PHẦN THỨ NĂM - KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
I. Kết luận
Nông nghiệp đô thị hiện đại của thành phố Hà Nội là một nền nông nghiệp hàng hoá đa chức năng. Xây dựng nền nông nghiệp đô thị sản xuất hàng hóa đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương theo các vùng nội đô, ven thị đô thị hoá và nông thôn ven đô theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao là một thế mạnh của ngành nông nghiệp thành phố Hà Nội.
Với mục tiêu nâng cao mức sống và hội nhập vào nền kinh tế thế giới, đối với thành phố Hà Nội, việc hình thành và phát triển nông nghiệp đô thị làm nòng cốt cho sự phát triển kinh tế của Thành phố theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá là một định hướng chiến lược đúng đắn về phát triển nông nghiệp và cũng là xu thế tất yếu của một nền nông nghiệp sạch, hiệu quả cao.
Trong giai đoạn 2010-2020 sản xuất nông nghiệp của Thành phố Hà Nội đã đạt được nhiều thành tích quan trọng. Đã hình thành các vùng lúa thâm canh hàng hoá, vùng sản xuất rau quả thực phẩm, vùng rau an toàn, vùng sản xuất hoa cây cảnh, vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn theo hướng công nghiệp, trang trại chăn nuôi xa khu dân cư, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.
Quan hệ sản xuất trong nông lâm nghiệp đã từng bước hoàn thiện ngày càng phù hợp và có tác dụng thúc đẩy sản xuất phát triển nhanh. Việc đổi mới cơ chế quản lý các doanh nghiệp nông lâm nghiệp, thuỷ sản đã tạo ra nhiều việc làm cho người lao động và góp phần quan trọng vào phát triển nông lâm nghiệp, thuỷ sản của Thành phố. Giá trị sản xuất nông nghiệp/ha đất canh tác trong 10 năm qua không ngừng tăng lên.
Với các mục tiêu kinh tế - kỹ thuật đặt ra trong giai đoạn 2022-2025 và kế hoạch phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đề án phát triển nông nghiệp đô thị thành phố Hà Nội là rất cần thiết. Việc phát triển, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp là yêu cầu cấp thiết của sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố trong quá trình CNH - HĐH nông nghiệp và nông thôn. Do vậy, việc triển khai xây dựng Đề án nông nghiệp đô thị thành phố Hà Nội là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu phát triển và sẽ được sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ rất lớn của các cấp, các ngành.
Đề án Nông nghiệp đô thị thành phố Hà Nội có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện Luật Thủ đô và các chiến lược của thành phố Hà Nội đến 2030. Thành phố Hà Nội cần coi phát triển NNĐT như là một hướng đi trọng tâm và ưu tiên đầu tư nguồn lực nhằm đảm bảo cân bằng sinh thái môi trường và phát triển bền vững cho đô thị thông qua Đề án phát triển nông nghiệp đô thị. Thành phố Hà Nội cần bổ sung chương trình phát triển NNĐT một cách toàn diện và xây dựng chương trình hành động và phân bổ nguồn lực ưu tiên cho phát triển NNĐT trong thời gian tới cùng với chương trình phát triển nông thôn mới.
II. Kiến nghị
1. Kiến nghị với Trung ương
Nông nghiệp Đô thị Hà Nội là lĩnh vực mới, có tính liên ngành, liên vùng, khi thực hiện thấy một số bất cập chung có thể diễn ra ở các đô thị khác trên toàn quốc vì vậy đề án đề xuất một số điều chỉnh trong các Luật có liên quan để thúc đẩy được quá trình thực hiện đề án Nông nghiệp đô thị Hà Nội.
Đặc biệt trong quá trình hướng dẫn thực hiện Luật Thủ đô 2024 cần làm rõ những chính sách phát triển nông nghiệp đô thị trong thực hiện những nội dung có liên quan được đề cập trong Luật Thủ đô năm 2024 như: Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn; Chính sách “khuyến khích phát triển sinh vật cảnh, trồng cây vùng nội đô…”; Tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị của Thủ đô; Tạo lập không gian xanh, không gian ngầm của Thủ đô, không gian cảnh quan khu vực hai bên Sông Hồng; Ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn, biện pháp quản lý không gian đô thị, không gian ngầm, kiến trúc, cảnh quan, vùng di sản đối với khu vực nội đô lịch sử, khai thác cảnh quan Sông Hồng và các trục cảnh quan theo quy hoạch; Ban hành các nguyên tắc và điều kiện xây dựng riêng trong khu vực nội đô lịch sử và các đô thị của Hà Nội về giảm phát thải, bảo vệ môi trường; Bảo đảm tỷ lệ không gian xanh theo quy hoạch; Quy định về công viên, vườn hoa, khu vực công cộng; Các biện pháp kiểm soát ô nhiễm, phát triển tỷ lệ xanh trong xây dựng đô thị trên địa bàn Thủ đô; Các ưu đãi về đầu tư trong lĩnh vực trồng, phát triển cây xanh; Chính sách khuyến khích nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái-văn hoá…
2. Kiến nghị với Thành Ủy và HĐND Thành phố Hà Nội
Thực hiện Đề án Nông nghiệp đô thị thành phố Hà Nội liên đến đặc thù kinh tế xã hội và tự nhiên của từng địa phương, vì vậy Thành phố giao các quận, huyện cụ thể hóa, xác định các nhiệm vụ ưu tiên cho từng giai đoạn và lập kế hoạch thực hiện thông qua việc hoàn thiện, nâng cấp các mô hình hiện có và xây dựng các mô hình mới.
Thực hiện Đề án phát triển NNĐT trên cơ sở các đồ án quy hoạch đô thị của các địa phương nhằm xác định lộ trình phát triển NNĐT của thành phố Hà Nội trong quá trình phát triển.
Các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính được phân công dưới sự điều hành của UBND và HĐND Thành phố theo các Chương trình phát triển đô thị, bao gồm cả hoạt động nông nghiệp đô thị.
Thành phố phân công các cơ quan quản lý bao gồm các Sở, ngành, đơn vị trực thuộc UBND Thành phố chịu trách nhiệm phụ trách, theo dõi, hỗ trợ các địa phương thực hiện các nhiệm vụ, nhóm nhiệm vụ để khâu nối các cơ quan quản lý, giúp cho việc thực hiện đề án được triển khai hiệu quả, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện đề án. Đặc biệt Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Quy hoạch Kiến trúc cần phối hợp chặt chẽ trong công tác tham mưu cho Thành phố về không gian nông nghiệp đô thị.
Thành phố căn cứ Luật Thủ đô năm 2024 và các quy định có liên quan, cần có chính sách khuyến khích tăng sản xuất thực phẩm tại chỗ, thông qua nông nghiệp đô thị trong khu vực nội đô và ngoại thị đang đô thị hoá. Các yếu tố chính ngăn cản phát triển của nông nghiệp đô thị trong nội đô là: (1) thiếu tiếp cận đất tạm thời với giá thấp; (2) chính sách sử dụng đất và quy định xây dựng hạn chế; (3) không đủ dịch vụ tư vấn hoặc thông tin về làm vườn đô thị; (4) chi phí ban đầu để thiết lập cơ sở hạ tầng của khu vườn đô thị.