Gia tăng tai nạn liên hoàn ở Hà Nội
Thành phố Hà Nội gần đây ghi nhận nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, đặc biệt là tai nạn liên hoàn có nguyên nhân liên quan đến vi phạm nồng độ cồn.
Những con phố đông đúc bỗng chốc trở thành hiện trường hỗn loạn, với thương vong không chỉ về người mà còn tổn thất lớn về tinh thần và niềm tin của người dân vào sự an toàn giao thông.
Chiều 16/7, một vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại khu vực Khu đô thị Dương Nội, quận Hà Đông. Tài xế Lê Minh Giáp (40 tuổi, cán bộ một trường cao đẳng tại Hà Nội) sau khi uống rượu bia cùng bạn bè, đã điều khiển ô tô di chuyển theo hướng đường Nguyễn Trác để trở về nhà.
Đến gần khu vực tòa nhà CT7K, xe bất ngờ va chạm với một xe máy đi cùng chiều. Cú va mạnh khiến Giáp hoảng loạn, đạp nhầm chân ga và lao thẳng vào nhiều phương tiện đang di chuyển phía trước.

Vụ việc khiến một người tử vong tại chỗ là anh Đ.Q.V., sinh năm 1984, cùng nhiều người bị thương. Đáng chú ý, trong số các nạn nhân có cháu nhỏ sinh năm 2022 bị thương nặng với tiên lượng xấu. Kết quả kiểm tra nồng độ cồn cho thấy tài xế Giáp đạt mức 0,861 mg/lít khí thở, vượt xa mức tối đa cho phép.
Ngày 17/7, Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra quyết định tạm giam Lê Minh Giáp 4 tháng để điều tra hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Đây không phải vụ việc đơn lẻ. Trước đó, ngày 9/7, một nữ tài xế ô tô đã gây tai nạn liên hoàn trên phố Trần Đại Nghĩa, khi tông vào 10 xe máy tại nút giao với đường Đại La. Hậu quả khiến một người tử vong và nhiều người bị thương.

Đến chiều 23/7, tại phố Khâm Thiên, một vụ việc tương tự tiếp tục xảy ra khi tài xế xe bán tải đâm vào hàng loạt xe máy, khiến một người nguy kịch.
Tần suất các vụ tai nạn liên tiếp và mức độ nghiêm trọng đang làm dấy lên sự bất an trong cộng đồng dân cư đô thị.
Người dân lo lắng, yêu cầu tăng cường kiểm soát
Nhiều người dân Hà Nội tỏ ra lo ngại trước tình trạng tai nạn giao thông ngày càng nhiều, đặc biệt là những vụ có liên quan đến sử dụng rượu bia.
Theo ông Ngô Đức Duy (cư dân quận Thanh Xuân), trước kia khi các chiến dịch cao điểm kiểm soát nồng độ cồn được thực hiện nghiêm túc, gần như không ghi nhận các vụ tai nạn liên hoàn. Tuy nhiên, gần đây, tình trạng tai nạn xảy ra với mật độ dày đặc hơn khiến người dân hoang mang mỗi khi ra đường.
Cùng chung quan điểm, bà Phạm Thị Giang (sinh sống tại phường Phương Liệt) cho biết từng cảm thấy yên tâm khi ra đường buổi tối bởi thường xuyên thấy lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động và công an địa phương lập chốt, tuần tra.
Bà nhận định, việc các lực lượng chức năng vắng bóng thời gian gần đây có thể liên quan đến quá trình chuyển đổi, sáp nhập các cơ quan trong hệ thống công an. Bà cho rằng công tác tuần tra, xử lý vi phạm cần được duy trì đều đặn để bảo vệ an toàn cho người dân tham gia giao thông.

Lực lượng chức năng phản ứng ra sao?
Trước những phản ánh từ dư luận, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội khẳng định, dù đang trong giai đoạn triển khai mô hình Công an 2 cấp, lực lượng chức năng vẫn giữ nguyên tinh thần không khoan nhượng với các hành vi vi phạm nồng độ cồn.
Cụ thể, các đội CSGT đã chủ động phối hợp với công an xã, phường để tuyên truyền về tác hại của rượu bia đối với người điều khiển phương tiện.
Hình thức tuyên truyền được đa dạng hóa, không chỉ dừng lại ở việc treo pa-nô, dán áp phích, mà còn trực tiếp đến các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống để vận động không phục vụ khách hàng điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia.
Thượng tá Đinh Trung Dũng - Phó Đội trưởng Đội CSGT số 7 - cho biết trước tình hình tai nạn giao thông có diễn biến phức tạp, Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội đã yêu cầu tăng cường tuần tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Song song với việc kiểm tra nồng độ cồn, các cán bộ, chiến sĩ còn kết hợp tuyên truyền, giải thích về quy định pháp luật để người dân hiểu và chấp hành.
Đặc biệt, đơn vị đã xây dựng phương án phối hợp chặt chẽ với công an địa phương để tiếp cận các điểm vui chơi, nhà hàng nhằm tuyên truyền sâu sát đến từng đối tượng. Mục tiêu là ngăn chặn vi phạm ngay từ gốc, trước khi hậu quả xảy ra.

Hướng đến thay đổi hành vi bằng tuyên truyền sâu rộng
Theo đánh giá của Đội CSGT số 7, hiệu quả tuyên truyền sẽ đạt được cao hơn nếu lực lượng công an địa phương đóng vai trò chủ lực. Việc sát dân, hiểu dân và nắm chắc địa bàn giúp cán bộ công an xã, phường trở thành những tuyên truyền viên hiệu quả nhất.
Trên thực tế, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn giữ tâm lý coi thường hậu quả khi lái xe sau khi sử dụng rượu bia, cho rằng mình có thể kiểm soát được tình huống.
Chính vì vậy, ngoài xử phạt hành chính, việc thay đổi hành vi, nhận thức của người dân là chìa khóa trong công tác phòng ngừa tai nạn giao thông.
Đại diện lực lượng CSGT cũng khẳng định, trong thời gian tới, các đội sẽ tiếp tục duy trì tuần tra chuyên đề về nồng độ cồn vào buổi tối, nhất là tại các khu vực có nhiều hàng quán, nhà hàng, nơi tổ chức tiệc tùng.
Mục tiêu không chỉ là phát hiện và xử lý mà còn để tạo sức răn đe, giúp người dân dần hình thành thói quen không điều khiển phương tiện sau khi uống rượu.