III. Nhiệm vụ trọng tâm phát triển nông nghiệp đô thị
3.1. Làm rõ khái niệm, rà soát chính sách, quy hoạch không gian nông nghiệp đô thị bao gồm vùng nội đô, vùng ngoại thị đang đô thị hoá và vùng nông thôn ven đô gắn với quá trình đô thị hoá; Đề xuất cơ chế phối hợp liên ngành phù hợp trong quản lý không gian nông nghiệp đô thị.
3.2. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn phục vụ phát triển nông nghiệp đô thị gắn với đô thị xanh, bền vững;
3.3. Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nông nghiệp đô thị theo hướng chuyên nghiệp;
3.4. Lồng ghép thực hiện có hiệu quả với cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng Nông nghiệp sinh thái, phát triển Nông thôn mới và thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về Chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm;
3.5. Phát triển các chuỗi giá trị ngắn theo hướng đa giá trị và bền vững, đảm bảo cải thiện chất lượng và số lượng thực phẩm cung ứng cho đô thị Hà Nội trong mọi tình huống;
3.6. Nâng cao chất lượng truyền thông, đào tạo về nông nghiệp đô thị và tiêu dùng thực phẩm bền vững;
3.7. Thúc đẩy phát triển mô hình nông nghiệp đô thị gắn với du lịch sinh thái phù hợp với các vùng (bao gồm cả đất bãi trong nội đô), SVC, nông nghiệp theo chiều dọc trên các công trình xây dựng, bảo vệ môi trường;
3.8. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ công phục vụ phát triển nông nghiệp đô thị, cung cấp dịch vụ khuyến nông đô thị, khuyến nông cộng đồng, phát triển dịch vụ giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số;
3.9. Thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
3.10. Thay đổi nhận thức của các cấp cách ngành, các địa phương về Nông nghiệp đô thị;
3.11. Lồng ghép các hoạt động Nông nghiệp đô thị vào các chương trình, kế hoạch của Thành phố, góp phần thực hiện có hiệu quả Luật Thủ đô và các văn bản chỉ đạo của Thành phố về Nông nghiệp, Nông thôn.
IV. Các giải pháp thực hiện nhằm phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng sinh thái
4.1. Các giải pháp thực hiện theo tiểu ngành
4.1.1. Giải pháp phát triển các vùng trồng trọt tập trung
Giải pháp về tổ chức sản xuất và sử dụng đất
Phát triển nông nghiệp đô thị, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển dịch vụ xã hội có chất lượng tiệm cận với thành thị, hình thành các “thành phố xanh”, “khu đô thị sinh thái”. Phát triển các đô thị vệ tinh giảm tải cho các đô thị chính và từng bước đưa đô thị phát triển về địa bàn nông thôn.
Tổ chức lại sản xuất, quy hoạch để hình thành các vùng sản xuất tập trung các loại sản phẩm nông nghiệp có giá trị như lúa chất lượng cao, lúa đặc sản; cây ăn quả có múi (bưởi Diễn, bưởi da xanh); ổi, chuối,...; cây rau cao cấp (rau vùng cận nhiệt đới), cây gia vị; vùng sản xuất hoa,cây cảnh; chăn nuôi lợn và gia cầm; nuôi trồng thủy sản (tôm, cá rô phi, cá mè, cá trắm, baba, ếch,...). Đẩy mạnh công tác xây dựng mô hình VAC, thực hiện nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, giảm phụ phế phẩm nông nghiệp, giảm phát thải khí nhà kính.
Tạo sự tập trung chuyên canh những nông sản mũi nhọn, đồng thời tạo điều kiện đa canh trong nhóm nông sản, nhằm khai thác tận dụng mọi lợi thế, tạo sự hỗ trợ lẫn nhau, bảo đảm cho sự ổn định bền vững phát triển ngành nông nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội toàn thành phố nói chung.
Chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng (từ lúa sang rau, hoa, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản) ở các địa phương; hỗ trợ xây dựng hạ tầng cơ sở trong chuyển đổi đất (hỗ trợ một phần vốn tôn nền ruộng, hoàn thiện hệ thống thủy lợi, giao thông trong vùng chuyển đổi ...) và hỗ trợ giống.
Thực hiện cơ cấu lại sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt theo mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giảm diện tích trồng lúa, tập trung phát triển lúa gạo theo hướng tăng cơ cấu giống lúa chất lượng; mở rộng diện tích trồng rau, tăng diện tích hoa, cây cảnh hàng năm. Chuyển đổi các diện tích sản xuất lúa tại các vùng khó khăn về tưới tiêu sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.
Khuyến khích áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến, áp dụng các quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế (VietGAP, GlobalGAP,…), tổ chức sản xuất theo hướng liên kết chuỗi sản xuất tiêu thụ thực phẩm an toàn.
Tổ chức lại các vùng sản xuất như sau:
- Vùng sản xuất lúa chất lượng cao, lúa đặc sản (như Nếp cái Hoa vàng, ST 25, J-01,...) tại các quận, huyện: Đông Anh, Đan Phượng, Thường Tín, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Thanh Oai...
- Phát triển diện tích cây vụ đông trên đất trồng lúa ở các loại đất có điều kiện (đậu tương, rau cải các loại, khoai tây, ngô ngọt, ngô nếp, ngô sinh khối...).
- Chuyển từ một phần đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả (Chủ yếu là các quả đặc sản) tại các quận, huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Sóc Sơn, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai, Chương Mỹ,…).
- Các vùng rau an toàn, rau gia vị, tại các quận, huyện, thị xã: TX Sơn Tây, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Đông Anh, Mê Linh, Thường Tín, Sóc Sơn, Chương Mỹ. Phấn đấu đến năm 2025 diện tích sản xuất rau hữu cơ đạt 489 ha.
- Các vùng hoa, SVC tập trung, tại các quận, huyện: Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Gia Lâm, Đan Phượng, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Ba Vì, Thạch Thất, Sóc Sơn.
- Vùng liên kết quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, tại tất cả các quận, huyện, thị xã trên toàn thành phố, gắn với liên kết chuỗi giá trị các sản phẩm vùng miền trong khu vực và toàn quốc nhằm đa dạng sản phẩm. Căn cứ và các vùng quy hoạch sản xuất, các sản phẩm đặc sản của từng địa phương, kế hoạch và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm phù hợp để mở rộng chuỗi giá trị sản phẩm. Chú trọng hoạt động quảng bá trực tiếp và trực tuyến trên các sản thương mại điện tử.
Xác định sự chuyển đổi hợp lý cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp
Chuyển đổi đất lúa, màu có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây có giá trị cao hơn như trồng rau, cây cảnh, hoa, trồng cây ăn quả, nuôi thuỷ sản.
Mở rộng quy mô diện tích các loại sản phẩm có giá trị như trồng rau, hoa, cây ăn quả, nuôi trồng thuỷ sản.
Đầu tư cải tạo, thâm canh tăng vụ trên đất lúa, phát triển diện tích vụ đông ở các loại đất có điều kiện.
Sử dụng có hiệu quả các loại đất còn có khả năng mở rộng là: đất bãi bồi ven sông, bán ngập ven sông.
4.1.2. Giải pháp thực hiện của tiểu ngành chăn nuôi
- Các vùng chăn nuôi lợn an toàn sinh học
Về quy hoạch: Dịch chuyển dần và hình thành các vùng chăn nuôi tập trung tại 11 huyện, thị xã: Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai, Chương Mỹ, Thạch Thất, Ba Vì, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Quốc Oai, Mê Linh và TX. Sơn Tây (Kế hoạch 275/KH-UBND ngày 25/10/2022 về thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi gia đoạn 2022-2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn thành phố HN), các khu chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư thuộc 14 huyện, thị xã tại Quyết định 4537/QĐ-UBND ngày 11/9/2023 của UBND TP. Hà Nội.
Về ứng dụng công nghệ: Xây dựng các mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại các khu chăn nuôi và trang trại, hộ chăn nuôi theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong chăn nuôi; khuyến khích áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn ở quy mô trang trại và hộ gia đình.
- Các vùng chăn nuôi gà an toàn sinh học
Về quy hoạch: Dịch chuyển dần và hình thành các vùng chăn nuôi tập trung tại 8 huyện: Chương Mỹ, Ba Vì, Quốc Oai, Sóc Sơn, Thanh Oai, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thạch Thất (Kế hoạch 275/KH-UBND ngày 25/10/2022 về thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi gia đoạn 2022-2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn thành phố HN).
Về ứng dụng công nghệ: Tăng cường sử dụng các giống mới có năng suất, chất lượng vào sản xuất, đồng thời lưu giữ và phát triển các giống bản địa: gà Mía, gà Ri, vịt cỏ Vân Đình; khuyến khích chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAPH, theo hướng hữu cơ và sinh học.
Khuyến khích xây dựng các chuỗi chăn nuôi gắn với tiêu thụ sản phẩm.
4.1.3. Giải pháp thực hiện của tiểu ngành thuỷ sản
- Các vùng nuôi thuỷ sản tập trung kết hợp du lịch sinh thái
Về quy hoạch: Các vùng nuôi thuỷ sản tập trung, tại các quận, huyện: Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ..
Về ứng dụng công nghệ: Ứng dụng khoa học công nghệ trong nhân giống và bảo tồn các loài, giống thủy sản bản địa, đặc hữu; Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý, nuôi trồng thủy sản.
Khuyến khích phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp với các ngành nghề, dịch vụ khác như: du lịch trải nghiệm, dịch vụ nhà hàng, ăn uống.
