Nguyên Tổng thống Israel, Simon Peres từng chia sẻ, vốn liếng duy nhất có thể sử dụng chính là con người, mảnh đất khô cằn không tự sản sinh ra vàng, mà phải cần đến những con người tình nguyện làm nhiều, hưởng ít. Là những nhà trí thức nhưng người dân Israel không ngại ngần cày xới đồng ruộng bằng chính đôi tay của mình. Khi phát hiện đất đai khô cằn vì thiếu nước họ đã chuyển sang sử dụng phát minh khoa học và công nghệ tiên tiến. Mô hình hợp tác xã nông trang đã trở thành lồng ấp và người nông dân cũng là nhà khoa học. Mặc dù đất đai hạn hẹp và thiếu nước nghiêm trọng, song Israel vẫn trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về nông nghiệp, S.Peres từng nhấn mạnh 95% bí mật làm nên năng suất nông nghiệp phi thường của Israel không gì khác ngoài công nghệ. Từ thực tiễn phát triển nông nghiệp và bài học kinh nghiệm rút ra, bài viết đề cập đến một số khía cạnh cần suy ngẫm đối với nông nghiệp Việt Nam .
Khái quát về phát triển kinh tế xã hội của ISRAEL
Trong nền kinh tế thị trường phát triển với trình độ tri thức cao, dựa trên công nghiệp hiện đại, Israel là nước phát triển nhất tại Trung Đông. Với biệt danh "Quốc gia khởi nghiệp". những lĩnh vực kinh tế chủ chốt của đất nước này bao gồm sản phẩm công nghệ cao, công nghiệp nặng, vũ khí, thiết bị quân sự, điện tử, y sinh, dịch vụ, hóa chất, vận tải, sản phẩm kim loại; đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Ngoài ra, đây còn là một trung tâm hàng đầu thế giới về công nghiệp quốc phòng và chế tác kim cương.
Phụ thuộc vào nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt; nguyên vật liệu thô, lúa mì và những đầu vào khác nên Israel rất năng động trong phát triển phần mềm, viễn thông và chất bán dẫn. Việc tập trung vào công nghệ cao đã đưa đất nước trở thành một"Silicon Wadi" đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Silicon Valley của Hoa Kỳ. Năm 2013, Israel xếp thứ 19 trong 187 quốc gia về Chỉ số phát triển con người (HDI) và cũng là một điểm đến du lịch nổi tiếng với 3,54 triệu du khách quốc tế hằng năm.
Sau khi dành độc lập (năm 1948), Israel phải đối mặt với một khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Vừa phải phục hồi từ hậu quả của cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1948, vừa phải tiếp nhận hàng trăm ngàn người tị nạn Do Thái từ châu Âu và thế giới Ả Rập trở về. Israel đã thiếu hụt tài chính nghiêm trọng và phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc, dẫn đến chính sách thắt lưng buộc bụng từ năm 1949 đến 1959.
Năm 1950, chính phủ Israel phát hành trái phiếu,dành quyền mua cho người Do Thái ở Mỹ và Canada, riêng năm 1957, việc bán trái phiếu đóng góp đến 35% ngân sách phát triển đặc biệt của quốc gia này. Từ đầu thế kỷ XX Israel đã phụ thuộc vào viện trợ kinh tế của Hoa Kỳ và trở thành liên minh quan trọng nhất trên trường chính trị thế giới.
Ưu tiên phát triển của Chính phủ Israel đã hướng vào thiết lập nhiều ngành công nghiệp. Việc mở rộng dệt may là kết quả của sự phát triển ngành trồng bông vải, Những năm cuối thập niên 1960, ngành dệt may chiếm 12% tổng lượng xuất khẩu công nghiệp, đứng thứ hai chỉ sau thực phẩm. Trong thập niên 1990, lao động giá rẻ ở Đông Nam Á khiến lợi nhuận ngành sụt giảm; hầu hết công việc được thuê ngoài, những năm đầu thập niên 2000, các công ty Israel đã có 30 nhà máy ở Jordan.
