẫn sẽ tiếp tục ra trận để giành độc lập, tự do, bình yên mà hôm nay chúng tôi đang hưởng”.

anh-9-me-thu-doi-con-vejpg-1627371528.crdownload

Mẹ Thứ bên mâm có chín cái bát, chín đôi đũa dành cho 9 người con của mẹ đã hy sinh. Bức ảnh do Đại tá, nhà báo Trần Hồng chụp gây xúc động đối với bất cứ ai nhìn thấy

Ngày 17/12/1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký quyết định tặng và truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng đợt đầu tiên cho 19.879 bà mẹ, trong đó có mẹ Nguyễn Thị Thứ. Trân trọng với những gì các Mẹ Việt Nam Anh hùng đã cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân, năm 2004, Đảng và Nhà nước đồng ý xây dựng quần thể tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng tại tại núi Cấm (thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) rộng 150.000m2 (15ha); hoàn thành ngày 24/3/2015.

Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng lấy nguyên mẫu từ mẹ Nguyễn Thị Thứ với ý tưởng: Mẹ là suối nguồn bao la vô tận, là linh hồn đất nước. Mẹ sinh ra từ mảnh đất anh hùng, rồi sinh ra những người con anh hùng và sẽ lại hoá thân vào đất, vào non nước Việt Nam. Mẹ sẽ sống mãi ngàn đời, vẫn tiếp thêm nguồn sức mạnh mẽ cho các thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công trình có chiều cao 18,5m, rộng 84,7m, bên trong tượng đài là Nhà tưởng niệm Mẹ Việt Nam Anh hùng, có bia ghi danh gần 50.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng cả nước; giới thiệu hình ảnh, cuộc đời và sự cống hiến của các Mẹ Việt Nam Anh hùng…

Điện Bàn hôm nay, đang trên đà đổi mới ngày một khang trang, hiện đại hơn, nhưng những dấu tích hào quang chói sáng về vùng đất giàu truyền thống gắn với những trang hào kiệt vẫn hiện hữu trên từng ngả đường lối xóm in đậm trong tâm trí và sâu thẳm tâm hồn những người con Xứ Quảng. Ở đó tên tuổi của những người con quê hương ưu tú, những danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc, những lương tướng năng thần, Mẹ Việt Nam Anh hùng gắn với tên đất tên làng mãi tỏa sáng góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho hôm nay và mãi mãi mai sau./.

* Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong cuốn Danh Nhân Điện Bàn