4.1.4. Giải pháp thực hiện của tiểu ngành lâm nghiệp
- Các vùng rừng phòng hộ tạo cảnh quan sinh thái, kết hợp du lịch
Xây dựng các mô hình quản lý rừng cộng đồng, chia sẻ lợi ích trong quản lý, khai thác và sử dụng rừng tại các huyện, thị xã: Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Sóc Sơn, Thạch Thất, TX. Sơn Tây.
Về ứng dụng công nghệ: Ứng dụng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quản lý, khai thác rừng và các sản phẩm từ rừng.
Khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất nông - lâm kết hợp, nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm tại các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Thạch Thất, Quốc Oai.
4.2. Các giải pháp thực hiện theo vùng
4.2.1. Giải pháp thực hiện cho vùng nông nghiệp ven đô
Mô hình vườn nông nghiệp đô thị trong các nhóm ở và công viên nông nghiệp cộng đồng trong các đơn vị ở thuộc đô thị vệ tinh và thị trấn sinh thái
Tại các đô thị vệ tinh và thị trấn sinh thái có thể bố trí công viên nông nghiệp trong đơn vị ở và vườn nông nghiệp cộng đồng trong các nhóm nhà ở trên các diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng. Tuân thủ theo QCVN 01/2021, đất cây xanh sử dụng công cộng trong đơn vị ở tối thiểu đạt 2 m2/người. Mỗi đơn vị ở phải có tối thiểu một công viên, vườn hoa với quy mô tối thiểu là 5000 m2 và đảm bảo cho các đối tượng dân cư trong đơn vị ở (đặc biệt là người cao tuổi và trẻ em) đảm bảo tiếp cận sử dụng theo QCVN 10: 2014/BXD. Trong các nhóm nhà ở phải bố trí vườn hoa, sân chơi phục vụ nhóm nhà ở với bán kính phục vụ không quá 300m. Bổ sung thêm chức năng nông nghiệp đô thị, các không gian xanh công cộng sẽ thêm phong phú, đa dạng, và góp phần tăng cường giá trị sinh thái cho các đô thị vệ tinh thành phố Hà Nội.
Mô hình Công viên nông nghiệp cộng đồng trong các đơn vị ở
Tại các đơn vị ở, khuyến nghị bố trí công viên, vườn hoa đơn vị ở nằm ngay cạnh chợ và sân luyện tập, trung tâm văn hóa thể thao để tạo thành quần thể. Trong trường hợp này, chợ không chỉ là nơi giao thương, mua sắm, mà còn có chức năng giải trí và giáo dục về nông nghiệp, nơi trao đổi các sản phẩm nông nghiệp được trồng tại công viên. Tại công viên nông nghiệp cộng đồng sẽ bố trí trồng cây nông nghiệp, có nhà kho để đồ, kết hợp đường đi dạo được trang bị tiện nghi như ghế ngồi, chỗ chơi, nhà vệ sinh, với kiến trúc cảnh quan đẹp. Trung tâm văn hóa thể thao có thể kết hợp với khu giáo dục về nông nghiệp cho trẻ em.
Đối với mô hình này, UBND đô thị tổ chức lập và thực hiện dự án đầu tư theo đúng quy định của Nhà nước. Tổ chức đấu thầu, lựa chọn chủ đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm trong việc khai thác, duy tu, duy trì vườn hoa trên cơ sở canh mức đóng góp cho ngân sách, thời gian khai thác theo kết quả đấu thầu tối đa không quá 5 năm.
Mô hình Vườn nông nghiệp trong các nhóm ở
Là loại hình dành cho người dân đô thị có nhu cầu làm vườn, vừa cải thiện kinh tế vừa đáp ứng nhu cầu giải trí, thư giãn, tiếp cận với thiên nhiên. Những hoạt động trồng rau, hoa, SVC là phù hợp với quy mô canh tác nhỏ, gần nhà. Vườn nông nghiệp trong các nhóm nhà ở nhằm tăng diện tích xanh trong khu vực ven đô. Mô hình này phù hợp với những người cao tuổi có nhu cầu làm nông nghiệp như một nhu cầu giải trí.
Các vườn nông nghiệp đô thị cần được quy hoạch để gắn kết với công trình/ không gian công cộng khác như sân chơi trẻ em. Khuyến khích tạo dựng phát triển mô hình trồng đa tầng, đa tán (tham khảo mô hình vườn rừng - mô hình là sự kết hợp độc đáo giữa cây rừng và cây trồng; với mô hình này thì người quản lý vườn không phải tốn nhiều công chăm sóc mà cây trồng cùng với hệ sinh thái tự nhiên trong đó tự sinh trường và phát triển; cấu trúc nhiều tầng tán của vườn rừng đã tạo nên một hệ sinh thái góp phần tạo nguồn thực phẩm đa dạng lành mạnh và dồi dào cho con người). Các mô hình vườn khuyến khích thực hiện trên nền tảng nông nghiệp hữu cơ, lựa chọn các loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Quá trình xây dựng vườn nên có sự tham gia tích cực của cộng đồng, trao đổi và tập huấn cùng cộng đồng cách thức vận hành và quản lý vườn, đặc biệt tính đến sự tham gia của nhóm phụ nữ là nòng cốt cho việc xây dựng khu vườn. Cần tính đến việc cung cấp nước tưới khi bố trí không gian này.
Đối với các sân chơi cho trẻ em, xem xét thiết kế sân chơi trẻ em kết hợp cây trồng nông nghiệp nhằm mục đích giáo dục và khuyến khích sự phát triển tự nhiên của trẻ nhỏ.
Đây là mô hình được vốn ngân sách hỗ trợ đầu tư một phần, kinh phí hỗ trợ khoảng 20% tổng giá trị dự án, còn lại 80% kêu gọi xã hội hóa đầu tư.
Chính quyền đô thị tổ chức lập và thực hiện dự án đầu tư theo đúng quy định của Nhà nước. Công tác duy trì, duy tu thực hiện do các tổ chức, cá nhân tại khu vực lân cận chịu trách nhiệm vì mục đích cộng đồng.
Mô hình trồng lúa kết hợp du lịch làng nghề, làng di sản
Tại các làng nghề truyền thống, làng truyền thống tổ chức mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm. Không gian nông nghiệp cũng là thành phần của tuyến du lịch làng nghề và làng di sản, 2 sơ đồ dưới dây (1 sơ đồ cho làng nghề, 1 sơ đồ cho làng di sản) đã thể hiện rõ 04 tuyến/ điểm du lịch trên không gian đồng ruộng trong 16 tuyến điểm thăm quan tổng thể kiến trúc, không gian cảnh quan của làng. 04 tuyến điểm du lịch trên không gian đồng ruộng bao gồm: Hình thành trung tâm dịch vụ du lịch, trung tâm trải nghiệm nông nghiệp, tuyến thăm quan đường ruộng, và khai thác sử dụng thích nghi với các quán trên cánh đồng (quán nghỉ, quán trưng bày các nội dung về văn hóa làng, quán cà phê,…). Quy mô trung tâm dịch vụ du lịch và trung tâm trải nghiệm nông nghiệp sẽ dựa trên lượng khách ước đoán và không vượt quá sức tải khu vực.
Các yếu tố quyết định kích thước thửa ruộng trong cánh đồng lớn sản xuất lúa gồm (i) phương tiện canh tác như máy nông nghiệp, (ii) điều kiện quản lý nước như vận hành tưới tiêu, (iii) điều kiện địa hình như độ dốc và độ lồi lõm của mặt ruộng, (iv) các điều kiện kinh tế - xã hội như khả năng thu gom ruộng đất, mức độ hợp tác và tỷ lệ đất không sử dụng.
Với các khu vực có tiềm năng văn hóa, cảnh quan có thể nghiên cứu theo hướng khu vực nông thôn phát triển văn hóa gắn với du lịch, trong đó cần tích hợp phát triển du lịch nông nghiệp và du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái, các loại hình du lịch sẽ bổ trợ cho nhau để góp phần tăng tính hấp dẫn của khu vực. Việc tích hợp thông qua 2 hình thức: (1) phát triển du lịch nông nghiệp được bổ sung bên cạnh việc phát triển du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái (2) bản thân bên trong du lịch nông nghiệp cũng khai thác các nội dung về văn hóa. Nhận diện sản phẩm nông nghiệp địa phương và giá trị cảnh quan sinh thái nông thôn là sản phẩm du lịch, từ đó xây dựng thương hiệu đặc trưng cho từng vùng. Trong đó cảnh quan đồng ruộng sản xuất, mà đặc biệt là cảnh quan đường nội đồng cần được xem là một sản phẩm du lịch độc đáo.
Hệ thống đồng ruộng được quy hoạch một cách có hệ thống, bố trí cơ sở hạ tầng- giao thông, thủy lợi phù hợp; với yêu cầu ruộng nào cũng được tiếp xúc với đường giao thông, kênh tưới, kênh tiêu, kích thước thửa sau khi bố trí lại bình quân 20-30 x 80-100m, diện tích thửa bình quân 2000-2500m2.
Với các khu vực sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch yêu cầu thiết kế các tuyến đường trục chính nội đồng trở thành các trục cảnh quan, kết nối khu ở, khu sản xuất nông nghiệp, khu vực có giá trị văn hóa lịch sử, khu cảnh quan đặc sắc; Đầu tư trồng cây bóng mát, cây tạo cảnh, bồn hoa hai bên đường, ngoài ra cần bố trí điểm tránh xe và điểm cho máy móc nông nghiệp xuống đồng.
Thiết kế tuyến giao thông cơ giới phục vụ hoạt động canh tác, cho phép kết hợp đi bộ và đi xe đạp
Tổ chức cây xanh hai bên đường theo lý thuyết cảnh quan phân tầng về chiều cao: tầng cao, tầng trung, tầng thấp. Tùy đặc điểm cây nông nghiệp được trồng mà lựa chọn loại hình tầng cây hai bên đường.
