Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Hội nghị. Hội nghị tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến các điểm cầu trong cả nước.
Trước giờ diễn ra Hội nghị, lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan triển lãm “những thành tựu trong xây dựng và thi hành pháp luật; những thành tựu trong Phát triển kinh tế tư nhân và các gian hàng trưng bày sản phẩm của doanh nghiệp tư nhân”, tại tầng 1, Nhà Quốc hội.

Truyền đạt chuyên đề 1 “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 68”, Thủ tướng tập trung giới thiệu các nhóm nội dung chủ yếu gồm: khái quát thực trạng khu vực kinh tế tư nhân; các nội dung cốt lõi của Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị; các nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 138/NQ-CP của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ; các nội dung trọng tâm của Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân; nội dung chính của Nghị quyết 139/NQ-CP của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 198/2025/QH15 và công tác tổ chức thực hiện.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính việc phát triển kinh tế tư nhân được thể hiện tại các văn kiện, nghị quyết, luật của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ trong suốt gần 40 năm qua. Nhờ đó, kinh tế tư nhân liên tục phát triển, khẳng định là một động lực quan trọng của nền kinh tế; kênh huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước; tạo việc làm, thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; thúc đẩy hội nhập quốc tế; đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước.
Đến nay cả nước có gần 1 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng khoảng 50% GDP; giai đoạn 2017-2024, khu vực kinh tế tư nhân sử dụng bình quân hơn 43,5 triệu lao động, chiếm hơn 82% tổng số lao động có việc làm trong nền kinh tế; năm 2024 đóng góp 56% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; đóng góp hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và khoảng 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Đặc biệt, kinh tế tư nhân là khu vực năng động trong đổi mới công nghệ, sáng tạo sản phẩm và dịch vụ. Đội ngũ doanh nhân ngày càng phát triển lớn mạnh.
Theo Thủ tướng, mặc dù có nhiều đóng góp quan trọng, khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn những tồn tại, hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng, nội lực và chưa đóng góp xứng đáng cho kinh tế quốc gia cả về số lượng, quy mô, đóng góp vào GDP, tiếp cận các nguồn lực còn khó khăn, kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân với các loại hình doanh nghiệp khác còn hạn chế...
Nêu rõ nguyên nhân của tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm trong phát triển kinh tế tư nhân; đồng thời phân tích về yêu cầu về chính sách đột phá phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng Chính phủ cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã khẩn trương thực xây dựng các đề án, dự thảo trình Bộ Chính trị, Quốc hội ban hành các Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân.
Trong đó, Nghị quyết 68-NQ/TW đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo mang tính đột phá về phát triển kinh tế tư nhân: khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao vừa là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài; xoá bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân.
Cùng với đó, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bảo đảm khả năng cạnh tranh khu vực, toàn cầu; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, làm giàu hợp pháp, đóng góp cho đất nước; tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, kiến tạo của Nhà nước, lấy doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể; tôn vinh, cổ vũ, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh.
Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân; có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 55-58% GDP, 35-40% tổng thu ngân sách nhà nước; giải quyết việc làm cho khoảng 84-85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5-9,5%/năm; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của kinh tế tư nhân thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu châu Á.
Tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP.
Nghị quyết 68 đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thể hiện tinh thần đổi mới, đột phá, cải cách mạnh mẽ, bảo đảm bám sát 3 đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng và trong tổng thể 04 Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị - là bộ tứ chiến lược về: phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; hội nhập quốc tế; công tác xây dựng và thực thi pháp luật; phát triển kinh tế tư nhân.
Trong đó để phát triển kinh tế tư nhân phải đổi mới tư duy, thống nhất cao về nhận thức và hành động, khơi dậy niềm tin, khát vọng dân tộc, tạo xung lực phát triển kinh tế tư nhân; đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng của kinh tế tư nhân và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân.
Đặc biệt, phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự để củng cố niềm tin của doanh nghiệp, doanh nhân, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh hiệu quả, bền vững trong kinh tế tư nhân; tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI; hình thành và phát triển nhanh các doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu; hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh; đề cao đạo đức kinh doanh, phát huy trách nhiệm xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nhân tham gia quản trị đất nước.
Tại Nghị quyết 68, Bộ Chính trị giao nhiệm vụ cụ thể cho Đảng uỷ Quốc hội, Đảng uỷ Chính phủ, các Ban Đảng ở Trung ương, Đảng uỷ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương trong triển khai thực hiện Nghị quyết 68-NQ/TW.

