Nghệ thuật hát xẩm tô đậm văn hóa Thăng Long – Hà Nội

Hát xẩm, một loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ, với những nét đặc sắc gắn liền mảnh đất Thăng Long - Hà Nội. Đặc biệt, Thăng Long - Hà Nội, thủ đô ngàn năm văn hiến, chính là nơi đã nuôi dưỡng và phát triển hát xẩm, đưa nghệ thuật này trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Hà Nội.

z6126395920690-25ce5d8444e53fe8a38fbd309594cbec-1734077908.jpg

TS. NSND Thanh Ngoan

Hát xẩm là loại hình âm nhạc dân gian truyền thống của người Việt, hình thành khoảng thế kỷ XIV và đạt đỉnh cao vào thế kỷ XIX, XX ở vùng Đồng bằng Trung du phía Bắc. Từ khi ra đời đến khoảng nửa đầu thế kỷ XX được gọi là “hát rong” hay “hát dạo”. Nguồn gốc hát xẩm chỉ dựa vào huyền tích (ngày 22 tháng 2 và ngày 22 tháng 8 âm lịch) hàng năm được lấy làm ngày giỗ Tổ nghề hát xẩm. Cho đến nay nhiều người vẫn hiểu Xẩm là lối hát của người khiếm thị ăn xin, trên thực tế hát xẩm là thể loại âm nhạc dân gian chuyên nghiệp, chỉ khác ở chỗ sân khấu của Xẩm là đường phố, là gốc đa, bến phà, sân đình hoặc góc chợ quê…

Đặc điểm nổi bật của hát xẩm là việc sử dụng âm nhạc dân dã, giản dị nhưng đầy cảm xúc, với lời ca mộc mạc, phản ánh những nét đẹp và những nỗi niềm của con người trong cuộc sống hàng ngày, dễ tiếp cận. Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa giọng hát và nhạc cụ, chủ yếu là đàn bầu, đàn nhị, hay trống (trống mảnh), phách (sênh) cũng là một đặc điểm riêng có của loại hình nghệ thuật này. Mỗi bài hát xẩm thể hiện được tâm tư, tình cảm và phản ánh đời sống xã hội qua từng giai điệu và lời ca. Các nghệ nhân, nghệ sĩ hát xẩm thường là những người có khả năng thể hiện cảm xúc sâu sắc qua từng câu hát, từ những điệu hát vui tươi đến những bài hát buồn, đầy tâm sự. Những giai điệu, lời ca của hát xẩm không chỉ là sự giải trí, mà còn là những câu chuyện mang theo thông điệp nhân văn, cổ vũ tinh thần đoàn kết, về tình yêu quê hương đất nước, con người, thậm chí là cả về những điều bất ngờ trong xã hội lúc bấy giờ. Hát xẩm, loại hình âm nhạc dân gian độc đáo, nằm trong loại hình hát nói kể chuyện, giai điệu hình thành chủ yếu dựa theo thanh điệu và ngữ điệu lời văn, nhiều tính tự sự nên được mệnh danh là môn nghệ thuật “kể chuyện bằng âm nhạc”.

Hà Nội, với lịch sử lâu dài và truyền thống văn hóa phong phú, là nơi có những dấu ấn đậm nét về sự phát triển của hát xẩm. Những người nghệ nhân, nghệ sĩ xẩm ở Thăng Long không chỉ hát để kiếm sống mà còn coi hát xẩm là một phần trong đời sống tinh thần, là phương tiện để họ thể hiện tình cảm, tâm hồn và thế giới quan của mình. Hà Nội xưa, với phố phường nhộn nhịp, đông đúc, đã tạo ra một môi trường lý tưởng để hát xẩm phát triển. Những con phố như Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Đào, là nơi các nghệ sĩ hát xẩm thường xuyên lui tới để biểu diễn, vừa để kiếm sống, vừa để giao lưu văn hóa.

Thăng Long - Hà Nội còn là nơi hội tụ của nhiều nền văn hóa, nơi giao thoa giữa các sắc tộc, tôn giáo và những lối sống khác nhau. Chính điều này đã tạo ra một không gian đầy đa dạng và phong phú cho sự sáng tạo và phát triển của các loại hình nghệ thuật dân gian, trong đó có hát xẩm. Hát xẩm không chỉ phản ánh đời sống sinh hoạt của người dân Hà Nội mà còn là nơi để ghi lại những sự kiện lịch sử, những biến động xã hội, những thay đổi trong đời sống văn hóa, chính trị của đất nước.