Bố trí các điểm dừng nghỉ trên các tuyến đường chính nội đồng để người lao động cũng như khách du lịch có điểm nghỉ ngơi; tạo chỗ trú khi thời tiết bất lợi; là nơi cung cấp thông tin về sản vật nông nghiệp cho du khách.
Vật liệu làm đường: Đảm bảo chất lượng bề mặt (bằng phẳng, có độ ma sát chống trơn trượt tốt) và chất lượng cấu trúc (vững chắc, không bị xô lệch, không nứt nẻ và trồi sụt theo thời gian) nhằm góp phần cho sự an toàn và tiện lợi của người đi xe.
Thoát nước trên bề mặt: cần thiết để tránh nước đọng thành vũng và/hoặc chảy thành dòng không kiểm soát.
Để tổ chức thực hiện mô hình này hiệu quả: chính quyền các địa phương sau khi dồn điền đổi thửa, giao đất cho người dân và đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất. Các hợp tác xã quản lý vận hành hệ thống hạ tầng, hỗ trợ người dân kỹ thuật trồng trọt. Người dân tự tổ chức sản xuất trên các diện tích được giao.
Mô hình trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản
Tạo các tổ hợp ở - trồng lúa - nuôi trồng thủy sản, có thể kết hợp phát triển dịch vụ du lịch.
Để tổ chức thực hiện mô hình này hiệu quả: chính quyền các địa phương tổ chức giao đất cho người dân và đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất. Các hợp tác xã quản lý vận hành hệ thống hạ tầng, hỗ trợ người dân kỹ thuật trồng trọt. Người dân tự tổ chức sản xuất trên các diện tích được giao. Kết hợp các đơn vị lữ hành cùng tham gia hợp tác với nông dân để triển khai đón khách du lịch.
Mô hình nông nghiệp công nghệ cao
Phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao theo quy mô nhỏ, phân tán, hài hòa giữa 2 mô hình trồng trọt tập thể và cá thể. Các khu vực chức năng chính trong mô hình nông nghiệp công nghệ cao quy mô nhỏ gồm: khu đầu tư sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (khu trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản), tuyến thăm quan giáo dục cho học sinh (nếu có) và các chức năng hạ tầng kỹ thuật (bãi đỗ xe).
Trong mô hình nông nghiệp công nghệ cao cần chú ý thiết kế cảnh quan tăng tính thẩm mỹ, đặc biệt là khu vực hàng rào, các khu mặt tiền tiếp cận đường giao thông. Cần thiết kế các các hàng rào xanh nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm tiếng ồn, giảm bụi bẩn, tạo cảnh quan đẹp. Sử dụng cây địa phương để tạo bản sắc cho khu nông nghiệp công nghệ cao.
Mặt tiền chính của khu nông nghiệp công nghệ cao nên tổ chức thành vườn cảnh quan tạo thẩm mỹ đồng thời tạo dựng không gian công cộng hấp dẫn.
Để tổ chức thực hiện mô hình này hiệu quả: chính quyền các địa phương đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, đưa ra các chính sách khuyến khích và hỗ trợ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Các hợp tác xã/ doanh nghiệp đầu tư, quản lý vận hành khu nông nghiệp công nghệ cao.
Mô hình Vùng sản xuất nông nghiệp tập trung
Xây dựng mô hình vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô từ 50 ha gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tập hợp nhóm các sản phẩm nông nghiệp với quy mô phù hợp với từng loại hình sản xuất, có liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Mô hình này gắn liền với chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất các cây trồng có giá trị kinh tế cao theo hướng tập trung, quy mô lớn gắn với các cơ sở chế biến và bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, hệ thống canh tác, cơ giới hóa, quản lý dịch bệnh, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và bảo vệ môi trường. Từ đó hình thành vùng sản xuất bảo đảm an toàn, có truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hình thành kênh tiêu thụ, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Để nâng cao giá trị sản phẩm cần gắn kết sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ với phát triển du lịch sinh thái để vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần, vừa quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.
4.2.2. Giải pháp thực hiện cho vùng ngoại thị đang và sẽ đô thị hoá
Đối với quỹ đất trong khu vực phát triển đô thị chưa có dự án đầu tư xây dựng, sau khi Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô và quy hoạch chung đô thị vệ tinh, thị trấn được cấp thẩm quyền phê duyệt, cần thực hiện lập và ban hành Chương trình phát triển đô thị Thành phố và các Chương trình phát triển đô thị cấp dưới nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển đô thị của từng giai đoạn. Do vậy, trong khu vực phát triển đô thị, đối với các quỹ đất nông nghiệp, đất trống chưa thực hiện dự án đầu tư theo quy hoạch, có thể khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện theo các mô hình công viên nông nghiệp cộng đồng hoặc vườn nông nghiệp theo nội dung đề xuất tại đề án với thời hạn theo Chương trình phát triển đô thị được duyệt. Một số mô hình có thể lựa chọn như sau:
Mô hình Trang trại nông nghiệp sinh thái:
Mô hình trang trại nông nghiệp sinh thái áp dụng tại khu vực đất nông nghiệp ổn định, có điều kiện canh tác tốt, quy mô diện tích đất phù hợp, chi phí đầu tư ban đầu thấp. Phương pháp canh tác theo kiểu truyền thống, mô hình không gian trang trại, nông trại, phát triển theo phương ngang là chủ yếu.
Các không gian xanh công cộng có quy mô lớn như khu cây xanh cách li, vùng đệm, vành đai xanh có thể kết hợp phát triển NNĐT. Các nước phát triển bắt đầu xem xét vấn đề gắn kết không gian công cộng đô thị với hoạt động NN như một hình thức để đảm bảo một nguồn cung cấp thực phẩm tại chỗ an toàn, phong phú và lành mạnh, tận dụng được nguồn lao động có kinh nghiệm sẵn có tại địa phương. Đặc biệt không gian vành đai xanh đô thị rất thuận lợi phát triển trang trại quy mô lớn (tối thiểu 2ha) mang lại giá trị về kinh tế và tăng cường hiệu quả sử dụng không gian đô thị. Đến những thập niên đầu của thế kỷ 21, hoạt động NNĐT dạng trang trại nói chung và vườn cây ăn trái đô thị nói riêng đã đan xen vào không gian công cộng đô thị để tạo cảnh quan mới, đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm, xây dựng lại các hệ sinh thái, nuôi dưỡng và cải thiện khả năng phục hồi trước những rủi ro về môi trường cho đô thị.
Mô hình công viên NNĐT
Có thể coi công viên NNĐT là bản nâng cấp của trang trại NNĐT theo hướng hoạt động đa lĩnh vực gắn với du lịch, vừa sản xuất nông nghiệp vừa cung cấp các dịch vụ nông nghiệp như cung cấp sản phẩm nông nghiệp sạch, cung ứng thiết bị NNĐT chất lượng cao, cây, con giống, dịch vụ tư vấn NNĐT kết hợp với các dịch vụ về du lịch như trải nghiệm khám phá, vui chơi, giải trí. thư giãn, ăn uống, … phục vụ người dân đô thị. Trong đó, việc chọn loại hình công viên nông nghiệp là yếu tố quyết định sự thành công. Tùy vào vị trí mà có các mô hình công viên khác nhau như mô hình vườn- ao - chuồng, mô hình trang trại khép kín,… Quy mô công viên NNĐT trong Vùng 2 tối thiểu khoảng 2-3ha
Mô hình không gian vườn cộng đồng
Trong khu vực đô thị hóa, vẫn có thể bố trí các khu vườn cộng đồng trên các khu đất trống trong đô thị. Vườn cộng đồng do một nhóm các cá nhân quản lý và duy trì, trồng các loại rau, trái cây và hoa để cải thiện đời sống người dân hoặc phục vụ các mục đích cá nhân khác. Vườn cộng đồng có thể được tổ chức trên đất công cộng hay tư nhân và có quy mô đa dạng. Mục đích hoạt động NNĐT ở đây thường là phi thương mại, mặc dù thỉnh thoảng có thể kinh doanh sản phẩm thặng dư để phục vụ cho việc duy trì vườn hoặc các mục tiêu khác.
Phương pháp canh tác phổ biến là phương pháp trồng hữu cơ để khuyến khích nông nghiệp bền vững. Người làm vườn cộng đồng có thể thúc đẩy những lợi ích từ việc đa dạng hóa việc sử dụng không gian đô thị và lợi ích về sức khỏe cộng đồng liên quan với thực phẩm sản xuất tự nhiên hơn, cũng như các lợi ích xã hội khác như vui chơi, giải trí, nghệ thuật làm vườn như là một phần đời sống văn hóa của một cộng đồng. Khu vực đô thị hóa tồn tại nhiều không gian trống, chờ xây dựng theo quy hoạch, rất thuận lợi để trở thành vườn cộng đồng có thời hạn. Chính các hoạt động NNĐT linh hoạt này đã mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả cho công tác quản lý, sử dụng đất đô thị.
Mô hình không gian cảnh quan ven sông:
Theo định hướng Quy hoạch chung Thành phố Hà Nội được phê duyệt năm 2011 chú trọng phát triển không gian xanh trong cấu trúc đô thị dọc các tuyến sông, kênh mương, hồ đầm hiện hữu như đầm Vân Trì, sông Hồng, sông Đuống, sông Thiếp, sông Nhuệ, sông Pheo, sông Cà Lồ,… Các khu vực ven sông phù hợp để phát triển NNĐT và hầu như không phải can thiệp nhiều vào địa hình tự nhiên, có thể khai thác được ngay quỹ đất đã quy hoạch, đóng góp cho cảnh quan cho đô thị trong tương lai.
