Cũng bởi lẽ đó, Tết luôn là mùa giúp thợ ghép lan hồ điệp kiếm được từ vài chục đến cả 100 triệu đồng. Bởi, với những thợ giỏi, ghép xong một chậu lan khủng có thể thu về cả chục triệu đồng tiền công.
Anh Đinh Văn Tiến ở Long Biên (Hà Nội) có hơn 15 năm kinh nghiệm ghép lan hồ điệp. Anh là một thợ có tay nghề giỏi nên trong dịp giáp Tết Nguyên đán anh luôn trong tình trạng làm không hết việc.
Dịp Tết Quý Mão này, anh ngồi ghép lan từ giữa tháng 11 Âm lịch đến hiện tại. Ngày nào anh cũng làm việc từ 18-20 giờ đồng hồ vì đang là thời kỳ cao điểm khách đặt mua những chậu lan hồ điệp khủng để đi biếu tặng.
Giá công ghép lan phụ thuộc vào tay nghề của mỗi thợ và độ khó của chậu lan cần ghép. Thông thường, chậu càng khủng công ghép càng cao. Hay ghép lan trên gỗ lũa tiền công khác với ghép lan trên các chậu truyền thống.
Như hiện tại, anh đang nhận ghép lan hồ điệp lên chậu ở mức giá từ 20.000-30.000 đồng/bầu cây. Do đó, có những chậu lan tiền công ghép lên tới cả chục triệu đồng, anh tiết lộ.
Song, trong quá trình ghép phải hết sức khéo léo, vì nếu để gãy hoa thợ ghép sẽ phải đền tiền. Với những chậu lan khủng hàng trăm cây hoặc vài trăm cây, chủ cửa hàng chấp nhận có tỷ lệ gãy hỏng nhất định.
Anh chia sẻ: “Nói vậy nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực tế ghép được một chậu lan hồ điệp cả trăm cây vô cùng khó”. Bởi, với loại chậu lan khủng, thợ ghép phải tính toán chọn được những cành lan phù hợp, ăn khớp với nhau. Chưa kể, một thợ cũng không thể ghép được nên cần có thợ phụ. Đôi khi cả thợ chính và phụ cùng nhau làm một ngày mới ghép xong được một chậu lan lớn. Thậm chí, những chậu vài trăm cây thì thời gian ghép còn lâu hơn.
Chỉ vào chậu lan vừa ghép xong, anh Tiến cho biết, thời điểm này đa phần ghép chậu nhỏ vài cây hoặc vài chục cây vì khách mua lan chủ yếu là các hộ gia đình. Thế nên, tiền công ghép những chậu lan như vậy chỉ khoảng 15.000-20.000 đồng. Tiền công tính trên đầu cây không cao, nhưng đổi lại ghép một chậu như vậy lại tương đối nhanh.
Anh Tiến cho biết thêm, đợt cao điểm anh ghép toàn chậu lớn. Nhẩm tính hơn một tháng qua, tiền công anh nhận được khoảng 80-100 triệu đồng.
Trao đổi với báo chí, chị Lê Thị Thu Hằng - chủ tiệm hoa lớn tại Trâu Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, dịp Tết Quý mão này số lượng lan hồ điệp mà chị bán buôn và bán lẻ lên tới hơn 2 vạn cây.
Theo chị Hằng, lan hồ điệp vẫn là loại hoa được ưa chuộng tại thị trường hoa Tết. Tuy nhiên, giá trị mỗi chậu hoa khách đặt năm nay có xu hướng hạ hơn những năm trước đó.
Ví như, cao điểm từ giữa tháng 11 Âm lịch đến giữa tháng 12 Âm lịch là khách mua lan biếu tặng, chậu lan được chọn đa phần ở mức giá từ 20-60 triệu đồng. Hiện, khách gia đình là chủ yếu nên các chậu lan có giá trên dưới 1 triệu, 2-3 triệu được đặt mua nhiều hơn.
Mặc dù vậy, cửa hàng chị vẫn phải thuê đến 9 thợ ghép lan để làm kịp các đơn hàng khách đặt. Giá thuê được tính theo tay nghề của thợ ghép, dao động từ 15.000-35.000 đồng/cây. Thợ ghép càng giỏi giá càng cao.
Chị Hằng cho biết, ở cửa hàng của chị, một thợ ghép bình thường mùa Tết này có thể thu được 40-60 triệu tiền công, thợ giỏi thu từ 80-120 triệu đồng tiền công.
Vào mùa làm lan Tết, cửa hàng nào cũng cần lượng lớn thợ ghép, nhất là thợ có tay nghề giỏi. Không có thợ ghép thì chủ cửa hàng không thể chốt đơn khách đặt mua lan. Do đó, chị Hằng phải trả công thợ ghép khá cao để giữ mối thợ giỏi.
Chị Hằng chia sẻ: “Có vài thợ ghép lan năm nào cũng làm cho cửa hàng của tôi. Thời gian làm chỉ khoảng 1,5 tháng nhưng tiền công thu về lên tới cả trăm triệu đồng”. Đây là mức thu nhập khủng, song theo chị Hằng, thợ ghép cũng rất vất vả, phải làm ngày làm đêm. Có người ngày làm 20 giờ đồng hồ, ăn cơm chớp nhoáng, chỉ ngủ 2-3 giờ một ngày.