Những nguyên nhân nào khiến ô tô bị từ chối đăng kiểm?

Để tránh bị từ chối đăng kiểm, chủ xe cần kiểm tra, khắc phục các lỗi kỹ thuật, hoàn thành nghĩa vụ nộp phạt và tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về an toàn trước khi đưa xe đến trung tâm đăng kiểm.

Việc đảm bảo xe ô tô đủ điều kiện đăng kiểm là điều kiện tiên quyết để phương tiện được phép lưu thông hợp pháp trên đường. Tuy nhiên, nhiều chủ xe vẫn gặp phải tình trạng bị từ chối đăng kiểm vì không đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật và quy định pháp luật. Dưới đây là một số nguyên nhân điển hình dẫn đến tình trạng này.

1. Chưa đóng phạt nguội

Một trong những lý do phổ biến khiến ô tô bị từ chối đăng kiểm là do chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp phạt nguội. Trước khi kiểm định, các trung tâm đăng kiểm sẽ rà soát tình trạng vi phạm giao thông và việc nộp phạt của chủ xe. Nếu phương tiện vi phạm nhưng chủ xe chưa hoàn tất nghĩa vụ tài chính, quá trình đăng kiểm sẽ bị dừng lại.

Để tránh mất thời gian, chủ xe cần kiểm tra và thực hiện nộp phạt nguội theo hướng dẫn của cơ quan chức năng trước khi đưa xe đi kiểm định.

dang-kiem-o-to
 

2. Tự ý thay đổi hệ thống đèn xe

Việc nâng cấp hoặc thay đổi hệ thống đèn xe không đúng quy định cũng là nguyên nhân khiến ô tô bị từ chối đăng kiểm. Dù Thông tư 08/2023/TT-BGTVT đã nới lỏng một số quy định về thay đổi đèn LED, nhưng các trường hợp sau vẫn không được chấp nhận:

  • Cường độ ánh sáng của đèn chiếu sáng phía trước nhỏ hơn 10.000cd
  • Tâm vùng cường độ sáng lớn nhất của đèn chiếu xa vượt quá quy định
  • Vị trí lắp đặt đèn thay đổi so với thiết kế ban đầu
  • Thấu kính đèn bị mờ, nứt hoặc công tắc đèn không hoạt động

Chủ xe cần kiểm tra và đảm bảo hệ thống đèn xe tuân thủ tiêu chuẩn trước khi đến trung tâm đăng kiểm.

3. Lắp thêm cản xe vượt quy định

Một số chủ xe, đặc biệt là người sở hữu xe bán tải, thường lắp thêm cản để tăng tính thẩm mỹ hoặc bảo vệ phương tiện. Tuy nhiên, việc lắp đặt cản xe vượt kích thước quy định, gây ảnh hưởng đến kết cấu xe, sẽ khiến phương tiện bị từ chối đăng kiểm.

dang-kiem-o-to-1
 

4. Thay đổi kết cấu xe không an toàn

Các trường hợp tự ý thay đổi kết cấu hoặc kích thước xe đều bị coi là vi phạm. Những lỗi phổ biến gồm có cơi nới thùng xe tải, lắp thêm ghế sau cho xe van, thay đổi bộ body kit không đúng tiêu chuẩn, sử dụng mâm và lốp xe không phù hợp.

Các thay đổi này không chỉ làm mất đi tính an toàn mà còn vi phạm quy định kỹ thuật, dẫn đến việc từ chối đăng kiểm.

5. Thiếu thiết bị giám sát hành trình

Theo khoản 1 Điều 12 Nghị định 10/2020/NĐ-CP, các xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Nếu thiếu thiết bị này, xe sẽ không được phép đăng kiểm.