Trên cơ sở định nghĩa không gian thoát lũ và quy định sử dụng bãi sông theo Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình đã được phê duyệt, có thể phát triển mô hình NNĐT ven sông một cách linh hoạt bao gồm mô hình trang trại NNĐT, công viên NNĐT, vườn cộng đồng,…
Mô hình không gian cao tầng kết hợp hoạt động NNĐT với chức năng khác: Trong khu vực đô thị hóa vẫn tiếp tục duy trì mô hình phát triển không gian NNĐT trong các công trình cao tầng. Kết hợp giữa không gian văn phòng, không gian ở… với không gian NNĐT ngày càng mang lại hiệu quả tích cực cho cả hai lĩnh vực. Đó là những cách thức sáng tạo để tái sử dụng những vật liệu bỏ đi như vỏ chai, thùng xốp để tạo ra các khu vườn trên ban công, trên tường, trên mái góp phần đa dạng hóa không gian NNĐT. Ở các nước đang phát triển việc sử dụng phương tiện trồng trọt có công nghệ thích hợp, chi phí thấp, chiếm ít không gian, có khả năng tận dụng không gian ít sử dụng trong đô thị đang trở nên phổ biến. Các thành phần khác của tòa nhà cao tầng như hệ thống nước thải và chất thải hữu cơ cũng có thể sử dụng cho mục đích NNĐT. Bằng cách này, hoạt động NNĐT có tác động trở lại đối với không gian khác như xanh hóa không gian, linh hoạt không gian và gia tăng các giá trị kinh tế, xã hội, môi trường.
- Ngoài ra, các doanh nghiệp NNĐT còn có thể phát triển các dịch vụ gia tăng khác trong đô thị như cung ứng cây, con giống, phương pháp canh tác, thiết bị sản xuất NNĐT công nghệ cao, sinh phẩm chăm sóc cây trồng, vật nuôi, cung ứng các dịch vụ tư vấn chăm sóc cây trồng, tiêu thụ sản phẩm,…
- Thực tế thì rào cản lớn nhất để phát triển NNĐT trên loại đất nông nghiệp không ổn định này là chi phí đầu tư ban đầu và thời gian khai thác đất. Việc thiếu chủ động trong xác định thời điểm thu hồi đất sẽ khiến cho quyết định đầu tư vào NNĐT có tính cạnh tranh thấp so với các đầu tư khác gắn với hoạt động của đô thị như bãi gửi xe, sân thể thao. Do đó đối với mô hình này cần một doanh nghiệp NNĐT có tiềm lực đủ mạnh để đầu tư và quản lý sản xuất, chi phối tất cả các khâu trong dây chuyền của mô hình liên kết tổng thể.
4.2.3. Giải pháp thực hiện cho nông nghiệp trong nội đô
Đề xuất giải pháp mô hình vườn nông nghiệp và công viên nông nghiệp tại các khu vực cây xanh sử dụng công cộng là một ý tưởng mới để tối ưu hóa không gian đô thị và tạo ra môi trường xanh cho cộng đồng.
- Vườn nông nghiệp đô thị: Tận dụng các ô đất cây xanh trong khu vực nội đô để trồng cây ăn trái, rau, hoa và thảo dược; Sử dụng kỹ thuật thủy canh, hệ thống tưới tự động và cảm biến để quản lý và duy trì vườn; Tạo ra không gian xanh cho cộng đồng, giúp cải thiện chất lượng không khí và tạo ra thực phẩm tại chỗ.
- Công viên nông nghiệp: Kết hợp công viên và vườn nông nghiệp để tạo ra không gian vui chơi, giải trí và học hỏi; Có thể có các khu vườn trồng cây ăn trái, cây cỏ, hoa và thảo dược; Tổ chức các hoạt động giáo dục về nông nghiệp và môi trường.
- Nông nghiệp trong công trình xây dựng: trồng cây xanh đơn vị ở và cây xanh nhóm nhà ở: Tạo ra không gian xanh cho cư dân và cộng đồng. Nội dung này được điều chỉnh theo các quy định hiện hành về quản lý cây xanh đô thị (Hiện nay là Văn bản hợp nhất 05/VBHN-BXD 2018 ngày 13/9/2018 của Bộ Xây dựng Nghị định về quản lý cây xanh đô thị nhằm sửa đổi bổ sung những bất cập tại Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị có hiệu lực kể từ ngày 30 tháng 7 năm 2010). Chủng loại cây xanh lựa chọn, trồng cây trong khu vực đô thị ngoài việc tạo bóng mát, điều hòa không khí còn phải đảm bảo tạo mỹ quan đô thị, đảm bảo không gian che khuất tầm nhìn và cần được đa dạng hoá.
Những mô hình này có thể được tùy chỉnh và kết hợp để phù hợp với từng khu vực cụ thể. Việc thúc đẩy nông nghiệp đô thị thông minh và bền vững là một bước quan trọng để cải thiện chất lượng cuộc sống và bảo vệ môi trường.
Tại các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái và các đồ án quy hoạch chung đô thị đã được duyệt, đã xác định các khu vực đất nông nghiệp và nông nghiệp sinh thái. Đối với khu vực đô thị trung tâm, các Quy hoạch phân khu đô thị như khu vực Nêm xanh, Vành đai xanh, hành lang xanh sông Hồng, sông Đuống đã được duyệt, đã xác định quỹ đất cho cây xanh sinh thái nông nghiệp, cây xanh chuyên dùng và cây xanh vườn ươm (bao gồm việc trồng hoa, nông nghiệp công nghệ cao, …)…thì xem xét đề xuất một số mô hình nông nghiệp đô thị cần được thiết kế theo hướng bền vững, đảm bảo hiệu quả kinh tế, hài hòa với môi trường và đáp ứng nhu cầu của cộng đồng. Dưới đây là một số lựa chọn mô hình nông nghiệp đô thị:
- Trồng cây hoa cảnh: Các khu vực nội ô có thể phát triển cây hoa cảnh để tạo không gian xanh và thẩm mỹ.
- Nuôi trồng các loại nấm: Các loại nấm thường có giá trị dinh dưỡng cao và có thể được nuôi trong không gian đô thị.
- Rau thủy canh: Rau thủy canh là một phương pháp trồng rau hiệu quả trong không gian hạn chế.
- Trồng lúa chất lượng cao: Khu vực ven đô có thể phát triển lúa chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu thực phẩm.
- Rau an toàn: Trồng rau an toàn trong khu vực ven đô thị để cung cấp thực phẩm sạch cho cộng đồng.
- Phát triển chăn nuôi với sản xuất biogas: Kết hợp chăn nuôi gia xúc, gia cầm với sản xuất biogas từ phân bò để tận dụng tài nguyên và giảm khí thải.
Một số mô hình nông nghiệp đô thị cụ thể được đề xuất:
Vườn nông nghiệp đô thị
Khu vườn NNĐT được tổ chức trên các khu đất thuộc khu phố, cụm dân cư hoặc những không gian trống trong đô thị, được quản lý và duy trì bởi một nhóm người hoặc cá nhân, trồng các loại rau, trái cây và hoa để sử dụng tại chỗ hoặc các mục đích cá nhân khác. Có thể tận dụng một phần không gian sân trong các khu ở (dạng tiểu khu) hoặc một phần vườn cộng đồng trên đất công cộng hay tư nhân và có quy mô đa dạng. Mục đích hoạt động NNĐT ở đây thường là phi thương mại, chủ yếu là để giải trí, thư giãn, trong một số trường hợp có thể kinh doanh sản phẩm thặng dư để phục vụ cho việc duy trì vườn.
Phương pháp canh tác đơn giản, phổ biến là trồng trọt hữu cơ hoặc sinh thái để tránh ô nhiễm môi trường. Người làm vườn cộng đồng có thể thúc đẩy những lợi ích từ việc đa dạng hóa việc sử dụng không gian đô thị và lợi ích về sức khỏe cộng đồng liên quan với thực phẩm sản xuất tự nhiên hơn, cũng như các lợi ích xã hội khác như vui chơi, giải trí, nghệ thuật làm vườn như là một phần đời sống văn hóa của một cộng đồng. Thực tế là ở các đô thị đang phát triển, tồn tại nhiều khu đất trống, chờ xây dựng theo quy hoạch, đã nhanh chóng trở thành vườn cộng đồng có thời hạn. Chính các hoạt động NNĐT linh hoạt này đã mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả cho công tác quản lý, sử dụng đất đô thị.
Có thể áp dụng mô hình tại:- Khu vực là đất cây xanh đơn vị ở, cây xanh trong các nhóm ở trong các khu vực cư trú (đô thị mới, làng xóm đô thị hóa, hoặc các khu dân cư cải tạo - chỉnh trang) với quy mô tối đa không quá 5.000m2.
- Khu vực được quy định là đất trồng cây xanh trong các lô đất xây dựng công trình với quy mô không vượt quá 20-30% tổng diện tích khuôn viên.
