
Ngay sau khi thành lập sở mới, đơn vị đã đẩy mạnh công tác kiểm tra tiến độ sử dụng đất, tập trung xử lý các vướng mắc liên quan đến kết luận thanh tra và bản án về đất đai, dự án. Các chính sách đặc thù của Quốc hội và Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, trong đó có Đà Nẵng, đang được triển khai tích cực.
Ngành tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến quản lý, đấu giá quyền sử dụng đất, hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và đẩy mạnh cải cách hành chính. Cùng với đó, công tác xây dựng Chương trình quan trắc môi trường giai đoạn 2026–2030 đang được chuẩn bị, tập trung vào thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt, xử lý chất thải rắn và bùn thải.
Lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản tiếp tục được kiểm kê, giám sát chặt chẽ. Thành phố phối hợp với tỉnh Quảng Nam trong điều phối lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và vùng bờ ven biển, hướng tới mục tiêu khai thác bền vững tài nguyên nước.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, thành phố triển khai sản xuất vụ Hè Thu 2025, tăng cường kiểm soát hoạt động giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giảm nghèo bền vững và xóa nhà tạm, nhà dột nát tiếp tục được đẩy mạnh.
Lĩnh vực thủy sản tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU); xây dựng quy hoạch tổng thể khai thác bền vững tài nguyên vùng bờ; đồng thời sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và các nghị quyết liên quan đến Phát triển kinh tế biển.
Công tác lâm nghiệp được chú trọng với nhiều nhiệm vụ quan trọng như: phòng cháy, chữa cháy rừng; kiểm soát việc vận chuyển lâm sản; điều tra hiện trạng rừng; xây dựng khung giá rừng mới và triển khai các dự án trồng rừng phòng hộ ven biển thích ứng biến đổi khí hậu, với tổng kinh phí gần 230 tỷ đồng. Thành phố cũng đang nghiên cứu chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phục vụ xây dựng Khu Thương mại tự do Đà Nẵng.
Trong lĩnh vực thủy lợi, các đơn vị liên quan tiếp tục kiểm tra an toàn hồ đập, ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn và tổ chức điều tra cơ bản tài nguyên nước. Tiến độ nâng cấp cảng cá, bảo đảm vệ sinh môi trường tại Âu thuyền và triển khai các phương án ứng phó sự cố tràn dầu cũng đang được đẩy nhanh.
Về cải cách hành chính, thành phố tăng cường chuyển đổi số, số hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả liên thông, kết nối giữa các cấp, các ngành. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng tiếp tục được thực hiện nghiêm túc, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

Để ngành Nông nghiệp và Tài nguyên – Môi trường phát triển theo hướng xanh và bền vững, thành phố Đà Nẵng cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư và du khách. Trong đó, đặc biệt chú trọng vận động không xả thải nước bẩn, rác thải nhựa và đồ nhựa dùng một lần xuống biển – những hành vi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh vật biển, nhất là các rạn san hô – nền tảng quan trọng của hệ sinh thái đáy biển.
Phát triển du lịch biển theo hướng xanh, bền vững sẽ góp phần duy trì chất lượng nước biển trong sạch, tạo điều kiện phục hồi và phát triển hệ thống rạn san hô trong môi trường lành mạnh, ổn định lâu dài. Qua đó, Đà Nẵng không chỉ bảo vệ môi trường biển mà còn gia tăng sức hút đối với du khách trong nước và quốc tế; thúc đẩy du lịch sinh thái gắn với bảo tồn, bảo đảm an sinh xã hội và hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh trong giai đoạn tới.
Năm 2024, ngành Nông nghiệp và Môi trường thành phố Đà Nẵng chiếm gần 7,5% trong cơ cấu GRDP, với tổng giá trị đạt gần 1000 tỷ đồng, tăng 3% so với năm trước. Dự kiến năm 2025, GRDP ngành này sẽ đạt khoảng hơn 10tỷ đồng, chiếm 7% GRDP toàn thành phố sau sắp xếp địa giới hành chính. Đáng chú ý, diện tích đất nông nghiệp toàn thành phố hiện vượt 1 triệu ha, chiếm hơn 85% tổng diện tích tự nhiên; lực lượng lao động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản đạt 196.000 người, tương đương hơn 13% tổng lao động xã hội.
Toàn thành phố hiện có 420 trang trại, chủ yếu là chăn nuôi, với tỷ lệ cao áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và xử lý chất thải. Bên cạnh đó, việc thực hiện Đề án “Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường” giai đoạn 2021–2024 đã đạt nhiều kết quả tích cực: 100% xe buýt mới đạt chuẩn khí thải Euro 4, chỉ số chất lượng không khí (AQI) duy trì dưới 100, triển khai trạm sạc điện, taxi điện và quan trắc môi trường tự động tại nhiều điểm trọng yếu.
Công tác quản lý chất thải và cải thiện môi trường có nhiều chuyển biến: 100% người dân được cấp nước sạch; gần 90% nước thải đô thị được xử lý đạt chuẩn; các khu công nghiệp, công nghệ cao có hệ thống xử lý nước thải tập trung; chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đúng quy định; phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn đạt trên 93%.
Ngoài ra, Đà Nẵng đẩy mạnh xử lý ô nhiễm tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, đầu tư hạ tầng Khu liên hợp xử lý chất thải Khánh Sơn, và tăng cường hợp tác quốc tế. Tiêu biểu là các dự án môi trường do Nhật Bản và Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ, hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon, kiểm soát ô nhiễm và quản lý tổng hợp lưu vực sông.