Lý Thái Tổ nước non du ngoạn

Thấy rồng bay cảnh đẹp địa linh

Chiếu truyền chọn đất Long Thành

Định đô nước Việt sử xanh còn truyền…

            (Trích bài “Hà Thành ba mươi sáu phố phường”)

Hát xẩm không chỉ là một nghệ thuật giải trí mà còn là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Hà Nội. Trong những năm tháng đất nước còn gặp nhiều khó khăn, hát xẩm trở thành nguồn động viên tinh thần cho nhân dân. Những bài xẩm Chênh Bong như “Dạo chơi Long Thành”, Xẩm Chợ như “Chợ Đồng Xuân”, Xẩm Sai, Hò Bốn mùa, Hát Ai, Riềm Huê, Phồn Huê, Ba Bậc, Huê Tình, Thập Ân…  không chỉ đơn thuần là các bài hát mà là những thông điệp yêu đời, lạc quan, hướng về tương lai.           

Sách có chữ rằng, Đại phu do thiên

                              Những người nghèo khó phải chuyên cho cần

                              Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân

                              Qua cơn bĩ cực tới tuần thái lai

                              Chốn nam xuân trời cho bách tuế còn dài…

  (Trích bài Xẩm chợ của “Trùm xẩm” Hà Nội Nguyễn Văn Nguyên)

Hát xẩm còn được coi là phương tiện lưu giữ lịch sử và văn hóa. Các nghệ sĩ xẩm không chỉ là những người mang lời ca tiếng hát mà còn là những người kể chuyện về những sự kiện lịch sử, những câu chuyện dân gian, những phong tục tập quán. Đặc biệt, trong thời kỳ chiến tranh, hát xẩm đã trở thành công cụ tuyên truyền mạnh mẽ, kêu gọi sự đoàn kết, lòng yêu nước và niềm tin vào chiến thắng. (Trường ca “Bắc tỉnh ca”).

Thăng Long - Hà Nội chính là cái nôi của nhiều thế hệ nghệ sĩ xẩm nổi tiếng, những người đã góp phần làm phong phú thêm di sản văn hóa của Thủ đô.   Theo nhà nghiên cứu Trần Việt Ngữ “Bác Trùm - Nguyễn Văn Nguyên, Trùm - Nguyễn Văn Khoản, Trưởng - Nguyễn Phong Sắc, Trưởng - Trần Thị Thìn, Trưởng - Trần Thị Nhớn, Trưởng - Đinh Văn Qưới, Hai Cầu, Trùm Sỹ, Năm Kinh”…các nghệ nhân đi trước đã để lại một kho tàng những bài hát xẩm, nhưng hát xẩm ngày nay được gìn giữ và lan tỏa, cũng nên nhắc đến Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam và các nghệ sĩ như: Cố Nhà nghiên cứu Trần Việt Ngữ, Cố GS Phạm Minh Khang, Cố  Nhạc sĩ Thao Giang, Cố NSƯT Đỗ Tùng,Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan, NSND Nguyễn Thị Bích Ngoan (Thanh Ngoan), NSND Xuân Hoạch, NSND Hạnh Nhân, NSƯT Văn Ty, NNDG Mai Tuyết Hoa, Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long… những người đã đóng góp không nhỏ trong việc phục hồi và phát triển hát xẩm trong thời kỳ hiện đại.

Năm 2005, Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam đã quy tụ một số các nghệ nhân, nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu… sưu tầm và cho ra đời CD “Xẩm Hà Thành”, chiếu xẩm “Ba mươi sáu phố phường” tại chợ đêm (Đồng Xuân, hàng Đào, hàng Ngang). Những làn điệu xẩm Chợ, xẩm Chênh Bong, xẩm Riềm Huê, xẩm Thập Ân, xẩm Ba Bậc, hò Bốn mùa, đặc biệt là làn điệu xẩm Tầu Điện (gắn với tầu điện rất đặc trưng của đất Hà Thành vào thế kỷ trước), được xướng lên hàng tuần và được đông đảo công chúng đón nhận (nhiều bài báo viết về thời điểm này là minh chứng).