Nông nghiệp trong công trình xây dựng
Kết hợp hoạt động NNĐT trong không gian công trình cao tầng: Với ý tưởng trở về với thiên nhiên cùng sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ xây dựng mới, các công trình cao tầng trong đô thị đã được thiết kế tích hợp các chức năng ở, văn phòng, thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí… trong đó có cả không gian NNĐT. Giải pháp này mang lại hiệu quả tích cực như tái sử dụng những vật liệu rẻ tiền, có sẵn như vỏ chai, thùng xốp để tạo ra các khu vườn trên ban công, trên tường, trên mái, dọc mặt đứng công trình, góp phần đa dạng hóa không gian và sản phẩm NNĐT. Ở các nước đang phát triển việc sử dụng phương tiện trồng trọt có công nghệ thích hợp, chi phí thấp, tiết kiệm đất, có khả năng tận dụng không gian trống trong đô thị đang trở nên phổ biến. Ngoài ra, nước thải và chất thải hữu cơ của tòa nhà cao tầng (qua xử lý) cũng có thể sử dụng cho mục đích NNĐT. Bằng cách này, hoạt động NNĐT có tác động qua lại đối với không gian đô thị- xanh hóa không gian, tăng cường sự đa dạng, linh hoạt của không gian và gia tăng các giá trị kinh tế, xã hội, môi trường.
Có thể áp dụng mô hình tại các công trình cao tầng có chức năng văn phòng, ở kết hợp thương mại dịch vụ; nhà máy – xí nghiệp có nhu cầu, có quy mô thích hợp. Trước mắt, các toà nhà công sở thuộc quản lý NN cần triển khai thí điểm, nhân rộng.
Mô hình làng hoa, SVC
- Đặc điểm của mô hình làng hoa, SVC là nhà ở gắn với trồng hoa, cây cảnh theo quy mô hộ trong các làng truyền thống, ngoài ra có thể phát triển các loài thú cảnh: cá, chim, gà...
- Khu vực sản xuất được bố trí tập trung xung quanh thôn xóm hiện có và nằm ngoài khu vực ở.
- Quy mô sản xuất theo hộ gia đình
- Bố trí một khu chợ, quảng bá sản phẩm, du lịch sinh thái.
- Hình thành trục phố hoa, cây cảnh trên khu vực đất ở mới kề cận làng hiện hữu, tạo không gian vườn trồng hoa trước nhà.
- Khuyến khích người dân trồng hoa, cây cảnh trong vườn, khuôn viên nhà, nhằm làm tăng môi trường cảnh quan làng.
- Mở rộng 1 số trục chính, đường làng nhằm đáp ứng cho mô hình làng ĐTH.
Có thể áp dụng mô hình này tại khu vực các làng trồng hoa ở khu vực phường Tứ Liên, quận Tây Hồ; phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, quy mô tùy thuộc vào quỹ đất.
4.2.4. Giải pháp thực hiện cho vùng đất bãi ngoài đê
Nông nghiệp sinh thái cảnh quan ven sông
Thành phố Hà Nội có nhiều sông, hồ, tận dụng không gian kề cận mặt nước tổ chức không gian NNĐT vừa tăng cường hiệu quả kinh tế, vừa tạo cảnh quan đặc sắc cho các khu vực này. Đặc biệt là đối với sông Hồng, sông Đuống (hình 1) và hệ thống sông Thiếp, đầm Vân Trì. Cụ thể:
- Không gian NN được bố trí như một khu vực tiếp giáp hoặc xen cài với hệ thống công viên ven sông tạo thành hành lang xanh liên hoàn giữa khu vực cảnh quan tự nhiên và nhân tạo.
- Thiết lập mạng lưới đường đi bộ, trục cảnh quan sinh thái theo các hình dạng phân thửa đất trong không gian NNĐT kết nối giữa đô thị với mặt nước tự nhiên của dòng sông.
- Bố trí bổ sung các khu vực neo đậu thuyền, các điểm vọng cảnh và lán trại quy mô nhỏ phục vụ sản xuất, kinh doanh, du lịch, khai thác giá trị cảnh quan, môi trường sinh thái.
- Quản lý chặt chẽ đất nông nghiệp, đất cây xanh ven sông, nghiêm cấm chuyển đổi mục đích sử dụng.
- Áp dụng mô hình NN sinh thái – hữu cơ nhằm bảo vệ môi trường. (Hình 22)
Có thể áp dụng mô hình tại:
- Khu vực là đất NN hiện hữu, được quy hoạch là không gian xanh ven các hành lang xanh dọc theo các tuyến sông tự nhiên của thành phố Hà Nội với quy mô tùy thuộc vào quỹ đất. Có thể áp dụng thí điểm tại khu vực phường Giang Biên, quận Long Biên…
4.3. Các nhóm giải pháp chung để thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp đô thị thành phố Hà Nội theo hướng Hệ thống lương thực,thực phẩm minh bạch, có trách nhiệm và bền vững
Nhóm giải pháp này sẽ gắn liền với mục tiêu chung được quy định trong Quyết định 300/QĐ-TTg ngày 28/3/2023 Phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030. Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm từ sản xuất, chế biến, phân phối đến tiêu dùng theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững, dựa trên lợi thế địa phương; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực và dinh dưỡng quốc gia; nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam và toàn cầu.
1. Xây dựng và phát triển nền tảng quản trị hệ thống lương thực và thực phẩm:
Trước hết, chúng ta cần thực hiện quy hoạch dài hạn, đảm bảo phù hợp với phát triển nông nghiệp và quy hoạch chung. Cần tập trung vào ổn định và phát triển vùng sản xuất nông nghiệp như khu bờ sông và đất thầu sản xuất. Tạo điều kiện và cơ sở pháp lý cho người dân và người sản xuất quyền sở hữu đất sản xuất, thế chấp, vay vốn để có thêm nguồn đầu tư.
Đồng thời, phát triển nền tảng quản trị mạnh mẽ, tăng cường năng lực quản lý của chính quyền địa phương, kết nối các bên liên quan và triển khai chiến lược minh bạch, trong đó có việc rà soát chính sách, tiêu chuẩn sản xuất, và tạo hệ thống mã số và công nghệ số để theo dõi nguồn gốc và quản lý vùng sản xuất.
2. Đổi mới cách tiếp cận, khuyến khích hợp tác và liên kết trong sản xuất và tiêu thị:
Căn cứ theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP phê duyệt ngày 05 tháng 07 năm 2019 nhằm thúc đẩy. Hợp tác trong chuỗi cung ứng để duy trì chuỗi cung ứng minh bạch và bền vững.
Thúc đẩy hợp tác và liên kết trong chuỗi cung ứng với việc áp dụng tiêu chuẩn chất lượng cao và đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi ở vùng ngoại đô. Điều này kết hợp giáo dục và đào tạo để tạo ra sự hiểu biết về giá trị của sản phẩm nông nghiệp địa phương.
Đổi mới theo cách tiếp cận theo liên ngành, có sự tham gia, cùng hợp tác và tạo hệ thống giám sát để giảm thất thoát, kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng, cũng như duy trì chuỗi cung ứng minh bạch và bền vững.
3. Can thiệp đến nhận thức của người tiêu dùng trách nhiệm:
Không chỉ can thiệp vào quản lý hệ thống, mà còn mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống. Thành phố cần tiên phong xây dựng bảng cân đối thực phẩm để theo dõi và điều tiết, nâng cao năng lực giám sát và xử lý vi phạm. Đồng thời, tăng cường nhận thức tiêu dùng về ăn uống trách nhiệm và bền vững thông qua các chiến dịch quảng bá văn hóa ẩm thực, hội chợ tiêu dùng và sự kiện giáo dục.
4. Giải pháp về tiếp thị gắn liền với hoạt động hậu cần hệ thống phân phối, giảm thất thoát thực phẩm:
Ưu tiên công nghệ chế biến và ứng dụng để hỗ trợ nông dân và hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến nông sản, đồng thời đào tạo kỹ năng ứng dụng máy móc và thiết bị. Hệ thống chế biến, vận tải và bảo quản được nâng cấp để giảm tình trạng "được mùa mất giá" và giải quyết vấn đề thất thoát thực phẩm. Giải pháp này sẽ thúc đẩy gia tăng hiệu quả kinh tế và giảm tác động tiêu cực đối với môi trường bởi tình trạng nông sản bỏ đi.
5. Chiến lược sản xuất nông nghiệp gắn với sinh thái, cảnh quan và hiệu quả bền vững:
Phát triển và quản lý vật tư nông nghiệp sẽ hướng tới sản xuất chuyên nghiệp, cung cấp dịch vụ cho đa dạng đối tượng, không chỉ tập trung vào nông dân, mà cần mở rộng các công cụ, gói dịch vụ phát triển nông nghiệp ở nội đô, khu tòa nhà, văn phòng nhằm phù hợp với đa dạng đối tượng sản xuất. Kết nối hệ thống cung ứng từ nông trại đến thị trường, thúc đẩy sự liên kết đa giá trị và phát triển mô hình sản xuất gắn liền với du lịch và trải nghiệm. Gắn mã số vùng và công nghệ số sẽ được ứng dụng để quản lý rủi ro và thông tin thị trường, đồng thời sử dụng công nghệ số để tối ưu hóa sản xuất và giảm phát thải khí nhà kính.
4.3.1. Giải pháp về các cơ chế, chính sách phát triển Nông nghiệp đô thị, phù hợp với thực tiễn sản xuất, có khả thi cao nhằm huy động các nguồn lực để thực hiện phát triển nông nghiệp đô thị; các giải pháp mở rộng hợp tác công tư, hợp tác quốc tế để tiếp thu các công nghệ nông nghiệp thông minh phương thức quản trị Hệ thống lương thực - thực phẩm phù hợp của thế giới, và nhằm tiết kiệm thời gian, tăng năng suất lao động, mang lại hiệu quả cao
- Cần nhận diện khái niệm “nông nghiệp đô thị” trong các văn bản chỉ đạo của Nhà nước về đất đai, quy hoạch đô thị và nông thôn, coi nông nghiệp đô thị là một phần không thể tách rời trong quá trình phát triển không gian của thành phố Hà Nội.
- Coi phát triển nông nghiệp đô thị là một hướng đi trọng tâm và ưu tiên nguồn lực nhằm phát triển kinh tế, cân bằng môi trường sinh thái và phát triển bền vững cho thành phố Hà Nội.