Thực hiện Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 16/5/2025 nhằm cụ thể hoá, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, với phương châm tập trung thực hiện với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết định, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm; phân công nhiệm vụ phải bảo đảm cụ thể, rõ ràng cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện với tinh thần “6 rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả”.
Chương trình hành động của Chính phủ đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ với 117 nhiệm vụ cụ thể, giao cho từng bộ, ngành, các địa phương chủ trì hoặc phối hợp triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, với thời hạn, kết quả cụ thể để phát triển kinh tế tư nhân nhanh và bền vững.
Trong đó, xác định 5 nhiệm vụ thực hiện đổi mới tư duy, nhận thức và hành động về phát triển kinh tế tư nhân; 50 nhóm nhiệm vụ về cải cách, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng, bảo đảm thực thi hợp đồng, gồm các nhiệm vụ về rà soát, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung 11 luật; thay đổi tư duy hành chính từ kiểm soát sang đồng hành, coi doanh nghiệp là đối tượng “phục vụ” thay vì đối tượng “quản lý”, nghiêm cấm lạm dụng cơ chế “xin-cho”.
Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 68 cũng chỉ rõ 31 nhiệm vụ tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao; 4 nhóm nhiệm vụ về thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong kinh tế tư nhân; 6 nhóm nhiệm vụ về tăng cường kết nối giữa các loại hình doanh nghiệp; 7 nhiệm vụ về hình thành, phát triển các doanh nghiệp vừa và lớn, trong đó xây dựng, triển khai Chương trình phát triển 1.000 doanh nghiệp tiêu biểu, tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ...; 5 nhóm nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh; 12 nhiệm vụ về đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nhân.
Được biết, triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 198/2025/ QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó, để cải thiện môi trường kinh doanh, Nghị quyết của Quốc hội quy định nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận, cạnh tranh và tiếp cận nguồn lực đối với kinh tế tư nhân; nguyên tắc xử lý vi phạm và giải quyết vụ việc trong hoạt động kinh doanh; phân định rõ giữa trách nhiệm của pháp nhân với trách nhiệm của cá nhân trong xử lý vi phạm; giữa trách nhiệm hình sự với trách nhiệm hành chính, dân sự theo tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW; quy định cụ thể về gải quyết phá sản doanh nghiệp; rút ngắn tối thiểu 30% về thời gian, đơn giản hóa trình tự, thủ tục giải quyết so với thủ tục thông thường…
Để hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, Nghị quyết giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định về tiêu chí, mức, hình thức hỗ trợ, trình tự, thủ tục đối với từng loại tài sản và công khai trên trang thông tin điện tử của địa phương... Nghị quyết cũng quy định về hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công, trong đó Nhà nước hỗ trợ lãi suất 2%/năm khi vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG); hỗ trợ vay vốn từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; các trường hợp miễn giảm thuế, phí, lệ phí; ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, trong đó quy định về việc gói thầu xây lắp, mua sắm hàng hóa sử dụng ngân sách nhà nước không quá 20 tỷ đồng được dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nghị quyết của Quốc hội quy định chính sách hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực, trong đó, doanh nghiệp được trích tối đa 20% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; được trừ 200% chi phí thực tế của hoạt động này khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; bố trí ngân sách nhà nước để đào tạo, bồi dưỡng 10 nghìn giám đốc điều hành đến năm 2030...
Nghị quyết quy định cụ thể hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong như: đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu thực hiện dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia; hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu...
Thủ tướng Chính phủ cho biết, ngày 17/5/2025 Quốc hội ban hành Nghị quyết số 198/2025/QH15 thì cũng trong ngày 17/5/2025, Chính phủ Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 139/NQ-CP về Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể với thời hạn cụ thể cho các bộ, cơ quan, địa phương để tập trung triển khai thực hiện, phát huy hiệu quả ngay từ thời điểm ban hành.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp trả lời, trao đổi về các ý kiến của các đại biểu doanh nghiệp về hiện thực hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân; vấn đề số hóa hệ thống pháp luật, để tiếp kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, trong đó có xây dựng cổng pháp lý số phục vụ doan nghiệp; việc tạo điều kiện tiếp cận về đất đai, mặt bằng sản xuất, vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ...
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; phân công nhiệm vụ với thời hạn cụ thể; thường xuyên kiểm tra, đánh giá, giám sát thực hiện các Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, trên tinh thần “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã thực hiện là phải có kết quả cụ thể, thiết thực", khẩn trương đưa Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân vào cuộc sống.