Trong hai thập niên đầu từ khi giành được độc lập, Israel đã thúc đẩy phát triển kinh tế với mức tăng hơn 10%/ năm. Đến năm 1984, tình hình kinh tế trở nên bi đát với lạm phát lên tới gần 450%. Tuy nhiên sự thành công của kế hoạch bình ổn kinh tế năm 1985 và chuyển đổi sang kinh tế định hướng thị trường đã vực dậy nền kinh tế và tạo đà tăng trưởng ngoạn mục trong thập niên 1990, và trở thành hình mẫu cho các nước khi phải đối mặt những cuộc khủng hoảng kinh tế tương tự.
Cột mốc quan trọng giúp chuyển đổi nền kinh tế kể từ đầu thập niên 1990 đó là làn sóng người Do Thái hồi hương, chủ yếu là từ các nước thuộc Liên Bang Sô-viết, với hơn 1 triệu công dân, nhiều người có học thức cao, ngày nay họ chiếm gần 16% dân số của Israel. Thứ hai là tiến trình hòa bình được bắt đầu ở hội nghị Madrid tháng 10 năm 1991và việc ký kết hiệp ước hòa bình giữa Israel và Jordan (1994).
Những năm đầu thập kỷ 2000, do sự đổ vỡ của bong bóng dot-com, nhiều công ty khởi nghiệp đã phải phá sản ; nền kinh tế lao dốc cùng với phong trào nổi dậy của người Palestine tiêu tốn hàng tỷ USD cho chi phí an ninh và sự sụt giảm của đầu tư và du lịch.
Sau những suy giảm ở mức bình quân 4%/quý của năm 2002, kinh tế Israel có sự hồi phục bằng cách mở cửa thị trường cho các nhà xuất khẩu và hồi phục công nghệ khi khủng hoảng dot-com chạm đáy.Nhưng năm gần đây, làn sóng đầu tư nước ngoài đã đổ vào Israel. Theo Hiệp hội Các Nhà sản xuất Israel, từ năm 2006, tổng FDI vào Israel đã lên tới 13 tỷ USD.
Mặc dù giàu có về mặt kinh tế, song nền kinh tế Israel đang phải đương đầu với nhiều thách thức. Theo các nhà phân tích, Về ngắn hạn đó là thất bại trong việc lập lại thành công của ngành viễn thông trong những ngành kinh tế khác, làm cản trở các triển vọng kinh tế. Về dài hạn, thách thức về tỷ lệ nam giới tham gia lao động thấp có thể dẫn đến người dân có việc làm thấp và tỷ lệ dân số sống phụ thuộc cao lên. Theo Ian Fursman, 60% số hộ nghèo rơi vào nhóm Siêu Chính Thống và nhóm người này chiếm 25-28% tổng dân số Israel.
Nông nghiệp Israel, một ngành kinh tế phát triển ở trình độ cao
Israel là một quốc gia có diện tích tương đối nhỏ nhưng lại mang đặc điểm địa lý đa dạng, đứng thứ 100 trên thế giới với tổng diện tích 21.639 km2. Trong đó, 70% là sa mạc, chỉ có khoảng 4.100 km2 (gần 20% diện tích đất đai) có thể trồng trọt được; phần còn lại là rừng, đồi núi dốc, khô cằn và rất ít mưa (bình quân 50mm, tương đương với 3,3% của Việt Nam). Đặc điểm tự nhiên cho thấy, phần lớn đất đai là sa mạc cằn cỗi, điều kiện khí hậu khắc nghiệt và thiếu nước, hoàn toàn không thích hợp để phát triển nông nghiệp.
Mặc dù điều kiện tự nhiên rất khắc nghiệt, không thuận lợi để mở mang nông nghiệp, song Israel vẫn là một quốc gia xuất khẩu nông sản và đứng đầu về công nghệ trong sản xuất, trở thành đất nước nông nghiệp công nghệ cao phát triển, có ảnh hưởng vượt trội trong cả khoa học tự nhiên và xã hội, đóng góp vào sự tiến bộ chung của nhân loại.
Vào năm 2014, diện tích đất nông nghiệp cả nước chiếm 24,2%. Lực lượng lao động nông nghiệp chiếm 1% tổng số lao động; nhưng tạo ra 2,32 % GDP (2017), giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 30 tỷ shekel (ILS) khoảng 8,22 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu nông sản đạt trên 1,19 tỷ USD, cây trồng xuất khẩu chính là khoai tây, cà rốt và hạt tiêu, 89% tổng lượng rau xuất khẩu; trái cây xuất khẩu chính là bơ, chà là và xoài, chiếm 84% tổng lượng trái cây. Israel tự sản xuất 95% nhu cầu thực phẩm, phần còn lại được bổ sung từ việc nhập khẩu ngũ cốc, các loại hạt lấy dầu, thịt, cà phê, ca cao và đường.
