Nhớ “Dấu chân địa đàng” [1] Trịnh Công Sơn ở Bảo Lộc (kỳ 1)

B’Lao xưa – Thành phố Bảo Lộc ngày nay thuộc tỉnh Lâm Đồng có độ cao trung bình 800 mét so với mặt nước biển; được trời phú cho khí hậu ôn hoà, quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình 21 – 230C, lượng mưa 2.400-3.400mm. Theo sử liệu và địa chí Lâm Đồng[2], vào khoảng năm 1890, bác sĩ, nhà vi khuẩn học và là nhà thám hiểm người Pháp Alexander Yersin trên đường thám hiểm cao nguyên Langbian đã phát hiện ra nơi này gọi là xứ B’Lao. Một vùng chuyên canh trà, cà phê trù phú được hình thành những thập niên sau đó, từ thời Pháp thuộc. Trong lịch sử phát triển, B’Lao rộng lớn bao gồm cả 5 huyện: Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đạ Huoai và một phần tỉnh Đồng Nai bây giờ. Năm 1958, tỉnh Đồng Nai Thượng được phân định lại ranh giới và đổi tên thành tỉnh Lâm Đồng (cũ), tỉnh lỵ dời từ Djiring (Di Linh) xuống B’Lao. Lúc này B’Lao cũng được đổi tên thành Bảo Lộc, nhưng địa danh B’Lao luôn hiện diện như linh hồn của giá trị văn hoá miền đất cao nguyên này.

Vào giữa thập niên 1960, một thanh niên trẻ mới ngoài 20 tuổi tên là Trịnh Công Sơn vừa tốt nghiệp trường sư phạm đã bước chân lên miền rừng núi cao nguyên B’Lao heo hút và lạnh giá để làm nghề dạy học.

Theo khảo cứu, Trịnh Công Sơn học khóa I Trường Sư phạm Qui Nhơn (1962 – 1964), mãn khóa ông được bổ nhiệm lên B’Lao dạy học ở trường Bảo An. Trường chỉ có ba lớp 1,2,3 do ông làm Trưởng giáo, thuộc loại trường sơ cấp, không có chức danh Hiệu trưởng, người phụ trách trường gọi là Trưởng giáo. Sĩ số mỗi lớp chừng vài mươi em, đa số học sinh là người dân tộc ít người K’Ho, chỉ có dăm ba em là người Kinh. Học sinh mặt mày lem luốt, mũi dãi lò thò, áo quần rách rưới, nhuộm bụi đỏ trông rất thê thảm. Vào mùa hái trà hay mùa cà phê, các em ở nhà giúp cha mẹ, đến lớp chỉ có mươi mười lăm em. Cơ sở của trường có hai phòng đứng chơ vơ trên một bãi đất trơ trụi, mái lợp tranh, vách nứa. Phòng học không có cửa, nhiều hôm mây mù trắng xoá là đà bay tràn vào lớp học làm cho thầy giáo và học trò cũng lãng đãng theo mây như trong truyện cổ tích. Hằng ngày ông Trưởng giáo họ Trịnh đi về dạy học phải cuốc bộ trên con đường dốc mà vào mùa nắng thì bụi đỏ mịt mù, vào mùa mưa bùn lầy nhoe nhoét. Trịnh Công Sơn gọi nơi này là “xứ bụi đỏ sương mù”.

k1dau-chan-dia-dang-01-1711943603.jpg

Dấu chân địa đàng của Trịnh Công Sơn 

Những năm ở Bảo Lộc, ông cùng với 3 đồng nghiệp nữa thuê một căn nhà nhỏ mới xây nhìn ra một con đường dốc đất đỏ.

Cứ như thế, ngày tháng trôi đi, Trịnh Công Sơn dạy học ở Bảo Lộc suốt 3 năm trời ròng rã từ 1964 – 1967. Dù còn những nổi niềm suy tư về phận đời, phận người, thời cuộc và sự hy sinh của cá nhân ông chưa thể nào tả hết, nhưng phải nói rằng, Trịnh Công Sơn bước chân vào đời trước tiên là một nhà giáo yêu nghề, yêu trẻ, chịu đựng và dấn thân, dâng hiến tuổi thanh xuân của mình cho nền giáo dục nước nhà. Điều đó được minh chứng, một chàng trai xứ Huế mộng mơ, học nghề sư phạm, không tìm cách ở lại chốn thị thành (dạy nhạc ở Trường Sư phạm Quy Nhơn như kể trong thư gửi cho người yêu Dao Ánh đề ngày 2/9/1964) mà sẳn sàng đi nhận nhiệm sở nơi vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, khó khăn nhất thời đó. Trong hồi ký của ông Nguyễn Thanh Ty (đồng nghiệp của Trịnh Công Sơn ở B’Lao) khi đến thăm nơi ông giáo họ Trịnh dạy học, có đoạn viết: “… . Leo hết con dốc ngắn, ngôi trường hiện ra trên một khoảng đất trống, xung quanh trơ trọi không một cây cối gì cả. Trường được ngăn đôi thành hai lớp học. Mái tranh, vách đất, không cửa nẻo. Trong lớp, một bàn vuông cho thầy, sáu bộ bàn ghế dài cho trò. Trên vách treo một bảng đen, màu đen bạc thếch ở giữa. Chắc trải nhiều năm tháng không ai buồn sơn lại. Bụi đỏ bám khắp nơi. Từ vách đến bàn ghế thầy lẫn trò. …”.

anh-chup-man-hinh-2024-04-01-luc-105434-1711943706.png

Một góc Bảo Lộc ngày nay, thành phố trong xanh, trong hoa và bình yên -  Công viên hồ Bảo Lộc, nơi những năm 1964 - 1967 nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thường hát trong các buổi diễn văn nghệ

Ngày nay, con đường xưa từng in dấu chân của Trịnh Công Sơn đã khác nhiều. Còn thì ngôi trường xưa hay căn nhà nơi Trịnh Công Sơn từng sống đã thay đổi theo thời gian, không còn dấu tích. Nhưng hình bóng của ông giáo Sơn là vẫn còn hiển hiện trong ký ức những người yêu mến ông cũng như những học trò cũ nay đã ngoài tuổi lục tuần.

toan-canh-trung-tam-thanh-pho-bao-loc-1711943603.jpg
Toàn cảnh trung tâm thành phố Bảo Lộc

Mỗi lần viết về miền văn hóa B’Lao nơi mình đang sống, tôi và nhiều người ước rằng ở Bảo Lộc có một ngôi trường mang tên Trịnh Công Sơn, có một con đường mang tên Trịnh Công Sơn hay có một không gian tái hiện nơi ông từng sống. Để mọi người cũng như những nhà giáo, nghệ sĩ… tưởng nhớ đến dấu chân địa đàng Trịnh Công Sơn để lại trần gian – nơi vùng đất này; để cùng nhau chiêm nghiệm lòng nhiệt huyết, sự dấn thân của ông – Một nhà giáo chân chính, một nhạc sĩ tài hoa có tâm hồn cao đẹp tựa loài hoa dạ lan, chỉ tỏa hương vào ban đêm../.

 (1). Nhan đề bài hát của Trịnh Công Sơn.

(2). NXB Văn hóa dân tộc - Hà Nội, 2001.

(3). Bài hát“Tiếng hát dạ lan” sau tác giả đổi tên thành “Dấu chân địa đàng”.

(Tác giả viết nhân kỷ niệm 23 năm ngày mất Trịnh Công Sơn 1.4.2001 – 2024)