Nông nghiệp được mùa mất giá: “Lời nguyền” chưa được giải

Sản xuất nông nghiệp là cứu cánh, là trụ đỡ của nền kinh tế mỗi khi có biến cố. Những năm qua, tuy ngành nông nghiệp phát triển nhưng thực tế cuộc sống của nông dân vẫn gặp nhiều khó khăn

Và “lời nguyền” được mùa mất giá, giải cứu nông nghiệp vẫn chưa có hồi kết. Vấn đề này cũng làm nóng phiên chất và trả lời chất vấn trước Quốc hội của người đứng đầu ngành nông nghiệp.

Cấy máy tại huyện Chương Mỹ. Ảnh: Hải Linh  Cấy máy tại huyện Chương Mỹ. Ảnh: Hải Linh  

Vấn đề sản xuất nông nghiệp, tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phát triển thị trường để tìm đầu ra cho nông sản; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, bảo đảm phát triển bền vững là những vấn đề chưa bao giờ hết tính thời sự.

Lâu nay, câu chuyện được mùa mất giá, hàng hóa nông sản bị ách tắc bởi không tìm được đầu ra sau mỗi vụ thu hoạch. Trong nhiều kỳ họp Quốc hội, vấn đề này cũng được các đại biểu đề cập, nhiều giải pháp cũng được gợi mở. Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm nông sản vẫn là nỗi lo hiện hữu không chỉ với người nông dân làm ra sản phẩm mà còn là sự trăn trở của những người làm công tác quản lý.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này, các đại biểu tiếp tục đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan về việc “đâu là điểm nghẽn của vấn đề này và bao giờ mới khắc phục được triệt để?”. Khi nào người dân không còn phải loay hoay trong việc tìm kiếm cây trồng, vật nuôi đáp ứng thị trường.

Trước nghị trường, người đứng đầu ngành NN&PTNT đã nói, câu chuyện được mùa mất giá là “lời nguyền” nhiều năm nay. Nguyên nhân có nhiều, từ việc sản xuất không theo định hướng quy hoạch tại nhiều vùng, địa phương vẫn còn phổ biến, dẫn đến nguồn cung sản phẩm vượt quá nhu cầu thị trường, gây ra hiện tượng mất cân đối cung - cầu. Rồi cơ chế chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, phát triển thị trường dù đã được quan tâm nhưng vẫn còn hạn chế… Đồng thời, vẫn còn dễ dãi trong việc chuẩn hóa nông sản, cần tổ chức lại sản xuất một cách bài bàn hơn, để hạn chế rủi ro trong vấn đề xuất khẩu nông sản.

Trước câu hỏi “đến bao giờ” giải quyết tình trạng này, Bộ trưởng cũng bày tỏ lo sợ nhất câu hỏi “đến bao giờ”, bởi dù không thoái thác trách nhiệm của Bộ chuyên ngành, mà sẽ làm hết mình, nhưng trong bối cảnh điều hành nền kinh tế thị trường biến động, chiến lược thì từ trên xuống dưới mà tổ chức thực hiện thì từ dưới lên trên, nếu có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự năng động của chính quyền địa phương sẽ giải quyết được vấn đề nhanh hay chậm.

Nhiều ví dụ về “sự năng động của chính quyền địa phương” đã được chỉ ra, từ việc thay đổi tư duy làm nông nghiệp, chủ động xúc tiến thương mại, đến xây dựng thương hiệu của nông sản địa phương… Thực tế, đây là những giải pháp rất đúng, rất hiệu quả và cần lan tỏa. Song như chính các đại biểu đã phân tích, thị trường là yếu tố khó xác định những biến động nhưng trên thực tế chúng ta có những quy luật thị trường. Đó là quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, quy luật giá trị và sự quản lý Nhà nước. “Thị trường có nhiều “cái biến”, nhưng mà có cái “bất biến” là chúng ta phải làm tròn trách nhiệm quản lý nhà nước: Phân tích, đánh giá, dự báo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, hợp tác quốc tế…

Đối với những câu hỏi liên quan đến "khi nào", "bao giờ", không chỉ các đại biểu mà các cử tri theo dõi phiên chất vấn cũng mong muốn có được câu trả lời. Để từ đó, không chỉ nâng cao năng lực, tư duy của người sản xuất, DN, mà còn nâng cao năng lực quản lý của Bộ chuyên ngành, cơ quan. Hy vọng rằng, những thực trạng đã được thẳng thắn chỉ ra, những giải pháp được hiến kế cùng với những cam kết, hành động quyết liệt từ phía Bộ trưởng sẽ trả lời được câu hỏi “đến bao giờ”.