Dấu chân địa đàng
Nhớ “Dấu chân địa đàng” [1] Trịnh Công Sơn ở Bảo Lộc (kỳ 1)
B’Lao xưa – Thành phố Bảo Lộc ngày nay thuộc tỉnh Lâm Đồng có độ cao trung bình 800 mét so với mặt nước biển; được trời phú cho khí hậu ôn hoà, quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình 21 – 230C, lượng mưa 2.400-3.400mm. Theo sử liệu và địa chí Lâm Đồng[2], vào khoảng năm 1890, bác sĩ, nhà vi khuẩn học và là nhà thám hiểm người Pháp Alexander Yersin trên đường thám hiểm cao nguyên Langbian đã phát hiện ra nơi này gọi là xứ B’Lao. Một vùng chuyên canh trà, cà phê trù phú được hình thành những thập niên sau đó, từ thời Pháp thuộc. Trong lịch sử phát triển, B’Lao rộng lớn bao gồm cả 5 huyện: Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đạ Huoai và một phần tỉnh Đồng Nai bây giờ. Năm 1958, tỉnh Đồng Nai Thượng được phân định lại ranh giới và đổi tên thành tỉnh Lâm Đồng (cũ), tỉnh lỵ dời từ Djiring (Di Linh) xuống B’Lao. Lúc này B’Lao cũng được đổi tên thành Bảo Lộc, nhưng địa danh B’Lao luôn hiện diện như linh hồn của giá trị văn hoá miền đất cao nguyên này.