Mỹ nhân hào kiệt - Anh hùng (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 5

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Mỹ nhân  hào kiệt - Anh hùng” là Tập XII trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024.   

Kỳ 5.

Trang viên Vụ Nông đã có 1.000 hộ về làm ăn sinh sống với 3 nghề chính: Nghề nông, nghề trồng dâu nuôi tằm, nghề đánh cá, còn có nghề rèn, nghề buôn bán nên trang viên Vụ Nông ngày càng no ấm. Một hôm trong kỳ Đại hội của trang viên, Lê Chân nói với mọi người:

-Giặc Tô Định ngày càng tàn ác, chúng sẽ không để yên cho trang viên của ta no ấm thanh bình, thế nào chúng cũng tấn công chúng ta để cướp bóc của cải, bắt đàn bà con gái và giết chóc. Chúng ta không thể khoanh tay ngồi chờ chúng tới. Nay ta tuyên bố dựng cờ khởi nghĩa, lập đội trang binh cả bộ binh và thủy binh, vì chúng ta có ba con sông che chắn, giặc muốn tới phải đi chiến thuyền. Ta ra lệnh mở lò rèn làm vũ khí, mở xưởng chế tạo cung và nỏ, đóng chiến thuyền. Những thanh niên từ 17 tuổi và đàn ông đến 40 phải gia nhập trang binh để bảo vệ gia đình mình, bảo vệ trang viên. Ai muốn giết giặc thì hãy ra đứng dưới cờ đại nghĩa của ta, hàng ngày phải rèn luyện võ nghệ, cưỡi ngựa bắn cung. Khi vào vụ cấy hái thu hoạch thì nghỉ rèn luyện, khi hết thời vụ thì rèn luyện. Nay trang viên ngoài nuôi bò trâu, lợn gà vịt còn phải nuôi thêm ngựa để cung cấp cho chiến đấu. Quy định hiệu lệnh có giặc đến là ba hồi trống đồng thúc ngũ liên. Còn trống đánh ba hội bình thường là triệu tập rèn luyện. Ai đồng ý giơ tay.

Hàng nghìn cánh tay giơ lên:

-Chúng tôi nguyện chiến đấu dưới ngọn cờ đại nghĩa của chủ tướng.

Ngày hôm sau trên sân đình trang viên rộng lớn, lá cờ màu vàng được kéo lên cây cột tre bay phần phật trong gió mùa xuân. Hai chiếc trống da bò và trống đồng thúc lên vang động khắp bốn phương. Các trai tráng và cả đàn ông đến đầu quân được chia thành đội ngũ và ngày ngày huấn luyện võ nghệ đánh gươm, giáo, bắn cung nỏ, luyện tập trên thuyền, luyện bơi, luyện lặn dưới nước. Nghĩa binh vào mùa cấy hái thu hoạch thì được nghỉ luyện tập, hết mùa vụ lại luyện tập nhưng tinh thần sẵn sàng chiến đấu thì được nêu cao suốt ngày đêm. Khi trống thúc ngũ liên liên tục là báo có giặc, trang viên nguy cấp, phải nhanh chóng tập trung ngay lập tức. Nghĩa binh đã lên đến 3.000 người. Lê Chân còn cho lập đội thám mã đi dò la tin tức của giặc và về báo cho chủ tướng nhanh chóng, chính xác, kịp thời. Lê Chân còn định ra quân kỷ để đưa nghĩa binh vào kỷ luật như quân đội.

Vào một buổi sáng mùa hè, như thường lệ, Tô Định ngồi trong căn phòng sang trọng của phủ Thái thú ở Luy Lâu uống trà sâm sau bữa ăn sáng. Tô Định vừa đặt chén xuống thì có lính vào báo:

-Dạ bẩm Thái thú, có lính do thám ở miền An Biên về báo.

-Cho vào ngay.

-Dạ.

Tên lính do thám bước vào quỳ và nói:

-Bẩm Thái thú có việc gấp.

-Nói đi.

-Dạ bẩm, người con gái ở huyện Khúc Dương là Lê Chân, bảy năm trước chúng ta bắt nhưng đã trốn thoát chạy về Vụ Nông, nơi tiếp giáp giữa ba con sông Kinh Thầy, sông Vân và sông Cấm xây dựng căn cứ rèn luyện binh mã để đánh chúng ta. Binh mã đã lên 3.000 người. Xin Thái thú điều quân để tiêu diệt đi cái họa lớn của chúng ta.

Tô Định gầm gừ và rít lên:

-Bay đâu.

-Dạ.

-Cho gọi các tướng vào đây.

-Dạ.

Một lát sau 10 tướng trong phủ Thái thú đã có mặt. Tô Định nói:

-Hiện nay nữ tặc Lê Chân đã dấy binh ở vùng Vụ Nông để đánh chúng ta, cần phải đem quân tiêu diệt. Tướng Tư Mã Trung.

-Có mạt tướng.

-Tướng Lưu Đại Hải.

-Có mạt tướng.

-Hai tướng hãy đem 50 chiến thuyền và 5.000 quân đến bao vây và tiêu diệt trang viên Vụ Nông, trang viên này nằm giữa ba con sông giao nhau là sông Kinh Thầy, sông Vân và sông Cấm cho nên phải dùng thủy binh đổ bộ.