- Khuyến khích hợp tác công – tư theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong thực hiện các chương trình, dự án, mô hình về nông nghiệp đô thị.
- Xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai đề án nông nghiệp đô thị trên cơ sở các đồ án quy hoạch đô thị nhằm xác định lộ trình phát triển nông nghiệp đô thị của thành phố Hà Nội.
- Khu vực ven đô chủ yếu phát triển mô hình sản xuất hộ gia đình, trang trại hoặc HTX và do Sở NN&PTNT quản lý. Khu vực nội đô chủ yếu phát triển các khu vực cây xanh cảnh quan, cây xanh đô thị và do Sở Xây dựng quản lý. Do vậy, để quản lý và phát triển nông nghiệp đô thị, thành phố Hà Nội cần xây dựng một bộ máy quản lý và mô hình hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp đô thị. Ngoài ra, cần nhấn mạnh vai trò và sự tham gia của cộng đồng trong phát triển nông nghiệp đô thị với đại diện của các tổ chức, hội, nhóm chuyên ngành.
4.3.2. Giải pháp truyền thông thay đổi nhận thức về Nông nghiệp đô thị
Để có thể tạo ra những tác động tích cực trong việc thay đổi nhận thức và tăng cường sự quan tâm của cộng đồng đối với nông nghiệp đô thị trên địa bàn Hà Nội cần triển khai các giải pháp truyền thông sau:
- Tổ chức các chiến dịch truyền thông đa phương tiện, bao gồm quảng cáo truyền hình, radio, và quảng cáo trực tuyến, để tăng cường nhận thức về nông nghiệp đô thị trong cộng đồng đô thị Hà Nội.
- Sản xuất nội dung giáo dục chất lượng với hình ảnh và video thực tế về nông nghiệp đô thị, giải thích cách nó đóng góp vào cuộc sống đô thị và lợi ích của việc tiêu thụ sản phẩm địa phương.
- Tổ chức các buổi tương tác, hội thảo, và sự kiện trực tiếp với cộng đồng nông dân đô thị, để chia sẻ kinh nghiệm, kể câu chuyện thành công, và thuyết phục người dân tham gia.
- Sử dụng mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến để chia sẻ thông tin, hình ảnh, và video về nông nghiệp đô thị. Tạo các cộng đồng trực tuyến để tương tác và chia sẻ ý kiến.
- Tổ chức các sự kiện trực tiếp như thăm nông trại, hội chợ nông sản, và các hoạt động liên quan để giúp người dân trải nghiệm trực tiếp và hiểu rõ về quy trình sản xuất nông nghiệp đô thị.
- Tổ chức các buổi giảng, chia sẻ kiến thức và hợp tác với các trường học và đại học để giáo dục học sinh và sinh viên về nông nghiệp đô thị.
- Thúc đẩy mô hình kết hợp nông nghiệp và du lịch thông qua chiến dịch truyền thông, giới thiệu các trải nghiệm độc đáo và sức hút của nông trại đô thị.
- Hợp tác với người nổi tiếng địa phương để tăng cường sự quan tâm và uy tín của chiến dịch.
- Tổ chức chiến dịch để hỗ trợ chính sách và quy định địa phương liên quan đến nông nghiệp đô thị, tăng cường sự hỗ trợ từ cộng đồng và chính quyền địa phương.
- Tổ chức cuộc thi và trao giải thưởng để khuyến khích sự sáng tạo và phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp đô thị, tạo động lực cho cộng đồng tham gia.
4.3.3. Giải pháp đề xuất định hướng sử dụng không gian nông nghiệp đô thị và không gian cho các cấu phần của Hệ thống lương thực - thực phẩm đô thị
Căn cứ theo Quyết định số 300/QĐ-TTg ngày 28/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030; và các quy định liên quan của nhà nước, chiến lược của Thủ Đô, đồng thời thực hiện:
Giải pháp Xây dựng nền tảng quản trị hệ thống lương thực, thực phẩm cấp thành phố:
+ Tạo không gian và phát triển năng lực trong nội bộ chính quyền để xem xét một cách có hệ thống các vấn đề liên quan đến lương thực, thực phẩm trên nhiều lĩnh vực trong hoạch định chính sách.
+ Triển khai hệ thống lương thực, thực phẩm đô thị một cách có chiến lược và chủ động.
+ Điều phối và kết nối các bên liên quan khác nhau trong hệ thống lượng thực, thực phẩm.
+ Có thêm góc nhìn về tác động của các chính sách khác nhau đối với hệ thống lương thực, thực phẩm, và những đánh đổi tiềm tàng là hệ quả của hệ thống thực phẩm hoặc các can thiệp khác.
+ Tạo điểm liên lạc để thành phố kết nối với các bên liên quan ngoài thành phố về các vấn đề của hệ thống lương thực, thực phẩm, bao gồm các cấp cao hơn thuộc chính phủ và mạng lưới với các địa phương.
- Giải pháp thúc đẩy tiêu dùng thực phẩm bền vững
+ Mang lại khẩu phần dinh dưỡng tốt hơn giúp ngăn ngừa sự gia tăng chi phí tốn kém cho những căn bệnh mãn tính liên quan đến chế độ ăn uống
+ Hỗ trợ người tiêu dùng tránh thực phẩm không an toàn cũng như những tác động tiêu cực của nó đối với sức khỏe
+ Xóa bỏ tình trạng suy dinh dưỡng để đảm bảo công bằng xã hội, ổn định xã hội, và sức khỏe của nền kinh tế
+ Đảm bảo bảo trợ xã hội cho các nhóm dân cư thành thị dễ bị tổn thương thông qua các mạng lưới an toàn hiệu quả
+ Thúc đẩy tiêu dùng thân thiện với môi trường để giảm ngoại tác môi trường của hệ thống thực phẩm
+ Thúc đẩy các lựa chọn thực phẩm có tác dụng hỗ trợ nền kinh tế thực phẩm địa phương.
- Giải pháp về tiếp thị và hậu cần thực phẩm đô thị:
+ Giảm tắc nghẽn liên quan đến vận chuyển thức ăn.
+ Tăng cường cơ hội tiếp cận thực phẩm an toàn, lành mạnh, và đáp ứng nhu cầu.
+ Giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm và quản lý các dòng chất thải hữu cơ và vô cơ.
+ Đảm bảo bảo trợ xã hội đối với các nhóm dân cư thành thị dễ bị tổn thương thông qua các mạng lưới an toàn hiệu quả.
+ Giảm tình trạng trốn thuế trong nền kinh tế lương thực phi chính thức.
+ Quảng bá hình ảnh của thành phố về các khía cạnh như trật tự, hiệu quả, sạch sẽ, công bằng xã hội, nghèo đói, và văn hóa.
- Giải pháp thúc đẩy nông nghiệp đô thị và ven đô:
+ Bảo vệ sức khỏe dựa trên chế độ ăn bằng cách bảo vệ nguồn cung các loại trái cây và rau quả tươi quan trọng về dinh dưỡng và thực phẩm chế biến tối thiểu cho người dân (thông qua việc bảo vệ đất trồng).
+ Quản lý sự gián đoạn đối với sinh kế và nguồn cung thực phẩm của những người phụ thuộc vào nguồn cung này (thông qua phát triển mạng lưới an toàn đầy đủ).
+ Quản lý và có thể hỗ trợ hiệu quả, về môi trường hoặc khía cạnh khác, của hoạt động canh tác đô thị trên thực tế (thông qua khuyến nông đô thị và hoạt động tương tự).
+ Tận dụng canh tác như cách thức không tốn kém để duy trì không gian thông thoáng, tốt cho quản lý nước mưa, tích tụ chất thải, và (rõ ràng) duy trì các công viên.
+ Bảo tồn các trang trại nông nghiệp sinh thái cho mục đích giáo dục – giải trí (yêu cầu quy mô nhỏ hơn nhiều).
4.3.4. Giải pháp thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp đô thị thông minh
- Thành lập Trung tâm xuất sắc Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC) tại Hà Nội. Có thể gắn với khu Công nghệ cao Láng-Hòa Lạc để khai thác cơ sở trang thiết bị và chuyên gia của các đơn vị khác liên quan nhằm mục đích tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
+ Chức năng của Trung tâm:
(i) Nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng các đề tài khoa học liên quan đến công nghệ sinh học nông nghiệp, y tế và môi trường.
(ii) Tiếp nhận, chuyển giao, dịch vụ, tư vấn và triển khai các công nghệ, kỹ thuật hiện đại về công nghệ sinh học để sản xuất các sản phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp, y tế và môi trường.
(iii) Đào tạo thực nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật viên về công nghệ sinh học nhằm phục vụ công tác nghiên cứu và sản xuất.
(iv) Tổ chức sản xuất và kinh doanh, thương mại hoá các sản phẩm liên quan đến lĩnh vực công nghệ sinh học.
(v) Phương Hướng Hoạt Động: Nghiên cứu ứng dụng; Đào tạo và hợp tác quốc tế; Sản xuất; Kinh doanh
(vi) Sản phẩm dự kiến:
+ Chọn, tạo các giống cây con, vật nuôi, thủy sản chống chịu tốt với điều kiện bất thuận, kháng dịch bệnh, năng suất cao, chất lượng tốt, thích nghi với biến đổi khí hậu và theo các tiểu vùng của thành phố Hà Nội.
+ Tạo phẩm sinh học phục vụ chương trình nông nghiệp sạch: phân hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học; chế phẩm xử lý các cơ sở chăn nuôi và môi trường. Ứng dụng các chất có khả năng giữ nước cao, phục vụ cho ngành trồng trọt ở các địa phương có diện tích đất khô hạn.