Chính quyền Israel ngay từ khởi đầu xây dựng đất nước, đã xác định nông nghiệp là nơi khởi đầu để người dân có thực phẩm sinh sống. Mục tiêu của Chính phủ là phải thúc đẩy sản xuất nông nghiệp để có đủ lương thực cho người dân. Nhiều biện pháp công nghệ cao đã được thực hiện trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, phát triển mở rộng nhanh sản xuất nông nghiệp. Theo đó, Người dân làm nông nghiệp bằng tiên bộ kỹ thuât như lời Nguyên Tông thống Shimon Peres từng chia sẻ, 95% bí mật làm nên năng suất nông nghiệp phi thường của Israel không gì ngoài công nghệ và chỉ 5% là lao động.
Phát triển công nghệ tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước và phân bón
Khái niệm tưới nước nhỏ giọt đã có từ lâu ,trước khi Nhà nước Israel ra đời. Công nghệ này trở thành một cuộc cách mạng thực sự với sự phát hiện của kỹ sư tài nguyên nước Simcha Blass. Ông phát hiện ra rằng; nhỏ giọt chậm và đều đặn của nước dẫn đến khả năng kích thích tăng trưởng đáng kể thực vật. Từ phát hiện của mình, S. Blass đã sáng tạo một loại ống dẫn nước có các đầu tưới từ từ nhỏ giọt theo tỷ lệ tối ưu nhất cho từng loại cây trồng. Từ thực trạng khan hiếm nước của vùng sa mạc Israel, công nghệ tưới nhỏ giọt là một công trình có có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển nông nghiệp của quốc gia này.
Công nghệ tưới nước gồm 2 phần cơ bản: phần lọc nước và phần tưới. Ở phần lọc nước, bộ lọc được thiết kế nhằm loại đi những chất bẩn trong nước, sau khi nước được lọc xong, bộ phận phun tưới sẽ vận chuyển nước đến tận gốc cây. Công nghệ xả nước trong hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt được thiết kế tùy thuộc vào trình độ của người nông dân với phương pháp tự động hoàn toàn và bán tự động. Bán tự động có nghĩa là người nông dân phải xách nước đổ vào thùng phi đặt ở đầu luống cây, nước tự động chảy đến từng cây theo chế độ cài đặt với khoảng cách xa nhất là 20m.
Công nghệ tưới nước nhỏ giọt mang lại các lợi ích rất thiết thực, trước hết là, đảm bảo chất lượng nguồn nước tưới tiêu, nước sau khi được lọc sẽ luôn là nước sạch mang đến cho cây; thứ hai là, đảm bảo lượng nước đến cho cây với mức độ đều đặn trong ngày để cây lúc nào cũng được giữ ẩm và nâng cao năng suất; ba là, đưa nguồn phân bón theo nước đến cho cây; bốn là tiết kiệm nước. Với những lợi ích như vậy, Israel không chỉ là nơi áp dụng phổ biến mà còn là quốc gia xuát khẩu công nghệ này đi khắp thế giới. Tập đoàn Netafim nổi tiếng không chỉ tập trung công nghệ này vào các khu vực ít nguồn nước tự nhiên mà đã mở rộng trên phạm vi toàn cầu với hơn 110 quốc gia đang sử dụng công nghệ và thiết bị này.
Ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trong việc trồng lúa trên cạn là công nghệ hiện đại. Trồng lúa với công nghệ tưới nhỏ giọt không chỉ phát triển vượt trội so với cây lúa thông thường, mà còn sử dụng lượng nước ít hơn tới 70%, lượng khí thải metan giảm xuống gần như bằng không và giảm tới 90% lượng asen hấp thụ vào cây.
