Đà Nẵng: Phụng dưỡng người có công được duy trì liên tục sau điều chỉnh địa giới

Sau khi tiếp nhận Trung tâm Phụng dưỡng Người có công từ tỉnh Quảng Nam theo điều chỉnh địa giới hành chính, thành phố Đà Nẵng hiện đang tổ chức chăm sóc, phụng dưỡng gần 80 người có công tại hai trung tâm trên địa bàn. Công tác phụng dưỡng được triển khai bài bản, bảo đảm đầy đủ chế độ, chú trọng đời sống tinh thần, góp phần lan tỏa đạo lý “uống nước nhớ nguồn” bằng chính những việc làm cụ thể, thiết thực.
img-9066-1753153276.jpeg

Học viên lớp Cao cấp Lý luận chính trị K75.A20 chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ và các cụ người có công tại Trung tâm Phụng dưỡng Người có công cách mạng thành phố Đà Nẵng trong chuyến nghiên cứu thực tế vào đầu tháng 7 năm 2025

Sau khi tiếp nhận Trung tâm Phụng dưỡng Người có công từ tỉnh Quảng Nam theo điều chỉnh địa giới hành chính, thành phố Đà Nẵng hiện đang tổ chức chăm sóc, phụng dưỡng 80 người có công tại hai trung tâm trên địa bàn. Công tác phụng dưỡng được triển khai bài bản, bảo đảm đầy đủ chế độ, chú trọng đời sống tinh thần, góp phần lan tỏa đạo lý “uống nước nhớ nguồn” bằng chính những việc làm cụ thể, thiết thực.

Hai trung tâm hiện đang phụng dưỡng gần 80 cụ, trong đó có 46 cụ thuộc Trung tâm cũ của Đà Nẵng và khoảng 34 cụ từ Quảng Nam được tiếp nhận sau sáp nhập. Phần lớn các cụ đều cao tuổi – trên 80 tuổi chiếm hơn 50%, trong đó có cụ đã ngoài 90, thậm chí tròn 100 tuổi. Các đối tượng được phụng dưỡng thuộc nhiều nhóm chính sách: cán bộ lão thành cách mạng, thương bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, nhiễm chất độc hóa học, làm nghĩa vụ quốc tế và thân nhân liệt sĩ.

Tất cả các cụ được phụng dưỡng suốt đời, hưởng đầy đủ, kịp thời các chế độ theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản liên quan. Đặc biệt, thành phố Đà Nẵng còn bố trí mức hỗ trợ riêng 2.100.000 đồng/người/tháng tiền ăn nhằm cải thiện chất lượng chăm sóc hằng ngày.

Trung tâm hiện có 27 cán bộ, viên chức, người lao động, trong đó 18 người trực tiếp phục vụ tại các bộ phận y tế, hộ lý, cấp dưỡng. Công tác chăm sóc được triển khai 24/24h, bảo đảm theo dõi sức khỏe thường xuyên, tổ chức điều trị, dinh dưỡng và hỗ trợ tâm lý phù hợp với thể trạng từng cụ.

Năm 2024, hai trung tâm đã tổ chức 15 đợt điều trị tăng cường thể trạng kết hợp giữa Đông – Tây y, bổ sung dinh dưỡng bằng yến, sữa Ensure và các bữa ăn cải thiện. Hơn 2.500 lượt người có công được tập luyện vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, duy trì tập dưỡng sinh buổi sáng và kiểm tra các chỉ số sinh tồn định kỳ.

Song song với chăm sóc sức khỏe thể chất, đời sống tinh thần của các cụ cũng được chú trọng thông qua các hoạt động giao lưu, sinh hoạt văn hóa – văn nghệ. Trung tâm thường xuyên tổ chức hát karaoke, hội thao, các buổi giao lưu với học sinh – sinh viên, đoàn viên thanh niên và các lực lượng vũ trang. Trong năm, có hơn 11 đợt giao lưu với gần 350 lượt người tham gia.

Dịp Tết Ất Tỵ 2025, không khí đầm ấm được lan tỏa qua các hoạt động: nấu bánh chưng, trang trí “Tết quê”, tổ chức tất niên, tặng lì xì đầu năm, và chương trình văn nghệ có sự tham gia của nghệ sĩ Nhà hát Trưng Vương. Những hoạt động giản dị nhưng tràn đầy nghĩa tình đã mang lại niềm vui, sự động viên lớn cho các cụ.

Cùng với công tác tại trung tâm, thành phố Đà Nẵng triển khai đồng bộ các chính sách ưu đãi đối với người có công trên địa bàn mở rộng. Trong dịp Tết Nguyên đán 2025, thành phố đã chi quà cho hơn 65.000 lượt người có công và thân nhân, với tổng kinh phí hơn 50 tỷ đồng. Ngoài ra, Đề án hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho hộ gia đình người có công cũng được triển khai hiệu quả với 454 căn được hỗ trợ, tổng kinh phí gần 24 tỷ đồng.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, thành phố đã giải quyết chế độ cho hơn 800 trường hợp người có công; chi trả trợ cấp thường xuyên cho hơn 16.400 đối tượng với kinh phí hơn 45 tỷ đồng. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các hoạt động điều dưỡng tập trung, hỗ trợ phương tiện trợ giúp, chỉnh hình, quy tập hài cốt liệt sĩ và hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các nghĩa trang.

Việc tổ chức phụng dưỡng người có công tại Đà Nẵng không chỉ là trách nhiệm thực hiện chính sách, mà còn là mô hình tiêu biểu về xã hội hóa chăm sóc người có công, với sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể và cộng đồng xã hội. Trung tâm Phụng dưỡng Người có công cách mạng tiếp tục là điểm tựa vững chắc, giàu nhân văn, góp phần lan tỏa tinh thần đền ơn đáp nghĩa trong đời sống đô thị hiện đại.