Sản xuất trồng trọt ở Quảng Ngãi – Một năm bội thu

Năm 2024, với tổng diện tích trồng trọt trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đạt 115.961 ha, hầu hết các loại cây trồng đều cho năng suất, sản lượng cao hơn năm 2023 và được đánh giá là năm bội thu nhất trong nhiều năm qua.

+Từ kết quả các loại cây trồng…

Trong năm 2024, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi tổng diện tích cây lúa gieo sạ đạt 73.035,6 ha/73.294,8 ha kế hoạch, năng suất bình quân ước đạt 61,7 tạ/ha, sản lượng ước đạt 450.805,4 tấn; so với kế hoạch diện tích giảm 259,1 ha chuyển đổi sang các loại cây trồng khác, năng suất tăng 2,1 tạ/ha, sản lượng tăng 13.617,7 tấn. So với năm 2023 diện tích chỉ tăng 7,8 ha, năng suất tăng 2,2% (1,3 tạ/ha), sản lượng tăng 2,2% (9.794,3 tấn). Riêng vụ lúa Hè –Thu vừa thu hoạch có tổng diện tích lúa gieo sạ gần 34.400 ha/34.940,2 ha kế hoạch, năng suất bình quân ước đạt 60,5 tạ/ha, sản lượng ước đạt 211.392,8 tấn. So với cùng kỳ năm trước diện tích tăng 25 ha, năng suất tăng 1 tạ/ha và sản lượng tăng 3.702,5 tấn.

1-canh-dong-lua-vu-he-thu-o-mo-duc-1728895175.jpg

Cánh đồng huyện trọng điểm lúa Mộ Đức, Quảng Ngãi. Ảnh: Nguyễn Đăng Lâm


Cùng với sản xuất cây lúa, đối với cây ngô, tổng diện tích gieo trồng 9.063 ha/9.991,1 ha kế hoạch, năng suất ước đạt 59,7 tạ/ha, sản lượng ước đạt 54.090 tấn. So với cùng kỳ năm trước diện tích tăng 73 ha, năng suất tăng 0,4 tạ/ha, sản lượng tăng 838,7 tấn.

2-ngay-mua-o-xa-tinh-son-huyen-son-tinh-anh-nguyen-dang-lam-1728895176.jpg

Ngày mùa ở xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh. Ảnh Đăng Lâm

Diện tích gieo trồng cây lạc 6.262,4 ha/6.149,9 ha kế hoạch, đạt 101,8% so với kế hoạch, năng suất ước đạt 24,9 tạ/ha, sản lượng ước đạt 15.608,1 tấn. So với cùng kỳ năm trước diện tích giảm 55,6 ha, năng suất tăng 1,2 tạ/ha, sản lượng tăng 601,4 tấn.

6-thu-hoach-lua-dong-xuan-o-xa-duc-nhuan-mo-duc-anh-nguyen-dang-lam-1728895175.jpg

Thu hoạch lúa ở HTXNN Bồ Đề, Đức Nhuận, Mộ Đức. Ảnh Đăng Lâm

Tổng diện tích trồng sắn trên địa bàn toàn tỉnh trên 12.640 ha/12.536 ha kế hoạch, đạt 100,8% so với kế hoạch, năng suất ước đạt 182,2 tạ/ha, sản lượng ước đạt 230.280 tấn. So với cùng kỳ năm trước diện tích giảm 458,5 ha, năng suất tăng 5,4 tạ/ha, sản lượng giảm 1.250 tấn. Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh cả
năm trồng 12.326 ha rau và 2.635 ha đậu các loại đều cho năng suất, sản lượng cao hơn năm trước…

8-ba-con-nong-dan-xa-son-ha-huyen-son-ha-thu-hoach-san-ban-cho-nha-may-tinh-bot-san-anh-nguyen-dang-lam-1728895176.jpg

Bà con dân tộc H'Rê xã Sơn Hạ, huyện Sơn Hà thu hoạch sắn bán cho nhà máy chế biến sắn Sơn Hải. Ảnh Đăng Lâm

+… Đến những định hướng, chỉ đạo kịp thời trong sản xuất

Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi cho biết: Năm nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị xã thành phố trong tỉnh thực hiện tốt lượng giống lúa gieo sạ, cơ cấu, chất lượng giống lúa. Trong đó, lượng giống lúa xác nhận sử dụng khoảng 75%, lượng giống lúa nguyên chủng sử dụng khoảng 25%; Cơ cấu các nhóm giống lúa thơm, đặc sản chiếm khoảng 9,5%; nhóm giống lúa chất lượng cao chiếm khoảng 52%; nhóm giống lúa chất lượng trung bình chiếm khoảng 24%; nhóm giống lúa khác chiếm khoảng 14,5%; Các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai thực hiện 143 cánh đồng lúa lớn, với tổng diện tích hơn 2.300 ha; Diện tích các loại cây trồng như lúa, rau các loại, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả sản xuất được chứng nhận VietGAP trong năm gần 162 ha, sản lượng 2.225 tấn…

9-thu-hoach-buoi-da-xanh-o-mot-gia-dinh-o-thon-tan-lap-xa-hanh-nhan-huyen-nghia-hanh-anh-nguyen-dang-lam-1728895176.jpg

Thu hoạch bưởi da xanh của hộ gia đình xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành. Ảnh Đăng Lâm.

