Quản lý tốt báo chí, thông tin – nền tảng để Đà Nẵng nâng cao hiệu lực điều hành trong tình hình mới

Sau khi mở rộng địa giới hành chính và kiện toàn tổ chức bộ máy, thành phố Đà Nẵng đã tập trung tăng cường quản lý nhà nước đối với lĩnh vực thông tin, báo chí và xuất bản, phù hợp với mô hình chính quyền đô thị hai cấp. Việc chuyển giao chức năng quản lý báo chí – xuất bản từ Sở Thông tin và Truyền thông về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch không chỉ góp phần tinh gọn tổ chức, mà còn nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tuyên truyền, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị, công tác chỉ đạo điều hành của thành phố và lan tỏa hình ảnh Đà Nẵng hiện đại, năng động, an toàn.
img-9023-1752977349.jpeg

Việc tăng cường quản lý báo chí, thông tin góp phần lan tỏa hình ảnh Đà Nẵng hiện đại, năng động và phát triển bền vững

Chủ động định hướng thông tin, củng cố niềm tin xã hội

Với vai trò là trung tâm đầu mối quan trọng của khu vực miền Trung, thành phố Đà Nẵng cần tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ phóng viên, nhà báo trẻ; đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ lý luận và đạo đức nghề nghiệp. Song song với đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền các giá trị tích cực, nhân văn; kịp thời đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị – xã hội và củng cố niềm tin của nhân dân.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, thành phố Đà Nẵng đã tích cực triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về quản lý báo chí, xuất bản và thông tin điện tử, đặc biệt trong bối cảnh chuyển giao chức năng quản lý giữa các cơ quan chuyên môn. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch – đơn vị hiện nay phụ trách lĩnh vực này – đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và địa phương trong việc nắm bắt, theo dõi thông tin báo chí, mạng xã hội và định hướng dư luận một cách chủ động, kịp thời.

Công tác điểm báo, điểm tin mạng xã hội được thực hiện thường xuyên, phục vụ hiệu quả công tác lãnh đạo, điều hành của thành phố. Nhiều vấn đề nóng được báo chí phản ánh như tiến độ các dự án trọng điểm, cưỡng chế tại Làng Vân… đã được tiếp nhận, xử lý kịp thời nhờ sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng như Công an thành phố, Lữ đoàn 3, Bộ Tư lệnh 86 và các cơ quan trung ương như Cục An toàn thông tin, Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử.

Hiện trên địa bàn có 3 cơ quan báo chí địa phương (Báo Đà Nẵng, Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng, Tạp chí Non Nước – Đất Quảng) cùng 98 cơ quan báo chí trung ương và địa phương khác đang hoạt động. Tổng số phóng viên thường trú khoảng 600 người, trong đó 100% phóng viên các cơ quan báo chí địa phương đã được cấp thẻ nhà báo. Các cơ quan này đóng vai trò nòng cốt trong việc thông tin, tuyên truyền các chủ trương lớn của thành phố như thực hiện chính quyền hai cấp, kỳ họp HĐND – UBND, hoạt động của Thành ủy và các sự kiện đối nội – đối ngoại, góp phần củng cố niềm tin xã hội, quảng bá hình ảnh thành phố đến người dân và bạn bè quốc tế.

Tinh gọn tổ chức, hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở

Một trong những điểm nhấn đáng chú ý là việc thành phố đã triển khai phương án sắp xếp, hợp nhất các cơ quan báo chí – truyền thông địa phương. Theo đó, Báo Đà Nẵng, Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng, Tạp chí Phát triển Kinh tế - Xã hội và Trang thông tin điện tử Thành ủy sẽ được hợp nhất thành một cơ quan truyền thông đa phương tiện thống nhất. Đây là bước đi chiến lược nhằm tinh gọn bộ máy, tối ưu nguồn lực, nâng cao hiệu quả tuyên truyền trong điều kiện địa giới mở rộng và yêu cầu chuyển đổi số mạnh mẽ.

Thành phố cũng đã hoàn tất thủ tục giải thể Nhà xuất bản Đà Nẵng, đồng thời thực hiện đặt hàng xuất bản phẩm để duy trì nhiệm vụ chính trị, văn hóa đọc trong thời gian chờ chuyển đổi. Việc cấp phép xuất bản phẩm không kinh doanh vẫn được thực hiện liên tục, không gián đoạn, đảm bảo sự ổn định trong giai đoạn chuyển tiếp.

Trên lĩnh vực thông tin cơ sở, thành phố chủ động triển khai thực hiện Nghị định số 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Việc hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương hiện đại hóa hệ thống truyền thanh, xây dựng hệ thống thông tin nguồn phục vụ công tác lập hồ sơ, báo cáo đầu tư được tăng cường. Song song đó, các sự kiện tuyên truyền văn hóa – xã hội tiếp tục được tổ chức hiệu quả, trong đó nổi bật là Ngày Sách Việt Nam năm 2025, góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Với cách tiếp cận chủ động, hiện đại và linh hoạt, công tác quản lý nhà nước về báo chí – thông tin – xuất bản tại Đà Nẵng đang trở thành một trong những trụ cột hỗ trợ đắc lực cho chính quyền trong điều hành, tạo sự đồng thuận xã hội và khẳng định hình ảnh thành phố văn minh, hội nhập và phát triển.