Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, hoạt động chăm lo cho người có công đã và đang được các cấp, các ngành, địa phương triển khai ra sao, thưa ông?
Quan tâm, chăm sóc người có công và gia đình người có công với cách mạng là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội trong nhiều năm qua; cùng với sự tham gia tích cực, trách nhiệm của các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương và các tầng lớp nhân dân.
Việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công và thân nhân người có công ngày càng đi vào chiều sâu, thông qua việc giải quyết các vấn đề khó, cốt lõi trong thực thi chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách, nhằm thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng.
Cùng với chế độ trợ cấp, phụ cấp, nhiều chế độ ưu đãi khác đối với người có công và gia đình người có công với cách mạng cũng được triển khai đồng bộ như: Chính sách bảo hiểm y tế; hỗ trợ về nhà ở; ưu đãi trong giáo dục đào tạo, việc làm; chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng, cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình; vay vốn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh và người có công với cách mạng...
Hệ thống cơ sở sự nghiệp nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng thường xuyên được nâng cấp, đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng; mộ liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ được tu bổ, tôn tạo, nâng cấp và chăm sóc; công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ cũng được triển khai có hiệu quả, với hàng nghìn hài cốt liệt sĩ được quy tập, hàng trăm hài cốt liệt sĩ được xác định danh tính; Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ được đông đảo người dân truy cập với hàng nghìn lượt/ngày, giúp hàng trăm thân nhân tìm được mộ liệt sĩ…
Năm 2024, nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tập trung rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng: Ngày 1/7/2024 trình Chính phủ ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ về quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 của Chính phủ; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 131/NĐ-CP ngày 30/12/2021 Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
Bộ cũng đã ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, với 9 hoạt động ở Trung ương và 5 hoạt động ở địa phương, nhằm tôn vinh, tri ân người có công và thân nhân liệt sĩ, khơi dậy ý chí vươn lên của người và gia đình người có công với cách mạng.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 77/CP nâng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công, ông đánh giá như thế nào về việc cải thiện đời sống người có công? Bên cạnh đó, phong trào xã hội hoá, chung tay cộng đồng chăm lo người có công đang thực hiện như thế nào, thưa ông?
Nghị định số 77/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 và Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng (tăng 35,7%).
Đây là mức tăng cao nhất qua các lần điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng trong nhiều thập kỷ vừa qua, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người có công và thân nhân theo tinh thần của Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Ðảng (khóa XII) "Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng" và Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới”.
Cùng với chế độ trợ cấp, phụ cấp, các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công”, với nhiều hình thức phong phú, thiết thực được triển khai ở Trung ương và địa phương như: Tặng nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa; chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng, được phát triển sâu rộng ở tất cả các địa phương, huy động mọi nguồn lực trong xã hội, đảm bảo chăm sóc ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công và gia đình người có công với cách mạng.
Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cả nước đã vận động được hơn 5.900 tỷ đồng. Phong trào tặng sổ tiết kiệm của cả nước đạt hơn 70.600 sổ, với tổng kinh phí là hơn 120,7 tỷ đồng. Xây dựng mới hơn 40.400 nhà tình nghĩa, sửa chữa gần 25.000 nhà tình nghĩa trị giá gần 2.500 tỷ đồng. Phong trào nhận phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng được tiếp tục đẩy mạnh (100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng được phụng dưỡng), góp phần tích cực chăm lo đời sống của các đối tượng và gia đình có công với cách mạng...
Hàng năm, ngoài quà của Chủ tịch nước, tất cả các địa phương đều tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách. Đảng và Nhà nước cũng luôn quan tâm đến công tác nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng. Đến nay, đã có có 99% xã, phường làm tốt công tác thương binh liệt sĩ, gần 99% người có công có mức sống trung bình hoặc cao hơn mức sống người dân nơi cư trú.
Hiện vẫn còn khoảng 300.000 liệt sĩ chưa xác định danh tính, dù đã đưa vào các nghĩa trang. Để thúc đẩy việc này, việc ứng dụng công nghệ số để tra cứu thông tin và xét nghiệm ADN cần có những đột phá nào để thúc đẩy nhanh, thưa ông?
Theo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm Đề án chuyển đổi số Quốc gia (Đề án 06), để đẩy nhanh tiến độ đản bảo mục tiêu trong công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan, xây dựng Đề án lấy mẫu hài cốt liệt sĩ và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ cần xác định danh tính để giám định ADN, lưu trữ vào cơ sở dữ liệu ADN hài cốt liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ phục vụ công tác xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an rà soát các văn bản và đề nghị bổ sung, kiện toàn Ban chỉ đạo Quốc gia tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; xây dựng kế hoạch trình Thủ tướng trước ngày 27/7/2024; tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, trang thiết bị máy móc, trang thiết bị và công nghệ hiện đại phục vụ công tác xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
Xin trân trọng cảm ơn ông!