Khôi phục diện tích
Theo bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, trong định hướng phát triển cây ăn quả của tỉnh này trong thời gian tới, cây dừa là đối tượng được lựa chọn cùng với các loại cây chủ lực như bưởi da xanh, xoài cát. Theo đó, đến năm 2025, diện tích dừa trên địa bàn Bình Định sẽ tăng từ gần 9.300ha lên 10.000ha.
Trong đó, diện tích dừa kinh doanh tăng từ hơn 9.200ha hiện nay lên 9.700ha vào năm 2025; sản lượng tăng từ hơn 107.500 tấn lên 116.400 tấn. Cây dừa sẽ được mở rộng diện tích trên địa bàn các huyện, thị có diện tích dừa tập trung hiện nay như: Huyện Phù Mỹ 1.806ha, huyện Hoài Ân 961ha, huyện Phù Cát 993ha, Thị xã Hoài Nhơn 2.528ha.
Theo TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, cây dừa uống nước ở Bình Định là một trong những loại cây ăn quả hiện nay đang được Viện tập trung nghiên cứu. Thời gian qua, Viện không nghiên cứu lan man các giống dừa nhập nội, mà chỉ chuyên sâu vào những giống dừa xiêm hiện có trong nội địa.
Sau một thời gian đánh giá, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ đã khẳng định giống dừa xiêm uống nước ở Tam Quan (Thị xã Hoài Nhơn) là đối tượng cần được nhân rộng. Dừa xiêm Tam Quan có 2 đối tượng, giống dừa xiêm xanh và giống dừa xiêm đỏ. Trong đó, giống dừa xiêm xanh được ghi nhận trong nước có độ dinh dưỡng cao hơn dừa xiêm trồng ở các địa phương khác, đây là đối tượng cần được nhân rộng.
“Diện tích dừa xiêm uống nước ở Bình Định hiện được trồng trải dài dọc theo các vùng ven biển của huyện Phù Cát, Phù Mỹ và Thị xã Hoài Nhơn. Cây dừa xiêm uống nước ở Bình Định chủ yếu phát triển trên những vùng đất cát. Đất cát ven biển có nhuốm độ mặn của nước biển, chính độ mặn này đã tạo ra nước dừa có vị ngọt đậm, rất đặc biệt.
Dừa xiêm Tam Quan nếu được xử lý gọt vỏ, đóng thùng đưa đi tiêu thụ tại thị trường Hà Nội thì chắc chắn sẽ thu hút người tiêu dùng. Đó là mới chỉ nói thị trường tiêu thụ nội địa, nếu xuất khẩu được thì dừa xiêm Bình Định sẽ còn nâng cao được giá trị”, TS Hồ Huy Cường chia sẻ.
Rộng đầu ra
Có một nghịch lý, tuy Bình Định là tỉnh có diện tích trồng dừa đứng thứ 3 toàn quốc, nhưng vẫn phải nhập dừa uống nước từ Bến Tre về để tiêu thụ. Điều này chứng tỏ, dư địa thị trường dừa uống nước ở Bình Định là rất lớn.
Theo nhận định của TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, hiện cây dừa ở các tỉnh Nam Trung bộ có 2 mục đích sử dụng là phục vụ giải khát và chế biến. Đối với nước dừa giải khát, nhiệm vụ của các nhà khoa học phải tìm ra được giống dừa đáp ứng được chất lượng nước, chống chịu được với điều kiện khô nóng của miền Trung.
Vấn đề này Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ đã xác định có giống dừa xiêm xanh ở Tam Quan (Thị xã Hoài Nhơn). Còn về biện pháp canh tác, Viện sẽ đưa ra được gói kỹ thuật cho cây dừa, từ bón phân, tưới nước và quản lý sâu bệnh hại. Điều cần nhất hiện nay là cách bảo quản dừa lấy nước để được lâu mà không ảnh hưởng chất lượng.