+ Tổ chức sản xuất và cung ứng nguồn cây trồng vật nuôi và thủy sản cho các địa phương trong và ngoài thành phố.
+ Phát triển công nghệ sản xuất nông nghiệp theo chiều dọc bao gồm thiết kế, sản xuất vật liệu, vật tư trang thiết bị, chuyển giao và tổ chức sản xuất ở một số quận/huyện hiện đang thực hiện và vùng qui hoạch mới của thành phố
- Tăng nguồn vốn đầu tư công trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ trong nông nghiệp, phấn đấu đạt ít nhất 5% tổng đầu tư cho nông nghiệp. Ưu tiên đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và phát triển nguồn nhân lực.
- Có cơ chế, chính sách phù hợp để xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp và huy động mọi nguồn lực hợp pháp đầu tư vào khoa học công nghệ trong nông nghiệp; hình thành một số quỹ đầu tư mạo hiểm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, quỹ ứng dụng công nghệ cho nông dân, trang trại.
- Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học có trọng tâm, trọng điểm gắn với chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến và chuyển đổi số, coi đây là một trong những động lực và giải pháp có tính chất quyết định sự thành công của tái cấu trúc ngành trồng trọt nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung của thành phố.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao và thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, bao gồm công nghệ sinh học, công nghệ số, công nghệ thông tin trong các khâu của chuỗi giá trị, kết nối đồng bộ với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành nền sản xuất nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác; sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, lao động, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh và phát triển bền vững của ngành.
- Tham gia một số chương trình nghiên cứu lớn của ngành nông nghiệp, gồm Chương trình nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình phát triển các sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp, Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030.
- Đẩy mạnh các hoạt động phát triển thị trường khoa học công nghệ nông nghiệp trong việc đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, theo hướng đẩy mạnh thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ đảm bảo phù hợp với thực tiễn sản xuất và hài hoà hoá với các quy định của quốc tế. Phát triển các tổ chức trung gian kết nối công nghệ (sản giao dịch công nghệ, trung tâm giao dịch, trung tâm xúc tiến và hỗ trợ đổi sáng tạo, trung tâm định giá tài sản trí tuệ, cơ sở ươm tạo công nghệ,...) để cung cấp dịch vụ thông tin, tư vấn, môi giới công nghệ cho doanh nghiệp khởi nghiệp, trang trại, hợp tác xã.
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học công nghệ, có chính sách trọng dụng và phát triển đối với lực lượng nghiên cứu khoa học. Đổi mới hình thức tổ chức và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, lao động trẻ nông thôn muốn khởi nghiệp các kỹ năng về nông nghiệp, kỹ năng mới đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số theo hướng “trí thức hóa nông dân”;
- Đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức và hoạt động khuyến nông, đảm bảo bộ máy tinh, gọn, hiệu quả, phù hợp với từng loại hình sản xuất và địa phương; tăng cường phối hợp giữa khuyến nông nhà nước với khuyến nông của doanh nghiệp; phát triển khuyến nông điện tử, khuyến nông cộng đồng; phân cấp hoạt động khuyến nông cho các tổ chức nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.
- Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro: Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu để thích ứng, phát triển sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo hướng "thuận thiên". Áp dụng các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính thông qua quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên đầu vào; xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, chất thải nông nghiệp; quản lý và sử dụng bền vững diện tích rừng hiện có.
- Xây dựng hệ thống cảnh báo, dự báo, xác định rủi ro là cơ sở đề ra các giải pháp đồng bộ, chủ động bảo vệ sản xuất nước các nguy cơ về dịch bệnh, thiên tai, ô nhiễm môi trường...
- Phát triển nguồn nhân lực: Đào tạo các chuyên gia đầu ngành theo lĩnh vực, ngành hàng. Đào tạo năng lực cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý ngành nông nghiệp về kỹ năng đàm phán, pháp lý, phân tích thị trường, quản lý sinh thái, quản lý trách nhiệm, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh,...
Hình thành các tổ hợp khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ trong đó có sự liên kết giữa các nhà sản xuất, đảm bảo khối lượng yêu cầu, chất lượng, cung ứng kịp thời, chú trong các sản phẩm OCOP.
- Áp dụng công nghệ, tự động hóa, internet vạn vật để tiếp tục phát triển có chất lượng các sản phẩm đặc trưng, độc đáo như: đào, quất, bưởi Diễn, cam Canh...
- Ứng dụng cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp tuần hoàn trên cơ sở các trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp đang vận hành để xây dựng mô hình chuẩn
Lựa chọn một số thôn hoặc/và xã nông thôn mới điển hình để hỗ trợ và xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp tuần hoàn.
Soạn thảo và ban hành các văn bản qui định, hướng dẫn nông dân thực hiện nông nghiệp tuần hoàn, có thể lồng ghép với các hoạt động phổ biến kiến thức
Áp dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ người sản xuất thực hiện các hoạt động nông nghiệp (như phát triển thực hành nông nghiệp tốt điện tử- EGAP, hệ thống bẫy đèn thông minh Ryan…). Phát triển và khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu sinh vật gây hại cây trông, bệnh vật nuôi, phát triển phần mềm dự tính dự báo sinh vật gây hại, bệnh hại vật nuôi, vv
Đối với vùng ngoại thị và ven đô: qui hoạch vùng sản xuất các loại cây cảnh, hoa dựa trên nhu cầu hiện nay và dự báo nhu cầu trong thời gian tới, phục vụ nhu cầu trong khu vực nội đô.
Sử dụng phần mềm trong tiếp thị và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ liên quan đến nguyên vật liệu có nguồn gốc nông nghiệp.
Rà soát công suất giết mổ gia súc, gia cầm để bố trí các điểm giết mổ động vật cho phù hợp với thực tế về mật độ nuôi, nguồn cung ứng, tiêu chuẩn HACCP.
Nghiên cứu phát triển công nghệ xử lý các sản phẩm thải bỏ, phụ phế phẩm nông nghiệp và tập huấn cho nông dân để xử lý sau khi thu hoạch (ví dụ phụ phẩm cây súp-lơ, cải bắp, xu hào, vv).
- Phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng sinh thái góp phần tạo mỹ quan đô thị, tạo nét văn hóa đô thị và cải thiện môi trường, hài hòa giữa thiên nhiên với con người, đồng thời, đáp ứng một phần nhu cầu thực phẩm gồm rau xanh, hoa tươi, thực phẩm cho cư dân thành thị, khách sạn, nhà hàng... tại khu vực các huyện chuẩn bị chuyển thành quận trong giai đoạn đến năm 2025 và 2030.
- Tại khu vực các quận có khu vực nông nghiệp: sản xuất các loại cây cảnh, hoa phục vụ nhu cầu trong khu vực nội đô.
- Đối với các huyện chuẩn bị lên quận cần chú ý khâu quy hoạch và quản lý quy hoạch, theo đó, cần thiết kế quy hoạch các khu vực sản xuất nông nghiệp ngay trong khu vực đô thị, lựa chọn phương pháp sản xuất, quy mô sản xuất và cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với đô thị.
4.3.5. Giải pháp chuyển đổi số, triển khai xây dựng, thu thập cơ sở dữ liệu trực tuyến nông nghiệp đô thị tích hợp, đồng bộ, ứng dụng mô hình Thành phố thực phẩm thông minh
- Tăng cường năng lực chuyển đổi số cho nguồn nhân lực tham nông nghiệp đô thị thông qua việc khuyến khích nhân lực trẻ tham gia nông nghiệp đô thị, tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về công nghệ cho các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ; kết nối các tổ chức, hội, nhóm chuyên ngành trong quá trình triển khai, áp dụng công nghệ số trong phát triển nông nghiệp đô thị.
- Xây dựng dữ liệu số về nông nghiệp đô thị thông qua khuyến khích các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ thay đổi thói quen ghi chép nhật ký canh tác, chăn nuôi từ nhật ký sang ghi trên các thiết bị điện tử; cơ quan quản lý Nhà nước cần tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về nông nghiệp đô thị; liên kết cơ sở dữ liệu lớn sẽ xây dựng với cơ sở dữ liệu quốc gia, với các bộ cơ sở dữ liệu khác như dữ liệu về hệ thống lương thực, thực phẩm, nông nghiệp tuần hoàn, và cơ sở dữ liệu của các tập đoàn, công ty có quy mô lớn về sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.
- Xây dựng mô hình ứng dụng blockchain và dữ liệu lớn trong nông nghiệp đô thị. Blockchain có thể ứng dụng trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm; giám sát chất lượng thực phẩm; thúc đẩy thương mại điện tử trong nông nghiệp đô thị và giúp kết nối với thị trường toàn cầu; tăng cường hợp tác với các bên tham gia chuỗi cung ứng nông nghiệp, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất và kinh doanh. Một số mô hình ứng dụng blockchain trong nông nghiệp có thể tham khảo là: AgriTrace, IBM Food Trust, Provenance, FarmChain.
