Phát triển nguồn nhân lực cho công nghệ vi mạch và lượng tử trong kỷ nguyên số

Theo PGS.TS Vũ Hải Quân – Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, yếu tố con người đóng vai trò then chốt trong phát triển các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn như bán dẫn và lượng tử. Tuy nhiên, để thu hút và giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, cần có nguồn lực tài chính đủ mạnh.
phat-trien-nguon-nhan-luc-cho-cong-nghe-vi-mach-va-luong-tu-trong-ky-nguyen-so-1753252949.jpg
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa CT Group và ĐHQG-HCM

Ngày 22/7, Tập đoàn CT Group và Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM) ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược trong hai lĩnh vực công nghệ mũi nhọn: công nghệ vi mạch bán dẫn và công nghệ lượng tử. Sự kiện không chỉ đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong hành trình nghiên cứu, phát triển các sản phẩm chiến lược quốc gia, mà còn khẳng định cam kết lâu dài trong việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thu hút nhân tài cho lĩnh vực công nghệ cao.

Theo nội dung ký kết, CT Group và ĐHQG-HCM sẽ phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực ở cả hai lĩnh vực: công nghệ vi mạch bán dẫn và công nghệ lượng tử.

Trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, hợp tác tập trung vào phát triển các dòng sản phẩm công nghệ cao như: chip trí tuệ nhân tạo cận biên (Edge AI SoC), chip khuếch đại, mô-đun thu phát siêu cao tần công suất lớn, chip vi điều khiển đa dụng 32 bit (RISC-V, một hoặc đa lõi), chip thu phát thông tin vô tuyến cho IoT/UAV…

Đối với công nghệ lượng tử, hai bên thống nhất hợp tác xây dựng hạ tầng công nghệ lượng tử; phát triển năng lực nghiên cứu – đào tạo chuyên sâu; nghiên cứu các giải pháp công nghệ lượng tử ứng dụng trong thực tiễn.

Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Kim Chung – Chủ tịch Tập đoàn CT Group, nhấn mạnh ba trọng tâm chiến lược trong hợp tác với ĐHQG-HCM.

Thứ nhất, cần đào tạo đội ngũ chuyên gia tinh anh trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, có khả năng làm chủ công nghệ và đại diện cho Việt Nam trên trường quốc tế.

Thứ hai, hợp tác không chỉ dừng lại ở sản xuất chip mà còn hướng tới việc tiêu thụ và xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm “Make in Vietnam” trong ngành bán dẫn.

Thứ ba, trong lĩnh vực công nghệ lượng tử – một ngành “gieo hạt”, việc đầu tư từ sớm là cần thiết để đảm bảo thành quả trong tương lai. CT Group thể hiện mong muốn hợp tác sâu rộng với ĐHQG-HCM trong việc thẩm định, đánh giá kỹ thuật của các startup lượng tử, cả trong và ngoài nước, nhằm chọn lọc và phát triển các dự án tiềm năng.

Bên cạnh đó, ông Chung kỳ vọng vào việc xây dựng các phòng thí nghiệm dùng chung với ĐHQG-HCM, đóng vai trò là trung tâm đổi mới sáng tạo và nghiên cứu liên ngành cho công nghệ bán dẫn và lượng tử.

phat-trien-nguon-nhan-luc-cho-cong-nghe-vi-mach-va-luong-tu-trong-ky-nguyen-so-2-1753252949.jpg
CT Group tài trợ cho người học và các hoạt động an sinh xã hội của ĐHQG-HCM

Với thế mạnh về nhân lực khoa học công nghệ liên ngành từ các đơn vị thành viên như Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Công nghệ Thông tin…, ĐHQG-HCM khẳng định năng lực phát triển công nghệ lõi. Nhà trường hiện đã đăng ký 50 sản phẩm lõi trong lĩnh vực chip bán dẫn và được phê duyệt xây dựng Phòng thí nghiệm quốc gia chuyên biệt với 4 phân khu, tương ứng các quy trình sản xuất chip, tổng kinh phí khoảng 750 tỷ đồng.

PGS.TS Vũ Hải Quân – Giám đốc ĐHQG-HCM, cho rằng yếu tố con người đóng vai trò then chốt trong phát triển các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn như bán dẫn và lượng tử. Tuy nhiên, để thu hút và giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, cần có nguồn lực tài chính đủ mạnh. Hợp tác với CT Group được đánh giá là một hướng đi sáng tạo, giúp huy động nguồn lực xã hội, thu hút các chuyên gia, nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm về làm việc tại ĐHQG-HCM, cùng thực hiện các dự án quy mô quốc gia và quốc tế.

Trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác, CT Group cam kết tài trợ 100 tỷ đồng cho ĐHQG-HCM trong giai đoạn 2025–2035. Khoản tài trợ sẽ hỗ trợ học phí cho chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong các ngành công nghệ cao; chi trả lãi vay cho sinh viên; hỗ trợ bếp ăn chia sẻ; cấp học bổng cho học sinh – sinh viên; và tài trợ các hoạt động an sinh xã hội khác. Đây là nguồn lực quan trọng giúp nuôi dưỡng và phát triển đội ngũ nhân tài công nghệ của đất nước.

Ngoài ra, CT Group sẽ đồng hành cùng ĐHQG-HCM triển khai Chương trình “VNU-CT Global Fellowship for Innovation”, nhằm thu hút các nhà khoa học, chuyên gia và tài năng trên toàn cầu về làm việc, nghiên cứu tại ĐHQG-HCM trong các lĩnh vực công nghệ cao trọng điểm.