Sự cố đường sụt khiến ô tô gặp nạn: Trách nhiệm thuộc về ai, người bị hại được bồi thường thế nào?

Chỉ sau hơn một tháng đưa vào sử dụng, đường dẫn cầu Hòa Bình (tỉnh Tây Ninh) đã xảy ra hiện tượng sụt lún nghiêm trọng vào sáng 11/5, khiến ô tô và xe máy rơi xuống hố, 6 người phải nhập viện cấp cứu.

Sự cố gây lo ngại về chất lượng công trình và trách nhiệm của các bên liên quan.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Tây Ninh, nguyên nhân bước đầu được xác định là do "túi bùn cục bộ dưới nền đường đầu cầu bị trượt, gây sụt lún nền và mặt đường".

Hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, làm rõ các yếu tố kỹ thuật có liên quan.

07
 

Liên quan đến vấn đề chất lượng công trình, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái (Đại học Giao thông Vận tải) nhận định rằng tiến độ xây dựng là yếu tố quan trọng nhưng không thể đặt lên trên yêu cầu về chất lượng.

“Việc rút ngắn thời gian hay chi phí là điều cần thiết, song không được phép làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Giống như một sản phẩm nếu giá rẻ nhưng không sử dụng được thì cũng không có giá trị”, ông nói.

Ông ví việc triển khai một dự án như quá trình mang thai: “Nếu quá sớm, sẽ là đẻ non. Dự án cũng vậy, phải đủ thời gian để đảm bảo an toàn và chất lượng”.

PGS.TS Hồng Thái cũng cho rằng, nếu muốn khánh thành công trình vào một thời điểm cụ thể thì cần tính toán kỹ từ thời điểm khởi công để không phải rút ngắn những công đoạn cần thiết.

GS Trần Đức Nhiệm – nguyên Trưởng khoa Công trình, Đại học Giao thông Vận tải cho biết hiện chưa thể kết luận nguyên nhân chính xác, cần chờ kết quả điều tra. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng trường hợp này có thể bắt nguồn từ lỗi trong khâu chuẩn bị hoặc khảo sát địa chất chưa đầy đủ.

08
 

“Giữa hai mũi khoan thăm dò địa chất cách nhau 500m có thể xuất hiện túi bùn mà không phát hiện được. Đây là rủi ro từng xảy ra trên tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai.

Khi ấy không có ai bị thương do kịp thời cảnh báo. Còn ở Tây Ninh, rất có thể lỗi nằm ở đơn vị tư vấn địa phương khi khảo sát chưa đạt mật độ cần thiết”, GS Nhiệm nêu ý kiến.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng đây là vụ việc nghiêm trọng, cho thấy chất lượng công trình chưa đảm bảo an toàn và đã gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe cho người tham gia giao thông.

Theo luật sư Cường, cơ quan chức năng cần làm rõ toàn bộ quá trình khảo sát, thiết kế và thi công dự án, từ đó xác định có sai phạm ở khâu nào để xử lý trách nhiệm tương ứng.

Nếu phát hiện vi phạm trong khảo sát, thiết kế hoặc thi công, tổ chức, cá nhân có liên quan có thể bị xử lý hành chính, dân sự hoặc hình sự tùy theo mức độ.

09
 

Về quyền lợi của những người gặp nạn trong sự cố, luật sư Cường nhấn mạnh: “Đơn vị thi công hoặc cơ quan tổ chức có lỗi khi đưa công trình vào khai thác sẽ phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Việc bồi thường bao gồm cả thiệt hại về tài sản và sức khỏe.

Đây là trách nhiệm dân sự, đồng thời không loại trừ khả năng phải chịu trách nhiệm hành chính hoặc hình sự nếu có sai phạm nghiêm trọng”.

Sự cố tại cầu Hòa Bình một lần nữa đặt ra yêu cầu nghiêm túc về chất lượng và kiểm soát rủi ro trong các công trình hạ tầng.

Trong khi nguyên nhân chính thức đang được điều tra, dư luận kỳ vọng các bên liên quan sẽ nhanh chóng xác định rõ trách nhiệm, xử lý minh bạch và có chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân bị thiệt hại.