Đặc biệt, các địa phương áp dụng cơ giới hoá trong sản xuất lúa ngày càng nhiều, trong đó số lượng máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất trồng trọt gần 1.600 chiếc máy kéo 4 bánh, gần 4.600 chiếc máy kéo 2 bánh phục vụ làm đất, 9.622 chiếc máy phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có gắn động cơ, 932 chiếc máy gặt đập liên hợp, gần 25.000 chiếc máy bơm nước. Nhờ vậy, tỷ lệ cơ giới hóa các khâu làm đất trong sản xuất lúa đạt 90% diện tích (đồng bằng 100%, miền núi 50%), phun thuốc BVTV 45 %, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp đạt 80%. So với năm 2023 máy móc, thiết bị và tỷ lệ cơ giới hoá các khâu trong sản xuất lúa duy trì ổn định và phát triển, cơ giới hóa đã góp phần giải phóng sức lao động, giải quyết thiếu hụt lao động khi tới mùa vụ, giúp nông dân gieo sạ, thu hoạch lúa đúng thời vụ nhằm giảm tổn thất lúa trên đồng ruộng.

4-thu-hoach-lua-dong-xuan-o-duc-chanh-mo-duc-anh-nguyen-dang-lam-1728895175.jpg

Đưa cơ giới hoá vào thu hoạch lúa ở xã Đức Chánh, Mộ Đức. Ảnh Đăng Lâm

 


Để đạt được kết quả sản xuất trồng trọt trong năm bội thu, ông Nguyễn Quang Trung chia sẻ: Sở được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Cục Trồng trọt, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, sự phối hợp chặt chẽ của UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan chuyên môn trên địa bàn tỉnh. Hệ thống kênh mương thủy lợi, các hồ chứa được nâng cấp, tu sửa kịp thời phục vụ tưới tiêu ổn định và hiệu quả. Nhận thức của nông dân về ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật khoa học trong sản xuất trồng trọt ngày càng được nâng cao, đa số nông dân đã biết sử dụng giống tốt, thực hiện đầu tư thâm canh trong sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng trên địa bàn tỉnh. Hầu hết các địa phương và bà con nông dân có sự chuẩn bị tốt các điều kiện để phục vụ sản xuất như: giống, làm đất, vệ sinh đồng ruộng, nạo vét kênh mương nội đồng, ra quân diệt chuột ngay từ đầu vụ,…Công tác dự tính dự báo sâu bệnh được duy trì thường xuyên, liên tục, cảnh báo kịp thời tình hình sâu bệnh hại trên đồng ruộng, giúp nông dân chủ động phòng trừ có hiệu quả, hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại do sâu bệnh gây ra.

7-diem-thu-mua-dua-xuat-khau-tp-quang-ngai-anh-nguyen-dang-lam-1728895175.jpg

Điểm thu mua dưa hấu ở TP Quảng Ngãi xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh Đăng Lâm

 

+ Những khó khăn cần khắc phục…

Theo ông Nguyễn Quang Trung, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, hiện nay tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn nhiều khó khăn cần phải được khắc phục trong năm 2025 và những năm tiếp theo thì ngành nông nghiệp Quảng Ngãi mới phát triển bền vững đó là: Diện tích sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, gây khó khăn cho việc sản xuất trồng trọt theo hướng hàng hóa cũng như áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Việc phát triển và nhân rộng các mô hình chuyển đổi còn nhiều hạn chế, giá cả thị trường không ổn định, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp tiêu thụ nông sản và nông dân sản xuất, đó cũng là hạn chế lớn trong việc phát triển sản xuất trồng trọt hiện nay. Các nông sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh chủ yếu là cây hàng năm (dưa hấu, ớt, chuối) người nông dân thường xuyên thay đổi cây trồng sau mỗi vụ, không cố định một diện tích cho một loại cây trồng. Đối với cây ăn quả lâu năm, diện tích sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu (tối thiểu là 10 ha) nên chưa thể thực hiện cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu. Chưa có sự liên kết giữa nông dân sản xuất ở các vùng trồng và thương lái thu mua đóng gói nông sản xuất khẩu. Các thương lái thu mua đóng gói nông sản chưa mạnh dạn đầu tư cơ sở đóng gói theo yêu cầu của nước nhập khẩu do nguồn vốn đầu tư lớn trong khi xuất khẩu nông sản thời gian qua chưa được ổn định. Một số doanh nghiệp và người sản xuất còn thiếu kiến thức về các quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, đặc biệt là chưa được thông báo cụ thể các đối tượng kiểm dịch thực vật trên các cây trồng nhập khẩu, do đó chưa chủ động thực hiện giám sát sinh vật gây hại đảm bảo đúng quy định…

5-canh-dong-lua-mang-hin-xa-son-long-huyen-son-tay-anh-nguyen-dang-lam-1728895175.jpg

Cánh đồng lúa ở Mang Hin, xã Sơn Long, huyện miền núi Sơn Tây. Ảnh Đăng Lâm


Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT chưa ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến việc xây dựng, thiết lập và giám sát mã số vùng trồng phục vụ tiêu thụ trong nước. Do đó, địa phương chưa có cơ sở để làm căn cứ xây dựng định mức chi phí, ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước. Các văn bản qui định, hướng dẫn về cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói của các cơ quan Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Bảo vệ thực vật) còn mang tính tạm thời, thường xuyên thay đổi để đáp ứng yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt của nước nhập khẩu gây khó khăn, lúng túng cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.

N.Đ.L