Theo các nhà nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt, năng suất lúa có thể tăng tới 50%, đạt 12 tấn/ha. Với công nghệ tưới nhỏ giọt, người nông dân có thể trồng nhiều hơn một chu kỳ luân canh, tận dụng có hiệu quả hơn diện tích mỗi ha đất. Theo chế độ công nghệ tưới nhỏi giọt, các nhà tạo giống đã lai tạo được nhiều loại giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt hơn và thuận tiện đáng kể cho việc chăm sóc.
Phát triển công nghệ nhà kính để trồng trọt, chăn nuôi
Công nghệ nhà kính là loại hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại trên các lĩnh vực để tạo lập một môi trường sinh thái theo ý muốn, tạo thuận lợi nhất cho cây trồng sinh trưởng và phát triển. Thực thực hiện công nghệ thâm canh cao, nhằm tối thiểu hóa việc loại trừ những yếu tố ngoại cảnh bất lợi. Tại Israel , do khó khăn về điều kiện địa hình và khí hậu, nhiều mô hình trồng trọt và chăn nuôi kiểu nhà kính hiện đại đã được phát triển.
Trong ứng dụng mô hình nhà kính, những yếu tố như gió, ánh sáng, nước được cung cấp đủ đủ và khoa học theo từng chế độ đáp ứng nhu cầu của từng loại cây trồng, vật nuôi. Đối với mô hình nhà kính tiên tiến, việc điều chính ánh sáng, tốc độ gió, nhiệt độ và hệ thống tưới tiêu được điều chỉnh hoàn toàn tự động.
Áp dụng công nghệ nhà kính làm tăng năng suất, chất lượng cho các loại cây trồng do đảm bảo chắc chắn môi trường thuận lợi cho cây trồng vật nuôi phát triển. Mặt khác, nhờ các yếu tố gió, nước, ánh sáng được cung cấp đầy đủ và khoa học theo từng chế độ, đáp ứng nhu cầu của từng loại cây trồng vật nuôi nên tránh được ảnh hưởng xấu của thời tiết, tránh được sự xâm phạm của côn trùng bệnh hại. Thuốc trừ sâu sẽ bị loại bỏ khỏi danh sách sử dụng của người nông dân nên công nghệ nhà kính tạo ra nông sản sạch, an toàn. Công nghệ nhà kính còn có khả năng giúp tăng số vụ trồng trong một năm, có thể bổ sung sản phẩm nông nghiệp trái vụ có giá bán cao và lợi nhuận tăng lên so với sản phẩm chính vụ.
Mặc dù canh tác nhà kính có chi phí đầu tư cao, nhưng đã tạo ra được cuộc cách mạng về năng suất cho các loại cây trồng. Nhờ canh tác nhà kính, năng suất cà chua ở Israel đã đạt 500 tấn/ha/vụ trong khi canh tác truyền thống thường chỉ đạt 20-30 tấn/ha/vụ, thấp thua tới 25 lần, Nhờ công nghệ canh tác nhà kính. Israel đã biến sa mạc Negev toàn cát và đá (chiếm gần 60% diện tích đất nước) trở thành “cánh đồng xanh công nghệ cao” có năng suất cây trồng cao trên thế giới. Hiện nay, Israel đang phát triển loại hình nhà kính dùng để sản xuất các loại cây cảnh, cây ăn quả lưu niên vì mục tiêu thương mại và xuất khẩu như nho, táo, đào, lê... Cùng với việc đẩy mạnh phát triển công nghệ nhà kính cho ngành trồng trọt, Israel còn phát triển một số loại hình nhà kính cho ngành chăn nuôi, chủ yếu cho chăn nuôi gia cầm và nuôi trồng thuỷ hải sản công nghệ cao trên sa mạc.
Thay cho lời kết
Sáng tạo công nghệ là nền tảng cho thành công của quốc gia khởi nghiệp Israel trong những thập kỷ qua. Những câu chuyện phát triển thần kỳ về nông nghiệp trên vùng hoang mạc không có điều kiện cho sự sống tồn tại, đã để lại biết bao ấn tượng tốt lành vì một nền nông nghiệp dựa trên tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại của Israel. Từ những ấn tượng bước đầu mang lại, bài viết hy vọng được chia sẻ suy ngẫm về một đất nước giàu trí tuệ như Israel./.
---
Đọc thêm thông tin mới nhất về Nông thôn mới, OCOP Hà Nội tại địa chỉ: https://nongthonmoihanoi.gov.vn/