Trong quá trình khảo sát, sưu tầm và phục hồi hát xẩm (năm 2005) tại Hà Nội. Chúng tôi có sự so sánh các giai điệu khi nghệ nhân hát ở bến phà, nhà ga, trên tầu điện có sự giống nhau. Khi hỏi người hát ở bến phà, họ gọi là xẩm bến phà, có nơi chỉ gọi là hát xẩm nhà ga, có nơi chỉ là hát xẩm. Từ đó, cái tên Xẩm tầu điện được xướng lên và gắn với đất Hà Thành, thật độc đáo, mỗi khi nói tới Xẩm tầu điện, đều nhắc nhớ mọi người đó là Thủ đô Hà Nội ngày nay hay Thăng Long - Hà Nội xưa.

                                                Hà Nội như động tiên sa

                                                Sáu giờ thắp hết đèn xa đèn gần

                                                Vui nhất có chợ Đồng Xuân

                                               Mùa nào thức nấy xa gần đến mua…

             (Trích bài Chợ Đồng Xuân)   

Hát xẩm không chỉ là âm nhạc mà còn là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa của người Hà Nội xưa. Nhiều bài hát xẩm được sáng tác dựa trên những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Thăng Long - Hà Nội, gắn liền với cuộc sống của người dân thủ đô qua nhiều thế kỷ. Bài “Hà Thành ba mươi sáu phố phường” là một trong những tác phẩm nổi tiếng, phản ánh những nét đẹp văn hóa và lịch sử của thủ đô. Bài hát này mô tả cảnh vật đẹp đẽ của Hà Nội, như Hồ Gươm, Đền Ngọc Sơn, và những con phố cổ kính.

Nghìn thu gặp hội thái bình

Trải xem phong cảnh khắp thành Thăng Long

Phố ngoài bao bọc thành trong

Cửa Nam, cửa Bắc. Tây, Đông rõ ràng

Ba mươi sáu mặt phố phường

Hàng Giấy hàng Bạc hàng Ngang hàng Đào…

Với lời ca mộc mạc nhưng giàu hình ảnh, “Hà Thành ba mươi sáu phố phường” đã trở thành một trong những bài hát xẩm nổi tiếng, các phố phường của Hà Nội được xướng tên trong bài hát, giúp người nghe thuộc tên gọi của từng phố và hình dung rõ ràng vẻ đẹp của thủ đô ngàn năm văn hiến.

Bài xẩm “Vui nhất Hà Thành” là một bài hát xẩm nổi tiếng khác. Trong bài xẩm này, những người nghệ sĩ miêu tả khung cảnh của Thăng Long thắng địa, của sự phồn hoa bậc nhất kinh đô phía Bắc là Hà Thành. Với lời ca nhẹ nhàng, dễ nghe, bài xẩm này đã giúp người dân xưa thể hiện niềm tự hào về lịch sử, văn hóa và những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của thủ đô:

            Bắc kỳ vui nhất Hà Thành

                     Phố phường sầm uất văn minh rợp trời

                   Thanh tao lịch sự đủ mùi

                 Cao lâu rạp hát vui chơi đủ đầy….

                                    Hà Thành phố xá bây giờ

    Phồn hoa đệ nhất kinh đô Bắc kỳ

   Văn minh đèn điện sáng lòe

Thông thương kỹ nghệ mọi nghề chấn hưng.

          Bài xẩm “Chênh Bong” là một ví dụ khác. Đây là một bài hát có lời ca ca ngợi những thành tựu của Hà Nội trong thời kỳ phát triển, đặc biệt là trong việc xây dựng các công trình lịch sử như Tháp Rùa, Văn Miếu Quốc Tử Giám hay Chùa Ngọc Sơn…

Quốc Tử Giám khuê văn vằng vặc

Cảnh Tây Hồ sộng Nhị sông Tô

Hồ Gươm in bóng Tháp Rùa

Có cầu Thê Húc có chùa Ngọc Sơn….

Những bài hát như thế này không chỉ ca ngợi vẻ đẹp của Hà Nội mà còn là cách để các nghệ sĩ xẩm thể hiện sự tôn kính đối với văn hóa, lịch sử và những giá trị vật thể vô giá của Thủ đô.