Trong kế hoạch mở rộng vùng nguyên liệu cây ăn quả tại Bình Định của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư nông nghiệp Chấn Hưng Sinh Lợi (TP.HCM) trong thời gian tới, cây dừa cũng có trong danh mục những loại cây ăn quả mà doanh nghiệp này quan tâm.
Theo ông Phan Thanh Bút, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư nông nghiệp Chấn Hưng Sinh Lợi, hiện Bình Định là địa phương có diện tích trồng dừa nhiều nhất vùng Nam Trung bộ với gần 9.300ha, đây là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp mở rộng thêm diện tích để thành vùng trồng dừa tập trung. Doanh nghiệp xác định dừa uống nước chỉ tiêu thụ thị trường nội địa, chủ yếu là tại Hà Nội. Bởi, nếu xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn.
“Hiện nay, dừa uống nước đang được tiêu thụ tại Hà Nội với giá 13.000đ/quả, tính bình quân cả năm, giá dừa tiêu thụ tại Hà Nội là 10.000đ/quả. Chi phí vận chuyển dừa quả uống nước từ Bình Định ra Hà Nội hiện vào khoảng 1.000 - 1.500đ/quả, chiếm trên 10% giá thành sản phẩm. Trong khi chi phí vận chuyển dừa uống nước từ Bến Tre đi Hà Nội cao, lên đến 2.700đ/quả, chiếm đến gần 30% giá thành sản phẩm.
Như vậy, mua dừa ở Bình Định đưa đi tiêu thụ tại Hà Nội doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được ít nhất được 1.200đ/quả, đi 100.000 quả dừa doanh nghiệp tiết kiệm được 120 triệu đồng. Biên độ lợi nhuận dừa quả từ Bến Tre đi Hà Nội chỉ có 300đ/quả, rất thấp, trong khi đi 100.000 quả dừa từ Bình Định ra Hà Nội chúng tôi tiết kiệm được 120 triệu đồng tiền vận chuyển, đây là số tiền rất lớn của mỗi chuyến hàng”, ông Phan Thanh Bút tính toán.
Theo ông Nguyễn Ngọc Nghiệp, Giám đốc HTX Ngọc An (Thị xã Hoài Nhơn), từ trước đến nay, dừa lấy dầu được thị trường Trung Quốc ăn rất mạnh, hiện nay sức mua và giá mua có giảm đi so với trước đây, nhưng dừa khô vẫn xuất khẩu đều sang thị trường này. Trung Quốc chủ yếu mua dừa khô đã được bóc hết vỏ, còn nguyên sọ dừa và nước, nhiều đại lý ở Hoài Nhơn thu mua dừa về, thuê nhân công bóc vỏ rồi chở bằng xe tải sang Trung Quốc bán.
“Hiện giá dừa khô lấy dầu được thương lái thu mua tại vườn khoảng 8.000đ/quả để xuất sang Trung Quốc, trước đây giá bình quân là 10.000đ/quả và sức mua rất mạnh. Hiện nay dừa khô xuất khẩu sang Trung Quốc đã giảm so với trước, nhờ đó, nguồn nguyên liệu cung cấp cho những cơ sở chế biến các sản phẩm từ dừa trên địa bàn rất dồi dào.
Riêng HTX Ngọc An mỗi ngày thu mua khoảng 2.000 quả dừa khô để làm nguyên liệu chế biến tinh dầu dừa và bánh tráng nước dừa. Những hộ làm bánh tráng nước dừa trên địa bàn Hoài Nhơn mỗi ngày 1 hộ cũng thu mua khoảng 500 quả để làm nguyên liệu. Nghề làm bánh tráng nước dừa tập trung ở Thị xã Hoài Nhơn, chỉ tính riêng làng nghề bánh tráng nước dừa phường Tam Quan Nam đã có đến hơn 380 hộ làm nghề này, mỗi ngày tiêu thụ đến 190.000 quả dừa khô để làm nguyên liệu”, ông Nguyễn Ngọc Nghiệp, Giám đốc HTX Ngọc An cho hay.