Jean Michel Gallet gắn bó với ngành Nông nghiệp và PTNT Việt Nam khi ông là cán bộ của Hội Nông dân Pháp. Bằng tình cảm cá nhân và khát vọng cống hiến cho sự nghiệp phát triển nông thôn Việt Nam, ông Jean Michel Gallet đã hỗ trợ Viện sĩ Đào Thế Tuấn xuất bản tờ Bản tin Khoa học Phát triển Nông thôn (tiền thân của Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam) ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước. Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến năm 2007, ông Jean Michel Gallet đã có tổng cộng 35 lần đến Việt Nam. Ngoài việc giúp đỡ Việt Nam phát triển ngành chăn nuôi bò sữa, pháp triển nông thôn, tiếp cận các khoản tín dụng ưu đãi để phát triển ngành Nông nghiệp và PTNT, ông đã ghi nhận hàng vạn tấm ảnh về các vùng nông thôn của Việt Nam.
Chia sẻ những ký ức về hành trình đó, ông Jean Michel Gallet cho biết, vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, ở tuổi 42, Jean-Michel Gallet đã đặt chân đến Việt Nam. Trước đó, những khám phá đầu tiên của Jean-Michel Gallet từ đầu những năm 1970 đến 1985 từ Afghanistan đến Philippines qua Ấn Độ, rồi Indonesia...Nhưng thật đáng tiếc với ông trong hành trình đầu tiên đó không có Việt Nam. Bởi những hoàn cảnh lịch sử, Việt Nam mới giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước nên sự giao lưu hội nhập với Phương Tây còn rất nhiều hạn chế. Nhưng chính tình yêu với nông nghiệp và khát vọng cống hiến cho phát triển nông thôn đã đưa Jean-Michel Gallet ngày một đến gần hơn với Việt Nam. Thật vậy, Jean-Michel Gallet đã dành phần lớn cuộc đời chuyên nghiệp của mình trong lĩnh vực nông nghiệp (từ năm 1973 đến năm 2007 trước khi nghỉ hưu).
"Đây không phải và việc tình cờ. Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã yêu thích và muốn khám phá các nền văn hóa và xã hội khác với nền văn hóa mà ông sinh ra. Trước khi đến Việt Nam, tôi từng đến nhiều quốc gia ở Châu Mỹ, Châu Phi và Châu Á. Và mảnh đất Việt Nam thơ mộng bốn mùa hương sắc, nơi ấm áp tình người đã hấp dẫn tôi như một thỏi nam châm...", ông Jean Michel Gallet xúc động nói.
Ông Jean Michel Gallet cho biết, sau chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Pháp tới Việt Nam năm 1989, Hội Nông dân Pháp được trao sứ mệnh tìm kiếm khả năng phát triển sản xuất sữa ở Việt Nam. Và những việc cụ thể có liên quan đến dự án này đã giao cho ông. Với ông đây là cơ hội tuyệt vời để thực hiện khát vọng khám phá và giúp đỡ cho nền Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam.
Với Jean Michel Gallet, Việt Nam là một đất nước không chỉ hấp dẫn về phương diện văn hoá lịch sử, mà ở đó là những con người thân thiện, mến khách, cần mẫn sáng tạo trong lao động, nhân văn hướng thiện và có khát vọng dân tộc chân chính. Người Việt Nam đầu tiên giúp ông cảm nhận rõ những đặc tính tốt đẹp đó chính là Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn, con ruột của học giả Đào Duy Anh, người được biến đến ở Pháp là một nhà khoa học uyên bác.
Điều đặc biệt gây ấn tượng với Jean Michel Gallet, chính là đấy nước Việt Nam có sức sống phi thường. Từ con người đến cảnh vật và thiên nhiên hùng vĩ đã toát lên tinh thần dân tộc quật cường vượt qua muôn và khó khăn thử thách để tự rũ bùn đứng dậy tỏa sáng...Tất cả đã được Jean Michel Gallet ghi lại bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh qua gần 40 năm gắn bó với Việt Nam.
"Tôi không phải là một nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên nghiệp, nhưng những gì trải nghiệm, ghi nhận những khoảng khắc chân thực về những miền quê yêu dấu của Việt Nam mà tôi từng đi qua là những tư liệu có ích cho hôm nay và mai sau. Những khoảnh khắc mang hơi thở cuộc sống hầu khắp các vùng miền Việt Nam đã được tôi mang về Pháp và giữ gìn rất cận thận như một tài sản quý. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, đại dịch COVID- 19 đã buộc tôi phải dừng lại cuộc hành trình về với những miền quê yêu dấu ở Việt Nam và nhiều nơi trên hành tinh tươi đẹp này. Chính trong khoảng thời gian đó, tôi đã xem lại toàn bộ những tư liệu quý giá đó để chọn ra 25.000 tấm ảnh đẹp về Việt Nam - Đất nước - Con người mà tôi đã trải nghiệm suốt cuộc đời mình. Việc trao lại những đưa con tinh thần này cho phía Việt Nam, chính là mục đích của chuyến trở lại Việt Nam lần thứ 36 vào những ngày cuối năm 2022 đặc biệt này...", Jean Michel Gallet xúc động chia sẻ.