Bên cạnh đó, những bài xẩm như "Chợ Đồng Xuân", "Cô hàng nước",” “Xẩm chợ”, “Dạo chơi Long Thành”… cũng thể hiện cuộc sống lao động, sinh hoạt của người dân thủ đô, trong đó có những câu chuyện về công việc hàng ngày, những con người đi khắp nơi từ các khu phố cổ đến những chợ búa tấp nập.

            Rủ nhau chơi khắp Long Thành

           Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai…

           Quanh đi đến phố hàng Da

          Trải xem phong cảnh thực là cũng xinh

            Phồn hoa thứ nhất Long Thành

            Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ

            Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ

            Bút hoa xin chép vần thơ lưu truyền.

                                   (Trích bài:Dạo chơi Long Thành)

Ngày nay, khi xã hội phát triển, hát xẩm vẫn giữ được vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của Hà Nội. Các chương trình biểu diễn hát xẩm vẫn được tổ chức tại nhiều địa phương, các câu lạc bộ, hội nhóm đang nỗ lực bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật này. Các câu lạc bộ hát xẩm gắn tên với Hà Nội như: Xẩm Hà Thành, Xẩm Tầu Điện, Thăng Long Xẩm, Xẩm 36 phố phường, Xẩm Hà Nộiđó cũng là thể hiện sự gắn kết giữa hát xẩm và Hà Nội, tuy hai mà là một, vượt qua thời gian vẫn vững chãi trong mạch nguồn văn hóa dân tộc trường tồn. Là dấu ấn, là nét son tô đậm thêm hương sắc Thăng Long - Hà Nội.

z6126395716503-cc2d44809a843ef851d0b8647e5a6d91-1734077908.jpg

TS. NSND Thanh Ngoan cả đời gắn bó với nghệ thuật truyền thống

Trong bối cảnh nền văn hóa toàn cầu hóa, việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật hát xẩm cần sự nỗ lực của cả cộng đồng. Chính quyền các cấp cần có những chính sách hỗ trợ và phát triển hát xẩm, đặc biệt là trong việc giáo dục thế hệ trẻ để họ hiểu và yêu mến loại hình nghệ thuật truyền thống này. So với xẩm thời xưa, nghệ thuật hát xẩm ngày nay đối diện với nhiều thách thức.Trong những năm gần đây, hát xẩm đã có sự phục hồi đáng kể nhờ các hoạt động bảo tồn văn hóa và các chương trình biểu diễn phục vụ du khách, đặc biệt là ở các khu di tích và danh lam thắng cảnh của Hà Nội như Chợ đêm Đồng Xuân, Hồ Gươm, Văn Miếu, Đền Ngọc Sơn, Ô Quan Chưởng, Nhà Bát Giác… Những hoạt động này không chỉ giúp duy trì và phát huy giá trị của hát xẩm mà còn mang đến một góc nhìn mới về nghệ thuật dân gian cho thế hệ trẻ và du khách quốc tế. Các nghệ sĩ xẩm cũng bắt đầu kết hợp những yếu tố hiện đại, làm mới âm nhạc của mình để phù hợp với xu hướng âm nhạc đương đại.

Nghệ thuật hát xẩm, đặc biệt là hát xẩm Thăng Long - Hà Nội, không chỉ là một loại hình âm nhạc độc đáo mà còn là một phần quan trọng trong kho tàng văn hóa của dân tộc. Nó đã góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân Hà Nội qua nhiều thế hệ. Hát xẩm không chỉ là tiếng hát của những nghệ sĩ dân gian mà còn là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa con người và văn hóa, giữa tình yêu quê hương đất nước và niềm tự hào dân tộc.

Với tình yêu và niềm tin vào giá trị của nghệ thuật hát xẩm, hy vọng rằng mỗi người chúng ta sẽ luôn gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống, để hát xẩm mãi mãi được vang lên giữa lòng Thăng Long - Hà Nội, như một phần không thể thiếu của lịch sử và văn hóa dân tộc, càng thêm phần tô đậm nâng cao giá trị văn hóa, lịch sử của Thăng Long - Hà Nội nói riêng và của cả dân tộc Việt Nam nói chung.