Theo đó, cuốn sách tập hợp 20 bài viết là kết quả nghiên cứu, những ý tưởng mới nhất của các chuyên gia, các nhà khoa học về giải pháp, lộ trình của Việt Nam để vượt qua những thách thức của bối cảnh Covid-19 và biến đổi khí hậu, đề xuất việc lựa chọn định hướng phát triển cho một nền nông nghiệp giàu bản sắc nhưng phải có khả năng thích ứng cao với những biến đổi xã hội đang diễn ra nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu.
Theo chia sẻ của tác giả Đào Thanh Trường và Philip Degenhartd, thì từ năm 2018, Viện Chính sách và Quản lý (IPAM) và Quỹ Rosa Luxemburg khu vực Đông Nam Á - Văn phòng đại diện tại Hà Nội đã cùng xây dựng ý tưởng một chuỗi các dự án từ tiếp cận chuyển đổi sinh thái - xã hội đầu tiên ở Việt Nam và bước đầu đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Sự chuyển đổi mô hình từ phát triển bền vững sang chuyển đổi sinh thái - xã hội là một điểm khởi đầu mà chúng tôi tin rằng có thể cung cấp những giải pháp giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp, khắc phục những hạn chế của các hệ thống nông nghiệp thâm dụng đầu vào, đặc biệt trong bối cảnh nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu và cuộc khủng hoảng mang tên Covid-19.
Cuốn sách gồm hai phần: Phần 1: Tiếp cận chuyển đổi sinh thái-xã hội với sản xuất nông nghiệp đã tập hợp các bài viết khai thác những vấn đề lý thuyết, các cách tiếp cận và thuật ngữ liên quan đến chuyển đổi sinh thái - xã hội (SET) về sản xuất nông nghiệp và hệ thống lương thực, thực phẩm, dinh dưỡng. Trong đó, các tác giả và nhóm tác giả đi sâu phân tích giải pháp dựa vào tự nhiên cho sản xuất nông nghiệp chuyển đổi trong bối cảnh biến đổi toàn cầu, cũng như những thách thức về thể chế thúc đẩy phát triển bền vững ở 4 Việt Nam và những điều kiện để Việt Nam hướng đến hệ thống nông thực phẩm bền vững, mô hình nào thay thế cho tăng trưởng thuần GDP.
Phần 2: Đảm bảo và phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm, nông sản trong bối cảnh chuyển đổi sinh thái-xã hội ở Việt Nam. Bối cảnh biến đổi khí hậu và Đại dịch Covid-19 đã tạo ra những tác động mạnh mẽ đến an ninh lương thực, chủ quyền lương thực của các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng.
Phần 2 của cuốn sách cung cấp bức tranh toàn cảnh về sản xuất nông nghiệp và vấn đề phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm ở Việt Nam từ tiếp cận chuyển đổi sinh thái - xã hội. Các bài viết tập trung trình bày kết quả nghiên cứu về thực tiễn, giải pháp để đảm bảo và phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm, nông sản và những vấn đề liên quan khác như: phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm, chính sách bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm nông nghiệp mang tên địa danh; sử dụng phân bón cho sản xuất trồng trọt hướng đến một nền nông nghiệp sinh thái; du lịch nông nghiệp hướng đến chuyển đổi nông nghiệp đa chức năng và chuyển đổi sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Nội dung Phần 2 mang đến những luận giải sâu sắc và có giá trị thực tiễn về chủ đề chuyển đổi sinh thái – xã hội trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời đưa ra những hàm ý chính sách góp phần cung cấp những luận cứ cho quá trình hoạch định chính sách.
Sau hơn 3 năm triển khai dự án, nhóm tác giả cùng nhiều chuyên gia tâm huyết với ngành nông nghiệp đã đón nhận những phản hồi tích cực từ cộng đồng khoa học và các nhà hoạch định chính sách với những ấn phẩm thường niên về chuyển đổi sinh thái - xã hội trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa Viện Chính sách và Quản lý và RLS SEA.
Vì vậy, cuốn sách SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP Ở VIỆT NAM từ cách tiếp cận chuyển đổi sinh thái - Xã hội: Cơ hội, thách thức và hàm ý chính sách" của tác giả Đào Thanh Trường và Philip Degenhartd được kỳ vọng sẽ tiếp tục lan tỏa và phát triển các định hướng nghiên cứu về chuyển đổi sinh thái - xã hội trong sản xuất nông nghiệp, cũng như mở rộng mạng lưới nghiên cứu, các diễn đàn khoa học liên ngành mang tầm khu vực về vấn đề chuyển đổi kinh tế, sinh thái - xã hội trong thời gian tới.