-Chúng mạt tướng tuân lệnh.

Xế chiều tại trang viên Vụ nông, lính do thám về báo với Lê Chân:

-Dạ bẩm chủ tướng có tin gấp.

-Nói đi.

-Dạ, Tô Định đã cho 50 chiến thuyền chở đầy ắp lính đang theo sông Kinh Thầy tiến xuống đánh chúng ta.

-Cho nổi trống ngũ liên tập hợp nghĩa binh.

-Dạ.

Những hồi trống ngũ liên của trống da bò và trống đồng vang lên báo hiệu trang viên nguy cấp. Một lát sau 3.000 binh sĩ và các tướng đã tập trung với đầy đủ vũ khí cung tên. Lê Chân mặc võ phục ngoài mang giáp đồng, mũ đồng, lưng mang gươm đẹp như tiên nữ mà oai phong. Lê Chân nói:

-Theo thám mã về báo, quân Hán đang đưa 50 chiến thuyền và khoảng 5.000 lính đang từ Lục Đầu Giang theo đường sông Kinh Thầy tấn công trang viên của chúng ta. Nay ta ra lệnh:

-Nữ tướng Hải Thềm.

-Có mạt tướng.

-Nữ tướng Nhật Trực.

-Có mạt tướng.

-Hai nữ tướng đem 20 chiến thuyền, 2.000 quân giấu mình vào bờ phải và bờ trái của bãi lên cổng trang viên, chờ khi quân địch đổ bộ lên cổng thì vòng ra dùng cung tên đánh vào sau lưng chúng. Nhớ trước khi chúng đổ bộ không được để chúng phát hiện.

-Tuân lệnh chủ tướng.

Lê Chân nói tiếp:

-Còn lại 1.000 quân do ta chỉ huy mai phục hai bờ của cổng trang viên đánh giặc khi chúng đổ bộ lên. Nhớ là đầu tiên phải dùng cung tên có lửa bắn cháy thuyền chúng, dùng tên để tiêu diệt chúng khi chúng vừa đổ bộ lên, sau mới ào lên chém giết.

Cả  3.000 quân hô vang rung động cả trang viên:

-Xin tuân lệnh chủ tướng.

Vừa bố trí mai phục xong thì 50 chiến thuyền quân Hán đã xuất hiện trên dòng sông phía bắc của trang viên, chúng tiến vào trang viên Vụ Nông. Khi đã tới bãi rộng lên bờ nước nông, Tư Mã Trung ra lệnh:

-Đổ bộ lên bờ.

5.000 quân Hán bỏ thuyền lội vào nơi có bãi rộng đổ bộ lên trang viên. Khi vừa tầm bắn, Lê Chân hô to:

-Phóng tên.

Những đợt mưa tên từ hai bên bờ dội xuống, hàng trăm tên lính lần lượt trúng tên vào mặt vào ngực tuôn máu gục xuống gần bờ sông. Đang khi đó phía sau lưng quân Hán, 20 chiếc thuyền từ hai bờ bất ngờ lao ra cũng trút những trận mưa tên vào quân Hán. Hàng trăm tên lại đổ gục xuống. Bị đánh trước mặt và sau lưng, đội hình quân giặc tan vỡ hỗn loạn và tiếp tục gục xuống. Khi đó Lê Chân hô to:

-Xông lên, giết.

Các binh sĩ từ hai bờ mai phục lao ra chém giết, đầu quân giặc rơi, máu chúng chảy đỏ lừ cả khúc sông. Lưu Đại Hải và Tư Mã Trung được 100 tên lính che tên bơi được sang bờ phía bắc chạy trốn vào rừng. Sau hai canh giờ tác chiến hàng nghìn tên giặc bị giết, xác trôi lềnh bềnh trên sông, nước sông đỏ lừ vì máu giặc. Ban đầu ra quân nghĩa quân đã thắng một trận lớn vang dội. Lê Chân ra lệnh:

-Toàn trang viên Vụ Nông mở tiệc ăn mừng chiến thắng.

Quân lính vui mừng reo vang:                           

-Tuân lệnh chủ tướng.

Tiệc đang náo nhiệt thì có thám mã về báo:

-Dạ bẩm chủ tướng, có tin cấp báo:

-Nói đi.

-Dạ ở huyện Mê Linh có hai chị em, chị là Trưng Trắc, em là Trưng Nhị vốn nổi tiếng trong thiên hạ đã dựng cờ khởi nghĩa, kêu gọi tất cả anh hùng hào kiệt của Lĩnh Nam kéo về Mê Linh tụ nghĩa, chuẩn bị tiến đánh Luy Lâu, sào huyệt của tên dã thú Tô Định, lật đổ ách đô hộ của nhà Hán.

Lê Chân nói:

-Hai nữ tướng này tiếng vang trong thiên hạ về giỏi võ nghệ và sắc đẹp, ta đã nghe tiếng từ lâu, ta sẽ thu xếp để kéo về Mê Linh chiến đấu dưới cờ của hai nữ chúa. Vất vã cho muội, ngồi uống rượu mừng chiến thắng đi.

-Đa tạ chủ tướng.

Ngày hôm sau có lính vào báo:

-Dạ bẩm chủ tướng, có sứ giả của nữ chúa Trưng Trắc tới.

-Cho vào ngay.

(Còn nữa)

CVL