Quốc Bảo hồi hương

13/02/2023 20:53

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa xác nhận, Doanh nhân Nguyễn Thế Hồng, Chủ tịch Hội Cổ vật Bắc Ninh, chủ sở hữu Bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng đã trực tiếp thương lượng với hãng đấu giá Millon của Pháp để mua lại ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" với giá 6,1 triệu Euro (tương đương hơn 153 tỷ đồng).

z4106868543549-f9f5583b0cf52b949af7aa491c2742de-1676296019.jpg

Vợ chồng ông Nguyễn Thế Hồng sau một thời gian dài theo đuổi mới chạm được vào Quốc Bảo và hiện thực ước mơ đưa cổ vật này hồi hương

Ấn vàng "Hoàng đế Chi Bảo" được đúc năm 1823 thời vua Minh Mạng (1820 - 1841), chất liệu bằng vàng, nặng 10,78 kg. Ấn được truyền từ đời vua Minh Mạng đến vị vua cuối cùng nhà Nguyễn là Bảo Đại. Sau đó, vua Bảo Đại bàn giao cho chính quyền cách mạng trong lễ thoái vị ngày 30.8.1945 tại Ngọ môn Huế, đưa ra Hà Nội. Tuy nhiên, cuối năm 1946 khi Pháp quay trở lại Việt Nam và đưa quân vào Hà Nội, bộ ấn kiếm đã bị thất lạc và rơi vào tay người Pháp.

z4106828109709-9e5b8969169613eda64473a4f3a1c71f-1676296185.jpg

Tác giả bài viết thăm Bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng

Đến ngày 8/3/1952, Pháp tổ chức nghi lễ trao lại ấn - kiếm cho Bảo Đại tại Đà Lạt, khi đó với tư cách "Quốc trưởng" của một chính phủ được ông đại diện thành lập năm 1948. Bộ ấn kiếm sau đó được thứ phi Bùi Mộng Điệp mang sang Pháp cho gia đình Bảo Đại từ đó đến nay.

z4106828099722-298c71a4d46d40aa3711ca55d16ea646-1676296185.jpg

Cuối năm 2022, nhà đấu giá Millon chào bán ấn vàng của vua Minh Mạng với giá 2-3 triệu euro (48 đến 72 tỷ đồng). Ngay khi nhà đấu giá Pháp Million bắt đầu đưa ra thông tin về việc đấu giá cổ vật này, ông Nguyễn Thế Hồng là người chủ động tìm hiểu và bỏ ra toàn bộ các chi phí để để đàm phán thương lượng, mua trực tiếp và hồi hương ấn vàng.

Được biết, hợp đồng mua ấn được ký với nhà đấu giá Million ngày 13/1/2023 tại Pháp. Hiện nay các cơ quan chức năng đang tiến hành thủ tục để đưa cổ vật hồi hương dự kiến vào tháng 4 tới đây, đảm bảo quy định pháp luật của hai nước. Quá trình đàm phán, mua ấn vàng của ông Nguyễn Thế Hồng có sự đồng hành, bảo trợ của Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

z4106828077700-8181decb9cdfd5c3586a9ced3a7f3af3-1676296186.jpg

Ông Nguyễn Thế Hồng là một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản ở Bắc Ninh. Ông có niềm đam mê cổ vật và cây cảnh từ rất sớm. Ông đã thành lập Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (Từ Sơn, Bắc Ninh) để trưng bày bộ sưu tập cổ vật đồ sộ của mình. Trong đó nổi bật là chiếc Thạp đồng Văn hóa Đông Sơn niên đại cách ngày nay 2.200 - 2.300 năm (thế kỷ III - II trước Công nguyên), đã được công nhận là bảo vật quốc gia hồi tháng 1/2023.

Theo nhà nghiên cứu Đào Phan Long, nếu không có nhiều đam mê, nỗ lực, công sức, quyết tâm và chấp nhận bỏ ra một khoản tài chính khá lớn của gia đình Nguyễn Thế Hồng cộng với sự quan tâm trợ giúp pháp lý của Chính phủ, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp,  Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì bảo vật này rất khó có thể hồi hương.

Quyết Tuấn
Bạn đang đọc bài viết "Quốc Bảo hồi hương" tại chuyên mục Văn hóa - Môi trường. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309