Thay mặt lãnh đạo Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam và Tạp chí PHANO, GS.TSKH Trần Duy Quý cảm ơn những tình cảm tốt đẹp của ông Jean Michel Gallet đã dành cho Việt Nam nới chung và Hội PHANO nói riêng. Đồng thời khẳng định, 25.000 tấm ảnh về Việt Nam - Đất nước - Con người mà ông Jean Michel Gallet đã thực hiện trong hành trình gần 40 năm qua là tài sản tinh thần vô giá.
"Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam và Tạp chí PHANO trân trọng tiếp nhận những tư liệu quý giá này và ngay trong năm 2023, PHANO sẽ phối hợp cùng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới TP. Hà Nội, Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội và một số cơ quan hữu quan khác tại Việt Nam để giới thiệu những tư liệu ảnh của Nhiếp ảnh gia Jean Michel Gallet đến với công chúng vào dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ hữu nghị Việt - Pháp (21/4/1973 - 21/4/2023)...", GS.TSKH Trần Duy Quý chia sẻ.
Nhân dịp này, Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam đã trân trọng trao tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Phát triển Nông thôn Việt Nam cho ông Jean Michel Gallet. Từ ngày 29/11/2022 đến 06/12/2022, Ban Nghiệp vụ ảnh báo chí thuộc Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam đã có tuần giao lưu nghiệp vụ ảnh và tổ chức điền rã sáng tác ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật tại một số làng nghề truyền thống ngoại thành Hà Nội cùng Jean Michel Gallet. Những hoạt động giao lưu, trao đổi nghiệp vụ trong chuyến thăm lần thứ 36 của Nhiếp ảnh gia Jean Michel Gallet đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong quan hệ đối ngoại của PHANO.
Trong thư gửi những người bạn Việt Nam sau khi về nước, Jean Michel Gallet xúc động viết: “Trong cuộc đời của mình, tôi đã đi khắp các châu lục trên thế giới, đã dừng chân ở rất nhiều Quốc gia, nhưng hiếm thấy có một dân tộc nào đặc biệt như Việt Nam. Một đất nước kiên cường trong đấu tranh chung sống hài hoà với thiên nhiên, giao bang bình đẳng với các dân tộc, các nền văn minh trên thế giới. Lịch sử của dân tộc này chưa bao giờ bị đồng hoá hay khuất phục trước hung bạo điêu tàn. Một đất nước tôi đã đi lại đến nay đã 36 lần và nếu còn sống tôi nhất định còn trở lại để chụp lại, ghi lại những khoảnh khắc thân thuộc về Việt Nam - Đất nước - Con người đang từng ngày trỗi dậy như Phù Đổng Thiên Vương. Ở đó tôi có những người bạn thật tuyệt vời. Tiếp nối những thế hệ là các nhà khoa học lỗi lạc như Viện sĩ, Anh hùng Đào Thế Tuấn là thế hệ của Giáo sư Trần Duy Quý đến Viện sĩ Đào Thế Anh và những Nhiếp ảnh gia năng động đang công tác tại PHANO...”.
Nhiếp ảnh gia người Pháp cho biết thêm, đến thăm ngôi Đình làng So cổ kính gần 400 tuổi tại xã Cộng Hòa (Quốc Oai) và Bảo tàng Gốm mới xây dựng tại làng cổ Bát Tràng (Gia Lâm), ngoài việc cảm phục về mặt kiến trúc cảnh quan độc đáo của người Việt xưa và nay, theo ông, đây còn là những chứng tích thể hiện ý chí của người sáng tạo và người tổ chức, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc qua hàng ngàn năm và khả năng thích ứng với môi trường, kinh tế và văn hóa của thế kỉ này. Điều đó càng cho thấy, muốn phát triển và tiến lên phía trước nhanh, mạnh, bền vững thì phải đi bằng hai chân, một chân luôn hướng về phía trước, một chân phải đặt ở phía sau.
Tiếp đó, ông đặc biệt ấn tượng về những thành tựu về Nông nghiệp, Nông thôn và Nông dân của Việt Nam khi đi thăm một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao ven đô hay mô hình trồng hoa cây cảnh trên tầng thượng tòa nhà 11 tầng của Nghệ nhân Nguyễn Gia Thọ, Chủ tịch Hội Sinh Vật Cảnh TP. Hà Nội.
"Tôi còn nhớ, cách đây vài chục năm, tôi đã lang thang hàng chục lần trên chiếc xe máy men theo triền đê uốn khúc chạy dọc sông Hồng. Tôi thấy hai bên bờ sông là những cánh đồng lúa, rải rác vài ngôi mộ và các làng quê được bao bọc bảo vệ bởi triền đê này. Ngày nay, thật may mắn khi hai bên bờ không có những công trình xây dựng mà vẫn là những vườn cây ăn quả, vườn hoa cây cảnh hay vườn rau xanh mát. Từ thập kỉ qua, nhờ có sức lao động bền bỉ, dồi dào và mảnh đất phù sa mầu mỡ, nền nông nghiệp đã gặt hái được nhiều thành tựu đáp ứng nhu cầu về thực phẩm, không gian xanh của Thủ đô...", Nhiếp ảnh gia Jean Michel Gallet trải lòng.