4.3.6. Giải pháp thúc đẩy nông nghiệp sinh thái gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai
Theo tổ chức lương thực và nông nghiệp của Liên hiệp quốc – FAO, Nông nghiệp sinh thái là một phương pháp tiếp cận toàn diện và tích hợp, áp dụng đồng thời các khái niệm và nguyên tắc sinh thái và xã hội vào việc xây dựng và quản lý hệ thống nông nghiệp và thực phẩm bền vững. Nó tìm cách tối ưu hóa sự tương tác giữa thực vật, động vật, con người và môi trường, đồng thời giải quyết nhu cầu về hệ thống thực phẩm đảm bảo công bằng xã hội, trong đó mọi người có thể có các lựa chọn thực phẩm mà họ tiêu dùng cũng như cách thức và nơi sản xuất thực phẩm. Theo đó, phát triển nông nghiệp sinh thái bao hàm cả việc cải thiện các thực hành sản xuất dựa trên sự đa dạng, cộng sinh, kinh tế tuần hoàn, tăng khả năng chống chịu của hệ thống sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế và cải thiện quá trình hợp tác, coi trọng văn hóa, bản sắc địa phương từ đó phát triển hệ thống nông nghiệp và lương thực thực phẩm. Đặc biệt, quá trình phát triển nông nghiệp sinh thái đảm bảo quản trị có trách nhiệm (với nguồn tài nguyên thiên nhiên, với môi trường) ở các cấp độ từ địa phương tới toàn cầu. Vì vậy, phát triển nông nghiệp sinh thái bao hàm phát triển các yếu tố liên quan tới kỹ thuật, kinh tế, xã hội và môi trường. Việc phát triển đa dạng các hình thức cây trồng, vật nuôi trên cơ sở phù hợp với địa phương, bảo tồn đa dạng sinh học góp phần tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của các loài bản địa, tránh khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên từ đó góp phần phòng chống thiên tai, hạn chế rủi ro do thiên tai mang lại.
- Trên thực tế, phát triển nông nghiệp sinh thái có thể ở các hình thức, mô hình khác nhau như:
+ Nông nghiệp xanh, sạch, an toàn, hữu cơ...
+ Nông nghiệp thông minh với BĐKH: Tưới khô ướt xen kẽ (AWD)
+ Bản đồ rủi ro về kế hoạch thích ứng với BĐKH (IRRI)
+ Hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI), 1 phải 5 giảm
+ Tiêu chuẩn canh tác lúa bền vững (SRP)
+ Kỹ thuật xử lý rơm rạ tuần hoàn (IRRI)
+ Hệ thống tổng hợp trồng trọt- thuỷ sản: Lúa - Tôm, Lúa – Cá
+ Quản lý sức khoẻ cây trồng tổng hợp (IPHM)
+ Sử dụng phân bón chính xác
+ Bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý, đa dạng, xen canh,...
Nông nghiệp sinh thái thường cho kết quả là những mô hình đảm bảo chất lượng sản phẩm (nông lâm thủy sản) và tạo cảnh quan, gìn giữ bản sắc văn hóa, ẩm thực vì vậy nhiều tiềm năng kết hợp phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn.
- Bên cạnh các giải pháp cụ thể về sản xuất, kinh doanh theo các chuỗi giá trị, với hiện trạng và định hướng ngành nông nghiệp của thành phố phát triển nông nghiệp sinh thái nên tập trung vào một số giải pháp sau:
+ Giải pháp liên quan tới chính sách: Tăng cường đầu tư nghiên cứu các giải pháp nông nghiệp sinh thái phù hợp ở các vùng sinh thái khác nhau của thành phố, kết hợp chuyển đổi số; xây dựng lộ trình chuyển đổi nông nghiệp sinh thái góp phần chuyển đổi hệ thống thực phẩm của thành phố; Nghiên cứu các phương pháp đánh giá hiệu quả và công cụ theo dõi;
+ Giải pháp nâng cao nhận thức, tuyên truyền, truyền thông về nông nghiệp sinh thái và cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp sinh thái; Xây dựng tài liệu thúc đẩy khuyến nông cộng đồng và chia sẻ kinh nghiệm các giải pháp nông nghiệp sinh thái phù hợp với điều kiện địa phương;
+ Giải pháp nâng cao năng lực cung cấp đầu vào thay thế cho sử dụng đầu vào truyền thống (hóa chất) trong sản xuất thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng cường giải pháp tự sản xuất đầu vào từ nguyên liệu của địa phương: phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi từ các sản phẩm trồng trọt,...
+ Nghiên cứu và phát triển chuỗi giá trị của sản phẩm nông nghiệp sinh thái, tập trung vào các sản phẩm được xác định trong kế hoạch chung của ngành theo các địa bàn, khu vực của thành phố;
+ Giải pháp phát triển nông nghiệp đa giá trị, nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch: trên cơ sở phát triển các sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch thông qua các đề án, dự án, chương trình hiện có đồng thời tăng cường xây dựng, phát triển các dự án mới phù hợp với định hướng và điều kiện địa phương;
+ Nghiên cứu đề xuất và triển khai mô hình khai thác du dịch trên đất nông nghiệp trên cơ sở kết hợp chỉ đạo và nguồn lực từ các cơ quan quản lý của thành phố thuộc ngành nông nghiệp, tài nguyên môi trường, và du lịch,...
+ Thực hiện các biện pháp tăng cường đầu tư các công trình phòng chống thiên tai, giảm tác động bất lợi về môi trường, tăng cường quản lý nước thải nông nghiệp, tăng cường áp dụng các biện pháp giảm khí thải nhà kính; quán triệt tư duy nền kinh tế xanh trong phát triển nông nghiệp.
4.3.7. Giải pháp về phát triển nông nghiệp đô thị trên cơ sở phát triển chuỗi giá trị bền vững, đa giá trị gắn phân phối và các nhu cầu đa dạng của cư dân đô thị
- Tiếp tục thực hiện các chính sách hiện hành về khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như: Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ; Nghị quyết 08/2023/NQ-HĐND ngày 4/7/2023 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội; lồng ghép chương trình phát triển nông nghiệp đô thị với các chính sách lớn của TW về nông nghiệp, nông thôn như: Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
- Xác định và định hướng phát triển các chuỗi giá trị bền vững của thành phố. Nông nghiệp đô thị của thành phố Hà Nội cần xác định nhóm sản phẩm chủ lực cấp thành phố căn cứ trên cơ sở tiềm năng, năng suất, mức độ áp dụng công nghệ và liên kết với các tỉnh, thành phố khác để tạo vùng hàng hóa tập trung; xác định nhóm sản phẩm chủ lực cấp địa phương trên cơ sở phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống địa phương. Hiện nay, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, mô hình du lịch cộng đồng ở nông thôn đang phát huy hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, trong thời gian tới thành phố Hà Nội cần tìm ra những điểm nhấn đặc thù của Thủ đô.
- Xây dựng các mô hình liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp tại khu vực ven đô. Khu vực ven đô là nơi có quá trình dịch chuyển kinh tế nhanh với các thành phần kinh tế năng động, có khả năng đầu tư trang trại quy mô lớn và đồng bộ. Các chuỗi giá trị ven đô cần tập trung vào việc cung cấp lương thực, thực phẩm an toàn cho cư dân đô thị; tích hợp toàn bộ các quá trình từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để đáp ứng nhu cầu tại chỗ cho cư dân Thủ đô.
4.3.8. Giải pháp về tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao để chủ động trong quá trình tiếp cận nông nghiệp đô thị thông minh và bền vững
- Ban hành các chính sách khuyến khích sinh viên theo học các chương trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, phát triển cộng đồng; Liên kết, đặt hàng với các cơ sở giáo dục đại học, đào tạo nghề đối với các lĩnh vực đòi hỏi trình độ chuyên môn cao hoặc khó tuyển sinh.
- Tiếp tục thực hiện các chương trình, đề án nhằm tăng cường năng lực cho các tác nhân tham sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản nói chung, trong đó có nông nghiệp đô thị (Đề án hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hợp tác xã giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2050; Kế hoạch hành động thực hiện các chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch phát triển các ngành chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; Kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ thành phố Hà Nội gia đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 20030; Nghị quyết quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội).
4.3.9. Giải pháp về Công tác khuyến nông tập trung vào tập huấn kỹ năng thay đổi mô hình kinh doanh số cho các HTX, DN, hộ nông dân và thúc đẩy Khuyến nông cộng đồng
- Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia, các trường đại học và các tổ chức quốc tế để tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao năng lực cho lãnh đạo, cán bộ và lực lượng khuyến nông, các HTX, doanh nghiệp về các chuyên đề: quản trị kinh doanh nông nghiệp, kinh doanh nông nghiệp, chuỗi giá trị, marketing nông nghiệp và các chiến lược tiếp thị.
- Khuyến khích tích tụ ruộng đất để dịch chuyển dần từ mô hình sản xuất nông nghiệp chạy theo số lượng, sản lượng sang mô hình kinh doanh nông nghiệp lấy hiệu quả sản xuất – kinh doanh là hàng đầu. Mô hình này sẽ giúp tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên (đất, nước ngầm, nước mặt, thảm thực vật), nguồn nhân lực tham gia sản xuất nông nghiệp đô thị, và tiếp cận các tiến bộ khoa học, công nghệ. Đồng thời, mô hình này cũng hỗ trợ chuyển đổi sản xuất từ quy mô nhỏ cấp độ nông hộ, HTX sang sản xuất theo quy mô lớn ở cấp độ trang trại, vùng sản xuất theo nguyên lý kinh tế theo quy mô.
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách về khuyến nông và phát triển kinh tế tập thể: Nghị định 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ về khuyến nông; Kế hoạch số 32/KH-UBND ngày 3/2/20121 của UBND thành phố Hà Nội về phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025; Quyết định 4381/QĐ-UBND ngày 5/9/2023 của UBND thành phố Hà Nội phê duyệt đề án hỗ trợ, nâng cao hiệu quả của các hợp tác xã giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030. Trong hoàn cảnh đối tượng sản xuất của nông nghiệp đô thị là các hộ sản, HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ, vai trò của khuyến nông cộng đồng là rất quan trọng. Do vậy, Hà Nội cần tham khảo, nghiên cứu các mô hình thành công hoặc tham gia Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng.
Còn tiếp...!