Ở Cần Thơ, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã xuất khẩu lô gạo đầu tiên sang Hàn Quốc; tại Kiên Giang và Cà Mau, các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu đã ký một loạt hợp đồng trị giá khoảng 70 triệu USD, hầu hết tập trung vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Anh, Mỹ…
Chế biến thanh long xuất khẩu ở tỉnh Long An. Ảnh: NGỌC PHÚC |
Nhiều đơn hàng
Ông Trần Quốc Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất khẩu thủy sản Kiên Hùng (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang), cho biết, vừa ký hợp đồng xuất 2 lô hàng mực hấp và cá đồng sang Nhật Bản với tổng giá trị 48 triệu USD, thời gian hoàn thành hợp đồng từ nay đến tháng 4-2023. Theo ông Trần Quốc Dũng, Nhật Bản là thị trường khó tính với nhiều quy định rất khắt khe đối với ngành hàng thủy sản. Sản phẩm phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc; quá trình chăn nuôi, đánh bắt phải đúng quy định. Mặt hàng cá đồng (cá he, mè vinh, chép…) trở nên hút hàng. Các tỉnh cung ứng nguồn nguyên liệu cá đồng nuôi chủ yếu là Long An, Tiền Giang, An Giang, Hậu Giang.
Sau Tết Nguyên đán, hầu hết nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu tại ĐBSCL đã đón công nhân trở lại làm việc để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu. Trong đó, 3 địa phương là Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng đều phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản trên 1 tỷ USD trong năm 2023.
Ông Huỳnh Thanh Tân, Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến và dịch vụ thủy sản Cà Mau (CASES), cho biết, từ ngày 27-1 (mùng 6 Tết), hệ thống 5 nhà máy và 3 cơ sở sơ chế của công ty đón trên 5.000 công nhân trở lại làm việc. Ông Nguyễn Văn Đô, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau, cho biết, mục tiêu xuất khẩu tỉnh đặt ra năm 2023 là 1,3 tỷ USD, phần lớn là xuất khẩu tôm. Nhận định về thị trường xuất khẩu thủy sản năm 2023, ông Nguyễn Văn Đô cho rằng, có thuận lợi và khó khăn đan xen. Trong đó, Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn tạo thuận lợi rất lớn cho việc xuất khẩu vào thị trường này. “Chúng tôi cam kết tạo mọi điều kiện cho hoạt động xuất khẩu. Tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu tại các thị trường truyền thống; hỗ trợ doanh nghiệp đàm phán, tranh thủ cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết để thúc đẩy xuất khẩu”, ông Nguyễn Văn Đô thông tin thêm.
Thời điểm này, giá tôm tại 2 tỉnh có diện tích nuôi nhiều là Kiên Giang, Cà Mau ổn định và duy trì ở mức cao. Cụ thể, tôm sú loại 40 con/kg giá 156.000-160.000 đồng/kg; tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg giá 102.000 đồng/kg, loại 50 con/kg giá 136.000 đồng, 30 con/kg giá 168.000 đồng/kg. Giá tôm hiện tại, nhất là đối với tôm thẻ chân trắng cao hơn năm ngoái, tăng 20.000 - 30.000 đồng/kg so với thời điểm giá tôm thẻ giảm rất sâu vào tháng 8 và 9-2022.
Đại diện Công ty Trung Sơn (nuôi và chế biến tôm xuất khẩu theo công nghệ cao, dây chuyền khép kín tại huyện Kiên Lương, Kiên Giang) cho biết, mặt hàng tôm hấp hiện tại xuất mạnh hơn tôm đông, chiếm tỷ lệ khoảng 70%. Thị trường chủ lực là Mỹ, Trung Quốc, EU.
Tăng tốc xuất khẩu
Trong ngày làm việc đầu năm 27-1, lãnh đạo TP Cần Thơ đã có mặt tại Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An để chứng kiến doanh nghiệp xuất khẩu lô gạo 100% tấm chất lượng cao đầu tiên sang thị trường Hàn Quốc. Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết: Doanh nghiệp đã ký và sẽ xuất khẩu 20.000 tấn gạo từ nay đến tháng 4-2023 sang Hàn Quốc, giá xuất khẩu lô gạo khá cao với 468 USD/tấn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đã ký kết xuất 6.000 tấn gạo thơm sang thị trường Singapore, Malaysia. “Hiện doanh nghiệp đã liên kết với nông dân nhiều tỉnh vùng ĐBSCL sản xuất khoảng 9.000ha lúa thơm, lúa chất lượng cao gắn với bao tiêu đầu ra, tạo vùng nguyên liệu dồi dào. Hiện cước vận tải đã thuận lợi hơn. Chắc chắn các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tranh thủ tăng tốc xuất khẩu”, ông Phạm Thái Bình nhận định.
Tại tỉnh Long An, sản lượng lúa đạt gần 3 triệu tấn/năm, với nhiều loại gạo được chế biến, xuất khẩu như Jasmine 85, Nàng Hoa, Thơm Lài, nếp. Long An có trên 160 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến lúa gạo phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Có 25 doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo trực tiếp. Trong đó, có 3 doanh nghiệp được xuất khẩu gạo trực tiếp sang Trung Quốc. Khi thị trường Trung Quốc trở lại bình thường, các doanh nghiệp sẽ tận dụng tốt cơ hội. Nhiều địa phương đang tận dụng xây dựng nguyên liệu gắn với các tiêu chuẩn sản xuất để tăng tốc xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, EU.
Cùng với Hậu Giang, Cần Thơ, tỉnh Long An đã tập trung đầu tư bài bản cho gần 11.000ha chanh, trong đó, huyện Bến Lức chiếm gần 7.000ha. Bến Lức đã phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gần 2.000ha chanh. Để cây chanh phát triển bền vững, Bộ NN-PTNT đầu tư dự án hạ tầng kỹ thuật nhằm xây dựng cầu, đê bao kết hợp đường giao thông vận chuyển nông sản, hệ thống cống, điện bơm tưới, tiêu nước... cho vùng chuyên canh chanh. Gần 5.000ha diện tích trồng chanh hưởng lợi từ dự án này. Dự án có mức đầu tư gần 200 tỷ đồng, mở ra điều kiện thuận lợi cho nông dân trồng chanh xuất khẩu, làm giàu. Đặc biệt, tỉnh Long An đang thực hiện thủ tục xin cấp chỉ dẫn địa lý chanh không hạt Bến Lức để có lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu.
Bà Châu Thị Lệ, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An, cho biết, để bảo đảm cho nông sản tiếp tục vươn ra thế giới, sở phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương liên quan đẩy mạnh tuyên truyền cho nông dân hiểu rõ những quy định, yêu cầu của thị thường nhập khẩu; danh mục, quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, khuyến khích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, bảo đảm an toàn thực phẩm nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.